22/10/2024

Giao địa phương tổ chức kỳ thi quốc gia: không ổn

“Người dân chỉ mong muốn có được thông tin về kỳ thi một cách rõ ràng. Chính phủ đã yêu cầu Bộ GD-ĐT làm nghiêm túc để công bố trước dịp khai giảng năm học mới”.

Giao địa phương tổ chức kỳ thi quốc gia: không ổn

“Người dân chỉ mong muốn có được thông tin về kỳ thi một cách rõ ràng. Chính phủ đã yêu cầu Bộ GD-ĐT làm nghiêm túc để công bố trước dịp khai giảng năm học mới”. 
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận - Ảnh: N.Khánh

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận – Ảnh: N.Khánh

Đó là chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ở Hội nghị hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 15-8 với sự tham gia trực tuyến tại sáu điểm cầu: Hà Nội, Thái Nguyên, Nghệ An, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ.

Theo Phó thủ tướng, đây là một kỳ thi quốc gia được dùng làm căn cứ xét tốt nghiệp phổ thông và giúp các trường làm công tác tuyển sinh trên tinh thần tự chủ. Việc thi môn gì chưa quan trọng bằng đảm bảo trung thực, khách quan, bớt nhiêu khê nhất. Nhưng cũng phải tính để kỳ thi ổn định trong quá trình tiến tới cải cách, đổi mới cả chương trình, sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy.

“Trước mắt, kỳ thi phải thiết kế làm sao để làm căn cứ đáng tin cậy cho tuyển sinh ĐH. Còn lâu dài các trường tự chủ lên và siết chất lượng đầu ra, cứ ai tốt nghiệp THPT thì có quyền ghi danh học ĐH, lúc đó vai trò của kỳ thi tốt nghiệp THPT là chính” – Phó thủ tướng nói.

Trung thực cho kỳ thi ở địa phương: khó tin!

Cần phải có lòng tin vào đội ngũ. Ai cũng có thể nói không tin được vào kỳ thi phổ thông, nhưng tôi đề nghị chúng ta không nói thế. Tư lệnh phải tin vào chiến sĩ của mình đang chĩa súng vào địch để giữ trận địa. Chứ cứ lo chiến sĩ chĩa súng vào mình, không lo chỉ đạo tấn công thì thua là chắc

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận

Khác hẳn với sự lựa chọn chủ yếu theo phương án 1 từ các sở GD-ĐT tại hội nghị cuối tháng 7, lãnh đạo các trường ĐH lại có phần nghiêng về phương án 2 một kỳ thi quốc gia có năm bài thi: toán, ngữ văn, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên (gồm vật lý, hóa học và sinh học), khoa học xã hội (gồm lịch sử và địa lý).

Trong đó, mỗi thí sinh phải thi bốn bài thi gồm ba bài thi bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và một bài thi do học sinh tự chọn từ khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội.

Dù ủng hộ một kỳ thi quốc gia, thậm chí nhiều trường còn tỏ ra sốt ruột đề nghị Bộ GD-ĐT phải khẩn trương hơn nữa, nhưng sau cùng các trường lại lộ rõ sự e dè với cách thức tổ chức kỳ thi quốc gia được gợi ý giao về địa phương có sự hỗ trợ từ các trường ĐH, CĐ: Liệu địa phương có thể đảm đương việc tổ chức một kỳ thi trung thực?

Ngay cả với một trường ĐH tư thục vốn nguồn tuyển hằng năm không dư dả gì, nhưng đại diện Trường ĐH Thăng Long vẫn kiên quyết: nếu giao phó cho địa phương thì chắc chắn trường lại phải tổ chức một kỳ thi riêng.

Theo ông Phan Huy Phú – hiệu trưởng nhà trường, với tính chất tuyển chọn thí sinh học ĐH, nhất thiết việc coi thi, chấm thi phải được chủ trì bởi chính các trường ĐH. Còn lại, thí sinh chỉ muốn thi tốt nghiệp, không thi ĐH thì có thể thi tại địa phương.

Ông Nguyễn Quý Khoát – phó giám đốc Học viện An ninh nhân dân – dẫn chứng ngay với kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, khâu chấm thi được tập trung đầu mối về Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT, chỉ khâu coi thi được giao cho địa phương mà cũng đã lộ ra những dấu hiệu lạ.

