27/11/2024

Coi chừng dị vật ở vùng kín của trẻ

Nhiều bậc cha mẹ không biết dị vật có thể đi vào vùng kín của trẻ. Trong khi đó theo các bác sĩ, nếu không gắp dị vật ra sớm sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ sinh sản sau này của trẻ.

Coi chừng dị vật ở vùng kín của trẻ

Nhiều bậc cha mẹ không biết dị vật có thể đi vào vùng kín của trẻ. Trong khi đó theo các bác sĩ, nếu không gắp dị vật ra sớm sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ sinh sản sau này của trẻ.

Nút áo được các bác sĩ lấy ra từ vùng kín của một bé gái - Ảnh: Hoàng Lan
Nút áo được các bác sĩ lấy ra từ vùng kín của một bé gái – Ảnh: Hoàng Lan

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM), các bác sĩ khoa ngoại niệu từng nội soi, gắp ra nhiều dị vật như đầu bút bi, đầu bút chì, nút áo, bông gòn, sợi dây điện… từ vùng kín của các bé.

Tuổi khám phá cơ thể

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch – phó phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 2 – khuyên các bậc phụ huynh đang có con ở độ tuổi thích khám phá cơ thể cần lưu ý hơn đến trẻ.

Thông thường những dị vật vô đường tai, mũi, họng thường có phản xạ ho liền nên người nhà dễ nhận biết, còn dị vật nhỏ nhét vào âm đạo, âm hộ, niệu đạo những ngày đầu lại không có triệu chứng gì nên người nhà phải cảnh giác khi trẻ chơi với đồ vật nhỏ.

Điều khó khăn trong những trường hợp này là chẩn đoán đúng. Có trẻ biết nói cho ba mẹ biết đã nhét cái gì vào thì còn dễ chẩn đoán, điều trị chứ ở trẻ không diễn giải được, cha mẹ sẽ khó nhận biết.

Do vậy, các bậc cha mẹ cần lắng nghe lời trẻ nói. Khi thấy nghi ngờ cần đưa đến bệnh viện kiểm tra ngay vì để lâu ngày dị vật sẽ gây ra tình trạng viêm nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của trẻ sau này.

Gần đây, bé P.T.T.T., 5 tuổi, ở Q.2, TP.HCM được các bác sĩ nội soi gắp khối bông gòn có kích thước khoảng 2x1cm từ âm đạo ra. Theo người nhà của bé, hơn hai tháng trước bé bị viêm nhiễm vùng âm hộ, âm đạo tiết dịch có mùi hôi. Ba mẹ đã đưa bé đi khám rất nhiều nơi, uống rất nhiều toa thuốc kháng sinh và kháng viêm nhưng tình trạng vẫn không cải thiện.

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, qua khai thác bệnh sử các bác sĩ khoa ngoại niệu biết được bé thường chơi với bông gòn và hay nhét vào các lỗ tự nhiên như lỗ tai, lỗ mũi và cả âm đạo nên nghi ngờ có dị vật trong âm đạo.

Bé N.T.A.T., 3 tuổi, cũng được các bác sĩ khoa ngoại niệu Bệnh viện Nhi Đồng 2 nội soi gắp một nút áo bọc nhôm có đường kính khoảng 1cm từ vùng kín.

Trước đó, lúc tắm trong thau, bé chơi với các nút áo và một chiếc đã bị mắc kẹt trong âm đạo của bé. Người nhà phát hiện mất một nút áo và bé cũng bập bõm “méc” cho mẹ biết nên bé được đưa ngay đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 để khám. Trường hợp này khá hi hữu vì kết quả chụp X-quang cho thấy dị vật hình tròn trong âm đạo, trong khi những trường hợp khác rất khó thấy.

Thạc sĩ – bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (phó phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 2, phẫu thuật viên chính cho hai ca bệnh trên) cho biết dị vật vùng kín gặp ở cả bé trai và bé gái nhưng ở bé gái nhiều hơn. Bé gái thường hay nhét dị vật vào âm đạo, thỉnh thoảng có trường hợp nhét vào niệu đạo, còn bé trai hay nhét dị vật vào niệu đạo.

Dị vật ở vùng kín thường gặp ở trẻ từ 3-6 tuổi. Đây là độ tuổi bắt đầu mày mò, chơi các đồ chơi, đặc biệt là những đồ chơi có mảnh nhỏ như đầu bút bi, đầu bút chì, đồ chơi lắp ráp có những hạt nhựa nhỏ, bông gòn, lông có trong các loại thú nhồi bông… Trong lúc chơi các bé cũng khám phá cơ thể bằng cách cho các dị vật nhỏ vào các lỗ tự nhiên như miệng, lỗ mũi, lỗ tai, niệu đạo, âm đạo.

Đưa trẻ đi kiểm tra

Theo bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, khi có dị vật lạ xâm nhập, cơ thể sẽ có phản ứng viêm, kích thích. Nếu dị vật ở trong âm đạo sẽ gây viêm âm đạo, âm hộ, chảy mủ, còn khi dị vật ở trong niệu đạo (bàng quang) sẽ gây viêm bàng quang, tiểu lắt nhắt, tiểu máu (do trầy xước niêm mạc đường niệu đạo), nhiễm trùng tiểu.

Với những triệu chứng như vậy người nhà thường nghĩ trẻ bị viêm đường tiết niệu, sinh dục bình thường, do đó nhiều trường hợp đã được cha mẹ mua thuốc kháng sinh, kháng viêm cho uống. Những triệu chứng này sẽ “vắng mặt” một thời gian, sau đó lại xuất hiện trở lại. Sau nhiều đợt uống thuốc mà triệu chứng vẫn tái đi tái lại nhiều lần, các bậc cha mẹ mới đưa trẻ đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 khám, tìm nguyên nhân.

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, các bác sĩ đã cho bệnh nhi làm các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh, hỏi bệnh sử các bé và phát hiện bệnh nhi có dị vật ở vùng kín. Khi đó các bác sĩ sẽ nội soi âm đạo, niệu đạo để lấy dị vật ra. Bác sĩ Ngọc Thạch cho rằng nội soi âm đạo và niệu đạo là biện pháp tốt nhất để lấy dị vật vì nội soi quan sát được rõ bên trong và các bác sĩ sử dụng ống nội soi nhỏ dành cho trẻ sơ sinh để tránh gây tổn hại và rách các mô mềm xung quanh, nhất là màng trinh của bé.