Nhịn ăn để thanh lọc cơ thể!
Chỉ cần gõ chữ “detox cơ thể” (thanh lọc cơ thể) trên Google, bạn sẽ “choáng” về các trường phái thanh lọc: ăn bữa sáng, bữa trưa và ăn nhẹ vào bữa tối; hoặc chỉ ăn trái cây và uống nước trong 2-5 ngày. Có người nhịn hoàn toàn, chỉ uống nước chanh đường hoặc mật ong đường suốt 12 ngày. Người đã thanh lọc cơ thể thì khen, còn bác sĩ thì khuyên phải hết sức thận trọng.
Nhịn ăn để thanh lọc cơ thể!
Có người nhịn hoàn toàn, chỉ uống nước chanh đường hoặc mật ong đường suốt 12 ngày.
Người đã thanh lọc cơ thể thì khen, còn bác sĩ thì khuyên phải hết sức thận trọng.
Người người thanh lọc
Trên Facebook đang có hội những người áp dụng thanh lọc cơ thể. Có người trong nhóm dùng xúp nấm, ớt bột và chanh vàng, người chỉ dùng dung dịch nước chanh, ớt… Chị L., một người vừa trải qua liệu trình thanh lọc cơ thể 12 ngày, cho biết 2-3 ngày đầu là thật sự vật vã, chị luôn có cảm giác thèm ăn và phải xem hình món ăn để… ăn tưởng tượng. Nhưng đến ngày thứ 4-5 mọi chuyện nhẹ nhàng hơn và chị đã trải qua 12 ngày thanh lọc không quá căng thẳng.
“Một cơ thể muốn được thanh lọc và khỏe mạnh cần có chế độ ăn uống điều độ (không ăn nhiều hơn nhu cầu của mình, hoặc có thể ăn ít hơn một chút), ăn thức ăn nguồn gốc thực vật nhiều hơn động vật, thức ăn thiên nhiên và không qua chế biến, chọn thực phẩm an toàn, uống nhiều nước lọc. Bên cạnh đó, cần thường xuyên rèn luyện cơ thể (tập thể dục, yoga…), tập hít thở sâu” TS.BS Trần Thị Minh Hạnh |
“Trong những ngày thanh lọc cơ thể, dù không ăn gì nhưng tôi vẫn đi làm, đi tập, đi bơi bình thường. Tuy nhiên nếu ra đường khoảng một giờ mà không mang theo chai nước chanh thì tôi có cảm giác như ngất đi, uống vào một ngụm là đỡ liền. Tôi không pha theo công thức nào mà pha kiểu đủ ngọt và đủ chua để dễ dùng, tức là khoảng 150-200 gam đường pha với 10 quả chanh và 3-4 lít nước. Cô em kế của tôi thì thanh lọc trong năm ngày với nước chanh pha mật ong. Tôi vừa gặp lại thì thấy em gái cũng gầy hơn nhưng mà… gầy đẹp” – chị L. cho biết.
Một phong trào thanh lọc cơ thể đang lan ở nhiều nơi tại Hà Nội, TP.HCM, khắp các văn phòng, công sở… Chị Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Q.9, TP.HCM) đã và đang áp dụng phương pháp yoga nhịn ăn: “Ban đầu tôi cứ tưởng nhịn ăn sẽ khiến mình đói khát dữ lắm. Nhưng nay hằng tháng tôi vẫn nhịn ăn định kỳ (hai lần, mỗi lần một ngày), không thấy mệt mỏi mà còn thấy mình khỏe ra, da dẻ đẹp hơn nữa”. Một người bạn cho chúng tôi biết liệu trình thanh lọc bằng dung dịch nước chanh của cô kéo dài 13 ngày và cô vẫn đi làm, chăm con được bình thường. “Vấn đề là tùy sức người. Tôi nghĩ không mệt đâu, chỉ luôn đói và thèm đồ ăn thôi” – người bạn này cho biết.
Trường phái chữa trị tự nhiên
Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hưng – nguyên giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, người đã tìm hiểu và thực hành việc nhịn ăn từ năm 2001 đến nay – cho rằng việc nhịn ăn là “xưa cũ”, xuất phát từ hiện tượng tự nhiên. Trong thế giới động vật, khi bị thương (bệnh), con thú không ăn uống gì và rồi nó tự lành bệnh. Nhịn ăn, theo những người tin vào trường phái chữa bệnh tự nhiên, là việc con người tự làm chủ với chính mình, là bác sĩ thật sự của cơ thể và hiểu rõ mình nhất.
Bác sĩ Kim Hưng kể khi còn làm lãnh đạo ở Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM (những năm 1990), bà có nghe nói đến phương pháp nhịn ăn để chữa bệnh khi tham gia một số khóa học dành cho những lãnh đạo về dinh dưỡng thuộc vùng châu Á – Thái Bình Dương nhưng không đi sâu tìm hiểu. Sau này, khi đọc các tài liệu về trường phái chữa bệnh tự nhiên và tiếp xúc với một số người từng thực hiện việc nhịn ăn để chữa bệnh, bác sĩ Kim Hưng đã thử nghiệm. “Đến bữa ăn chúng tôi được dạy thở, thở 20 lần như vậy là hết đói”. Lần đầu nhịn ăn ba ngày khiến bà cảm thấy mỏi mệt. Nhưng giờ đây khi có thể nhịn ăn cả tuần, hoặc không thích thức ăn thì “nhịn luôn”, bà cho biết “thói quen ăn đầy đủ, đúng bữa khi thay đổi sẽ làm mình mệt, nhưng sau này không còn cảm giác đó nữa”.
