17/01/2025

Những người bắc cầu tri thức

Khó có thể kể hết những đóng góp cho đất nước của những người học tập, nghiên cứu và làm việc ở nước ngoài. Dù từ bên ngoài hay trở về nước, dù những chương trình mang tính quốc gia hay chỉ diễn ra trong một cộng đồng bé nhỏ… tất cả đều xuất phát với mong ước tạo nên một sự đổi thay.

 

Những người bắc cầu tri thức

 

Khó có thể kể hết những đóng góp cho đất nước của những người học tập, nghiên cứu và làm việc ở nước ngoài. Dù từ bên ngoài hay trở về nước, dù những chương trình mang tính quốc gia hay chỉ diễn ra trong một cộng đồng bé nhỏ… tất cả đều xuất phát với mong ước tạo nên một sự đổi thay.

Từ chối lời mời hấp dẫn để về nước

 Đại biểu tham gia hội thảo Cải cách giáo dục 2014 do nhóm Đối thoại giáo dục mà GS Ngô Bảo Châu đứng đầu tổ chức - Ảnh: Đăng Nguyên
Đại biểu tham gia hội thảo Cải cách giáo dục 2014 do nhóm Đối thoại giáo dục mà 
GS Ngô Bảo Châu đứng đầu tổ chức - Ảnh: Đăng Nguyên

 

Có một vị thế ở nước ngoài hoặc từ chối những lời mời làm việc hấp dẫn để trở về nước, chung tay cải cách giáo dục hay bắc nhịp cầu cho thế hệ sau có điều kiện đi tìm tri thức…, những con người như thế đang ngày nhiều hơn.

Tập hợp tinh hoa

Hội thảo cải cách giáo dục do nhóm Đối thoại giáo dục tổ chức tại TP.HCM vừa qua để lại nhiều ấn tượng. Nhóm gồm GS Ngô Bảo Châu cùng những trí thức VN ở nước ngoài đang là giáo sư ở các trường ĐH danh tiếng. Thành lập chưa đầy một năm nhưng nhóm đã bắt đầu tạo được tiếng vang. Thủ tướng Chính phủ đã mời nhóm gặp gỡ để hiến kế thêm cho giáo dục.

Thành quả lớn nhất tại hội thảo cải cách giáo dục vừa qua, theo GS Ngô Bảo Châu, chính là tạo được lòng tin. Đó là lòng tin của nhiều trí thức vào sự cải cách trong lĩnh vực giáo dục. Họ đã từ nước ngoài về, từ các trường ĐH, viện nghiên cứu, từ nhiều thành phần trong xã hội đăng ký trong hội thảo nói lên tiếng nói của mình.

Không dừng lại sau hội thảo, nhiều ý kiến tiếp tục đăng tải trên website hocthenao.vn để đối thoại. Nhóm hy vọng đến cuối năm có thể đưa được một danh mục kiến nghị cụ thể lên các cơ quan quản lý nhà nước trong việc cải cách giáo dục.

Mở đường để trí thức về nhà

Khi GS Võ Văn Tới quyết định trở về VN năm 2012, nhiều người đã bất ngờ. Hơn 40 năm xa quê hương, sang Thụy Sĩ du học từ năm 1968, đến Mỹ năm 1983, GS Tới liên tiếp gặt hái thành công và đảm nhận nhiều vị trí hết sức quan trọng. Ông từng là Phó giám đốc Viện Nghiên cứu mắt ở Sion (Thụy Sĩ), giáo sư ngành kỹ thuật y sinh ở ĐH Tufts và giáo sư thỉnh giảng tại ĐH Pennsylvania (Mỹ). Năm 2004, ông được ĐH Tuft vinh danh là “Giáo sư giỏi nhất”. Cũng trong năm này, ông được Tổng thống Mỹ bổ nhiệm là thành viên Hội đồng quản trị Quỹ giáo dục VN (VEF) và đến năm 2007 ông là Giám đốc điều hành Quỹ VEF.

Nhưng ông quyết định về nước, chọn một trường ĐH thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM để nhận trọng trách Trưởng bộ môn kỹ thuật y sinh. Và cũng bởi ông muốn thực hiện sáng kiến “On the way home – Đường về Tổ quốc”, thu hút các nghiên cứu sinh nước ngoài, nhất là những người từ Quỹ học bổng VEF quay về VN cống hiến cho đất nước.

GS Tới khẳng định: “VN có nhiều cơ hội quý giá, có thể nói là độc nhất vô nhị để làm được nhiều việc. Với những việc làm này, cộng cố gắng của những chương trình có ích khác, tôi hy vọng nghiên cứu sinh nước ngoài sẽ tự thấy đất nước mình có nhiều thứ hấp dẫn để quay về”.

