Đọc lại báo xưa
Triển lãm Những tờ báo quốc ngữ Việt Nam nổi bật 1865 – 1965 cho thấy sự đa dạng, giàu văn hoá của báo chí xưa. Tại triển lãm này, người ta có thể gặp lại nhiều tờ báo trứ danh như Gia Định báo, Nam Phong, Thanh Nghị, Phong Hoá, Khai Trí Tiến Đức tập san. Cũng có Nông cổ Mín đàm với chủ đề công – thương – đầu tư, có thể coi như “tiền thân” của các tờ báo kinh tế hiện nay.
Đọc lại báo xưa
Triển lãm Những tờ báo quốc ngữ Việt Nam nổi bật 1865 – 1965 cho thấy sự đa dạng, giàu văn hoá của báo chí xưa.
|
TS sử học Nguyễn Văn Khoan (85 tuổi) reo lên như trẻ nhỏ khi được chạm tay vào tập Thực nghiệp dân báo. Tờ báo in từ năm 1937, khổ rất rộng này đã đổi màu nâu vàng nhưng chữ vẫn còn rõ nét. Các nhà sưu tập Tạ Thu Phong, Trịnh Hùng Cường, Nguyễn Phát Hà Giang ở diễn đàn Sách xưa đã mua và gìn giữ nó. Giờ đây họ chia sẻ thú ngắm những tờ báo quốc ngữ xưa tại triển lãm Những tờ báo quốc ngữ Việt Nam nổi bật 1865 – 1965 (kéo dài từ nay đến hết 13.6 tại Trung tâm văn hoá Heritage Space, Dolphin Plaza, Hà Nội).
|
“Tôi cảm động quá. Vì những tờ báo này, như Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng, nếu đến thư viện cũng khó được xem. Còn ở đây, tôi có thể được chụp ảnh làm tư liệu”, TS Khoan nói. Ông còn vui hơn khi chụp được tờTràng An, một tờ báo xuất bản tại Huế năm 1944. Nó giúp ông bổ sung đề tài nghiên cứu về báo chí ở Huế mà ông đang thực hiện. Với ông, triển lãm rõ ràng như một duyên may khi tìm tư liệu.
Không chỉ TS Khoan, một nhà nghiên cứu khác là ông Lại Nguyên Ân cũng từng nhờ các sưu tập này mà hoàn tất công trình khoa học của mình. Một trong những công việc đó là “trục vớt” các văn bản của Phan Khôi – người được nhà văn hóa Nguyên Ngọc đánh giá là một trong những nhà báo giỏi nhất của Việt Nam. Việc theo dấu Phan Khôi đã kéo dài nhiều năm, thậm chí có lúc tưởng không thể thực hiện được do thiếu tiền, thiếu tư liệu. Nhưng cuối cùng, Tổng tập Phan Khôi đã ra đời. Sau đó, ông Ân cũng nhận giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh cho những nghiên cứu văn bản học của mình.
Đa dạng với nhiều hình thức và nội dung
Tại triển lãm này, người ta có thể gặp lại nhiều tờ báo trứ danh như Gia Định báo, Nam Phong, Thanh Nghị, Phong Hoá, Khai Trí Tiến Đức tập san. Cũng có Nông cổ Mín đàm với chủ đề công – thương – đầu tư, có thể coi như “tiền thân” của các tờ báo kinh tế hiện nay. Các tờ báo với chủ đề phụ nữ cũng đa dạng: Phụ nữ Tân văn, Bình đẳng nhật báo. Báo cho thiếu nhi có Nhi đồng tạp chí, Nhi đồng họa báo… Nhìn tận mắt để thấy sự đa dạng của báo chí cả trăm năm trước, để thấy các cụ ta xưa rất năng động, rất nhạy bén.
Chẳng hạn, trên báo Thanh Nghị, người xem có thể được đọc cả những bài phân tích dài về việc làm sao để giáo dục con cái trong gia đình bên cạnh những bài thường thức giải thích cách phòng chống bệnh lao. Trên một tờ báo khác lại có những bài giới thiệu về thời trang, có ảnh lớn kèm chú thích “Một kiểu áo sport rất gọn của Mauge Evans”. Ai đó cũng phải tròn mắt với cách ghi ngày tháng nửa Việt nửa Pháp trên Gia Định báo: “Ngày mồng 10 juin năm 1890”. Báo Phong Hóakhiến người ta bật cười vì những hình biếm họa duyên tệ. Đây cũng chính là tờ báo đã ghi danh nhân vật Lý toét trong cuộc tiếp nhận – từ chối giữa văn hóa Việt và Pháp của một thời. Và những mẩu nhỏ quảng cáo thì thú vị đến mức nhà tổ chức đã có hẳn trích lục riêng giới thiệu đến công chúng.
“Chúng ta thấy là quan tâm của công chúng với báo chí hầu như không thay đổi từ xưa đến nay. Còn các cụ ta đã đáp ứng rất tốt nhu cầu đó. Thông tin cũng rất hiện đại”, ông Nguyễn Đình Thành, Giám đốc truyền thông thương hiệu – Tập đoàn Le Bros, nói. “Trong mục dạy và nuôi con thế nào, chúng ta có thể thấy bài về một phương pháp nuôi dạy con mới của Mỹ. Rồi có những bài về thanh niên Nhật Bản”, ông nói thêm.
Cũng theo ông Thành, các tờ báo còn cho thấy tư tưởng tiến bộ của xã hội những năm 1930 tại Việt Nam. Chẳng hạn, chúng ta đã có những tờ báo về lối sống (life style) từ rất sớm. Nếu như các tờ báo dành riêng cho nam giới, nữ giới trên thế giới xuất hiện vào khoảng thời gian 1930 thì cũng thời gian đó chúng ta đã có Phụ nữ Tân văn rồi. “Báo chí phụ nữ thời kỳ đó đã rất phát triển. Và cũng lưu ý rằng năm 1945 phụ nữ Việt Nam đã được bầu cử rồi, trong khi đó ở châu Âu còn có nước chưa được”, ông Thành nói.
PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái lại muốn nói đến phông văn hóa của những người làm báo xưa. Khi đó, việc làm báo phần lớn do tự đào tạo, tuy nhiên những bài viết của họ vẫn rất tốt, rất hấp dẫn. Điều đó là do phông văn hóa của những người làm báo khi xưa đều rất đáng nể. Chính vì thế, đến xem triển lãm cũng là một dịp để các nhà báo ngày nay tự soi lại chính mình.
Trinh Nguyễn