30/12/2024

Mình nói gì khi nói về giáo dục

Chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng nhìn trên bề mặt thông tin truyền thông, có thể thấy rằng, dường như tình hình hội thảo, hội nghị, tọa đàm về giáo dục ở nước ta những năm gần đây tăng mạnh, năm sau luôn cao hơn năm trước. Và nếu cứ nhìn vào sự tăng trưởng đó, có thể đo thấy sự quan tâm của xã hội, trí thức với lĩnh vực hệ trọng này.

 

Mình nói gì khi nói về giáo dục

Ảnh chụp tại Hội thảo Đối thoại giáo dục Việt Nam. Ảnh Nguyễn Vinh.

 

Chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng nhìn trên bề mặt thông tin truyền thông, có thể thấy rằng, dường như tình hình hội thảo, hội nghị, tọa đàm về giáo dục ở nước ta những năm gần đây tăng mạnh, năm sau luôn cao hơn năm trước. Và nếu cứ nhìn vào sự tăng trưởng đó, có thể đo thấy sự quan tâm của xã hội, trí thức với lĩnh vực hệ trọng này.

Nhưng trên thực tế, sự ráo riết kiếm tìm giải pháp cho một nền giáo dục ì ạch dường như đã không mang lại nhiều hiệu quả.

Dennis F.Berg, Giáo sư danh dự về xã hội học tại Đại học Bang California ở Fullerton, người đã có 30 năm làm việc tại các đại học tại châu Á, nói rằng, ông từng dự nhiều cuộc hội thảo về giáo dục tại Việt Nam, đặc biệt là giáo dục đại học. “Theo cảm nhận của tôi, tại các hội thảo, rất nhiều sáng kiến được đưa ra. Và thường thì sau mỗi hội thảo, ai nấy ra về với một tâm trạng rất phấn chấn, nghĩ rằng, mình đã đưa ý tưởng, có tiếng nói và như thế là ngành giáo dục sẽ tốt lên. Nhưng rồi thật buồn cười, hôm sau mọi người lại gặp nhau ở một hội thảo khác, và lại tiếp tục đưa ra những sáng kiến cải cách, lại với tinh thần phản biện, tin tưởng và hy vọng như ở các cuộc hội thảo cũ”, ông Dennis F. Berg hóm hỉnh nói như vậy khi cuộc Hội thảo Đối thoại giáo dục Việt Nam: Thảo luận về cải cách giáo dục đại học do nhóm Đối thoại giáo dục và Lãnh sự quán Mỹ tại TPHCM tổ chức vào đầu tháng 8 vừa qua.

Không nên đòi hỏi rằng những hội thảo sẽ giải quyết bằng được những vấn đề của một nền giáo dục chậm cảm đối với bối cảnh giáo dục thế giới và lãnh cảm đối với yêu cầu phát triển của đất nước. Nhưng nếu coi các hội thảo là nơi tập trung sáng kiến và tiếng nói của trí thức trước vấn đề quốc sách thì những gì đang xảy ra trên thực tế cho thấy thông điệp học thuật từ các hội thảo đã không “ăn nhằm” gì đến đường lối, cơ chế của nền giáo dục. Hoặc nếu có, thì cũng không đáng kể. Nói cách khác, những hội thảo của học giới cũng chỉ đủ sức phẫu thuật và đưa phác đồ chứ không tài nào trực tiếp điều trị lâm sàng để chữa lành, thay đổi tích cực những khuyết tật, dị tật, chứng tật của một nền giáo dục mà chạm vào đâu cũng thấy nguy cơ và nan giải.

Những hội thảo, hội nghị, tọa đàm của học giới bằng cách này hay cách khác, cứ tiếp tục diễn ra, giải quyết mối bức xúc, ưu tư của cộng đồng trí thức nhỏ hẹp. Rất nhiều những dịp như thế, có sự tham dự của những quan chức cấp cao trong ngành giáo dục. Phải nói, rất nhiều vị chịu nghe, chịu ghi chép và chịu hứa hẹn sẽ đưa các đề xuất trở về nghiên cứu để đi đến cải tạo nền giáo dục. Nhưng rồi đâu lại vào đó. Cũng không thể trách các vị đó nhưng cũng phải hiểu, con đường từ nghe, đến hiểu, từ hiểu đến nghiên cứu và từ nghiên cứu đến đưa vào thực hiện là rất dài, mà nhiều khi mong muốn cải thiện của một vài cá nhân đơn lẻ không thể làm thay đổi hay lay chuyển được một nền giáo dục đã được “lập trình và gắn mã”, dị biệt từ căn nguyên.

Đầu năm học này, rất nhiều vụ lùm xùm bất ổn xảy ra với các trường đại học tư thục, dân lập, những vụ việc kiện tụng nhà trường mua bán bằng cấp, những bất đồng trong sinh hoạt khoa học, chuyện nhà trường chiếm dụng tiền học phí của sinh viên… Thêm vào đó, chủ trương thay đổi phương thức khảo thí chuyển tiếp từ trung học phổ thông lên đại học mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra đang bùng lên những tranh luận trái chiều trong dân.

Tinh thần chung toát lên từ những câu chuyện này, đó là niềm tin giữa người học (với tư cách là đối tượng thụ hưởng phúc lợi, người tiêu dùng) vào nền giáo dục đang bị lung lay, mất mát trầm trọng. Và điều đau đớn nhất, người dân ngày càng nhận ra, những lao tâm khổ tứ ứng phó với vô vàn cải cách trong giáo dục thời gian qua hóa ra chẳng đem lại hiệu quả nào thực chất cả. Những thay đổi chỉ làm cho đời sống học hành của con em họ thêm xáo trộn, ngổn ngang, hoang mang chứ không làm gia tăng những giá trị thực cho tương lai xã hội.

Trong các hội thảo giáo dục, rất nhiều vấn đề (như triết lý giáo dục, tự trị đại học, tự do học thuật và nghiên cứu, quyền lợi của nhà đầu tư trong kinh doanh giáo dục) được lặp đi lặp lại năm này qua năm khác. Hội thảo, cuối cùng, như một cơ chế giải phóng ức chế của học giới hơn là tạo ra những giải pháp tác động vào thực tế chính sách.

Cuối một hội thảo về vấn đề đại học gần đây, một giáo sư nước ngoài gốc Việt đã làm một việc khá ý nghĩa: cho photocopy lại một tập kỷ yếu hội thảo giáo dục 20 năm trước và phát cho khách tham dự. Thật bất ngờ, trong tập kỷ yếu hội thảo cách đây đến 20 năm, đã có rất nhiều vấn đề được thảo luận… trùng với nội dung “nóng” mà cuộc hội thảo hiện tại đang đề cập và tranh luận.

Thì ra, trong một quãng thời gian dài, học giới không có nhiều đề tài mới để nói, khi mà những thứ “luẩn quẩn căn bản” vẫn chưa được xử lý trên thực tế.