11/01/2025

Biển báo làm khổ lái xe

Tình trạng phổ biến nhất hiện nay là có quá nhiều biển báo liên tiếp nhau dẫn đến lái xe không thể nhìn thấy hết và xử lý; biển báo nằm một bên khuất sau những tán cây bên lề đường còn lái xe thì phải nhìn đường thẳng phía trước dẫn đến rất dễ vi phạm…

 

Biển báo làm khổ lái xe

Tại TP.HCM, có rất nhiều biển báo giao thông bất hợp lý chẳng khác gì “bẫy” lái xe.

Quá nhiều biển báo tập trung tại một điểm

Biển báo đầy chữ gây khó cho lái xe

Biển báo, vạch kẻ đường, đèn tín hiệu rối rắm ở đường Võ Văn Kiệt (dưới cầu Ông Lãnh) - Ảnh: Lê Nga

Tình trạng phổ biến nhất hiện nay là có quá nhiều biển báo liên tiếp nhau dẫn đến lái xe không thể nhìn thấy hết và xử lý; biển báo nằm một bên khuất sau những tán cây bên lề đường còn lái xe thì phải nhìn đường thẳng phía trước dẫn đến rất dễ vi phạm…

Hoa mắt vì biển báo

 

 
 

Thú thật, lo nhìn đường chạy xe đảm bảo an toàn mà lại phải căng mắt đọc những biển báo toàn chữ thế này, cánh tài xế chúng tôi hoa hết cả mắt

 

Trịnh Duy Nghĩa, một tài xế ở Q.2

 

 

Hiện nay, luật Giao thông đường bộ VN quy định có đến gần 200 biển báo các loại (biển cấm, nguy hiểm, hiệu lệnh, chỉ dẫn và biển phụ). Tuy nhiên, dường như hệ thống biển báo này vẫn chưa đầy đủ nên trên nhiều tuyến đường vẫn còn nhằng nhịt những biển báo đầy chữ, khiến tài xế có dừng xe lại cũng không thể đọc hết vì biển vừa nhỏ, vừa xa. Cụ thể như trên đường Nguyễn Hữu Thọ (Q.7) đoạn rẽ trái vào Nguyễn Thị Thập, biển báo với một rừng chữ nhỏ chi chít “Cấm xe tải có tải trọng trên 2,5T hoặc xe có tổng trọng tải trên 5T lưu thông: từ 6 – 24 giờ. Cấm xe tải có tải trọng dưới 2,5T hoặc xe có tổng trọng tải dưới 5T lưu thông sáng từ: 6 – 8 giờ, chiều từ: 16 – 20 giờ”. “Thú thật, lo nhìn đường chạy xe đảm bảo an toàn mà lại phải căng mắt đọc những biển báo toàn chữ thế này, cánh tài xế chúng tôi hoa hết cả mắt”, Trịnh Duy Nghĩa, một tài xế ở Q.2, bức xúc.

Còn tại 3 hướng lưu thông qua hầm Thủ Thiêm là đại lộ Võ Văn Kiệt (Q.1), đường dưới chân cầu Thủ Thiêm đến đại lộ Đông Tây (Q.2) và từ cầu Calmette dẫn vào hầm đều có bảng thông báo rất lớn với nội dung “Các đối tượng không được phép lưu thông qua hầm Thủ Thiêm”. Dù tấm biển có to hơn, nhưng khi được hỏi, nhiều lái xe bày tỏ họ rất rối và chưa bao giờ đọc được hết nội dung tấm biển báo này. Tương tự là tại đường dẫn vào cao tốc Sài Gòn – Trung Lương…

Dễ “dính” biên bản

Biển báo mỗi nơi một kiểu là điều dễ thấy nhất khi lưu thông trên đường phố. Có tuyến biển báo nằm trên đầu giăng ngang đường, có tuyến lại nằm bên tay phải, hoặc có khi nằm ngay dải phân cách. Luật Giao thông đường bộ quy định, biển báo đặt bên tay phải chiều lưu thông. Việc quy định này (đặt biển báo bên tay phải chiều lưu thông) gây nhiều bối rối cho lái xe ở những đường có nhiều làn xe. Ngoài ra, xe con đi sát dải phân cách thường bị các xe lớn (xe khách, xe container…) đi bên phải che khuất tầm nhìn các biển báo đặt sát lề phải.

