27/11/2024

Viêm xoang, coi chừng tổn thương mắt

Do viêm mũi xoang là bệnh khá phổ biến nên nhiều người bệnh chủ quan (và đủ gan) tự mua thuốc uống hoặc không điều trị đến nơi đến chốn, chỉ cần uống thuốc đến khi các triệu chứng như nhức đầu, nghẹt mũi, sổ mũi, khịt khạc… có vẻ hơi “êm êm” là dừng!

Viêm xoang, coi chừng tổn thương mắt

Do viêm mũi xoang là bệnh khá phổ biến nên nhiều người bệnh chủ quan (và đủ gan) tự mua thuốc uống hoặc không điều trị đến nơi đến chốn, chỉ cần uống thuốc đến khi các triệu chứng như nhức đầu, nghẹt mũi, sổ mũi, khịt khạc… có vẻ hơi “êm êm” là dừng!

Đeo khẩu trang khi đi trên đường sẽ giúp bạn hạn chế nguy cơ mắc bệnh viêm xoang do môi trường ô nhiễm – Ảnh: Quang Định 

Và như vậy, họ cũng không biết hay cố quên rằng viêm mũi xoang có thể gây ra khá nhiều biến chứng nguy hiểm nếu điều trị không đúng mức, không đúng cách.

Trong lần này, chúng ta hãy điểm qua các biến chứng có thể của viêm mũi xoang với một cơ quan “hàng xóm” thân cận nhất với xoang, đó là mắt.

Cần biết rằng hốc mắt chúng ta bị “bao vây” bởi hệ thống các xoang mặt: trần hốc mắt chính là đáy xoang trán, sàn hốc mắt chính là thành trên xoang hàm, vách trong của hốc mắt thì có khối xoang sàng nằm sát bên và chỉ cách một vách xương mỏng như giấy (nên có tên là “xương giấy”). Vì liên quan giải phẫu quá “tình cảm khăng khít” như vậy nên viêm nhiễm từ mũi xoang nếu không được kiểm soát tốt thì lẽ đương nhiên cũng dễ “văng miểng” gây tổn hại đến mắt.

Các biến chứng có thể gặp do “thiếu trách nhiệm” (với viêm mũi xoang) mà gây hậu quả nghiêm trọng với mắt là:

1. Viêm mô tế bào trước vách

 

“Với môi trường đầy bụi bặm và độ ẩm không khí cao như ở Việt Nam, nguy cơ mắc phải bệnh viêm mũi xoang là khá lớn. Ước tính ở nước ta hằng năm có khoảng 15-18 triệu bệnh nhân viêm mũi xoang đến chữa trị tại các cơ sở y tế. Một tỉ lệ rất ấn tượng và rất không vui vì có nghĩa là gần 20% dân số Việt Nam mắc bệnh”

 

Hay dễ hiểu hơn là ápxe mi mắt. “Khổ chủ” trước đó đã bị viêm xoang nhiều lần nhưng chẳng ảnh hưởng gì đến “hòa bình thế giới”, nên nay tái phát vẫn xem là “chuyện nhỏ như con thỏ”. Bỗng nhiên một sáng thức dậy thấy mi trên (nếu là viêm xoang trán, xoang sàng) hoặc mi dưới (nếu là viêm xoang hàm) tự nhiên sưng tấy và đỏ mọng, đau nhức nhiều. Tuy vậy, đây là biến chứng tương đối dễ chịu nhất vì dù sưng đau và mắt trở nên ti hí nhưng nhãn cầu vẫn “nhìn ngang liếc dọc” bình thường và thị lực vẫn “ngon lành”. Điều trị kháng sinh cũng mang lại hiệu quả khá nhanh, nhưng nếu vẫn còn lề mề chữa trị thì mi mắt sẽ bị ápxe và vỡ mủ sau 4-5 ngày ở phần ba trong mi mắt, để lại vết sẹo khó có thể xóa đi…

