11/01/2025

Quốc hội sẵn sàng đầu tư cho căn cước công dân

Việc đổi tên Chứng minh nhân dân sang Thẻ căn cước công dân phần nào gây xáo trộn xã hội, có tốn kém, nhưng rút gọn được nhiều loại giấy tờ, tiết kiệm được thời gian, công sức cho người dân thì Quốc hội sẵn sàng đầu tư.

 

Quốc hội sẵn sàng đầu tư cho căn cước công dân

Việc đổi tên Chứng minh nhân dân sang Thẻ căn cước công dân phần nào gây xáo trộn xã hội, có tốn kém, nhưng rút gọn được nhiều loại giấy tờ, tiết kiệm được thời gian, công sức cho người dân thì Quốc hội sẵn sàng đầu tư.

 

thẻ công dân
Cấp CMND 12 số theo công nghệ mới tại Hà Nội - Ảnh: Hoàng Trang

 

Đây là ý kiến của nhiều đại biểu tại Hội thảo dự án luật Căn cước công dân do Bộ Công an và Ủy ban Quốc phòng – An ninh của QH tổ chức hôm qua 8.7 tại Hà Nội. 

Theo thượng tá Vũ Thanh Chương, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TP.Hải Phòng, hiện nay giấy khai sinh và CMND đều là giấy tờ chứng minh về một người, trong khi đó giấy khai sinh do ngành tư pháp cấp, CMND do ngành công an cấp. Cả hai loại giấy tờ này về cơ bản có các loại thông tin như nhau. Theo tinh thần dự án luật Căn cước công dân, trẻ mới sinh ra đã được cấp nên có thể rút gọn thành một, chỉ cần CMND hoặc căn cước công dân là đủ.

 

 
 

Nhân dân là gì mà phải chứng minh ? Tại sao lại giữ tên CMND khi luật là luật Căn cước công dân ? Cả thế giới người ta gọi là thẻ công dân

 

Ông Trần Đình Nhã
Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh

 

 

Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), cho rằng tổng kinh phí để thực hiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư không tốn kém nhiều như đại biểu lo lắng. Đến nay nguồn kinh phí dự kiến tiêu tốn khoảng 3.670 tỉ đồng, bao gồm việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hệ thống vi tính xuống tới xã phường thị trấn, đào tạo chuyển giao công nghệ, phần mềm, đường truyền; thuê đường truyền của quốc gia. Theo ông Vệ, toàn bộ thông tin về hộ khẩu của công dân đang ở dạng hồ sơ giấy tờ do lực lượng công an quản lý, nên việc cập nhật lên hệ thống mạng cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia không gặp nhiều khó khăn. Khi có cơ sở dữ liệu vững mạnh thì việc cấp mã số định danh cá nhân, giảm giấy tờ công dân mới tốt được. 

Trước một số ý kiến về việc để tên CMND hay căn cước công dân, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Trần Đình Nhã nói: “Nhân dân là gì mà phải chứng minh? Tại sao lại giữ tên CMND khi luật là luật Căn cước công dân? Cả thế giới người ta gọi là thẻ công dân, Chủ tịch Quốc hội đã nói việc này là sự hòa nhập và chúng ta đang tiến tới hòa nhập”.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng luật Căn cước công dân mang tính cách mạng, đột phá lớn trong lĩnh vực cải cách hành chính đối với quản lý dân cư nên chắc chắn sẽ vướng phải nhiều khó khăn, trở ngại, trong đó có cả những luồng tư tưởng, nhận thức bảo thủ, trì trệ.  Dẫn ra câu chuyện của chính bản thân mình khi đi làm thủ tục để được cấp sổ đỏ tại Q.Thanh Xuân (Hà Nội), dù đã ghi rõ là Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh của Quốc hội, nhưng 8 tháng sau mới xong, ông Khoa nói: “Cứ như thế thì người dân không thể nào chịu nổi”.

Ông Trần Đình Nhã thẳng thắn, nếu giảm thiểu được các loại giấy tờ, thủ tục đỡ tốn kém thời gian công sức cho người dân thì có tốn kém mấy QH cũng sẵn sàng đầu tư.

Thái Sơn