16/01/2025

Đi tìm ngôi trường “gây sóng” trên mạng

Ngay sau ngày khai giảng, cộng đồng mạng xôn xao bàn tán về tấm ảnh ở một điểm trường, trong đó là những học sinh lấm lem, nhếch nhác ngồi xổm xếp hàng trên sân đất lổn nhổn đá sỏi.

Đi tìm ngôi trường “gây sóng” trên mạng

Ngay sau ngày khai giảng, cộng đồng mạng xôn xao bàn tán về tấm ảnh ở một điểm trường, trong đó là những học sinh lấm lem, nhếch nhác ngồi xổm xếp hàng trên sân đất lổn nhổn đá sỏi. 

Bức ảnh gây xôn xao trên mạng trong dịp khai giảng năm học mới 2014-2015
Bức ảnh gây xôn xao trên mạng trong dịp khai giảng năm học mới 2014-2015

Ngày lễ tựu trường nhưng các em không có đồng phục. Ngày lễ cũng không có phông chữ rực rỡ mà chỉ là một chiếc bảng đen ghi phấn trắng “Lễ khai giảng năm học mới 2014-2015”.

Cũng chẳng có hoa tươi, bóng bay sặc sỡ như những hình ảnh thường thấy của một ngày khai giảng. Các thầy cô giáo trong ảnh không mặc áo dài hay complet, cravat… 

Chúng tôi đã xác định địa điểm thực hiện bức ảnh đó là ở điểm trường Lùng Tám Cao, một trong nhiều điểm trường khó khăn nhất của xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ, tỉnh miền núi biên giới Hà Giang.

Sau chặng đường vô cùng vất vả, mất hơn một giờ chúng tôi mới vượt qua con đường dốc ngược dài hơn 9km để tới được điểm trường nằm trên đỉnh ngọn núi Cao Mã Pồ.

Lúc này đang giờ ra chơi, thấy có người lạ, mấy em học sinh nhếch nhác, lem luốc đẩy nhanh chiếc xe cút kít đồ chơi tự chế bằng gỗ lao về phía phòng học.

Trên sân đất rộng chừng hơn 20m2 lổn nhổn đá trước phòng học, mấy em học trò lớn quần cộc, áo xộc xệch ướt mèm dính chặt vào những tấm thân gầy nhom đang chân trần tranh nhau vờn quả bóng nhựa và thi nhau sút. Hơn chục học trò nữ không có gì chơi, đứng nép dọc bờ tường gỗ của phòng học xem các bạn nam đá bóng.

Cô giáo Đỗ Thu Hương, phân hiệu trưởng điểm trường, dẫn chúng tôi vào gian bếp, nơi có chiếc bàn nhỏ chỉ cao hơn nền đất khoảng 20cm.

Rót nước mời khách, cô Hương ái ngại: “Điểm trường chỉ tuềnh toàng thế này anh ạ, chẳng có phòng giáo vụ. Gian bếp này vừa là chỗ nghỉ ngơi, vừa là phòng khách, phòng giáo vụ của bốn thầy cô cắm bản tại điểm trường”.

Những phòng học tuềnh toàng ở điểm trường Lùng Tám Cao - Ảnh: Đ.Bình
Những phòng học tuềnh toàng ở điểm trường Lùng Tám Cao – Ảnh: Đ.Bình

Trong câu chuyện, cả cô Hương và thầy Tạ Văn Kha, hiệu trưởng Trường tiểu học Lùng Tám, đều thừa nhận tấm ảnh đăng trên mạng, trên báo là hình ảnh ngày khai trường ở điểm trường Lùng Tám Cao.

Cô Hương thật thà tâm sự: “Do hai phòng học của điểm trường không rộng rãi lắm, hôm đó trời đã tạnh mưa nên các thầy cô ở điểm trường tổ chức lễ khai giảng ngoài trời. Do sân đất vẫn còn ướt, mấp mô, lổn nhổn đá không thể kê băng ghế được nên các thầy cô đã để học sinh ngồi xổm. Lễ khai giảng cũng chỉ diễn ra ngắn gọn. Các thầy cô cũng như đại biểu là lãnh đạo xã, thôn muốn ghi lại hình ảnh ngày tựu trường để làm kỷ niệm đã lấy điện thoại ra chụp. Sau buổi lễ, không biết ai đã đưa hình ảnh lên mạng và tấm ảnh ngày khai trường đó nhanh chóng “gây sóng” trong cộng đồng. Bản thân các thầy cô ở điểm trường cũng đã bị nhắc nhở, phê bình khi trong hình các đại biểu, thầy cô thì ngồi ghế, còn học sinh lại ngồi xổm trên sân trường.” 

“Tôi nghĩ không chỉ điểm Lùng Tám Cao này đâu, hình ảnh này có lẽ có ở rất nhiều điểm trường tại Hà Giang hay các tỉnh miền núi khác. Điều kiện ở vùng cao rất khó khăn, thiếu thốn trăm bề” – cô Hương nói.

Ông Sùng Mí Dế, bí thư chi bộ thôn Lùng Tám Cao, cho biết tình hình lịch sử của thôn: cả thôn có 59 hộ dân với 342 nhân khẩu là người Mông, là thôn đặc biệt khó khăn, nghèo khó nhất của xã Lùng Tám. Người dân chỉ trồng ngô và kinh tế dựa vào những nương ngô, vài con gà con lợn tự nuôi trong chuồng. Hằng năm có nhiều hộ bị thiếu đói…