Hội nghị Toàn quốc Brasil về Truyền thông Xã hội
Trong sứ điệp gửi Hội nghị mục vụ truyền thông toàn nước Brasil lần thứ IV, Đức Thánh Cha Phanxicô khích lệ rao giảng Tin Mừng và cống hiến cho “thế giới vi tính” cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Kitô, một cuộc găp gỡ thực sự đổi đời.
Trong các ngày từ 24 đến 27 tháng 7 năm 2014, Hội nghị Toàn quốc Brasil lần thứ IV về Truyền thông Xã hội đã diễn ra tại Đền thánh Đức Bà Aparecida với sự tham dự của hàng trăm tham dự viên gồm các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân nam nữ dấn thân trong lĩnh vực truyền thông. Mục đích của hội nghị là tìm ra các con đường mới để đào tạo và huy động các nhân viên mục vụ truyền thông trong nước, nhân kỷ niệm một năm chuyến công du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Brasil.
Trong sứ điệp gửi Hội nghị mục vụ truyền thông toàn nước Brasil lần thứ IV, Đức Thánh Cha Phanxicô khích lệ rao giảng Tin Mừng và cống hiến cho “thế giới vi tính” cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Kitô, một cuộc găp gỡ thực sự đổi đời.
Sứ điệp mang chữ ký của Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh, lấy lại ý chính bài giảng của Đức Thánh Cha trong chuyến viếng thăm Brasil, và khuyến khích Giáo Hội tại đây đừng khép kín trong các giáo xứ, cộng đoàn và cơ cấu giáo xứ hay giáo phận, nhưng “đi ra”, tìm kiếm và gặp gỡ, vì có biết bao nhiêu người đang chờ đợi Tin Mừng. Thái độ “đi ra” đó cũng phải áp dụng cho lĩnh vực truyền thông bằng vi tính. Không được loại trừ con đường nào hết đối với người nhân danh Chúa Kitô Phục Sinh luôn dấn thân liên đới với con người. Với Tin Mừng trên tay và trong tim, cần tái khẳng định rằng đã đến lúc tiếp tục chuẩn bị các con đường dẫn đến Lời Chúa, và đặc biệt lưu ý tới những ai đang trong giai đoạn kiếm tìm. Thật thế, mục vụ trong thế giới vi tính được mời gọi chú ý tới những người không tin, bị rơi vào tình trạng chán nản, nhưng vẫn vun trồng ước ao sự tuyệt đối và chân lý không mau qua, bởi vì các phương tiện truyền thông cho phép tiếp cận với tín hữu các tôn giáo khác, với các người không tin và con người thuộc mọi nền văn hoá.
Trong bối cảnh đó, các “kênh vi tính” là một lĩnh vực nền tảng của mục vụ truyền thông trong việc đi ra mới của công tác rao truyền Tin Mừng. Và mọi Kitô hữu đều được mời gọi góp phần vào công tác này, cách riêng các nhân viên truyền thông Công giáo. Có hai phương thế cụ thể cần dùng: một đàng là sử dụng các phương tiện và học hiểu thứ ngôn ngữ chuyên biệt của lĩnh vực vi tính; đàng khác là thừa nhận quyền tối thượng của con người, mà không quên rằng trước khi là một thực tại kỹ thuật, thế giới vi tính trước hết là nơi gặp gỡ với các người nam nữ, có các ước vọng và các thách đố thực sự cần các câu trả lời cụ thể.
Sau đây, chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn một số nhận định của Đức Tổng Giám mục Claudio Maria Celli, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Truyền thông Xã hội, về hội nghị nói trên. Đức Tổng Giám mục đã tham dự và thuyết trình trong hội nghị về đề tài “Các thay đổi xã hội văn hoá, mà các kỹ thuật mới có thể đem lại cho con người ngày nay”.
Hỏi: Thưa Đức cha Celli, các tín hữu Kitô phải có vai trò nào trong thế giới truyền thông ngày nay?
Đáp: Kitô hữu nắm một vai trò quan trọng trong thế giới truyền thông. Nhưng nó không phải là “bỏ bom” mạng lưới truyền thông với các sứ điệp tôn giáo, mà là cống hiến chứng tá của mỗi người, làm sao để phối hợp đức tin của mình với các vấn đề, các khía cạnh, các căng thẳng của cuộc sống thường ngày.
Hỏi: Các người tổ chức hội nghị đã xin Đức cha thuyết trình về một đề tài rất rộng rãi liên quan tới “các thay đổi xã hội văn hoá, mà các kỹ thuật mới có thể đem lại cho con người ngày nay”. Đức cha có ý khởi hành từ các tiền đề nào?
