11/01/2025

Chuẩn hoá xưng hô công sở

Hiện có hai vấn đề trong việc xưng hô tại các công sở, cơ quan đơn vị. Một là làm thế nào để từ ngữ xưng hô trở nên trung tính, để công việc trôi chảy hơn. Hai là để duy trì tình thân trong công sở, điều này chắc chắn cũng sẽ khiến công việc trôi chảy hơn.

 

Chuẩn hoá xưng hô công sở

Chuẩn hóa xưng hô có thể khiến môi trường làm việc dân chủ hơn, công bằng hơn.

 
Tại Nhật Bản, trong công sở hiếm khi có chuyện dùng tên riêng hay cách gọi “cha chú” để xưng hô với nhau “cho thân mật” – Ảnh: Shutterstock

Thạc sĩ Vũ Thị Hiền, Phó viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước (Bộ Nội vụ) cho biết Viện vừa được Bộ Nội vụ giao chủ trì xây dựng Đề án về chuẩn văn hoá công sở. Để xây dựng được đề án phải thành lập ban chỉ đạo, ban biên tập với sự tham gia, đóng góp ý kiến của các bộ ngành, đơn vị liên quan. Hiện tại vẫn chưa ra được dự thảo đề án. “Nhanh nhất cũng phải cuối năm hoặc sang năm sau mới hoàn thành được đề án”, thạc sĩ Hiền cho biết.

Hiện có hai vấn đề trong việc xưng hô tại các công sở, cơ quan đơn vị. Một là làm thế nào để từ ngữ xưng hô trở nên trung tính, để công việc trôi chảy hơn. Hai là để duy trì tình thân trong công sở, điều này chắc chắn cũng sẽ khiến công việc trôi chảy hơn. Chính vì thế, Bộ Nội vụ dự định tổ chức hội thảo về văn hoá công sở, làm tiền đề đưa ra nghị định về chuẩn văn hoá công sở, tránh xưng hô không phù hợp.

Chú – cháu, bác – cháu, bố – con…

Nhà văn bản học Lại Nguyên Ân cho biết việc chỉnh đốn xưng hô trong công sở đã từng được nhà văn hoá Phan Khôi ghi chép về thời kỳ Pháp thuộc. Tuy nhiên, việc chỉnh đốn ấy là chỉnh đốn trong quan hệ quan – dân. “Dân thường cứ nghĩ quan hệ với quan là quan cao lắm xa lắm. Thành ra là trông thấy quan là lạy, chắp tay vái lấy vái để. Thế thì người Pháp cấm việc lạy đó. Cấm cả những câu như lạy quan lớn, bẩm quan lớn… Thế nhưng đó là một cuộc chiến đấu dài dòng lắm, hình như đến khi Pháp rút đi rồi thì nhiều nơi quan vẫn còn láo và dân hãy còn hèn”, ông Ân nói.

 

 
 

Trong tiếng Việt không có đại từ khái quát như ngôn ngữ châu Âu nên tốt nhất là xưng tôi; còn gọi theo chức danh, ví dụ giám đốc hay trưởng phòng gì đó là tốt nhất. Gọi như thế trang trọng và cũng nâng cao vị thế người được gọi. Còn mình xưng tôi thôi

 

GS Nguyễn Đức Tồn -  Viện trưởng Viện Ngôn ngữ

 

 

Theo ông Ân, hiện cách xưng hô chú – cháu, bác – cháu, bố – con trong công sở là thể hiện “tồn dư” của quá khứ. Thứ nhất là tập quán xấu của thời quân chủ và thực dân, trong đó dân thường khúm núm trước viên chức cai trị, dù đó là người Việt hay nước ngoài. Loại tồn dư thứ hai, là tồn dư của chế độ xã hội gia trưởng, phổ biến trong hệ thống xưng hô các đại từ của tiếng Việt. Nó khó trung tính mà mang định kiến về thứ bậc, đúng sai. “Đã đến lúc chúng ta nên học cách chuyển mối quan hệ thành khách quan”, ông Ân kết luận.

GS Nguyễn Đức Tồn, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ cho rằng đây là điều Hàn Quốc, Nhật Bản đều đã làm được. Khi xưng hô trực tiếp có thể dùng chức danh, vắng mặt thì gọi là ông, bà. Ông Tồn cho rằng cách này cũng hợp với văn hóa phương Đông. “Trong tiếng Việt không có đại từ khái quát như ngôn ngữ châu Âu nên tốt nhất là xưng tôi; còn gọi theo chức danh, ví dụ giám đốc hoặc trưởng phòng gì đó là tốt nhất. Gọi như thế trang trọng và cũng nâng cao vị thế người được gọi. Còn mình xưng tôi thôi”, ông Tồn nói.

Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức, tác giả cuốn sách Ngàn năm áo mũ phân tích: từ “tôi” vốn có nghĩa là phận tôi tớ, thuộc hạ, sau được dùng làm đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, tỏ ý khiêm nhường, hạ thấp mình trước đối phương. Nhiều tư liệu của ông Đức cho thấy các vị quan thường mở đầu các tờ khải bằng câu: “Tôi cẩn khải vâng lạy đức bề trên”. Tuy nhiên, cũng theo ông Đức, đại từ “tôi” về sau dần thay đổi ngữ nghĩa, chuyển từ thái độ khiêm hạ sang ngang hàng, được sử dụng trong những trường hợp lịch sự.

