09/01/2025

“Đậu cái bằng và đặng cái bầu”

Chính trường học thân thiện đã cho phép hiệu trưởng mạnh dạn định hướng dư luận trong và ngoài nhà trường để duy trì việc tiếp tục học của nữ sinh có thai, từ đó vực em dậy và góp phần tạo dựng hạnh phúc cho em.

“Đậu cái bằng và đặng cái bầu”

Cách đây đã lâu, cô giáo chủ nhiệm lớp 12 trình bày với hiệu trưởng rằng lớp cô chủ nhiệm có một nữ sinh có thai đã hơn năm tháng. 

Em này đến lớp rất uể oải, mặc cảm với bạn bè, việc học giảm sút, ảnh hưởng xấu đến phong trào học tập và kết quả thi đua của lớp rất nhiều.

Cô giáo cho biết đã vận động nữ sinh ấy và gia đình cũng bằng lòng cho nghỉ học, giờ xin ý kiến quyết định của thầy hiệu trưởng. Tôi yêu cầu cô giáo đưa học sinh đến gặp tôi tại văn phòng.

 

 

Tôi hỏi:

– Con có khoẻ không?

– Thưa thầy con khoẻ.

– Con đã đi khám thai chưa?

– Thưa thầy khám rồi.

– Tháng mấy con sinh?

– Thưa thầy khoảng tháng 8.

– Cha cháu bé làm gì?

– Thưa thầy ảnh làm biển ở gần nhà con.

– Gia đình hai bên có bằng lòng chuyện các con không?

– Thưa thầy không.

– Việc học của con có khó khăn gì không?

– Thưa thầy không khó, con cố gắng được, nhưng con sợ bị đuổi học!

– Con cần thầy giúp gì không?

– Thưa thầy, việc con có thai thế này gia đình con xấu hổ lắm, con xin nhà trường thông cảm cho con được tiếp tục học để thi xong tốt nghiệp.

– Thầy xem hồ sơ biết con đã 19 tuổi. Việc rất cần từ bây giờ là con giữ gìn sức khoẻ, yên tâm học, chuẩn bị thi và còn chuẩn bị thật tốt cho việc sinh cháu. Thầy và các thầy cô luôn có mặt bên cạnh con.

Tiếp theo, tôi chỉ đạo phòng y tế theo dõi thường xuyên sức khoẻ của em, có biện pháp cấp cứu khi cần thiết, chuyển lớp học của em từ trên lầu xuống tầng trệt gần phòng y tế. Tôi đã đến sinh hoạt với lớp trong tiết chủ nhiệm, tại đây tôi chính thức thông báo việc bạn có thai.

Tôi chia sẻ tin mừng lớp mình sắp có cháu, vận động cả lớp góp tiền và tôi cũng tham gia để mua tã lót, bình sữa chuẩn bị cho cháu bé. Tôi dặn lớp trưởng dành riêng chỗ ngồi thoáng mát cho em, cắt cử hai nữ sinh thường xuyên ngồi gần để giúp bạn khi cần thiết.

Có thể nói tiết sinh hoạt hôm ấy rất vui và thắm đậm tình người. Cả lớp như được cởi mở tấm lòng với bạn, không còn xem việc bạn có thai như là chuyện “cá biệt” ghê gớm lắm. Tôi cũng đã đến nhà riêng thăm hỏi, vận động cha mẹ em tạo điều kiện tác hợp cho con trẻ trước chuyện đã rồi. Tôi bảo đảm việc cho con họ tiếp tục học và dự thi tốt nghiệp.

Kết quả em đã dự thi tốt nghiệp an toàn và đỗ điểm khá cao, gia đình đã cho hai con được gần nhau, em đã sinh con an toàn. Hôm đầy tháng cháu bé, em mời nhiều thầy cô đến dự, em bế con đặt vào tay tôi và nói: “Cháu ngoại của ông đây”. Tôi tặng em câu thư pháp song hỉ: “Đậu cái bằng và đặng cái bầu”.

Nếu không có ý niệm thân thiện, chúng tôi không dễ dàng vượt qua được sự khắc nghiệt của dư luận xã hội để chấp nhận sự việc: một nữ sinh có thai được mặc áo bầu, tiếp tục ngồi trong nhà trường.

Chính trường học thân thiện đã cho phép hiệu trưởng mạnh dạn định hướng dư luận trong và ngoài nhà trường để duy trì việc tiếp tục học của nữ sinh có thai, từ đó vực em dậy và góp phần tạo dựng hạnh phúc cho em.

Như vậy đồng bộ với việc thay đổi phương pháp giảng dạy và thay đổi cách kiểm tra đánh giá, thầy cô giáo cũng rất cần và nhất thiết phải thay đổi cách tiếp cận và chăm sóc học sinh của mình.

TẠ QUANG SUM 
(nguyên hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo, TP Cam Ranh)