Không xếp loại học sinh tiểu học
Chỉ cho điểm vào cuối học kỳ và cuối năm học; hồ sơ học sinh thay cho học bạ, không xếp loại học lực… Đó sẽ là những đổi mới mạnh mẽ về đánh giá học sinh tiểu học dự kiến áp dụng ngay trong năm học tới.
Không xếp loại học sinh tiểu học
Chỉ cho điểm vào cuối học kỳ và cuối năm học; hồ sơ học sinh thay cho học bạ, không xếp loại học lực… Đó sẽ là những đổi mới mạnh mẽ về đánh giá học sinh tiểu học dự kiến áp dụng ngay trong năm học tới.
|
Ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học Bộ GD-ĐT, thông tin với báo chí những điểm quan trọng trong việc đổi mới đánh giá này.
Phụ huynh, học sinh cùng tham gia đánh giá
Được biết quy định lần này cho phép học sinh (HS) và cả phụ huynh tham gia vào quá trình đánh giá. Có thể hình dung về cách làm này ra sao?
Hiện nay đằng sau cổng trường chỉ có cô và trò. Thời gian tới, từng bước một phụ huynh có điều kiện sẽ được tham gia vào chăm sóc, giúp đỡ việc giáo dục trẻ, không chỉ con mình mà cả các HS khác học trong lớp.
Dù giáo viên điều hành và chịu trách nhiệm chính việc khen thưởng HS nhưng tinh thần của lần đổi mới này còn có thêm sự công nhận của HS trong lớp nữa. Làm thế nào thực hiện được cái này cũng là câu hỏi đặt ra và chắc sẽ có ý kiến băn khoăn liệu HS lớp 1 có làm được không. Trên thực tế, nếu giáo viên biết tổ chức, biết phát huy khả năng tự đánh giá lẫn nhau của HS thì ngay cả HS lớp 1 cũng có thể nói chính kiến của mình rất giỏi.
Ở các thành phố lớn sĩ số lớp có trường hơn 60 HS/lớp nên không phải lúc nào cũng đánh giá kiểm tra được tất cả. Cho nên việc đánh giá khó chính xác nếu chỉ bằng định tính?
Về cơ bản, HS ở các tỉnh không đông, chỉ có Hà Nội và TP.HCM còn những trường bị quá tải. Bản thân tôi cũng rất bức xúc khi thực tế là học cả ngày mà nhiều cháu chẳng được tương tác. Tất cả những tình huống đó sẽ phải có hướng dẫn cụ thể, đã có một số văn bản hướng dẫn cần có thêm trợ giảng đối với những lớp học quá đông.
|
Đánh giá không chỉ qua học bạ
Theo dự thảo quy định về đánh giá HS tiểu học, hồ sơ của HS sẽ bao gồm rất nhiều những minh chứng chi tiết. Như vậy có thể hiểu sẽ không đánh giá HS chỉ bằng học bạ như hiện nay?
Học bạ để đánh giá HS thì nay chúng tôi sẽ gọi là sổ tổng hợp đánh giá. Còn đánh giá của giáo viên hằng ngày thì chúng tôi sẽ có sổ gọi là “trang nhật ký đánh giá của giáo viên”. Ngoài ra, còn có bài kiểm tra định kỳ cuối học kỳ, cuối năm học. Như vậy, về cơ bản HS sẽ có 3 hồ sơ đánh giá. Với những HS chưa hoàn thành chương trình lớp học thì giáo viên phải có biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ để đạt. Trừ trường hợp giúp đỡ rồi vẫn chưa đạt thì giáo viên phải bàn với hiệu trưởng quyết định cho HS lên lớp hay ở lại lớp chứ Bộ không thể quyết từng trường hợp một.
Việc thay đổi đánh giá ở tiểu học sẽ phải kéo theo việc thay đổi cách tiếp nhận HS ở các trường trung học. Hiện vẫn có những trường chỉ tuyển HS có 5 năm học lực giỏi ở cấp tiểu học.
Chúng tôi cũng đã tính tới thực tế này và chắc chắn lãnh đạo Bộ GD-ĐT sẽ có chỉ đạo thống nhất để việc đổi mới đánh giá ở tiểu học khả thi, không mâu thuẫn với cách đánh giá ở cấp học cao hơn. Còn những cuộc thi, những đánh giá ngoài quy định thì phải tăng cường giám sát, kiểm tra và xử lý những vi phạm…
Đối với HS lớp 5 lên lớp 6 thì chúng tôi yêu cầu trưởng phòng giáo dục bàn giao. Việc bàn giao hồ sơ sẽ giúp trường THCS biết được bài kiểm tra định kỳ cuối năm ra sao để cho họ hiểu được trường tiểu học đã xử lý tới đâu và tiếp tục như thế nào.
Nếu quy định này được dư luận đồng thuận thì sẽ được ban hành và áp dụng ngay trong năm học tới?
Đúng như vậy, đó là mong muốn của chúng tôi sau một năm chuẩn bị rất kỹ lưỡng, xin ý kiến thảo luận trong ngành trước khi xây dựng dự thảo này.
Khen thưởng học sinh theo từng môn Theo ông Phạm Ngọc Định, tinh thần của quy định này là giảm áp lực về điểm số đối với bậc tiểu học, thay vào đó đánh giá về sự tiến bộ của HS; giúp HS phát huy được hết khả năng của mình; bảo đảm kịp thời, công bằng, khách quan. “Nguyên tắc mà chúng tôi muốn nhấn mạnh khi đổi mới đánh giá lần này là không so sánh HS này với HS khác… Điểm mới nữa của cách đánh giá này là chấp nhận sự khác nhau về thời gian và mức độ hoàn thành của mỗi nhóm HS”, ông Định thông tin thêm. Dự thảo này còn có điểm mới về khen thưởng. Hiện nay việc xếp loại là tính chung tất cả, điểm các môn gộp lại mới được khen thưởng. Tới đây, để động viên HS, sẽ khen thưởng từng môn. Vì trên thực tế trong lớp học có những HS rất giỏi về hát, nhưng toán lại yếu. Nếu đánh giá như hiện nay chỉ đánh giá toán thôi thì rất thiệt cho HS. Do vậy để đánh giá toàn diện thì tất cả những nội dung giáo dục nào HS có ưu điểm sẽ khen thưởng chi tiết ở từng nội dung đó.
|
Tuệ Nguyễn