11/01/2025

Lộ trình biên soạn sách giáo khoa

Việc đổi mới sách giáo khoa phải đi liền với đổi mới cấu trúc và nội dung chương trình. Để đạt hiệu quả mà tiết kiệm thời gian, ngân sách, cần xác định một lộ trình hợp lý cho việc biên soạn SGK.

 

Lộ trình biên soạn sách giáo khoa

Việc đổi mới sách giáo khoa phải đi liền với đổi mới cấu trúc và nội dung chương trình. Để đạt hiệu quả mà tiết kiệm thời gian, ngân sách, cần xác định một lộ trình hợp lý cho việc biên soạn SGK.

 
Nếu có cách làm phù hợp, chương trình – SGK sắp tới hy vọng sẽ có chất lượng - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Các bước tiến hành của lộ trình đó chúng tôi đề nghị như sau.

Chính phủ thành lập một Hội đồng chỉ đạo

Căn cứ trên sự giới thiệu của các trường ĐH, các sở GD-ĐT, qua sự đề cử của Bộ GD-ĐT, Chính phủ thành lập một Hội đồng chỉ đạo (HĐCĐ) biên soạn chương trình và SGK tiểu học, trung học thống nhất cho cả nước, gồm những nhà giáo, nhà khoa học am hiểu nhất về các lĩnh vực kiến thức và có nhiều kinh nghiệm sư phạm. Dưới HĐCĐ là các tiểu ban biên soạn chương trình cho từng môn học chung cho cả 3 cấp lớp. Trong HĐCĐ và các tiểu ban cần có đại diện của cơ quan quản lý ở Bộ nhưng chủ tịch HĐ và các trưởng tiểu ban phải là người có uy tín và không làm việc trong cơ quan Bộ. Danh sách HĐ và các tiểu ban cần được công bố trên trang web của Bộ.

HĐCĐ và các tiểu ban sẽ xem xét chương trình đào tạo hiện hành của từng môn học và quyết định có cần biên soạn lại chương trình và SGK của môn học đó hay không; nếu cần biên soạn lại thì thay đổi toàn bộ hay thay đổi từng phần. Nên ưu tiên biên soạn chương trình và SGK những môn nào trước; những môn nào chưa cần biên soạn và thay đổi ngay.

HĐCĐ và các tiểu ban liên quan có trách nhiệm đánh giá và thông tin trước xã hội về chất lượng các bộ SGK hiện hành, kể cả bộ SGK của chương trình thực nghiệm, giải thích vì sao những bộ sách ấy cần phải thay thế hoặc không thể tiếp tục đưa vào sử dụng.

 

 
 

Sau khi công bố chương trình thống nhất của môn học, HĐ kêu gọi các nhóm soạn giả từ các cơ sở đào tạo, các viện nghiên cứu, các sở GD-ĐT hay các cá nhân tự nguyện liên kết với nhau để đăng ký biên soạn SGK của từng môn học cho cả một cấp lớp

 

GS. Huỳnh Như Phương

 

 

Kế đến, HĐCĐ giao cho các tiểu ban nhiệm vụ biên soạn chương trình của từng môn học và ấn định mốc thời gian thực hiện. Các tiểu ban sẽ biên soạn mục tiêu, yêu cầu, cấu trúc và nội dung chương trình, khối lượng kiến thức, chuẩn đầu ra, thứ tự và chủ điểm bài giảng của môn học cho từng lớp. Tiểu ban có thể phân công từng nhóm thành viên biên soạn chương trình môn học riêng cho mỗi cấp lớp, nhưng toàn bộ chương trình môn học của cả ba cấp phải là một thể thống nhất, hợp lý về phân bố kiến thức và yêu cầu sư phạm.

Sau khi chương trình một môn học được biên soạn xong, HĐCĐ sẽ công bố để lấy ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà giáo, nhà văn, phụ huynh… Tiếp thu có chọn lọc những ý kiến đó, tiểu ban biên soạn sửa chữa, bổ sung, hoàn thiện chương trình môn học. Tiếp theo, HĐCĐ thành lập tiểu ban thẩm định chương trình môn học gồm đại diện các nhà khoa học tiêu biểu trong lĩnh vực kiến thức, các nhà giáo đã và đang giảng dạy trực tiếp môn học đó. Khi chương trình môn học được chuẩn y và thông qua, HĐCĐ sẽ chính thức ban hành và đây sẽ là “đề bài” cho các tiểu ban biên soạn SGK.