2. Viêm tấy ổ mắt

Tình hình đã tệ hơn trên một bậc. Biến chứng này thường xuất hiện khá đột ngột: vừa mới sổ mũi, nghẹt mũi, nhức đầu sơ sơ có vài bữa bỗng dưng mi mắt sưng húp, tròng mắt bên sưng có thể bị đẩy lồi lên, không chỉ đau nhức ngoài mi mắt như trên mà trong mắt cũng đau. Tuy nhiên, thị lực vẫn còn nguyên, nhìn “cuộc đời vẫn đẹp sao”. Điều an ủi là biến chứng này hầu như không gây vỡ mủ ra ngoài da, tạo ra vết sẹo xấu xí. Chỉ cần điều trị nội khoa (uống thuốc) tích cực là nhìn mọi thứ lại “lung linh” như cũ.

3. Viêm túi lệ (tuyến nước mắt)

Xương lệ rất mỏng manh và lại thông với xoang sàng, cũng như ở rất gần xoang hàm nên khi các xoang này bị viêm nhiễm thì túi lệ cũng dễ bị ảnh hưởng lây. Đầu tiên là thấy sưng đỏ ở da vùng khóe trong mắt, sau đó lan ra một phần mi mắt và kết mạc. Nếu để vài ba ngày sẽ tạo ra ápxe và vỡ mủ. Tuy không gây chết chóc gì, nhưng nếu không điều trị cẩn thận ngay từ sớm rất dễ gây hậu quả viêm túi lệ mãn tính hoặc viêm tắc lệ đạo, lúc đó “khổ chủ” sẽ rất thấm thía ca từ của cố nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh: “Còn hai con mắt khóc người một con”, vì bên con mắt đau lúc nào cũng “lệ tràn bờ mi”.

4. Ápxe ổ mắt

Đến mức này thì đã lớn chuyện! Mủ tạo lập đầy bên trong mô ổ mắt, đẩy nhãn cầu lồi ra, mi mắt sưng nề. “Khổ chủ” đau mắt dữ dội và thị lực cũng bị tổn thương, nhìn gì cũng chỉ còn thấy “mờ mờ nhân ảnh”, dù có điều trị thì nguy cơ bị mù lòa cũng rất cao!

5. Viêm thần kinh thị giác hậu nhãn cầu

Đây thường là hậu quả của viêm các xoang sàng sau. Trong trường hợp biến chứng do viêm xoang cấp tính thì mọi thứ cũng xảy ra kiểu “đánh nhanh rút lẹ”: khám xoang thì thấy khe giữa đầy mủ vàng xanh, thị lực sụt giảm rất nhanh, rồi sau vài tuần tự hồi phục cũng rất nhanh như cũ (tất nhiên là phải có thuốc men chữa trị). Trường hợp do biến chứng của viêm xoang mãn tính thì lại khác: khám xoang chỉ thấy chút ít dịch nhầy chảy xuống vòm họng, hai mắt sẽ mờ từ từ với mức độ khác nhau, cảm giác nhìn mọi thứ đều như có sương khói che phủ và rất khó chịu nếu nhìn vào ánh sáng chói.

Mắt không phân biệt được màu sắc rõ ràng nữa, có ám điểm trung tâm (là một điểm ở vùng trung tâm mắt mà khi vật thuộc điểm nhìn này mắt sẽ không nhìn thấy). Trường hợp này thì cả thị lực lẫn thị trường đều bị tổn thương và dù được điều trị cũng dễ bị giảm sút.

Tóm lại, với sự tiến bộ về các phương tiện chẩn đoán cũng như thuốc điều trị viêm xoang như hiện nay thì khả năng bị “dính chưởng” các biến chứng về mắt nói trên rất hiếm gặp nếu bệnh nhân viêm xoang có ý thức điều trị đúng thuốc, đủ thời gian từ khi viêm nhiễm còn mới khu trú tại các xoang. Không nên chủ quan với viêm xoang, coi chừng “cửa sổ của tâm hồn” bị biến chứng của viêm xoang mà trở thành “tâm hồn của cửa sổ” thì thật không may và đáng buồn. Chỉ e rằng khi biết kêu “ô hô, ai tai” thì mọi thứ đã quá muộn!

BS PHAN QUỐC BẢO
(Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM)