09/01/2025

Các ông quản lý đừng ngồi trên trời

Chỉ đích danh cục trưởng Cục Hàng không và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng cho rằng cần phải biết xấu hổ khi để xảy ra tình trạng chậm, hủy chuyến bay liên tục thời gian qua.

Các ông quản lý đừng ngồi trên trời

Chỉ đích danh cục trưởng Cục Hàng không và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng cho rằng cần phải biết xấu hổ khi để xảy ra tình trạng chậm, hủy chuyến bay liên tục thời gian qua.

Tại cuộc họp về thực trạng và giải pháp khắc phục tình trạng chậm, hủy chuyến của các hãng hàng không ngày 11-7 ở Hà Nội, ông Thăng cho biết từ lãnh đạo cấp bộ trưởng, thứ trưởng đến nhân dân cực kỳ bức xúc về tình trạng chậm, hủy, dồn chuyến bay tăng một cách đột ngột.

90% là do chủ quan

 

“Các ông là các nhà quản lý phải nhảy xuống cùng bơi với doanh nghiệp chứ đừng đứng trên mà hướng dẫn, đến lúc nó chết thì bảo tại thằng này ngu không bơi được. Quản lý nhà nước mà ngồi trên trời thì sao biết người ta khó khăn gì?”

Bộ trưởng ĐINH LA THĂNG

 

Mở đầu cuộc họp, ông Đinh La Thăng khá bức xúc cho biết mình liên tục nhận được phàn nàn của hành khách về việc chậm, hủy chuyến. “Lâu nay cứ có gì bất cập lại nghĩ đến doanh nghiệp, người dân. Vừa qua tôi không nhắc thì Cục Hàng không không có ý kiến gì, coi việc này là rất bình thường. Tôi nhắc anh Thanh (ông Lại Xuân Thanh – cục trưởng Cục Hàng không) mấy lần mà không thay đổi, chấn chỉnh. Sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan với các hãng là có vai trò quản lý của Cục Hàng không, cứ có khuyết điểm là đổ lỗi cho nhau. Còn các hãng hàng không sự phối hợp cũng chưa tốt, toàn tìm cách dìm nhau…” – ông Thăng gay gắt, và cho biết thêm vừa nhận thư của ông Trần Đình Bá nói nên thay cục trưởng Cục Hàng không, vụ trưởng Vụ Vận tải, vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ của Bộ GTVT. “Các anh phải nghiên cứu luôn đường bay thẳng, tại sao cứ để nói đi nói lại. Tại sao mình bay đi khắp các nước được mà không phối hợp được với các nước để cho đường bay ngắn đi?” – ông Thăng nhấn mạnh.

 

Báo cáo tại cuộc họp, ông Lại Xuân Thanh cho biết trong sáu tháng đầu năm, tình trạng chậm, hủy chuyến (chậm 15 phút trở lên) của các hãng đều tăng. Vietnam Airlines (VNA) chậm ít nhất là 12,3%, Jetstar Pacific (JP) là 40,2%, còn VietJet Air (VJA) cao nhất với tỉ lệ 40,4%. Tỉ lệ chậm chuyến cao gây bức xúc cho hành khách, nhất là khi việc phục vụ khách lúc chậm, hủy chuyến còn nhiều hạn chế trong việc thông báo về nguyên nhân, thời gian khởi hành… Bên cạnh đó các hãng chưa thực hiện đầy đủ việc xin lỗi hành khách, phục vụ nước uống, đồ ăn… cho hành khách theo đúng quy định; chậm cử đại diện có thẩm quyền liên hệ với hành khách để giải thích và tiếp nhận những khiếu nại của hành khách; văn hóa ứng xử với hành khách trong nhiều trường hợp không phù hợp. Thời gian gần đây có nhiều phản ảnh nhân viên hàng không cộc cằn, ứng xử không chấp nhận được.

