13/01/2025

Teo tóp tiếng Anh tăng cường

Sau 5 năm học chương trình tiếng Anh tăng cường với sự đầu tư rất lớn về tiền bạc của phụ huynh và thời gian của học sinh thì khi lên lớp 6, học sinh theo học chương trình này tại TP.HCM vẫn phải học với sách giáo khoa tiếng Anh của Bộ GD-ĐT dành cho học sinh mới bắt đầu làm quen với tiếng Anh!

 

Teo tóp tiếng Anh tăng cường

 

Sau 5 năm học chương trình tiếng Anh tăng cường với sự đầu tư rất lớn về tiền bạc của phụ huynh và thời gian của học sinh thì khi lên lớp 6, học sinh theo học chương trình này tại TP.HCM vẫn phải học với sách giáo khoa tiếng Anh của Bộ GD-ĐT dành cho học sinh mới bắt đầu làm quen với tiếng Anh!

 

 Teo tóp tiếng Anh tăng cường
Học sinh lớp tiếng Anh tăng cường. Ở bậc THCS các học sinh này vẫn phải học sách giáo khoa tiếng Anh dành cho người bắt đầu học dù kiến thức đã vượt nội dung trong sách – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

 

Một phụ huynh đã cho con học chương trình tiếng Anh tăng cường ở Trường tiểu học Lê Văn Sỹ, Q.Tân Bình, bất bình cho rằng ngoài những khoản thu như học sinh các lớp khác thì phụ huynh phải đóng tiền cơ sở vật chất của chương trình, các chương trình phần mềm tiếng Anh khác, tiền học với giáo viên nước ngoài… Học sinh cũng dành nhiều thời gian cho môn học để đạt được các yêu cầu về kiến thức để lấy các chứng chỉ quốc tế. Thế nhưng khi mới chỉ vào học lớp 6 được vài ngày, phải tìm ngay lớp học tiếng Anh bên ngoài cho con. Phụ huynh này cho biết: “Cháu kể, trên lớp cháu học sách giáo khoa tiếng Anh lớp 6 với những kiến thức cơ bản cháu đã học ở bậc tiểu học. Các bạn trong lớp đều thấy chán và không hào hứng, nhiều bạn làm việc riêng trong lớp. Nếu tình trạng này kéo dài tôi sợ các cháu sẽ không muốn học ngoại ngữ nữa. Như vậy 5 năm học tiếng Anh tăng cường trở thành công cốc hay sao?”.

Trình độ lớp 7, học lại kiến thức cơ bản

Một giáo viên tiếng Anh tại Q.1 cho biết do tiếp cận với tiếng Anh từ lớp 1 nên khi hết lớp 5, học sinh tham gia chương trình này đã học đến các thì quá khứ tiếp diễn, hiện tại hoàn thành tương đương với trình độ học sinh lớp 7. Còn chương trình tiếng Anh lớp 6 hiện hành (hệ 7 năm, từ lớp 6 – 12), học sinh bắt đầu với các kiến thức cơ bản, đơn giản như động từ to be chẳng hạn. Tuy nhiên, do các trường vẫn phải đảm bảo chương trình của Bộ GD-ĐT nên mỗi tuần, tùy khối lớp, học sinh học chương trình tăng cường tiếng Anh ở bậc THCS học 3 – 4 tiết theo sách của Bộ và 4 – 5 tiết tăng cường với giáo trình Solutions của Nhà xuất bản Oxford.

 

 
 

Thấy bất cập mà chưa điều chỉnh

Trả lời những vấn đề mà Báo Thanh Niênđặt ra, ông Trần Đình Nguyễn Lữ, chuyên viên Sở GD-ĐT TP.HCM, nhìn nhận: “Đây đúng là sự không trọn vẹn của chương trình nhưng không thể làm khác được. Chương trình và sách giáo khoa do Bộ ban hành, giáo viên và học sinh vẫn phải thực hiện đúng và đủ. Chỉ khi Bộ có những thay đổi về chương trình, về sách giáo khoa, nâng cao vai trò tự chủ của các địa phương thì lúc đó thành phố sẽ có lộ trình phù hợp cho học sinh chứ không phải học lại kiến thức như thời gian qua. Tất nhiên Sở nhận ra được sự bất cập này. Khi được phép thì sẽ có điều chỉnh phù hợp”.

 

 

 

Giáo viên tiếng Anh của Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (Q.Tân Bình) cũng nhấn mạnh: “Việc học song song 2 giáo trình có sự bất cập. Nếu như có sự xuyên suốt giáo trình từ bậc tiểu học trở lên thì rõ ràng trình độ học sinh sẽ phát triển hơn rất nhiều”. Ông Nguyễn Văn Vượng, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (Q.Tân Bình), nhận định: “Tiếng Anh tăng cường là chương trình nâng cao, nếu có tính liên tục thì rõ ràng là hay hơn, duy trì được kế hoạch học tập cũng như trình độ ngay trong trường phổ thông. Bởi học sinh học tiếng Anh tăng cường đều đã được học với giáo viên bản xứ, có điều kiện cọ xát giao tiếp”.

 

“Chết yểu” mà Sở cũng không biết!

Khoảng 5 năm nay, học sinh hoàn thành chương trình này ở bậc THCS gặp trở ngại khi bước vào bậc THPT.

Một phụ huynh học sinh ở Q.1 mới đây trong khi làm hồ sơ đăng ký nguyện vọng lớp 10 cho con đã học chương trình tiếng Anh tăng cường tỏ ra tiếc vì khi chọn được các trường vừa với sức học thì trường đó không có chương trình này. “Uổng phí mấy năm học quá!”, phụ huynh này tiếc nuối.

Hiện trong tổng số 102 trường THPT tại TP.HCM, chỉ có 37 trường tổ chức lớp tiếng Anh tăng cường trong khi đó hầu như các quận đều có tăng cường tiếng Anh ở bậc THCS.

Gần 5 năm nay, Sở GD-ĐT đều thông tin một trường THPT ở khu vực ngoại thành có tổ chức chương trình tiếng Anh tăng cường. Khi chúng tôi liên hệ tìm hiểu thông tin thì hiệu trưởng trường này cho biết chương trình đã “chết yểu” chỉ sau 1 năm thực hiện. Từ đó đến nay, trường vẫn thu học phí chương trình này nhưng học sinh vẫn học sách giáo khoa của Bộ có sự tham gia của giáo viên nước ngoài (không học chương trình tăng cường). Tuy nhiên, hiệu trưởng này cho rằng như thế lại thấy hiệu quả! Vấn đề đặt ra là học sinh tham gia chương trình tiếng Anh tăng cường sẽ có học bạ riêng vậy sao trường không thực hiện mà Sở cũng không biết? “Sở không nói gì nên cứ để vậy luôn”, hiệu trưởng trường này nói.

Thực tế này khiến nhiều hiệu trưởng cho rằng đây chính là lỗ hổng của chương trình và Sở đã không có giải pháp thích hợp. Còn một chuyên viên tiếng Anh của Sở thì nhìn nhận, chương trình cao lắm chỉ liên thông lên đến bậc THCS.

Bích Thanh