“Không nói đâu xa, kỳ tuyển sinh vừa qua, một học sinh đoạt giải quốc gia môn hóa nhưng thi vào học viện chỉ đạt tổng điểm ba môn vỏn vẹn có 9 điểm. Chúng ta phải thật sự cân nhắc việc tổ chức thi tại địa phương. Việc đưa giảng viên, cán bộ trường ĐH về các tỉnh sẽ rất tốn kém mà cũng không đủ đảm bảo đem lại kết quả của một kỳ thi trung thực. Kể cả điều lãnh đạo trường ĐH danh tiếng về địa phương phối hợp công tác coi thi nhưng chỉ đơn phương vị lãnh đạo đó, không có quân của chính mình chỉ đạo thì cũng không làm được gì, không can thiệp được với địa phương” – ông Khoát lo lắng.

Không chỉ dừng ở lo ngại chung chung, ông Nguyễn Hữu Tú – phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội – “bật mí” khối trường y đang đề xuất phương án kỳ thi bổ sung để xét tuyển riêng vào nhóm ngành y dược.

“Ngay trong trường chúng tôi, dù điểm chuẩn nhìn chung đều cao, nhưng giữa những ngành có mức điểm chuẩn chênh lệch thì chất lượng đào tạo sau đó cũng khác nhau nhiều” – ông Tú lý giải về việc tại sao phải chăm chút cho đầu vào. Tuy nhiên, với kỳ thi bổ sung này, khối trường y mong muốn Bộ GD-ĐT sẽ là “chỗ dựa về ngân hàng đề thi” để các trường sử dụng cho kỳ tuyển sinh.

Ông Nguyễn Đình Tư (phó hiệu trưởng Trường ĐH Thành Tây) - Ảnh: N.Khánh
Ông Nguyễn Đình Tư (phó hiệu trưởng Trường ĐH Thành Tây) – Ảnh: N.Khánh

Dự thảo điều lệ trường ĐH nhiều điểm không ổn

Cả xã hội đã chán ngấy với thi cử rồi. Người ta vẫn gọi Bộ GD- ĐT là bộ tuyển sinh. Bao lâu nay không thấy bộ tổ chức hội nghị nào bàn luận, hiến kế xem làm thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, xây dựng được những trường ĐH ngang tầm khu vực và thế giới. Suốt ngày chỉ thấy nói đến tuyển sinh…

Ông Nguyễn Đình Tư (phó hiệu trưởng Trường ĐH Thành Tây)

Về dự thảo điều lệ trường ĐH, ông Nguyễn Dũng, hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, cho biết năm 2013 Bộ GD-ĐT đưa ra thảo luận một lần. Đến tháng 7-2014 bộ lại đưa lên mạng để lấy ý kiến về dự thảo này.

Tuy nhiên thời điểm và cả cách đưa dự thảo này ra lấy ý kiến lần này chưa hợp lý, đặc biệt nhiều nội dung của dự thảo này không ổn.

Cũng theo ông Dũng, khi Thủ tướng cho phép các trường được thành lập để đào tạo thế hệ trẻ phục vụ đất nước, chứ không phải trường này mua trường kia, người nào đó mua trường giống như ai có tiền có thể mua dãy nhà, hay mua đội ngũ của một trường ĐH để giảng viên muốn đi đâu thì đi.

Trong dự thảo có nhiều điểm khiến các trường không yên tâm. Ví dụ cho phép tổ chức không có trong cơ cấu tổ chức của trường ĐH là đại hội đồng cổ đông được phép “thông qua quyết nghị để trường hoạt động không vì lợi nhuận”, thực chất là có quyền thay đổi đường hướng hoạt động vì lợi nhuận hay không vì lợi nhuận của trường.

Trong khi theo ông Dũng, vấn đề này nên được xem xét ở tầm cao hơn là tại đại hội đồng cổ đông – chỉ gồm những người có vốn góp vào trường. Trong giấy phép thành lập trường, Thủ tướng cho phép một trường hoạt động vì lợi nhuận hay không vì lợi nhuận. Sau này nếu muốn thay đổi thì phải do Thủ tướng cho phép mới được.

“Có thể thấy việc giao quyền quyết định thay đổi đường hướng hoạt động của trường cho đại hội đồng cổ đông là sai luật và nguy hiểm. Vấn đề trường hoạt động vì lợi nhuận hay không vì lợi nhuận không phải chỉ liên quan đến những thành viên góp vốn, mà là một tôn chỉ liên quan đến nhiều mặt phát triển của trường, về tài chính, về định hướng giáo dục, về nền tảng tư tưởng và tổ chức”, đồng thời ông kiến nghị bộ cho phép các trường ngoài công lập được thảo luận riêng về vấn đề liên quan đến quy chế hoạt động khối trường ĐH này.

TS Nguyễn Đăng Liêm, hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định, cũng cho rằng dự thảo điều lệ trường ĐH cần phải xác định rõ hội đồng sáng lập, hội đồng quản trị các trường ngoài công lập ngay từ đầu phải đăng ký trường đào tạo vì lợi nhuận hay phi lợi nhuận.

Nếu trường đăng ký loại hình phi lợi nhuận thì Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ đất đai, chính sách thuế… vì các trường này hoạt động không khác gì trường công lập. Các trường này cam kết không chia cổ tức mà dành để tái đầu tư phát triển.

Bên cạnh đó cần có quy định chặt chẽ nhằm đề phòng việc biến tướng các chi phí để lấy tiền, những người góp vốn, người quản lý trường được chia lợi nhuận rất cao. Hiện nay đang có trường lập công ty riêng để lấy chi phí.

Đừng để thừa tiền mà không tiêu được

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng chủ trương chung Nhà nước khuyến khích đầu tư vào phát triển giáo dục, y tế, các dịch vụ công và phải xem xét vấn đề nghiêm túc.

Ông dẫn lại câu chuyện hình thành chính sách khuyến khích các doanh nghiệp ngoài quốc doanh phát triển để nói về các chính sách đối với khối trường ngoài công lập: “20 năm trước có 11.000 doanh nghiệp nhà nước, sau đó Nhà nước có chủ trương phát triển doanh nghiệp ngoài quốc doanh cũng trải qua nhiều lần sửa luật để tạo môi trường bình đẳng như hôm nay.

Đồng thời để doanh nghiệp ngoài quốc doanh phát triển, Nhà nước còn thực hiện tái cơ cấu, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, giảm từ 11.000 xuống dưới 1.000. Số lượng các trường ĐH ngoài công lập hiện nay còn rất ít, tỉ lệ sinh viên còn rất ít. Nhưng giáo dục hay y tế là dịch vụ đặc biệt vì liên quan đến con người nên chúng ta không thể đơn giản làm như doanh nghiệp là giải tán bớt đơn vị công để cho tư nhân phát triển vào, mà phải tính cơ chế quản lý làm sao trường là trường công nhưng hiệu quả như một doanh nghiệp”.

Các trường ĐH công bây giờ là lực lượng chính, Nhà nước đầu tư rất nhiều tiền của, đất đai, nhà cửa, đào tạo giáo viên bây giờ phải làm sao khuyến khích thực hiện đúng tinh thần tự chủ. Cần phải tính toán sao xin tự chủ đừng để cảnh thừa mấy chục tỉ đồng trong tài khoản mà không tiêu được vì phải xin phép. Nhưng muốn tự chủ được phải mạnh dạn không xin ngân sách nữa.

“Chúng ta có làm được không? Chúng ta làm được. Tôi giật mình hóa ra mấy trường đã xin tự chủ mà xin mãi không được. Tôi đề nghị bộ phải quyết liệt việc này, nếu có thể được thì phải sớm đưa ra Chính phủ xem giao quyền tự chủ cho các trường về nhân sự, tài chính, chương trình đào tạo như thế nào, đi kèm với đó thì học phí ở mức nào. Trên tinh thần trước mắt động viên, tạo điều kiện cho những trường mạnh dạn, dũng cảm tham gia tự chủ tiến tới dần dần toàn hệ thống trường công phải như vậy. Qua đó gắn với giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho các trường tư thục. Tôi cho rằng đây là điểm rất cốt tử của giáo dục ĐH, CĐ. Chúng ta có thể làm được và chúng ta phải làm, không thể cứ bao cấp, cứ mãi không rõ ràng như thế này” – ông Đam nhấn mạnh.

TRẦN HUỲNH – NGỌC HÀ