Ông Thanh nêu nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan, dẫn đến việc chậm, hủy chuyến từ kỹ thuật đến kế hoạch khai thác của hãng và hạ tầng sân bay. Tuy nhiên, Bộ trưởng Thăng liên tục cắt ngang không cho lý giải mà đặt câu hỏi: Nguyên nhân khách quan, chủ quan bao nhiêu phần trăm, trách nhiệm Cục Hàng không thế nào? Ông Thanh trả lời 72,7% là do chủ quan của các hãng, còn lại do sân bay, điều hành bay, chim trời… “Chủ quan toàn ngành là bao nhiêu phần trăm?”- Bộ trưởng Thăng hỏi dồn. “Chúng tôi đánh giá là 90%”. “90% thì liệu có nên làm cục trưởng tiếp không?”- ông Thăng truy tiếp. “Cậu báo cáo 90% chủ quan, 10% là khách quan thì vai trò quản lý nhà nước ở đâu?”. Ông Thanh xin được báo cáo kỹ trách nhiệm của cục nhưng ông Thăng đề nghị: “Cầm báo cáo về tập trung làm rõ. Dồn chuyến mới là nguyên nhân chính của chậm, hủy chuyến?” – ông Thăng truy dồn dập…

Theo ông Thăng, cục trưởng Cục Hàng không chưa nhận ra khuyết điểm của mình thì ngành hàng không chưa có giải pháp hữu hiệu. “Một khi tình trạng hàng không như hiện nay mà vẫn vô cảm với việc này thì còn chậm, còn hủy chuyến. Mỗi ngày tôi trả lời, xin lỗi không biết bao nhiêu người dân phản ảnh”- ông Thăng cho biết thêm.

Ông Thăng cũng cho rằng báo cáo của Cục Hàng không chưa làm rõ việc tình trạng dồn chuyến, việc này là cố tình chậm. Đến giờ khởi hành không bay vì ít khách nên chờ thêm để gom khách từ chuyến khác do máy bay không lòng vòng được như xe khách.

 

Nguồn: Cục Hàng không VN -  Đồ họa: V.Cường

 

Bộ trưởng phải gọi điện để mở cửa máy bay

 

Máy bay suýt va chạm trên đường băng

Ngày 11-7, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã yêu cầu Cục Hàng không và Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm những người liên quan khi ra lệnh cất cánh nhầm cho máy của VNA thay vì máy bay của JP, gây ra tình huống hai máy bay có thể va chạm ở sân bay Đà Nẵng vào tối 27-6.

Theo Cục Hàng không, vụ việc trên là do kiểm soát viên không lưu đã không quan sát nên cấp huấn lệnh cho máy bay JP cất cánh trên đường băng 17 L trong khi máy bay của VNA vẫn chưa thoát ra khỏi đường băng này.

Cục Hàng không đã lập tổ điều tra sự cố, đang thu thập thông tin, dữ liệu để có kết luận chính thức.

Tại cuộc họp ngày 11-7, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm trách nhiệm quản lý không lưu, cần thiết xử lý trách nhiệm người cao nhất. Ông Thăng cho rằng đây là việc cực kỳ nghiêm trọng. “Nếu máy bay mà đụng nhau thì ai là người phải từ chức?” – ông Thăng đặt câu hỏi.

 

Về công tác phục vụ của cảng hàng không có gây chậm chuyến hay không, ông Lê Mạnh Hùng – tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) – cho rằng có chủ quan trong dự báo thời tiết chưa chính xác nên cũng gây chậm, hủy chuyến. Ông Thăng hỏi: “Máy bay hạ cánh rồi không có thang thì trách nhiệm của ai?”. Ông Hùng cho biết ở sân bay Vinh và Cát Bi là VNA đang cung ứng dịch vụ xe thang. “Thế lúc hạ cánh, khách vào sân bay nhưng không có người mở cửa, không lái được đường ống ra tiếp cận máy bay có phải trách nhiệm của cảng không?” – ông Thăng truy tiếp. Lúc này ông Hùng thừa nhận là do cảng. “Thế mà ông có nói đâu. Tôi ít nhất ba lần gọi cho ông vì máy bay xuống rồi mà khách không ra được. Vào đường lồng rồi nhưng không vào nhà ga được vì cửa bị khóa, nhân viên cầm khóa đi đâu mất. Đấy là nguyên nhân chứ đâu” – ông Thăng bắt bài.

