Âm mưu hợp lý hóa ‘đường lưỡi bò’
Các chuyên gia quốc tế cảnh báo Trung Quốc tiếp tục cố thay đổi hiện trạng biển Đông bằng cách hăm dọa nước nhỏ và tạo thêm nhiều “sự đã rồi”.
Âm mưu hợp lý hóa ‘đường lưỡi bò’
Các chuyên gia quốc tế cảnh báo Trung Quốc tiếp tục cố thay đổi hiện trạng biển Đông bằng cách hăm dọa nước nhỏ và tạo thêm nhiều “sự đã rồi”.
|
Trong mấy tháng gần đây, Trung Quốc (TQ) liên tục có hành động gây quan ngại ở biển Đông, bất chấp phản đối của các nước liên quan và cộng đồng quốc tế. Chẳng hạn đầu tháng 5, TQ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng đặc quyền kinh tế của VN. Mới đây, Bắc Kinh tiếp tục đưa giàn khoan Nam Hải-09 hoạt động tại vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ chưa được phân định giữa VN và TQ. Song song đó, TQ đang có hoạt động cải tạo ở ít nhất 5 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của VN và lập kế hoạch phát triển một số bãi đá đó thành đảo nhân tạo có đường băng và cảng biển. Truyền thông TQ vừa qua cũng đồng loạt đăng tin Bắc Kinh phát hành bản đồ khổ dọc bao gồm “đường lưỡi bò” ôm gần trọn biển Đông.
Hăm dọa láng giềng
Trả lời phỏng vấn của Thanh Niên ngày 28.6, Giáo sư Zachary Abuza, chuyên gia về khoa học chính trị và đối ngoại khu vực Đông Á thuộc Đại học Simmons (Mỹ), cho rằng TQ đang âm mưu hợp lý hóa “đường lưỡi bò” qua các động thái nói trên. Bình luận về việc TQ hạ đặt giàn khoan Nam Hải-09, ông nói: “Giới hạn của việc phân định vịnh Bắc bộ nằm ngay phía bắc vị trí giàn khoan được hạ đặt, nó nằm trong vùng biển được xem là cùng nhau phát triển. Ít nhất, hai phía đồng ý không thực hiện hành động đơn phương nào mà không qua tham vấn. Việc đặt giàn khoan mang tính chiến lược. Như tôi từng nói, dọc vành đai phía đông của “đường lưỡi bò” TQ đang thiết lập các vị trí cố định và cố gắng xây dựng các bãi đá thành đảo nhân tạo để họ có thể biện hộ rằng mình xứng đáng có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Ở phía tây, nơi có ít điểm đảo, TQ đang áp đặt chủ quyền bằng cách đặt các giàn khoan, mời thầu và cắt cáp hoặc làm các thứ khác để hăm dọa VN”.
Về thời điểm thông báo hạ đặt giàn khoan ngay khi Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì đang có chuyến thăm Hà Nội, Giáo sư Abuza cho rằng TQ muốn gửi đi “thông điệp rõ ràng” rằng “sẽ không có thỏa hiệp” trong vấn đề này. “Nhiều người trong giới truyền thông trông đợi chuyến thăm của ông ta là một nỗ lực hạ nhiệt xung đột. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu mục đích thật sự là leo thang căng thẳng dưới chiêu bài ngoại giao?”, ông Abuza nói.
Trong bài phân tích đăng trên chuyên san The National Interest (Mỹ) ngày 28.6, ông Richard Javad Heydarian, chuyên gia về địa chính trị châu Á tại Đại học Ateneo De Manila và là cố vấn chính trị của Hạ viện Philippines, cũng đã đưa ra quan điểm tương tự với Giáo sư Abuza về âm mưu hợp lý hóa “đường lưỡi bò”. Ông cho rằng các hoạt động xây dựng phi pháp hiện nay ở Trường Sa sẽ cho phép TQ phát triển sức mạnh quân sự ở khu vực hiệu quả hơn. Ông dự đoán sau khi thiết lập tiền đồn quân sự và xây đường băng trên các đảo nhân tạo, TQ sẽ có thể tiến tới lập Vùng nhận diện phòng không ở biển Đông. “Ngày càng rõ ràng rằng TQ tìm cách kiểm soát thực tế các vùng biển lân cận và có thêm nhiều biện pháp ép buộc để dồn các nước láng giềng nhỏ như VN và Philippines vào chân tường”, ông Heydarian cảnh báo.
