02/01/2025

Thừa thầy thiếu thợ, hơn 162.000 cử nhân thất nghiệp

Theo số liệu thống kê ngày 2-7-2014 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cả nước có 162.400 người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp. Điều này cho thấy công tác đào tạo hiện nay tại các trường đại học chưa đáp ứng được nhu cầu chất lượng.

Thừa thầy thiếu thợ, hơn 162.000 cử nhân thất nghiệp

Con số đáng báo động này được đưa ra tại hội thảo “Biến động việc làm ở TP.HCM, thực trạng và những vấn đề đặt ra” vào sáng 20-8.

Sinh viên trong một ngày hội việc làm – Ảnh: Như Hùng 

Trình bày về vấn đề cung – cầu nhân lực, tiến sĩ Hồ Bá Thâm – chuyên viên cao cấp của Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM chỉ ra rằng hiện nay nhu cầu tuyển dụng luôn cao hơn nhu cầu tìm việc đối với trình độ trung cấp, cung không đủ cầu. Đồng thời lao động chưa qua đào tạo vẫn là đối tượng được doanh nghiệp tuyển dụng nhiều nhất.

 

Theo số liệu thống kê ngày 2-7-2014 của  Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cả nước có 162.400 người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp. Điều này cho thấy công tác đào tạo hiện nay tại các trường đại học chưa đáp ứng được nhu cầu chất lượng.

 

Theo thống kê về lao động tháng 5-2014, lao động chưa qua đào tạo được tuyển dụng nhiều nhất với tỉ lệ hơn 37%, tiếp đó là trình độ trung cấp hơn 22%, trong khi đại học chỉ có gần 15%.

Mặt khác, thống kê của ngành lao động cho thấy tỉ lệ lao động từ 20-24 tuổi có trình độ đại học thất nghiệp trên cả nước lên tới 20%.  Người có trình độ cử nhân trở lên thất nghiệp liên lục tăng.

Đồng thời, thị trường lao động xảy ra nghịch lý chỗ thừa, chỗ thiếu. Nhiều nhóm ngành, nghề như kiến trúc – xây dựng, kế toán, kiểm toán có tỉ lệ cung vượt cầu trong khi nhiều nhóm khác như công nghệ thông tin, cơ khí tự động hóa … lại có chỉ số cầu cao hơn cung.

Ông Thâm cho rằng để khắc phục nghịch lý này, phải thay đổi cả suy nghĩ, chính sách. Hiện nay, tâm lý người trẻ và cả gia đình muốn học trung cấp, học nghề rất ít. Nhiều người học cao đẳng, trung cấp ra trường nhưng không muốn làm công nhân mà lại tiếp tục học lên nữa. Đồng thời phải đầu tư về mặt dự báo thị trường lao động mạnh hơn, xây dựng trung tâm dự báo tầm quốc gia.

Theo ông Thâm, năng lực dự báo nhân lực, thị trường lao động hiện nay mới chỉ ở mức đưa ra đối phó, thông tin đưa ra còn chắp vá. Việc dự báo không thể thiếu được và phải bao gồm cả dài hạn, trung hạn. Từ những thông tin dự báo cụ thể ngành nào thừa, thiếu, khu vực nào cần thì từ doanh nghiệp, nhà đào tạo cho đến nhà quản lý, sinh viên biết cách ứng xử, định hướng.

Ông Trần Anh Tuấn – quyền giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực TP.HCM cho rằng xu hướng nguồn nhân lực đang thay đổi, doanh nghiệp đặt vấn đề cần nguồn nhân lực chất lượng cao mà thực chất không phải bằng cấp cao mà phải có nghề nghiệp, kỹ năng, trách nhiệm đạo đức xã hội.

Trước đây chúng ta hô hào đào tạo lao động trình độ cao, trình độ đại học, nhưng thực tế cho thấy với đặc điểm đại đa số các doanh nghiệp thuộc loại vừa và nhỏ thì lao động trực tiếp, thực hành cần được chú trọng. Ngoài ra thị trường lao động còn tồn tại nhiều vấn đề trong đó có việc các doanh nghiệp hô hào thiếu lao động chất lượng cao nhưng nội lực phát triển của doanh nghiệp lại không có, không trả lương tương xứng cho người lao động.

VŨ THỦY