Một kỳ thi quốc gia: lo lắng học lệch?
Một kỳ thi quốc gia, ngoài ba môn bắt buộc, thí sinh được chọn một trong số các môn vật lý, hoá học, sinh học, lịch sử và địa lý để tham dự kỳ thi, nhiều ý kiến cho rằng điều này sẽ dễ dẫn đến tâm lý học lệch trong nhà trường, chỉ học những môn mình dự thi, không quan tâm đến các môn khác…
Một kỳ thi quốc gia: lo lắng học lệch?
Diễn đàn Tuổi Trẻ tuần này xin được đề cập câu chuyện học lệch liệu có xảy ra hay không khi một kỳ thi quốc gia được áp dụng.
Một kỳ thi quốc gia, ngoài ba môn bắt buộc, thí sinh được chọn một trong số các môn vật lý, hoá học, sinh học, lịch sử và địa lý để tham dự kỳ thi, nhiều ý kiến cho rằng điều này sẽ dễ dẫn đến tâm lý học lệch trong nhà trường, chỉ học những môn mình dự thi, không quan tâm đến các môn khác…
Diễn đàn Tuổi Trẻ tuần này xin được đề cập câu chuyện học lệch liệu có xảy ra hay không khi một kỳ thi quốc gia được áp dụng.
* Thầy PHAN ĐÔNG XUÂN (tổ trưởng tổ lịch sử, Trường THPT Giồng Ông Tố, TP.HCM):
Sử, địa lại bị “bỏ rơi”
Ảnh nhân vật cung cấp |
Việc thực hiện một kỳ thi quốc gia là một tín hiệu vui đối với học sinh. Tuy nhiên, điều đáng lo là việc chọn môn thi sẽ dẫn đến tình trạng học lệch: học sinh chỉ học những môn mình đăng ký thi, những môn còn lại các em sẽ lơ là hoặc học đối phó. Trong đó, môn sử, môn địa chắc chắn sẽ không được nhiều học sinh chọn thi bởi các nguyên nhân khác nhau. Như vậy, một lần nữa sử, địa lại bị “bỏ rơi” trong lần cải tiến thi cử này.
Trên thực tế, không phải học sinh chán, ghét môn sử mà ngược lại có nhiều em rất thích môn sử. Thế nhưng, các em rất sợ phải thi tốt nghiệp môn sử vì nó có quá nhiều sự kiện gắn với ngày – tháng – năm bắt các em phải nhớ, phải thuộc. Rồi đến khi tuyển sinh đại học thì các ngành, nghề tuyển sinh khối C lại ít, tương lai nghề nghiệp cũng không xán lạn như các ngành, nghề thi khối A, khối B…
Tóm lại, mỗi phương án thi cử đều có những ưu, nhược điểm khác nhau. Nhưng một phương án thi dẫn đến tình trạng học lệch của học sinh thì chưa ổn. Cá nhân tôi vẫn ủng hộ quan điểm “học gì thi nấy” để giúp học sinh hoàn thiện kiến thức trước khi bước vào đời. Dĩ nhiên, nếu áp dụng phương án học môn nào thi môn đó thì cần cải tiến mạnh mẽ cách ra đề thi tốt nghiệp THPT: nên có những câu hỏi tích hợp, câu hỏi mở, câu hỏi ở mức cơ bản để học sinh trung bình cũng có thể đậu.