Trong bài viết, ông Heydarian cũng phân tích về vụ TQ phát hành bản đồ khổ dọc. Theo đó, bản đồ mới cho thấy lập trường cứng rắn của TQ và khó có bất kỳ sự thỏa hiệp nào, ít nhất là trong tương lai gần. Không chỉ tái khẳng định tham vọng lãnh thổ với thế giới bên ngoài, việc xuất bản bản đồ khổ dọc còn cho thấy Đảng Cộng sản TQ đang đẩy mạnh chiến dịch vận động sự ủng hộ của người dân về tranh chấp chủ quyền. “Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao TQ, bản đồ mới nhằm “tăng cường sự hiểu biết của công dân về việc duy trì quyền trên biển và tính toàn vẹn lãnh thổ”. Và ngụ ý của tuyên bố này là: tranh chấp lãnh thổ đi vào dư luận càng nhiều và những tuyên bố lịch sử của TQ được khắc sâu vào ý thức của người dân như là chân lý thì giới lãnh đạo TQ càng khó công khai thỏa hiệp”, ông Heydarian phân tích.
Tương tự, trong bài bình luận đăng trên trang The Strategist của Viện Nghiên cứu chính sách chiến lược Úc (ASPI), chuyên gia Benjamin Schreer tại ASPI cảnh báo TQ tiếp tục cố thay đổi hiện trạng ở biển Đông bằng cách bắt nạt nước nhỏ và tạo thêm nhiều “sự đã rồi”.
Ứng phó tập thể
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn của tờ Asahi Shimbun (Nhật) mới đây, cựu Đô đốc Mỹ Dennis Blair nhận định Bắc Kinh đang tự làm tổn hại chính mình bằng những hành vi hung hăng hiện nay trên biển Đông và biển Hoa Đông, vì họ sẽ bị các nước khác phối hợp chống lại. Ông Blair cũng cho rằng TQ sẽ tiếp tục có hành động thách thức nên VN, Philippines và Nhật Bản cần chủ động và mạnh mẽ hơn trong các tình huống do TQ gây ra, thay vì “chỉ ngồi đó và phản ứng những gì TQ đang làm”. Chuyên gia Philippines Heydarian thì khuyên các nước thành viên ASEAN cần nỗ lực phối hợp để tạo ra một phản ứng đa quốc gia đáng tin cậy đối với các vấn đề tranh chấp hiện nay ở biển Đông. Còn chuyên gia tại ASPI Schreer cảnh báo mưu đồ thay đổi trật tự trên biển ở Đông Nam Á của TQ thách thức lợi ích không chỉ của các nước khu vực mà còn của Úc, nên ông đề xuất chính phủ Úc phải tiếp tục lên tiếng phản đối hành vi gây bất ổn của TQ ở biển Đông và hỗ trợ các nước Đông Nam Á tăng cường các khả năng để ứng phó hành động ép buộc của Bắc Kinh.
Ông Tập Cận Bình ra lệnh tăng cường phòng thủ biên giới
Chủ tịch TQ Tập Cận Bình ngày 27.6 kêu gọi nỗ lực xây dựng mạng lưới phòng thủ biên giới vững chắc cho cái gọi là lãnh thổ và lãnh hải của nước này. Tân Hoa xã dẫn lời ông Tập ra lệnh cho các lực lượng kiểm soát kỹ lưỡng biên giới, tăng cường hành động bảo vệ cái gọi là quyền trên biển, đồng thời kêu gọi nỗ lực cân bằng giữa phát triển kinh tế và phòng thủ biên giới, bảo đảm an ninh biên giới, ổn định và phồn thịnh. Trong khi đó, tại cuộc họp báo gần đây tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng TQ Dương Vũ Quân thừa nhận quân đội nước này đã thiết lập một hệ thống tuần tra sẵn sàng chiến đấu bình thường ở biển Đông. Ông Vương còn ngang nhiên đổ lỗi tình hình biển Đông căng thẳng hiện nay là do một số nước khác, chứ không phải do TQ và lên giọng cảnh báo nếu bên tranh chấp nào ở biển Đông quyết khiêu khích đối đầu, nước đó sẽ gánh chịu mọi hậu quả. Chưa hết, tờ Trung Quốc hải dương báo ngày 27.6 ngang nhiên đưa tin tỉnh Hải Nam vừa triển khai cái gọi là tuần tra chấp pháp 18 đảo nằm trong quần đảo Hoàng Sa, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của VN. Minh Trung
|
An Điền – Văn Khoa