10/01/2025

Cảnh giác với sốt trong mùa dịch bệnh

Trong thời gian gần đây, những bệnh khiến người dân lo lắng như Ebola, sốt xuất huyết, sởi… đều có biểu hiện liên quan đến sốt. Để xác định có phải sốt hay không cần phải cặp nhiệt độ, thân nhiệt trên 37 độ C gọi là sốt.

Cảnh giác với sốt trong mùa dịch bệnh

Trong thời gian gần đây, những bệnh khiến người dân lo lắng như Ebola, sốt xuất huyết, sởi… đều có biểu hiện liên quan đến sốt.

PGS.TS.BS Nguyễn Duy Phong 

Để xác định có phải sốt hay không cần phải cặp nhiệt độ, thân nhiệt trên 37 độ C gọi là sốt.

Có rất nhiều bệnh gây sốt. Thông thường, các bệnh gây sốt kéo dài được chia làm bốn nhóm: bệnh nhiễm trùng, bệnh lý ác tính, bệnh lý miễn dịch, các nguyên nhân khác. Sốt biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau: sốt phát ban, sốt tiêu chảy, sốt co giật…

Sốt cấp tính và sốt kéo dài

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Duy Phong – Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, phần lớn bệnh truyền nhiễm đều gây ra sốt, trừ một số bệnh như uốn ván, viêm gan siêu vi A-B-C là không gây sốt hoặc sốt rất nhẹ mà nhiều người dễ bỏ qua đến khi có biểu hiện vàng mắt vàng da mới phát hiện là bị viêm gan. Do vậy muốn điều trị, điều quan trọng là phải tìm được nguyên nhân gây sốt.

Theo bác sĩ, sốt trên 38 độ C dưới 7 ngày gọi là sốt cấp tính, sốt trên 2 tuần gọi là sốt kéo dài.

Một số bệnh gây sốt có diễn tiến rầm rộ, cấp tính như đau bụng, nôn ói, nhức đầu, mệt mỏi, ăn không ngon miệng… bệnh nhân nên được nhập viện sớm, trong vòng vài giờ hoặc vài ngày đầu tiên của bệnh.

Một số bệnh lý khác diễn tiến ít rầm rộ hơn, bệnh nhân thường nhập viện trễ hơn, với biểu hiện sốt kéo dài. Một số trường hợp sốt kéo dài phải nhập khoa cấp cứu hồi sức tích cực vì bệnh diễn tiến nặng, có biểu hiện suy chức năng của một hoặc nhiều cơ quan của cơ thể, nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.

Có nhiều người bị sốt trong một thời gian dài vẫn không tìm ra nguyên nhân gây bệnh dù đã được bác sĩ thăm khám, nhưng chỉ một thời gian sau biểu hiện sốt biến mất hoàn toàn. Nhưng cũng có những người sốt kéo dài lại là biểu hiện của một số bệnh khác.

Nguyên nhân sốt kéo dài rất phức tạp, cần phải thăm khám tỉ mỉ và thực hiện các xét nghiệm cần thiết (chụp X-quang phổi, xét nghiệm công thức máu, máu lắng, xét nghiệm chất nhầy họng tìm vi khuẩn, cần thiết sẽ được chọc hút nhầy phế quản để xét nghiệm vi sinh tìm tác nhân gây bệnh hoặc nội soi phế quản) để chẩn đoán xác định bệnh, từ đó điều trị đặc hiệu các nguyên nhân này.

Sốt kéo dài thường làm bệnh nhân mệt mỏi, ăn uống kém, sụt cân, nhức đầu, khó ngủ… và vì những điều đó lại gây sốt, đó là vòng luẩn quẩn của sốt kéo dài. Sốt cao có thể đưa đến tai biến nguy hiểm như nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, viêm não, viêm màng não…

Sốt nhiễm khuẩn và không nhiễm khuẩn

Thông thường sốt là một hiện tượng phản ứng của cơ thể dưới sự tấn công của các tác nhân bên ngoài như thời tiết nắng nóng, sốc nhiệt, dị ứng (thức ăn, mỹ phẩm…).