Kêu gọi xã hội tham gia viết sách

Sau khi công bố chương trình thống nhất của môn học, HĐ kêu gọi các nhóm soạn giả từ các cơ sở đào tạo, các viện nghiên cứu, các sở GD-ĐT hay các cá nhân tự nguyện liên kết với nhau để đăng ký biên soạn SGK của từng môn học cho cả một cấp lớp. Chủ biên của từng nhóm soạn giả này cần lập dự án thực hiện, đề cương chi tiết và dự trù kinh phí biên soạn cho cả bộ sách.

Lúc bấy giờ những thành viên của HĐCĐ và các tiểu ban biên soạn chương trình có thể đăng ký vào các nhóm soạn giả SGK nhưng họ bắt buộc phải rút chân ra khỏi HĐ và các tiểu ban thẩm định mà HĐ thành lập để xét chọn những dự án khả thi nhất của từng môn học và đề nghị Chính phủ đầu tư ban đầu với mức kinh phí phù hợp. HĐ tiếp tục giữ vai trò chỉ đạo, điều phối việc biên soạn SGK: thống nhất quy định những tiêu chí cơ bản của SGK, chuẩn mực về nội dung và hình thức trình bày, ngôn ngữ diễn đạt; ấn định mốc thời gian hoàn thành sản phẩm…

Sau khi một bộ SGK của từng môn học dành cho một cấp lớp được hoàn thành và nộp bản thảo, HĐCĐ sẽ thành lập tiểu ban nghiệm thu gồm các nhà khoa học, nhà giáo, nhà văn không có chân trong ban biên soạn. Tiểu ban nghiệm thu sẽ góp ý để các soạn giả sửa chữa, bổ sung, hoàn thiện SGK trước khi chính thức thông qua sản phẩm.

Trên cơ sở ý kiến đề nghị của các tiểu ban nghiệm thu, HĐCĐ sẽ quyết định chọn ra những bộ sách có chất lượng nhất làm SGK chính thức lưu hành trong nhà trường. Những bộ sách này được nhà nước ưu tiên mua bản quyền hoặc tài trợ kinh phí để ấn hành.

Việc biên soạn SGK các cấp phải được thực hiện đồng bộ, nghĩa là hoàn thành và nghiệm thu trọn bộ cho toàn cấp lớp, chứ không phải thực hiện cho từng lớp riêng lẻ, tuy rằng việc xuất bản và ấn hành có thể làm theo kiểu “cuốn chiếu”, bắt đầu từ lớp đầu cấp.

 

Không độc quyền phát hành SGK

Việc xuất bản, ấn hành và phát hành SGK từ nay không còn dành độc quyền cho một đầu mối nữa. Ngoài hệ thống các NXB Giáo dục, các NXB ĐH Quốc gia, ĐH Sư phạm… cũng được phép tham gia với sự cạnh tranh lành mạnh để có giá thành hợp lý. Chính phủ cần xác định rõ điều này ngay từ đầu lộ trình, vì có mở rộng điều kiện xuất bản thì mới khuyến khích các soạn giả tham gia biên soạn. Nếu tiếp tục tình trạng độc quyền xuất bản SGK, những sản phẩm có chất lượng cao nhưng soạn giả chưa có tên tuổi cũng khó chen chân vào kế hoạch xuất bản đã được “lập trình” từ trước.

Sau khi các bộ SGK được đưa ra thị trường, giáo viên có thể chọn những bộ sách mà mình thấy có giá trị nhất để làm tài liệu giảng dạy cho học sinh. Ngoài bộ sách được chính thức sử dụng trong nhà trường, học sinh cũng có thể tham khảo những bộ sách khác. Lúc bấy giờ, chương trình là “pháp lệnh”, chứ SGK không còn là “pháp lệnh”. Việc ra đề trong các kỳ thi học kỳ, thi tuyển, thi tú tài hay thi ĐH chỉ căn cứ vào chương trình thống nhất nên sẽ rộng đất cho sự chọn lựa và sáng tạo. Các luồng dư luận sẽ tiếp tục nhận xét, phê bình, đánh giá từng bộ SGK và những sản phẩm này chỉ có thể tồn tại và lưu hành nếu các soạn giả không ngừng sửa chữa, hiệu đính để nâng cao chất lượng trong mỗi lần tái bản.

Như vậy với lộ trình này, Chính phủ và Bộ hoàn toàn không buông lỏng mà vẫn kiểm soát được kế hoạch biên soạn và chất lượng SGK; đồng thời tạo điều kiện mở rộng không gian sáng tạo cho những người viết sách và làm sách, khác với cách làm khép kín và gần như độc quyền lâu nay.

 

Huỳnh Như Phương
(Giáo sư Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn- ĐHQG. TP.HCM)