GS Dương Nguyên Vũ, khi đang là cố vấn khoa học cấp cao và chủ nhiệm Hội đồng khoa học của Eurocontrol (Tổ chức châu Âu về không lưu – chịu trách nhiệm trên toàn vùng châu Âu) cũng quyết định trở về VN. Tháng 7.2010, ông về lãnh trách nhiệm Giám đốc Viện John Von Neumann (JVN) mà ĐH Quốc gia TP.HCM khởi xướng thành lập. Từ đó đến nay, lặng lẽ làm việc, GS Vũ đã thực hiện nhiều đề án nghiên cứu với các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, tổ chức quốc tế, hỗ trợ tư vấn – quản lý – đào tạo cho doanh nghiệp, đồng thời ứng dụng nghiên cứu khoa học. Viện JVN đã thu hút được rất nhiều nhà khoa học người Việt xuất sắc trên khắp thế giới tham gia nghiên cứu và giảng dạy thường xuyên.

Cầu nối du học sinh

Trong những năm qua, giới học sinh muốn du học ở Mỹ không còn lạ lẫm với những cái tên VietAbroader, Viện Giáo dục và Văn hóa VN (IVCE). Đây là những tổ chức phi lợi nhuận do những du học sinh VN có thành tích học tập, ngoại khóa xuất sắc ở các trường ĐH hàng đầu ở Mỹ thành lập.

Trong thời điểm này, chương trình Tiếp sức du học của Hội Thanh niên – Sinh viên VN tại Mỹ kết hợp với Báo Thanh Niên đang được triển khai. Đây là chương trình hoàn toàn miễn phí với mục tiêu hỗ trợ và giúp đỡ các bạn trẻ hiện thực hóa giấc mơ du học. Anh Huỳnh Thế Du, Chủ tịch hội cho biết: “Chúng tôi cho rằng du học là ước mơ của nhiều thanh niên, sinh viên VN. Không chỉ mở mang kiến thức mà du học còn chính là ước mơ vươn cao của mỗi một người. Với điều kiện và bối cảnh hiện nay, việc có nhiều người đi du học và nhiều người trở về là một yếu tố rất quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Chúng tôi muốn góp một phần nhỏ bé vào sự nghiệp chung thông qua việc làm thiết thực này”. 

 

Lớp học “quốc tế” vùng sơn cước

 

Đặt chân đến vùng đất Sa Pa trong một chuyến du lịch vào năm 2006, nhìn những đứa trẻ lam lũ vùng sơn cước này phải bỏ học để đi bán hàng rong cho khách du lịch, Tạ Văn Thương biết anh cần phải làm gì đó. Năm 2010, sau khi hoàn thành chương trình sau ĐH ngành xã hội học tại Singapore, anh quyết định trở về Sa Pa dạy học miễn phí cho trẻ em nghèo nơi đây.

Tạ Văn Thương trong lớp học tiếng Anh miễn phí - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Tạ Văn Thương trong lớp học tiếng Anh miễn phí - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Lớp học đầu tiên đặt tại quán cà phê mà anh vừa mở, nơi lũ trẻ có thể vừa tranh thủ học tiếng Anh vừa bán hàng cho khách du lịch phụ giúp gia đình. “Khởi đầu là dạy tiếng Anh, vì muốn giúp các em nhỏ có thể làm tốt công việc bán hàng cho người nước ngoài. Nhưng dần dần, lớp học còn dạy cả tiếng Việt, vẽ tranh, thêu thùa và làm thổ cẩm… Có những em nhỏ bỏ học nhưng khi tham gia lớp học này đã quay về đi học”, anh Thương chia sẻ.

Từ quán cà phê cố định, lớp học đã phát triển thành nhiều lớp học di động cùng với sự lớn lên của Sapa Hope Center. Gọi là “lớp học di động” bởi được mở ra ở bất kỳ chỗ nào và vào bất kỳ thời gian nào khi có người học. Thành công lớn nhất của các lớp học này chính là thu hút được rất nhiều tình nguyện viên quốc tế tham gia giảng dạy.

Anh Thương cho biết trung bình mỗi tháng có trên dưới 10 tình nguyện viên quốc tế đến từ nhiều nước trên thế giới. Bên cạnh công việc, các thành viên trong “ngôi nhà chung” này còn tìm cách để có thêm kinh phí duy trì hoạt động của trung tâm.

Hà Ánh

 

 

Sugar và những dự án vì trẻ em

 

Khi đang học lớp 9 Trường THCS Trần Văn Ơn, Q.1, TP.HCM, Nguyễn Sơn Tùng đã nhận học bổng A*Star của chính phủ Singapore. Từ năm 2007, khi chính thức theo học bậc THPT tại Singapore, ngoài việc tích lũy kiến thức, Sơn Tùng bắt đầu thực hiện những hoạt động thiện nguyện.

Sugar và những dự án vì trẻ em
Ảnh: Trần Thiện Minh

Năm 2009, dự án Sugar đã ra đời với mong muốn mang lại những điều ngọt ngào cho cuộc sống những trẻ em thiệt thòi, khó khăn. Với vai trò là người đồng sáng lập cùng với du học sinh tại Singapore, Sơn Tùng đã kết nối để Sugar không còn bó hẹp trong đội ngũ du học sinh, sinh viên nước ngoài mà lan tỏa đến học sinh trong nước.

Hằng năm, vào đầu tháng 6, Sugar tổ chức hoạt động Sugar Big Summer Trip – Mùa hè yêu thương với sự tham gia của các tình nguyện viên VN và Singapore. Các tình nguyện viên đến sinh hoạt với trẻ em trong các mái ấm, dạy các bé bài học về nhân cách, kỹ năng thông qua các hoạt động như thi kể chuyện, diễn kịch, chơi trò chơi, làm việc nhóm, hội chợ khoa học… Trong ảnh: Nguyễn Sơn Tùng và em nhỏ nhiễm HIV tại lễ hội Vũ điệu thiên thần tổ chức vào tháng 5 vừa qua tại TP.HCM.

Bích Thanh

 

 

Từ những điều bình dị

 

Với thạc sĩ Phạm Thị Vân Anh, từng tốt nghiệp ĐH tại Hà Lan và tốt nghiệp 2 bằng cao học tại một chương trình liên kết giữa một trường ĐH Hà Lan và một trường ĐH Anh quốc, thì việc đóng góp cho đất nước rất bình dị nhưng đầy ý nghĩa.

Vũ Anh Minh trò chuyện với  em bé ở Mường Khương - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Vũ Anh Minh trò chuyện với  em bé ở Mường Khương – Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo Vân Anh, khi còn ở nước ngoài, trong các hoạt động ngoài giờ lên lớp, cô thường kể cho bạn bè các nước nghe về văn hóa, con người VN như một hình thức quảng bá hình ảnh quê hương.

Vũ Anh Minh đang làm việc tại một công ty về thông tin di động của Úc. Khoảng tháng 2.2012, Minh đọc được một bài viết và xem những hình ảnh chuyến đi từ thiện của anh Trần Đăng Tuấn – người sáng lập chương trình từ thiện Cơm có thịt. “Mình xúc động quá và quyết định liên lạc với anh ấy, rồi tham gia nhóm đến giờ”, Minh nhớ lại. Chuyến về VN lần này, Minh được giao nhiệm vụ đi khảo sát thực tế, chụp hình và báo cáo lại với nhóm ở Úc để lên kế hoạch hỗ trợ cho năm học 2014 – 2015. Hiện tại nhóm Cơm có thịt tại Úc đang hỗ trợ bữa ăn trưa cho hơn 170 học sinh tiểu học Trường tiểu học Tả Gia Khâu với số tiền khoảng 114 triệu đồng. Ngoài ra còn tặng áo ấm, giày dép và những dụng cụ học tập. Với kết quả khảo sát vừa rồi, Minh dự kiến tiền hỗ trợ năm học tới có thể lên khoảng 150 triệu đồng.

Mỹ Quyên

 

 

Nguồn chia sẻ thông tin

 

Hơn 3 năm nay, thạc sĩ Chu Đình Tới, giảng viên Khoa Sinh học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã giúp nhiều sinh viên tìm kiếm học bổng có giá trị.

Mai Anh thành lập trang Tự học tiếng Pháp - Mỗi ngày 5 từ vựng”  - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Mai Anh thành lập trang Tự học tiếng Pháp – Mỗi ngày 5 từ vựng”  – Ảnh: Nhân vật cung cấp

Từ năm 2011, khi đang học tại ĐH Ulsan (Hàn Quốc), thạc sĩ Tới đã kết nối cùng các du học sinh VN đang học tập ở khắp nơi trên thế giới cùng nhau lập trang Hội Du học sinh VN trên Facebook, nội dung chính là tìm kiếm, giới thiệu, chia sẻ thông tin học bổng của các trường trên thế giới dành cho học sinh, sinh viên VN. Ngoài ra, đây còn là nơi chia sẻ những kinh nghiệm sống, học tập ở nước ngoài của các du học sinh, giúp những bạn trẻ muốn du học đỡ bỡ ngỡ khi sống và học nơi xứ người.

Thạc sĩ Tới cũng thường xuyên về VN cùng các cộng sự tổ chức những buổi tư vấn học bổng, du học online, offine cho giới trẻ cũng như dành cho cán bộ trẻ, giảng viên, học viên cao học.

Với niềm đam mê, yêu thích các hoạt động xã hội, hướng về cộng đồng, Phí Thị Mai Anh (du học ở Pháp) đã lên ý tưởng thực hiện một fan page có ý nghĩa dành cho giới trẻ Việt. Thế là Mai Anh xây dựng và phát triển trang “Tự học tiếng Pháp – Mỗi ngày 5 từ vựng”. Sau hơn 3 năm hoạt động, nơi đây đã trở thành “ngôi nhà chung” của những người yêu thích ngôn ngữ Pháp. Đã có hơn 37.000 lượt người tham gia và tương tác thường xuyên, cùng nhau ôn luyện, học tiếng Pháp mỗi ngày. 

Thanh Nam