Sốt do vi sinh vật gây bệnh có nhiễm khuẩn hoặc không do nhiễm khuẩn. Sốt nhiễm khuẩn cũng có nhiều loại khác nhau, có thể sốt cấp tính hoặc sốt dai dẳng, kéo dài. Một số bệnh gây viêm đường hô hấp cấp tính như viêm họng cấp, viêm amiđan cấp, viêm phế quản, thanh quản, viêm phổi cấp tính hoặc amiđan thường sốt rất cao (trên 39 độ C).

Một số bệnh gây sốt phát ban như sốt xuất huyết, sởi, thủy đậu hoặc thương hàn, nhiễm khuẩn huyết, viêm não – màng não, sốt vàng da chảy máu… cũng gây sốt cao, thậm chí sốt rất cao (trên 40 độ C).

Một số bệnh nhiễm trùng mãn tính cũng gây sốt nhưng thường sốt không cao, khoảng 37,5 – 38,5 độ C, ví dụ như sốt do lao (lao phổi, lao xương…), cảm cúm, VA ở trẻ nhỏ (một loại bệnh liên quan tới đường hô hấp, có nguy cơ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm), viêm họng, viêm xoang mãn tính, viêm đường tiết niệu.

Sốt không do nhiễm khuẩn cũng thường gặp. Hầu hết các loại sốt không do nhiễm khuẩn là sự phản ứng của cơ thể khi gặp yếu tố lạ hoặc phản ứng của cơ thể để sinh ra kháng thể chống lại tác nhân gây bệnh, ví dụ như sốt nhẹ sau khi tiêm văcxin ở một số trẻ hoặc trẻ mọc răng sữa, say nóng, say nắng hoặc sốt do bệnh ung thư, bệnh về máu… Nhưng đôi khi sốt không do nhiễm trùng nhưng lại là một sự phản ứng quá mạnh như sốt do truyền dịch gặp ở một số trường hợp.

Khi nào nên đến cấp cứu?

Vậy những tác nhân nêu trên gây ảnh hưởng nguy hiểm như thế nào, loại sốt nào cần phải đưa đến bệnh viện, loại sốt nào có thể tự chăm sóc tại nhà?

Nếu chỉ sốt đơn thuần do tác nhân bên ngoài tấn công cơ thể thì có thể do bị cảm cúm, các bệnh thể nhẹ, nên có thể tự chăm sóc tại nhà. Khi tự theo dõi tại nhà, người bệnh cần ăn mặc thoáng mát, uống nhiều nước, lau mát cơ thể ở các vị trí nếp gấp như nách, bẹn, cổ… bằng nước ấm sẽ làm thân nhiệt hạ nhanh.

Bên cạnh đó, người bệnh có thể uống thuốc hạ sốt nhưng cần lưu ý người lớn có thể dùng paracetamol liều 500mg không quá 4 lần/ngày. Đối với trẻ nhỏ có thể sử dụng thuốc uống và thuốc đặt hậu môn nhưng phải theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Tuy nhiên, khi sốt cao trên 38 độ C và đặc biệt là ở trẻ em dưới 5 tuổi có kèm theo co giật nên đưa ngay đến cơ sở y tế để được theo dõi và làm các xét nghiệm tìm nguyên nhân bệnh. Bởi biến chứng của co giật rất nguy hiểm, thiếu oxy não gây chậm phát triển trí tuệ, trong khi co giật gây sặc khiến thức ăn vào phổi dẫn đến viêm phổi…

Đặc biệt, trong thời gian này, sau khi rời khỏi sân bay mà có biểu hiện sốt cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám. Hoặc cơ thể đang sốt thì theo dõi trong khu dân cư đang sinh sống có sốt xuất huyết hay không để kịp thời điều trị – BS Phong nhấn mạnh.

DIỆU NGUYỄN