Theo bác sĩ Kim Hưng, nhịn ăn hiện có nhiều trường phái: trường phái yoga chữa bệnh, trường phái nhịn khắc nghiệt (ăn và uống), nhịn ăn nhưng được uống nước hoa quả… Song tất cả trường phái nhịn ăn đều theo định kỳ và có thời gian, chế độ tuân thủ riêng. Bác sĩ Kim Hưng nhận định việc thanh lọc cơ thể bằng cách nhịn ăn định kỳ là phương pháp chữa trị tự nhiên. Bởi 60% trọng lượng cơ thể là dự trữ, khi mất đi 60% trọng lượng thì cơ thể mới kiệt quệ. Vả lại, cơ thể là một cỗ máy thông minh nên khi dùng trọng lượng dự trữ cũng sẽ không dùng những thứ cần thiết cho nó (như tim, phổi, não, gan…). Khi nhịn ăn, cơ thể bắt đầu ăn những tế bào ung nhọt, ăn những thứ dư thừa và tái tạo những tế bào mới.
Phải hết sức thận trọng
Trao đổi về liệu pháp thanh lọc cơ thể này, TS.BS Trần Thị Minh Hạnh (phó giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM) cho rằng cần phải hết sức thận trọng với việc nhịn ăn để thanh lọc cơ thể, chữa bệnh vì chưa có những nghiên cứu khoa học chính thức về vấn đề này. Chúng ta cũng chưa có bằng chứng khoa học nào về việc cải thiện hay suy giảm sức khỏe từ việc nhịn ăn. Vì thế, tùy thể trạng của từng người cụ thể để điều chỉnh cách ăn uống và dung nạp dinh dưỡng một cách hợp lý, mọi người không nên áp dụng đại trà việc nhịn ăn.
Mỗi người có một thể trạng và sức khỏe khác nhau. Khi muốn ăn kiêng và cần một giải pháp về dinh dưỡng, để an toàn thì cần đến tư vấn với bác sĩ.
Đối với việc giảm cân thì nhịn ăn không phải là giải pháp tối ưu và lâu bền. Có thể thời gian đầu cân nặng sẽ giảm nhưng sau đó khi ăn trở lại thì cân nặng sẽ tăng lại và có khi còn tăng cân nhiều hơn trước. Bởi khi nhịn ăn, cơ thể cần tiết kiệm năng lượng và dưỡng chất nên sẽ tự hạ thấp chuyển hóa cơ bản (năng lượng tối thiểu cần thiết để duy trì sự sống), cơ thể giảm nhu cầu năng lượng để đáp ứng với nhu cầu ăn ít. Do đó, khi ăn trở lại có thể sẽ tăng cân nhiều hơn. Nhịn ăn để giảm cân sẽ khiến cho cơ thể không chỉ giảm khối mỡ mà còn giảm cả khối cơ và có thể cả khối xương, cơ thể còn bị thiếu các vitamin và khoáng chất dẫn đến thiếu máu, loãng xương, sẽ mệt mỏi nhiều hơn. Muốn giảm cân lành mạnh thì phải giảm năng lượng đưa vào nhưng phải đảm bảo đủ chất đạm, các vitamin, khoáng chất, nước và chất xơ. Bên cạnh đó còn phải tăng cường hoạt động thể lực.
Dù từng nhịn ăn và thấy hiệu quả nhưng hiện bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hưng không nhịn ăn mà đầu tư cho chất lượng bữa ăn tốt nhất theo kiểu quan tâm đến thực phẩm, cách nấu nướng… Bác sĩ Kim Hưng khuyên người muốn áp dụng nhịn ăn để thanh lọc cơ thể (chữa bệnh) thì cũng phải “thật sự hiểu biết”.
Đồng quan điểm này, PGS.TS Lê Bạch Mai, phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho rằng thay vì thanh lọc bằng cách nhịn ăn hoàn toàn, mọi người nên ăn một chế độ ăn “sạch”, tức là sử dụng thực phẩm sạch và cân đối các nhóm chất dinh dưỡng, ăn nhiều rau xanh, quả chín, giảm lượng thịt sử dụng hằng ngày xuống 50-60 gam/ngày mà tăng lượng cá, đậu phụ lên.
“Không nên nhịn ăn” Khi chúng tôi đưa liệu trình nhịn ăn 12-13 ngày và chỉ uống nước chanh đường cho PGS.TS Lê Bạch Mai, bà Mai phản đối ngay. Theo bà Mai, thanh lọc tức là… quét rác trong cơ thể, nhưng nếu không nạp thực phẩm vào thì cũng không sinh ra rác để mà quét. Bà Mai cho rằng một cơ thể sống bình thường cần năng lượng, nếu không có năng lượng từ thực phẩm thì cơ thể sẽ lấy năng lượng ở cơ và các bộ phận khác. Trong khi đó, theo bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hưng, muốn nhịn ăn phải thật sự hiểu biết. Nghĩa là người đó phải tìm hiểu phương pháp đến nơi đến chốn, không lo lắng, sợ hãi hay nghi ngờ về việc đó và khi thực hiện lần đầu phải có người đã từng làm chỉ dẫn. Nếu tìm hiểu chưa kỹ, chưa hiểu biết sâu sắc thì không nên thực hiện. |
LAN ANH – MỸ DUNG