Biển báo trên xa lộ Hà Nội cũng bị nhiều lái xe than phiền. Cụ thể, trên cùng một đoạn đường này, có lúc biển phân làn rõ to, nằm giăng ngang đường, làn nào ra làn đó, có tốc độ cụ thể. Tuy nhiên, nếu chủ quan là lái xe có thể “ăn” ngay biên bản phạt vì ở một đoạn khác lại có biển báo thay đổi tốc độ từ cao xuống thấp nhưng bé tí nằm bên tay phải, sát lề đường, cách làn ngoài cùng 50 – 60 m.

Đoạn đường Võ Văn Kiệt – dưới chân cầu Ông Lãnh, hướng từ hầm Thủ Thiêm ra Q.5 – luôn làm nhiều lái xe bối rối. Trước giao lộ này, cả 3 làn đều có mũi tên đi thẳng, có biển báo quay đầu xe, đèn đi thẳng và đèn quay đầu lệch pha nhau khá nhiều. Tuy nhiên, khi qua giao lộ này thì làn ngoài cùng (sát dải phân cách) đột ngột đổi thành làn quay đầu. Bất hợp lý là xe nào “dẫn đầu đoàn” mới thấy mũi tên quay đầu để xử lý. Tất nhiên, những xe ở phía sau (không thuộc đường) sẽ vi phạm liên miên vì đi thẳng mà chạy trên làn quay đầu hoặc xe đi thẳng cản trở xe muốn quay đầu ở phía sau vì đèn giao thông đi thẳng đang đỏ. Chưa hết, xe quay đầu về hướng hầm Thủ Thiêm chạy đến đoạn quay đầu thì đèn tín hiệu cho quay đầu đã ở sau chừng 10 m, không biết khi nào rẽ được khi nào không và gặp phải dòng xe cắt ngang đầu nguy hiểm. Vì khá rối rắm ở đoạn này nên nhiều lái xe không thuộc đường đã “dính” biên bản ở đây.

Chính sự không thống nhất về biển báo giao thông nói trên gây khó cho người lái xe. Thật là tréo ngoe khi người điều khiển phương tiện thậm chí muốn đi đúng luật nhiều khi lại khó hơn vi phạm luật!

 

Quy định lỗi thời

Với “rừng” bảng chỉ dẫn, hướng dẫn, phân làn, đèn báo hiệu giao thông như hiện nay thật sự đang gây khó khăn cho người giao thông lẫn người quản lý. Người tham gia giao thông thì không thể nắm hết các quy định riêng lẻ trên con đường mình đi, người quản lý giao thông thì vấp phải sự bất bình, chống đối khi xử lý các trường hợp sai phạm bởi tính phức tạp, bất nhất, khác biệt giữa các khu vực.

Gốc rễ của vấn đề này do quy định của luật Giao thông đường bộ hiện nay đã lạc hậu, không hội nhập với quốc tế. Quy định biển báo đặt bên phải của chiều đi chỉ phù hợp với đường nhỏ, ít làn, tốc độ thấp, còn với đường lớn, tốc độ cao thì hầu như người tham gia giao thông không thể nhận biết các thông tin của biển báo đặt lệch hướng nhìn. Chính vì sự lỗi thời này đã gây nên tình trạng mỗi nơi một kiểu. Trong khi đó, vị trí đặt biển báo trên cao, giữa làn đường phù hợp thực tế nhưng lại phạm luật.

Điểm bất hợp lý của luật Giao thông đường bộ còn thể hiện số lượng bảng chỉ dẫn giao thông dày đặc, bảng này cách bảng kia không xa do đặc điểm nhiều đường ngang gần nhau.

Luật sư NGUYỄN THÀNH CÔNG, (Đoàn luật sư TP.HCM)

 

Lê Nga