12/01/2025

Chúa Nhật 24 TN A – 2014: Thánh giá là phương tiện diễn tả tình yêu cứu độ

Giáo Hội mời gọi chúng ta suy tôn thánh giá không phải để cổ vũ cho đau khổ và cái chết, nhưng cổ vũ ta sống vì tình yêu và chết vì tình yêu như Chúa Giêsu trên thập giá để cứu độ thế giới.

 Chúa Nhật 24 TN A – 2014

Thánh giá là phương tiện diễn tả tình yêu cứu độ

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Giáo Hội mời gọi chúng ta suy tôn thánh giá không phải để cổ vũ cho đau khổ và cái chết, nhưng cổ vũ ta sống vì tình yêu và chết vì tình yêu như Chúa Giêsu trên thập giá để cứu độ thế giới. Chúng ta dành ít phút để suy niệm về thập giá Chúa Giêsu.

1. Lịch sử ngày lễ Suy tôn Thánh giá

Lịch sử ngày lễ Suy tôn Thánh giá hôm nay có từ rất xa xưa. Vào ngày 14 tháng 9 năm 335, hoàng đế Contantin của đế quốc Rôma đã dâng hiến Thánh đường Phục Sinh trên đồi Calvê nơi có mồ thánh Chúa Giêsu. Trước đó, cũng tại nơi này, hoàng đế Roma Hadian đã xây cất một đền thờ rất hoành tráng để tôn kính Venus là thần tình yêu của người Roma. Trên đỉnh đồi Calvê còn đặt một tượng Jupiter là thần tối cao của các thần. Khi khai quật đền thờ Venus, người ta tìm được Thánh giá thật của Chúa Giêsu trên sân thượng đền thờ nhờ thánh Hêlena là mẹ của hoàng đế Contantin và nhà vua đã đặt thánh giá trong đền thờ Phục Sinh.

Nhưng khoảng 300 năm sau đó, vua Ba Tư là Chosroès đã chiếm được thành Giêrusalem và lấy Thánh giá của Chúa Giêsu mang về Ba Tư. Hoàng đế Byzantine là Heraclius đã xin vua Ba Tư trả lại Thánh giá cho người Công giáo, nhưng vua Ba Tư đã thách thức hoàng đế, yêu cầu ông bỏ đạo Công giáo, thờ lạy mặt trời như họ thì mới trả lại Thánh giá. Hoàng đế Heraclius đã hô hào người Công giáo lập một đoàn thập tự quân đến đánh chiếm Ba Tư và đã thắng được vua Chosroès. Vua Siroès kế vị vua Chosroès đã xin cầu hoà và trả lại Thánh giá.

Thắng trận, hoàng đế Heraclius trở về Constantinople, tổ chức một nghi lễ rất trang trọng và chính mình vác thập giá Chúa Giêsu để đặt vào đền thờ Phục Sinh. Nhưng khi đến bức tường Giêrusalem thì nhà vua không thể bước đi. Một sức mạnh vô hình đã chôn chặt đôi chân nhà vua. Vị giám mục Giêrusalem lúc đó là Zacharia đã nói với nhà vua rằng: “Thưa bệ hạ, khi xưa Chúa Giêsu mang thánh giá thì Người mặc chiếc áo rách nát và đầu đội mão gai, còn nhà vua bây giờ lại mang áo cẩm bào đính đầy ngọc quý, đầu đội vương miện bằng vàng. Đó không phải là tinh thần của Chúa Giêsu: Người đã nghèo khó tột cùng và xoá bỏ mình trọn vẹn”. Hiểu được lời này, nhà vua đã cởi cẩm bào, bỏ vương miện, khoác một áo choàng đơn sơ. Lạ lùng thay, ngài đủ sức một mình mang thập giá Chúa Giêsu đặt trên đồi Calvê với sức mạnh phi thường.

2. Bài học về Thánh giá

Câu chuyện về ngày lễ Thánh giá hôm nay gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ. Chúng ta thử hỏi xem cái gì đã đè nặng đôi vai  chúng ta, đang làm cho chúng ta chìm xuống, chôn chân tại chỗ, khiến chúng ta không thể vác được thập giá của Chúa Giêsu và bước đi trên con đường đạo đức?

2.1. Thánh giá luôn vừa sức mỗi người

Người mời gọi: “Ai muốn theo tôi, phải bỏ mình đi, vác thập giá mình mà theo tôi” nhưng ta lại đứng yên không theo Chúa Giêsu được và có khi còn muốn bỏ thập giá đi vì thấy nó quá nặng nề! Thật ra, thập giá không bao giờ nặng quá sức chịu đựng khiến ta không thể mang được nó vì Chúa Giêsu đã mời gọi: “Hãy mang lấy ách của tôi… vì ách của tôi êm ái và gánh của tôi nhẹ nhàng”.

Thập giá của chúng ta chính là thân phận con người bất toàn với những cơn đói khát, mệt mỏi, bệnh tật, cả những sỉ nhục, bách hại và cuối cùng là cái chết nhục nhã như Đức Giêsu mà bài đọc II diễn tả: “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa…đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8).

