01/01/2025

3 câu hỏi gửi ông bộ trưởng

Ông Giàng Seo Phử (bộ trưởng – chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc) khi được hỏi về việc xử lý sai phạm ở dự án điện mặt trời cho 70 xã miền núi đặc biệt khó khăn đã khẳng định: “… các thiết bị này để phơi nắng, phơi mưa là đương nhiê…”. Tôi không phê phán ai nói sai, ai nói đúng nhưng phải khẳng định có việc đó mà không gây thất thoát, lãng phí”

3 câu hỏi gửi ông bộ trưởng

Tối 20-7, trong chương trình Dân hỏi – bộ trưởng trả lời trên kênh VTV1, ông Giàng Seo Phử (bộ trưởng – chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc) khi được hỏi về việc xử lý sai phạm ở dự án điện mặt trời cho 70 xã miền núi đặc biệt khó khăn (Tuổi Trẻ từ ngày 15 đến 17-5-2013 đã phản ánh) đã khẳng định: “Hiện tượng người dân hay người nào đó nhìn thấy các thiết bị này để phơi nắng, phơi mưa là đương nhiên vì ăngten cho đài truyền hình cũng để ngoài trời chứ làm gì có kho nào trên đỉnh núi. Cho nên đây là một việc phải nhận thức lại, nói cho đúng. Tôi không phê phán ai nói sai, ai nói đúng nhưng phải khẳng định có việc đó mà không gây thất thoát, lãng phí”.

Hình ảnh sai phạm ở dự án điện mặt trời cho 70 xã miền núi do Tuổi Trẻ ghi nhận

 

Bộ trưởng Phử cũng cho hay: “Thông qua báo chí, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến, tôi đã quyết định thành lập đoàn thanh tra để thanh tra toàn diện dự án này. Đến thời điểm này đã kết thúc thanh tra và kết luận thanh tra khẳng định không có tham nhũng và lãng phí. Tôi xin khẳng định lại đây là kết quả kết luận thanh tra chính thức…”.

Câu trả lời của ông bộ trưởng khiến người xem truyền hình hết sức… bất ngờ, nhất là với những người đã theo dõi đầy đủ loạt bài điều tra “Tiền tỉ phơi mưa nắng” trên Tuổi Trẻ về dự án tai tiếng này. Sau bất ngờ và… sốc, tôi có ba câu hỏi muốn được gửi tới ông bộ trưởng.

Thứ nhất, 70 xã trong diện thụ hưởng dự án này đều là các xã miền núi đặc biệt khó khăn chưa có điện lưới. Việc chậm trễ lắp đặt các thiết bị của dự án điện mặt trời càng kéo dài bao lâu thì người dân địa phương càng thiệt thòi bấy nhiêu từ việc chậm được thụ hưởng dự án này (cho các nhu cầu về y tế, giáo dục, hưởng thụ văn hóa…). Việc chậm trễ hàng năm trời không lắp đặt thiết bị (như ở xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên và xã Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La mà báo Tuổi Trẻ đã phản ánh), theo bộ trưởng, có được xem là lãng phí?

 

 

Thứ hai, Uỷ ban Dân tộc vào tháng 12-2012 đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ rằng dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả. Nhưng gần nửa năm sau đó, bạn đọc và báo Tuổi Trẻ điều tra, phát hiện các thùng hàng đựng thiết bị của dự án vẫn nằm lăn lóc ở sân trụ sở UBND xã Háng Đồng hay nằm mốc meo trong kho của UBND xã Chiềng Nơi, chưa hề được lắp đặt như bản báo cáo nêu. Nếu như không có phát hiện và phản ánh của báo Tuổi Trẻ, liệu Ban quản lý dự án của Uỷ ban Dân tộc có cử người vội vã lên Háng Đồng, vội vã vào Chiềng Nơi để thi công lắp đặt, khẩn trương nghiệm thu và bàn giao cho địa phương? Hay là để các thùng thiết bị tiếp tục phơi mưa nắng qua thời gian? Như thế có được xem là lãng phí hay không, thưa bộ trưởng?

Và thứ ba, bộ trưởng cho rằng “các thiết bị này để phơi nắng, phơi mưa là đương nhiên vì ăngten cho đài truyền hình cũng để ngoài trời”. Ôi trời! Thưa ông bộ trưởng, không biết ông đã tận mục sở thị các thiết bị đồng bộ của dự án này hay chưa, ăngten truyền hình chỉ là một phần, còn toàn bộ là thiết bị điện tử với độ chính xác cao, linh kiện đắt tiền nhập ngoại cả đấy, thưa ông. Không phải vô cớ mà nhà sản xuất in rõ trên mỗi thùng hàng biểu tượng “chiếc ô che mưa” – với ý nghĩa hàng hoá cần được bảo quản tránh nước. Bảo quản các thùng hàng theo cách mà bộ trưởng cho là “đương nhiên” chắc chắn gây ảnh hưởng đến độ bền, tính chính xác của các thiết bị của dự án điện mặt trời. Tuổi thọ thiết bị lẽ ra được hàng năm trời nhưng vì cái sự “đương nhiên” này mà bị rút xuống rất nhiều. Sự lãng phí này, theo bộ trưởng, có nên được tính toán?

Dự án viện trợ phát triển dù dưới hình thức nào cũng là một dạng “vay – trả”, không trả nợ ngay thì đời con, đời cháu chúng ta phải đứng ra trả. Không hiểu đoàn thanh tra của Uỷ ban Dân tộc làm việc hiệu quả thế nào mà một dự án được báo chí điều tra, chỉ rõ nơi thì báo cáo “láo”, thiết bị bỏ lăn lóc ngoài trời, nơi thì để hoang cho bò vào dạo chơi… lại được kết luận chính thức rằng “không có thất thoát, lãng phí”. Càng suy nghĩ, càng thấy cái cách người ta đối xử với dự án này sao thật xót xa…

N.V.HẢI