17/01/2025

Học cách thoát hiểm

Làm thế nào để thoát ra khỏi đám cháy? Nếu bị bắt nạt hay có người lạ dụ dỗ, bắt cóc thì phải làm sao?… Những kỹ năng hữu ích như vậy đã được đưa đến một số trường cho học sinh thực hành.

 

Học cách thoát hiểm

Làm thế nào để thoát ra khỏi đám cháy? Nếu bị bắt nạt hay có người lạ dụ dỗ, bắt cóc thì phải làm sao?… Những kỹ năng hữu ích như vậy đã được đưa đến một số trường cho học sinh thực hành.

 
Học sinh Trường tiểu học Trần Quốc Tuấn (TP.HCM) thực hành thoát khỏi đám cháy – Ảnh: Như Lịch

Đây là hoạt động nằm trong chuỗi chuyên đề “Giúp con ứng phó với những tình huống khẩn cấp”, do Hội quán Các bà mẹ phối hợp cùng một số trường tại TP.HCM tổ chức, diễn ra cuối tháng 5 vừa qua.

Bất ngờ kêu “cháy nhà” !

Trước 1.600 học sinh của Trường tiểu học Trần Quốc Tuấn (Q.Tân Bình, TP.HCM), báo cáo viên – tiến sĩ Vũ Thu Hương, giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, mở đầu bằng câu hỏi: “Các con có biết khi gặp những tình huống nguy hiểm trong cuộc sống, chúng ta sẽ làm gì, chẳng hạn như khi gặp đám cháy?”. Một cô bé nhanh nhảu: “Thưa cô, xịt nước ạ”. Một bạn khác bổ sung: “Phải gọi cứu hỏa ngay”. Tiến sĩ Hương vào đề: “Chúng ta phải tìm cách thoát ra ngoài rồi mới gọi cứu hỏa hoặc làm những cách khác. Vì vậy, hôm nay các con sẽ học cách thoát khỏi đám cháy ở cả hai trường hợp có khói và không có khói”. Ngay sau khi được hướng dẫn, nhiều học sinh đã thực hành cách vượt đám cháy trong các tư thế bò, ngồi xổm và chạy.

Để minh họa cho nội dung phòng tránh nạn bắt cóc có thể xảy ra, một cộng sự của tiến sĩ Hương đã đóng vai người lạ dùng nhiều chiêu thức dụ dỗ học sinh rời cổng trường. Cuộc giằng co quyết liệt diễn ra. Bất ngờ, cô bé học sinh (đóng vai nạn nhân) la lớn: “Cháy nhà”, khiến người lạ đột ngột buông tay… Sau tình huống này, tiến sĩ Hương hỏi cô bé: “Tại sao con không đi theo người lạ?”. Cô bé đáp ngay: “Vì con sợ bị bắt cóc”. “Tại sao lại kêu cháy nhà?”, tiến sĩ Hương hỏi tiếp. Một học sinh khác phát biểu: “Vì nghe cháy nhà, người ta chạy ra coi đông, người lạ không dám làm gì và mình bỏ chạy”. Một tràng pháo tay đồng tình vang lên rộn rã sân trường.

Bên cạnh đó, tiến sĩ Hương còn chỉ ra một số cách ứng xử khi bị bắt nạt, hoặc để ngăn ngừa tình trạng xâm hại tình dục trẻ em.

Phản hồi từ phụ huynh

Có mặt trong buổi tập huấn nói trên, bà Phùng Thị Thanh Nga, Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh năm học 2013 – 2014 Trường tiểu học Trần Quốc Tuấn, nhận xét: “Có những tình huống khẩn cấp tương tự, tôi đã hướng dẫn cách xử lý cho con mình. Nhưng ở đây, một số điều rất khác biệt và tôi thấy hài lòng. Thứ nhất, đó là khi có hỏa hoạn xảy ra, các em biết làm gì để thoát hiểm. Thứ hai, khi các em ra ngoài đường gặp tình huống bị dụ dỗ thì nên kêu là “cháy nhà”, thay vì kêu “cứu cứu” như bao lâu nay”. Bà Nga phân tích: “Thời buổi này, nhiều người bàng quan với chuyện người khác. Do đó, khi mình kêu cứu, họ tưởng là cướp, sợ bị liên lụy nên có khi không đứng lại để ứng cứu. Còn nếu kêu cháy nhà, sẽ có đông người tò mò dừng lại và nạn nhân sẽ có cơ hội thoát thân”.

Dẫu vậy, bà Nga cũng thẳng thắn cho rằng có lẽ do hạn chế về thời gian nên một số nội dung trình bày còn sơ lược. Phụ huynh này dẫn chứng: “Báo cáo viên nói rằng, khi đi ra đường, nếu gặp người lạ kéo tay rủ rê thì các bé hãy tìm gặp chú công an và nhờ chú ấy gọi điện cho ba mẹ. Trẻ con nó rất nghe lời và sẽ làm y chang như vậy. Nhưng lỡ lúc đó không có chú công an, thì nó biết làm sao? Lẽ ra, phải nói rõ là hãy báo với chú công an hoặc người nào gần đấy”…

Theo bà Trần Thị Phương – Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quốc Tuấn, trong những buổi sinh hoạt đầu tuần, nhà trường có hướng dẫn cho học sinh cách ứng xử trong những tình huống khẩn cấp và khơi gợi tình thương yêu gia đình. Đối với chương trình phối hợp tập huấn trên, cô Phương cho rằng báo cáo viên đã đưa ra một số cách thực hành, xử lý tình huống khá sinh động, phù hợp với học sinh tiểu học. Cô Phương cho hay trong mùa hè này và thời gian tới, nhà trường sẽ trang bị kỹ năng bơi và phòng tránh tai nạn thương tích cho học sinh.

Như Lịch