Nhất là khi chúng ta cùng vác thập giá với Chúa Giêsu để cứu độ thế giới, thì thập giá của ta trở thành thánh giá của Chúa Giêsu, nên không bao giờ có một thánh giá nào vượt quá sức chịu đựng của ta. Thánh Phaolô cũng nhắc nhở ta rằng không có một thử thách nào mà lại không có ơn Chúa để giúp chúng ta chiến thắng.

2.2.Vậy cái gì làm cho ta không vác nổi thánh giá?

Hình ảnh hoàng đế Heraclius cởi bỏ cẩm bào, vương miện như gợi ý cho chúng ta rằng chính những tham vọng và dục vọng của con người đã làm cho họ không vác nổi thập giá Chúa Giêsu.

Vàng bạc, danh vọng và những thứ hào nhoáng bên ngoài, mà con người đang muốn sở hữu, là những hành trang đè nặng đôi vai, làm cho đôi chân ra nặng nề, làm cho cả con người tiêu hao sức lực. Chúng ta ước muốn chiếm hữu thật nhiều tiền bạc, nhà cửa, xe cộ, ruộng đất, muốn có được bằng này, chức nọ…nên ta dốc sức học hành, làm việc như những tên nô lệ. Tất cả những “cái có” ấy, tuy cần thiết trong cuộc sống, nhưng lại làm ta tiêu hao sức lực, vì thế nên Chúa Giêsu mời gọi chúng ta “hãy bỏ mình đi”. Khi bỏ được chúng trọn vẹn, ta sẽ hiểu ngay rằng: Chúa là người Cha đầy yêu thương và toàn năng, luôn thấy toàn bộ cuộc đời ta, biết những gì ta cần, để Ngài an bài và ban cho ta hơn cả những gì ta ước mong.

Dục vọng, với những cuộc vui chơi, cũng làm cho chúng ta mất dần sức lực. Chúng ta chiều theo những đam mê để thoả mãn các đòi hỏi của bản năng, dục vọng, từ lúc còn là trẻ thơ ham mê có thật nhiều đồ chơi, games, cho đến khi là người lớn đam mê phim ảnh, bia rượu, thuốc lá, bài bạc…

Tất cả những thứ đó đã làm cho ta không còn đủ sức mạnh để vác được thập giá Chúa Giêsu.

2.3. Thập giá là phương tiện diễn tả tình yêu cứu độ

Chúa đang mời gọi chúng ta, như mời gọi hoàng đế Heraclius, tháo bỏ tất cả những tham vọng, dục vọng ra khỏi con người mình để chỉ còn lại thập giá của Chúa Giêsu. Lúc đó ta sẽ hiểu rằng, thập giá, bao gồm thân phận con người với những thử thách, đau khổ và cái chết, không phải là nhằm tiêu diệt ta, làm ta hèn hạ, nhục nhã, đánh mất phẩm giá con người.

Nhưng thập giá chính là phương tiện tuyệt vời nhất để diễn tả tình yêu của Thiên Chúa đối với con người vì “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Thập giá cũng là phương tiện để Người Con Một ấy diễn tả tình yêu “đến cùng” đối với Cha mình “để vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết”, cũng như đối với nhân loại và vũ trụ. Người “chết trên thập giá” để hoà giải con người và vũ trụ với Cha của mình để tất cả những ai tin vào Người thì được sống đời đời, được chia sẻ thần tính vĩnh hằng, tuyệt đối, vô biên, vô tận.

Do đó, thập giá là vinh quang của chúng ta, là phương tiện cứu độ chúng ta và thế giới. Khi chúng ta yêu quý thập giá của mình và sẵn sàng mang nó với sức mạnh của chính Thiên Chúa, mà Đức Giêsu ban cho chúng ta qua Thần Khí của Người, thì chúng ta sẽ cảm nghiệm được niềm vui, bình an, hạnh phúc và vinh quang. Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô: “Khi nào tôi được giương cao khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi sự đến với tôi”. Hình ảnh của con rắn đồng trong sa mạc (x. Ds 21,4-9) gợi ý rằng mỗi người chúng ta cũng bị treo lên thập giá như Chúa Giêsu. Khi người ta nhìn vào chúng ta đang chịu đựng những đau khổ, thử thách và cả cái chết nhục nhã ấy, mà chúng ta vẫn không thất vọng, không buồn chán, nhưng luôn tin tưởng, bình an, thì chúng ta sẽ làm cho nhiều người nhận được ơn cứu độ, như người Do Thái đã nhìn vào con rắn đồng để được chữa lành.

Hôm nay suy tôn thập giá của Đức Giêsu, không phải là chúng ta suy tôn đau khổ, thử thách, thất bại của con người. Mỗi người chúng ta cố gắng giúp nhau vượt qua tất cả những thứ tiêu cực đó, và làm cho mọi người được sung sướng, giàu mạnh, tốt lành, thánh thiện hơn. Nhưng vì chúng ta là những con người yếu đuối, đầy tham vọng và dục vọng, nên chúng ta vẫn phải chịu đựng vác thập giá của mình và vác đỡ thập giá cho nhau như ông Simon thưở trước.

Lời kết

Xin Chúa Giêsu Kitô ban cho chúng ta niềm hy vọng, bình an và sức mạnh của Người để ta có thể vác thập giá chung với Chúa Giêsu, nhất là để diễn tả tình yêu như Người.