* Bà LÊ THÚY HÒA (hiệu trưởng Trường THCS – THPT Thái Bình, TP.HCM):
Có trường chỉ dạy một số môn thi mà thôi
Ảnh nhân vật cung cấp |
Trường chúng tôi hiện đang rất lúng túng, không biết phải sắp xếp cho học sinh học tập như thế nào để đáp ứng kỳ thi quốc gia như Bộ GD-ĐT đã công bố. Việc Bộ GD-ĐT cho học sinh chọn môn thi đã dẫn đến tình trạng: có trường chỉ dạy một số môn thi mà thôi. Mấy ngày qua có phụ huynh đến gặp tôi thắc mắc rằng: tại sao nhà trường lại ép học sinh khối 12 học tất cả các môn? Tại sao không giảm tải cho các em bằng cách chỉ học các môn thi như trường X, trường Y?…
Thoạt nghe, cứ tưởng việc cải tiến thi cử lần này của Bộ GD-ĐT là giảm áp lực cho học sinh. Nhưng thực tế không phải vậy, tôi đã nghe thông tin nhiều trường đại học không đồng ý lấy kết quả của kỳ thi quốc gia để xét tuyển vào đại học mà họ tổ chức một kỳ thi tuyển sinh riêng cho trường của họ. Ví dụ: học sinh đã thi tốt nghiệp nhưng muốn vào đại học y dược, các em phải thi lại các môn toán, hóa, sinh do nhà trường ra đề. Thế coi như các em phải trải qua hai kỳ thi, cũng áp lực không kém những năm trước mà lại gây khó khăn cho nhà trường rất nhiều trong việc tổ chức dạy học. Chúng tôi đang đứng trước lựa chọn: dạy cho học sinh biết (hoàn thành tất cả các môn) hay dạy theo kiểu đối phó; làm sao để học sinh không học lệch, không học “tủ” mà vẫn thi đậu…
* LÊ MINH HỒNG ĐỨC (học sinh lớp 12 chuyên Anh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM):
Tôi đang hồi hộp
Ảnh nhân vật cung cấp |
Nghe thông tin về kỳ thi quốc gia, chúng tôi rất mừng. Mừng vì mình chỉ thi một kỳ sẽ đỡ mệt hơn rất nhiều. Thêm nữa, tôi nghe nói học sinh được lấy kết quả kỳ thi quốc gia để dự tuyển vào bất cứ trường đại học nào mình muốn và không hạn chế số trường. Điều này sẽ giúp chúng tôi có nhiều cơ hội lựa chọn trường đại học.
Thế nhưng, ngoài niềm vui thì tôi cũng có nhiều lo lắng vì mục tiêu của tôi là trở thành sinh viên trường đại học ngoại thương. Tôi đang hồi hộp không biết trường này có tổ chức một kỳ tuyển sinh riêng hay không? (Nếu có thì tôi sẽ phải trải qua hai kỳ thi, cũng mệt và áp lực giống như các anh chị những năm trước thôi). Còn nếu họ dùng kết quả kỳ thi quốc gia để xét tuyển thì xét những môn nào?
Điều mà học sinh khối 12 chúng tôi mong ước nhất hiện nay là Bộ GD-ĐT hãy sớm công bố kiểu đề thi sẽ ra trong năm nay. Trên cơ sở đó, chúng tôi biết mà chuẩn bị.
* Cô NGUYỄN KIM ANH (giáo viên Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội):
Quy định như hiện tại thì việc học lệch sẽ giảm bớt
Ảnh: V.Hà |
Có một số ý kiến cho rằng kỳ thi như thế này sẽ dẫn tới việc học lệch. Tôi nghĩ trước đây thi theo khối cứng nhắc thì chuyện này mới dễ xảy ra, còn quy định như hiện tại thì việc học lệch sẽ giảm bớt. Cụ thể là hiện nhiều thí sinh ban A đã bắt đầu điều chỉnh học thêm văn, tiếng Anh để có thêm cơ hội. Trong tương lai, nếu Bộ GD-ĐT xem bậc THPT là bậc học nhằm định hướng nghề nghiệp thì việc học lệch càng không phải vấn đề cần bàn. Học sinh đã được giáo dục toàn diện ở các bậc học dưới, khi chuyển sang giai đoạn định hướng nghề nghiệp thì chuyện “lệch” theo sở trường, sở thích của học sinh là đương nhiên. Tuy “lệch” sang các môn có sở trường, sở thích nhưng với quy định xét tốt nghiệp dựa trên kết quả học tập ở THPT thì ít nhất học sinh cũng phải đảm bảo yêu cầu các môn học khác ở mức trung bình.