Đáp: Trước hết, tôi xin nói rằng Hội đồng của chúng tôi rất chú ý tới các sáng kiến như việc tổ chức hội nghị này. Ngoài ra, trong các nhiệm vụ của Hội đồng Toà Thánh về Truyền thông Xã hội có nhiệm vụ khích lệ các Giáo Hội địa phương suy tư về các thách đố chính gọi hỏi Giáo Hội trong lĩnh vực truyền thông xã hội. Trong trường hợp chuyện biệt của thực tại Brasil đó là lãnh nhận một trách nhiệm mới, trong nghĩa tín hữu Công giáo được mời gọi “là các thừa sai trong thế giới liên mạng”. Bởi vì có cả một nền tu đức cần diễn tả cả trong thế giới Internet nữa, cũng giống như kiểu chúng ta sống nền tu đức này trong nhà, trong môi trường làm việc, với gia đình, với bạn bè. Và đây là điều nền tảng.
Hỏi: Thưa Đức cha, cả đề tài chung được chọn do các nhân viên mục vụ truyền thông Brasil cũng tạo thành một chương trình dấn thân, có đúng thế không?
Đáp: Đúng thế. Người ta nói tới các thách đố và các cơ may trong kỷ nguyên vi tính, như thế nó liên quan tới việc làm cho chín muồi ý thức về những gì xảy ra trong lĩnh vực truyền thông nhờ các kỹ thuật mới, và tái khám phá ra sự kiện các kỹ thuật này có thể tạo ra một khung cảnh sống, nơi có hàng trăm ngàn người lui tới. Vì thế, Giáo Hội có sứ mệnh rao truyền Tin Mừng phải tự vấn làm thế nào để có thể và phải loan báo sứ điệp của Chúa Giêsu Kitô trong bối cảnh xã hội là mạng truyền thông này.
Hỏi: Trong sứ điệp gửi Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi dùng các phương tiện truyền thông xã hội để phục vụ một nền văn hoá gặp gỡ đích thực. Có thể thực hiện điều này như thế nào, thưa Đức Cha?
Đáp: Đức Thánh Cha đã xin chúng ta làm sao để truyền thông trở thành gần gũi với con người nam nữ ngày nay. Và ngài cũng thêm rằng cần phải tạo ra một nền văn hoá của sự gặp gỡ. Do đó, cần phải tự hỏi xem mình có thể dùng các cơ may mà các kỹ thuật tân tiến cống hiến cho chúng ta như thế nào để đi đến cuộc gặp gỡ này. Tôi còn nhớ các lời Đức Thánh Cha nói trong buổi khai mạc hội nghị của Giáo phận Roma, khi ngài nhấn mạnh rằng “thách đố lớn của Giáo Hội ngày nay là trở thành mẹ”.
Hỏi: Một cách cụ thể, điều này có nghĩa là gì thưa Đức cha Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Truyền thông Xã hội?
Đáp: Giám mục Roma diễn tả giấc mộng của một Giáo Hội có khả năng cho thế giới thấy gương mặt hiền mẫu của mình. Như thế, ngài muốn một Giáo Hội cho thấy và sống sự tiếp đón và chia sẻ, bằng cách gần gũi con người trong các nẻo đường khác nhau của cuộc sống. Và điều này có một tầm quan trọng, đặc biệt trong một quốc gia có biết bao mâu thuẫn như Brasil.
Hỏi: Các thuyết trình viên khác của Hội nghị Truyền thông toàn quốc Brasil là những ai, thưa Đức Cha?
Đáp: Tôi muốn nhắc tới hai vị tên tuổi: đó là Cha Antonio Spadaro, Giám đốc Tuần san “Văn minh Công giáo” là người thuyết trình về nhiều đề tài khác nhau như nền thần học vi tính và nền tu đức của trang mạng. Vị thứ hai là bà Leticia Soberon, thuộc Uỷ ban Mạng Truyền thông của Giáo Hội tại châu Mỹ Latinh, trình bày đề tài các môn đệ truyền giáo trong kỷ nguyên của nền văn hoá vi tính.
Hỏi: Thưa Đức cha, đề tài “môn đệ truyền giáo” đã được đào sâu trong Hội nghị lần thứ V của Liên Hội đồng Giám mục châu Mỹ Latinh triệu tập tại Aparecida hồi năm 2007. Nó được cụ thể hoá như thế nào trong lĩnh vực truyền thông?
Đáp: Trong trường hợp của chúng ta, câu hỏi cần đưa ra là các môn đệ của Chúa làm thế nào để “trở thành các thừa sai trong mạng lưới truyền thông xã hội”. Liên quan tới điều này, cần phải minh xác một điều đó là không có chuyện chiêu dụ tín đồ. Như Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói, và như Đức Thánh Cha Phanxicô đã lặp lại nhiều lần, đây không phải là việc bỏ bom mạng truyền thông với các sứ điệp tôn giáo, mà là cống hiến chứng tá. Và lý luận này, trong viễn tượng của Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới sắp tới cũng có thể được trải dài ra cho các đề tài về gia đình. Bởi vì trong các lúc khó khăn và cả trong những lúc tích cực, chúng ta có thể là các chứng nhân của các giá trị Kitô trong mạng truyền thống xã hội, để gia đình luôn tiếp tục là tế bào nòng cốt đích thực của xã hội.
(SD 25-5-2014)