Khi đại diện Cảng vụ Hàng không miền Nam cho biết chưa có chế tài phạt hãng hàng không chậm, hủy chuyến, mới chỉ có chế tài phạt hãng không phục vụ khách đúng quy định khi chậm, hủy chuyến, ông Thăng đề nghị phải xây dựng chế tài bị phạt vì để chậm, hủy chuyến.

Giải thích về việc thiếu xe thang ở sân bay dẫn đến chậm chuyến, ông Phạm Ngọc Minh – tổng giám đốc VNA – cho biết tại các sân bay địa phương, thời gian quay đầu máy bay của VNA là 40-45 phút. Nhưng ở Cát Bi không đạt được do bố trí giờ hạ – cất cánh (slot) lúc cao điểm quá năng lực khai thác. “Khả năng khai thác giờ cao điểm của sân bay chỉ đáp ứng ba chuyến, chúng tôi đã có đủ ba chuyến. Đột nhiên cho phép VJA nhảy vào giữa giờ cao điểm. 8g50 VJA nhảy bổ vào mà 9g VNA hạ cánh nên thiếu xe thang. Xe thang VJA là loại đẩy tay nhưng không biết dùng nên sang VNA tranh giành” – ông Minh giải thích.

Tại cuộc họp ông Lưu Đức Khánh – giám đốc khai thác của VJA – cũng đề nghị các cảng hàng không đầu tư hoặc VJA góp vốn, ứng trước để tăng xe thang, xe buýt ở các sân bay. Ông Khánh hứa cố gắng tháng 9-2014 đạt mức đúng giờ 90%. Còn tháng 7 và 8 cố giảm 50% chậm, hủy chuyến. Trong khi đó ông Lê Hồng Hà, tổng giám đốc JP, cũng đề xuất mang xe thang của hãng vào sân bay phục vụ chứ không phải thuê lại và phấn đấu 85% đúng giờ vào tháng 11-2014.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng tình hình chậm, hủy, dồn chuyến là hết sức nghiêm trọng, tăng mạnh và cao hơn năm trước. “Tất cả chúng ta đều phải cảm thấy xấu hổ khi tình trạng hủy chuyến, hoãn chuyến nhiều như vậy thì mới khắc phục được. Một khi chúng ta còn bàng quan, vô cảm trước sự việc xảy ra, mà chỉ coi đấy là trách nhiệm của các hãng hàng không thì chưa khắc phục được” – ông Thăng nói.

Ông Thăng đề nghị Cục Hàng không giám sát VJA giảm 50% mức chậm, hủy chuyến và 95% vào tháng 9-2014, JP cuối tháng 8 giảm 50%, đến tháng 11 là 95% như cam kết của lãnh đạo hai hãng VJA và JP.

 

 

“Vì dồn mới đầy thế”

Theo ông Lưu Đức Khánh – giám đốc khai thác của VJA, nguyên nhân chậm, hủy chuyến của hãng là do kỹ thuật, lịch bay thay đổi trong tháng 5 và 6-2014. Trong hai tháng này VJA nhận bốn máy bay nhưng xảy ra tình hình biển Đông, nhà tài trợ yêu cầu ký một loạt văn bản khác mất thời gian nên làm lịch bay bị vỡ. Tiếp đến là trình độ, kinh nghiệm điều hành bay cũng chưa bằng VNA. Và cuối cùng 50% là khách hàng đi máy bay lần đầu nên chưa quen việc đi lại. Hiện VJA đã dành riêng một máy bay dự phòng dù làm hiệu quả khai thác thấp hơn.

Khi Bộ trưởng Thăng hỏi chậm chuyến có phải do dồn chuyến, ông Khánh khẳng định từ khi hoạt động VJA không có dồn chuyến vì khách luôn đạt hệ số trên 90%, mỗi chuyến dư ra 18 chỗ, muốn dồn để lấp 18 chỗ phải có 7-8 chuyến bay. “Vì dồn mới đầy thế. Tôi đặt ngược lại vấn đề”- ông Thăng nói. “Nếu bộ trưởng cử người vào kiểm tra hệ thống giữ chỗ của chúng tôi sẽ thấy không có dồn chuyến. Bộ trưởng có thể yên tâm, tôi khẳng định VJA không dồn chuyến” – ông Khánh nói.