28/12/2024

Dạy trẻ làm văn chân thật

Chính giáo viên ở bậc tiểu học cũng nhận xét hiện nay học sinh thường tả cảnh, tả người theo văn phong, suy nghĩ của người lớn. Trong khi đó phụ huynh lại cho rằng chính cách dạy trong nhà trường khiến học sinh buộc phải theo khuôn mẫu.

 

Dạy trẻ làm văn chân thật

 

Chính giáo viên ở bậc tiểu học cũng nhận xét hiện nay học sinh thường tả cảnh, tả người theo văn phong, suy nghĩ của người lớn. Trong khi đó phụ huynh lại cho rằng chính cách dạy trong nhà trường khiến học sinh buộc phải theo khuôn mẫu.

 

Dạy trẻ làm văn chân thật
Học sinh Trường tiểu học Lương Định Của, Q.3, TP.HCM trong một giờ học tiếng Việt – Ảnh: Minh Luân

 

 

 
 

Phụ huynh không khuyến khích con dùng văn mẫu. Đồng thời, phụ huynh không nên can thiệp quá sâu vào bài văn của con và áp đặt các em làm theo suy nghĩ và cách diễn đạt của mình vì mục đích điểm số

 

Cô Bùi Thị Ngọc Linh
Trường tiểu học Lương Định Của Q.3, TP.HCM

 

 

“Cha em mạnh như Thánh Gióng”

Cô Bùi Thị Ngọc Linh, giáo viên lớp 5, Trường tiểu học Lương Định Của, Q.3, TP.HCM, cho biết: “Khi yêu cầu tả cô giáo thì phần nhiều học sinh sẽ dùng mỹ từ để diễn đạt, như: Mắt cô long lanh, mắt bồ câu, sống mũi dọc dừa… Đồng thời, các em thường tả ông bà như một bà tiên, ông thánh. Tả mẹ thì đẹp như một hoa hậu”. Một giáo viên ở H.Bình Chánh cho biết: “Đối với yêu cầu bài văn tả người, nhất là tả ông hoặc cha thì các em hay tả về họ như một siêu nhân. Cụ thể như khi tả về sức mạnh của cha mình thì có học sinh viết: cha em có sức mạnh phi thường, có thể nhổ được cả một bụi tre to giống như Thánh Gióng”.

Nhiều phụ huynh cho rằng học sinh viết văn như thế vì nhà trường, giáo viên khuyến khích, cho điểm cao những bài viết theo văn mẫu. Trong khi đó, không ít giáo viên lại cho rằng nếu học sinh làm bài văn mà có lối tả chân thật theo cách hiểu, cách nghĩ của các em thì vẫn được điểm cao. “Chỉ trừ những trường hợp sai đề và không thể bê văn nói vào trong văn viết. Tôi nhớ có lần yêu cầu học sinh “Tả cảnh giờ ra chơi của trường em”, một học sinh viết: Mỗi lần nhắc đến trường em và nhắc đến cái nhà đi tiểu của trường em là em mắc cười muốn bể cái bụng, nó hôi lắm, bạn nữ đi còn dội, còn bạn nam đi thì hổng chịu dội… Với lối văn nói và sai đề (dù chân thật) thì không thể đạt điểm”, một giáo viên ở Bình Chánh TP.HCM cho biết.

Những điều này, thật ra cũng cần phải xem xét lại. Chẳng hạn thế nào là văn nói, thế nào là sai đề? Nếu giáo viên không xác định rõ ràng vô tình sẽ đẩy học sinh không thể viết thật hoặc sử dụng đúng ngôn ngữ của lứa tuổi.

 

 
 

Mỗi kỳ kiểm tra, giáo viên thường đọc một số bài văn mẫu cho học sinh chép… Vì vậy không còn cách nào khác là học thuộc những bài văn của giáo viên

 

Phụ huynh một trường tiểu học tại Q.3, TP.HCM

 

 

Khuyến khích viết theo suy nghĩ, hiểu biết

Thực tế, cả phụ huynh lẫn giáo viên đều mong muốn làm sao để học sinh có thể viết văn theo ngôn ngữ và suy nghĩ đúng theo độ tuổi.

Cô Bùi Thị Ngọc Linh khuyên: “Đầu tiên là phụ huynh không khuyến khích con dùng văn mẫu. Đồng thời, phụ huynh không nên can thiệp quá sâu vào bài văn của con và áp đặt các em làm theo suy nghĩ và cách diễn đạt của mình vì mục đích điểm số”. Một giáo viên khác cho rằng: “Giáo viên khi đọc bài của học sinh, họ hoàn toàn có thể biết được bài văn có phải là chính các em làm, hay có sự hỗ trợ của người lớn. Nếu bài làm mang phong cách người lớn quá, các em cũng sẽ không đạt điểm cao”.

Cô Nguyễn Thị Kim Hương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lạc Long Quân, Q.11, TP.HCM cho biết: “Ở trường, ở mỗi thể loại, giáo viên đều dạy cho các em làm dàn ý. Đồng thời, giáo viên sẽ mời học sinh phát biểu các câu, từ, tình tiết liên quan đến đề bài. Mỗi em có một từ, một ý, từ đó các em sẽ tổng hợp lại từ ngữ ở lớp. Nếu vận dụng vốn từ đưa ra tại lớp, các em hoàn toàn có thể làm bài văn chân thật, phát huy được hiểu biết và chính kiến của các em”.

 

Giáo viên nói không, phụ huynh nói có

 

Một phụ huynh ở Q.12 (TP.HCM), kể: “Với đề bài tả về mẹ, cháu tả mẹ có khuôn mặt trái xoan, mũi dọc dừa, tóc dài đen nhánh, dáng đi mềm mại… trong khi tôi hoàn toàn khác với những hình ảnh đó”. Một phụ huynh tại Q.Tân Bình cho hay giáo viên chia nhóm thảo luận về dàn ý rồi tổng hợp lại và đưa ra một dàn ý chung cho cả lớp. Từ đó, dẫn đến việc khi tả về con mèo thì cả lớp đều tả đầu con mèo to bằng quả bóng”. Còn phụ huynh một trường tiểu học tại Q.3 thì khá bức xúc khi trước mỗi kỳ kiểm tra, giáo viên thường đọc một số bài văn mẫu cho học sinh chép. Trong những bài tập làm văn của trẻ có những cảnh rất lạ lẫm, không phải là những hình ảnh trẻ hay nhìn thấy vì vậy không còn cách nào khác là học thuộc những bài văn của giáo viên.

Trong khi đó, giáo viên Tống Thị Mai Hương, Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1), khẳng định không giáo viên nào dạy học sinh viết theo văn mẫu. Giáo viên này nói: “Trong mọi tình huống, mọi trường hợp khuyến khích học sinh quan sát, tìm ý tưởng, bài càng nhiều ý tưởng thì nội dung càng phong phú. Bên cạnh đó, giáo viên hướng dẫn học sinh cách dùng từ, diễn đạt, chuyển ý sao cho hay. Mở rộng vốn từ, sử dụng các biện pháp tu từ, sử dụng các giác quan để cảm nhận… Ngoài ra, sau mỗi bài tập làm văn đều có tiết trả bài. Giáo viên sửa lỗi của học sinh, mở rộng ý, khuyến khích các em nêu suy nghĩ của mình sau mỗi bài làm.

Bích Thanh

 

 

Minh Luân