Nội quy hay luật hóa ?

GS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia lại nêu góc nhìn văn hóa khác. Việc xưng hô bác – cháu, chú – cháu liên quan rất nhiều đến nguyên lý văn hóa “gia đình hóa xã hội”.

Cũng theo ông Thịnh, mô hình thân tộc này cũng phù hợp với quan điểm dĩ hòa vi quý, mềm hóa quan hệ xã hội. “Khi đặt ở vị trí cháu con thì quan hệ khác. Nó thân tình, uyển chuyển hơn. Nó cũng khó thẳng thắn với nhau hơn. Nó thể hiện chúng ta là cả gia đình lớn. Coi nhau như anh em cùng một bọc, quan hệ huyết thống, có ý nghĩa nhất định của nó, tạo ra cấu kết xã hội”, ông Thịnh phân tích.

Chính vì thế mà theo ông Thịnh, nếu các cơ quan muốn thì có thể quy định trong nội quy của mình về việc xưng hô. Tuy nhiên, không nên luật hóa điều này.

 

Tại Nhật Bản và Hàn Quốc, trong công sở hiếm khi có chuyện dùng tên riêng hay cách gọi “cha chú” để xưng hô với nhau “cho thân mật”. Phổ biến nhất là gắn chức danh với họ của người đối thoại hoặc được nhắc đến. Chẳng hạn như Chủ tịch Sato hay Trưởng phòng Lee. Kể cả trong các tập đoàn, công ty mang tính gia tộc, gia đình thì cách xưng hô này vẫn được duy trì, có thể chỉ trừ trường hợp họp riêng, họp kín giữa các thành viên gia đình. Ngoài ra, người vào làm sau có thể gọi đồng nghiệp đi trước, nhiều kinh nghiệm hơn bằng “tiền bối” (Senpai – Nhật, Sunbae hoặc Sunbaenim – Hàn Quốc). Cách gọi này mang tính trang trọng theo thứ bậc chứ không phải gọi đùa như giới trẻ Việt Nam.

Tại Campuchia, trong công sở người nhỏ hơn sẽ gọi đồng nghiệp lớn tuổi hơn là Bong + tên riêng và người lớn tuổi hơn sẽ gọi đồng nghiệp nhỏ tuổi là Oun hoặc Pa-oun + tên. Nhân viên sẽ gọi “sếp” nam là Lok + tên (tương đương với ông) và “sếp” nữ là Lok Srey + tên (tương đương với bà).

Dù đại từ nhân xưng ở các nước phương Tây được cho là đơn giản hơn nhưng cũng có lắm quy định bất thành văn, đặc biệt là ở những quốc gia “quý tộc”. Ở Pháp, những người mới vào làm sẽ nói chuyện theo “vouvoyer”, tức xưng hô với nhau một cách lịch sự là “vous” hoặc “madame/monsieur” (bà/ông). Sau khi đã trở nên thân thiết, phần lớn sẽ chuyển từ “vouvoyer” sang “tutoyer”, tức ngôi thứ 2 từ “vous” sang “tu/toi” hoặc “madame/monsieur” thành tên riêng, ngay cả với cấp trên và người lớn tuổi. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người muốn giữ đúng nguyên tắc và dù thân thiết cách mấy, người đối diện vẫn phải “vouvoyer”.

Danh Toại – Lan Chi 
(tổng hợp)

 

 

“Quá quan trọng”

PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, Phó chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, cho rằng: “Việc đề ra chuẩn văn hóa ứng xử công sở là quá trình quan trọng để xây dựng văn hóa công sở. Đạt được việc tuân thủ này cần nhìn nhận ở nhiều góc độ. Việc ứng xử nơi công sở cần dựa trên chuẩn mực của vị trí, vai trò, chức năng. Công sở là nơi làm việc công cộng và không nên biến nó thành gia đình thứ n của mình.

Việc xưng hô cần dựa trên chuẩn mực: anh – em (nếu là thân tình). Còn không là anh – chị kèm theo tên và xưng tôi. Ở một số quốc gia như Hàn Quốc, việc gọi tên trong công sở bằng chức danh, chức vụ như: Giám đốc Chu, Trưởng phòng Lee, Đội trưởng Kim… là những biểu hiện của sự văn minh công sở. Cần hạn chế suy nghĩ là biến cơ quan hay doanh nghiệp thành sân sau của gia đình hay áp chế văn hóa gia đình lên công sở và nhân viên. Việc xưng hô chú – con, bác – cháu hay gọi lãnh đạo đơn vị là bố xưng con, thậm chí có nơi gọi thủ trưởng cơ quan là anh Tư, anh Sáu, chị Tám… nghe rất buồn cười. Vì đây là quan hệ giữa sếp – nhân viên hay giữa đồng nghiệp. Việc gọi nhau bằng thứ như trong gia đình hoặc thứ tự sinh, bí danh của một số lãnh đạo cũng không nên vì điều đó tạo ra hiệu ứng ngầm không đáng có. Trước năm 1975 tại miền Nam cách gọi nhau trong công sở phổ biến nhất vẫn là ông – bà, anh – chị và xưng tôi”.

Đ.T (ghi)

 

Trinh Nguyễn – Bảo Cầm