Các môn học được quan tâm đều hơn – PGS.TS MAI VĂN TRINH Kết hợp sử dụng kết quả thi bốn môn thi tối thiểu với điểm học tập trung bình lớp 12 để xét công nhận tốt nghiệp, đảm bảo học sinh “học gì được đánh giá nấy”, khuyến khích học sinh phải học đều để đạt yêu cầu đối với tất cả các môn, nhất là ở lớp 12 để tốt nghiệp THPT và có hồ sơ dự tuyển đại học tốt, khắc phục tình trạng học lệch của học sinh. Trên cơ sở đạt yêu cầu đối với tất cả các môn, học sinh chú trọng hơn vào các môn theo năng lực, sở trường của mình, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học có thêm căn cứ để tuyển thí sinh phù hợp với ngành nghề đào tạo và yêu cầu chất lượng của trường. Việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh trong quá trình được phân cấp cho giáo viên bộ môn và nhà trường. Điều này tạo điều kiện cho giáo viên phát huy vai trò trách nhiệm của mình trong quá trình dạy học, học sinh phải chú trọng học đều các môn, từng bước khắc phục quan niệm môn chính, môn phụ trong trường. Việc đưa vào các môn tự chọn là giảm áp lực cho các thí sinh, đồng thời phù hợp với thực tế học tập ở bậc THPT, là bước chuẩn bị cho việc học tập của các em ở các cơ sở giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp, giúp các em định hướng nghề nghiệp tương lai sau khi tốt nghiệp THPT để đi vào cuộc sống hoặc tiếp tục học lên. Hơn nữa, xét trên tất cả học sinh lớp 12 trong cả nước, với việc cho học sinh tự chọn thì tất cả các môn thi sẽ được chọn, do đó xét về tổng thể các môn sẽ được quan tâm đều hơn, khắc phục tình trạng dạy học đối phó, việc học lệch sẽ được khắc phục dần và hướng tới sự cân đối, hài hòa hơn giữa các môn học trong trường. |
* Cô CAO TỐ NGA “Thay đổi nhiều quá, thầy trò rất mệt” Đã từng xảy ra tình trạng có một số giáo viên thông qua mạng xã hội khuyên học sinh chỉ nên học môn của mình, không cần học những môn khác. Vì thế cùng một môn học nhưng thầy này thì khuyên không cần học nhiều, cô kia lại bảo phải tập trung học cho tốt, rốt cuộc học sinh rất hoang mang. Nhiều phụ huynh cứ thấy số lượng môn thi (tám môn) được liệt kê trong phương án thi quốc gia là nghĩ sẽ phải chạy đua để học hết từng ấy môn nên cũng lo lắng khiến học sinh bị áp lực. Trong khi học sinh lớp 12 chỉ có 8-9 tháng để lập kế hoạch ôn tập cho mình. Còn một điều nữa mà chúng tôi thấy băn khoăn là theo quy định của Bộ GD-ĐT, tới đầu tháng 1-2015 các trường ĐH-CĐ mới tới hạn công bố phương án tuyển sinh cụ thể của mỗi trường. Vì thế hiện giờ các thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh đều không biết các trường có kỳ tuyển sinh bổ sung không hay chỉ lấy kết quả thi quốc gia, kiểm tra bổ sung theo hình thức thế nào. Ai cũng lo tiêu cực ở phổ thông nhưng lấy gì đảm bảo không có tiêu cực ở các kỳ kiểm tra riêng của đại học? Và rồi cảnh luyện thi tại các trường để “trúng tủ” theo phương thức kiểm tra mới có lại tái diễn như thời kỳ trước “ba chung”? Chúng tôi mong Bộ GD-ĐT chỉ đạo để các trường công bố phương án tuyển sinh cụ thể càng sớm càng tốt. * Ông NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG Cần giám sát chặt chẽ quá trình dạy học Để dạy và học không bị lệch, bộ chỉ đạo kiên quyết, giám sát chặt chẽ quá trình dạy học, tổ chức thi học kỳ I, học kỳ II của khối 12 tại các địa phương. Cần thiết thì cho kiểm tra chéo. Các trường THPT phải báo cáo việc thực hiện kế hoạch dạy học khối 12 ngay từ đầu năm học này để tiện cho việc theo dõi, quản lý, kiểm tra. Không thể để hiện tượng cắt xén, dồn, ghép tiết xảy ra. Nếu được bộ ra đề kiểm tra học kỳ I, II cho khối 12, các địa phương tổ chức coi, chấm nghiêm túc, học lệch khó mà xảy ra được và sẽ chẳng ai nói được tổ chức cụm thi tại địa phương nghĩa là bộ… “tháo khoán”. Và cũng để góp phần giảm lệch ở dạy và học, nên chăng xét công nhận tốt nghiệp THPT thì điểm liệt là 2 điểm đối với một môn (trong bốn môn thi để xét tốt nghiệp THPT). Năm vừa rồi là 1 điểm xem ra cũng còn nhẹ tay. |