07/01/2025

Tôi tự hào vì con là học sinh giỏi!

Vừa rồi tôi có đọc bài “May quá, con chỉ học trung bình” trên Tuổi Trẻ và tôi đã suy ngẫm rất nhiều. Tôi thấy bạn nói đúng nhưng chưa đủ và cái nhìn của bạn hơi chủ quan một chút.

 

Tôi tự hào vì con là học sinh giỏi!

Vừa rồi tôi có đọc bài “May quá, con chỉ học trung bình” trên Tuổi Trẻ và tôi đã suy ngẫm rất nhiều. Tôi thấy bạn nói đúng nhưng chưa đủ và cái nhìn của bạn hơi chủ quan một chút.

 

Tôi mạo muội xin gửi suy nghĩ của mình để mọi người cùng bàn luận.

 

Trong việc “phải sống chung với cơn lũ bệnh thành tích” vẫn có những ngoại lệ riêng trong cách dạy học nếu chúng ta biết đấu tranh. Và sự đấu tranh này có thể sẽ hiệu quả và có sức lan tỏa sâu rộng hơn nhiều nếu có nhiều phụ huynh không cả nể cho qua mà cùng đấu tranh với nhà trường (sau khi đã thể hiện đầy đủ trách nhiệm giáo dục con ở nhà). 

 

Đầu tiên, tôi rất đồng tình với bạn việc hầu hết trường học ở nước ta hiện nay, nhất là tại các thành phố lớn, đều chạy theo thành tích. Cuối năm lớp luôn có sĩ số học sinh giỏi rất cao, học sinh tiên tiến chỉ 3-5 em trên tổng số lớp 40-45 em. Và để đạt được điều đó, thực trạng đến cuối học kỳ (thậm chí thi giữa học kỳ), giáo viên phát đề cương hoặc có chương trình ôn thi rất “kinh”, bắt các cháu học vẹt thuộc lòng hết là điều đang xảy ra.

Đến nỗi có lần vì quá bực tức khi thấy con mình phải cắm đầu “dùi mài kinh sử” đến 11g khuya suốt cả tuần (chỉ để ôn thi giữa học kỳ 1 thôi đấy!), tôi phải chạy vào tận trường gặp thầy hiệu trưởng và phản ảnh: “Con tôi mới học lớp 2 chứ đâu phải học tiến sĩ mà thầy cho học kinh thế. Học cả ngày ở trường chưa đủ sao mà tối về còn phải học bài tới 11 giờ khuya chưa xong?”… Kể như thế để thấy tôi hoàn toàn chia sẻ với bạn trước nỗi bức xúc về một nền giáo dục chỉ chạy theo thành tích của chúng ta hiện nay. Tuy nhiên tôi lại không đồng tình với bạn ở điểm khi bạn cho rằng hệ quả của cách dạy học như thế đã cho ra lò một loạt robot bắt chước chuyên nghiệp. Bởi nếu nói như thế là chúng ta đã không có trách nhiệm chút nào trong việc dạy bảo con cái mình và mọi việc khoán hết cho nhà trường. Và nói như thế cũng rất oan cho những thầy cô giáo nhiệt tâm với nghề.

Tại sao tôi nói thế, bởi những lý do sau đây:

Thứ nhất, chúng ta không thể khoán hết mọi trách nhiệm cho nhà trường vì thầy cô trong lớp dù có nhiều thời gian đến đâu cũng không thể kèm cặp từng em từng lời văn hay, từng bài toán hay. Ở trường các thầy cô chỉ có thể truyền dạy những điều căn bản và về nhà phụ huynh có nhiệm vụ tiếp nối, mở rộng thêm kiến thức cho con em bằng những cuốn sách hay hoặc dạy con phương pháp tự học hiệu quả…

Vì truyền những điều căn bản nên trên lớp thầy cô luôn dạy rập khuôn chung một bài văn, toán và khi cho bài tập về nhà mới thả cho học sinh tự do “sáng tác”. Và lúc này nhiệm vụ giáo dục thuộc về phụ huynh. Nếu phụ huynh dạy tốt, giúp con mình có được những bài văn hay, bài toán giỏi (như bạn và nhiều phụ huynh khác đang làm) thì tới lúc thi học kỳ, “chấp” cho cô giáo, thầy giáo có những bài văn mẫu bắt học thuộc lòng như thế nào, con bạn cứ làm theo ý mình, nếu bài văn đó thật sự hay thì vẫn được 10 điểm như thường. Còn ngược lại, nếu phụ huynh vì bận rộn quá bỏ bê, không khơi được nguồn sáng tạo cho con ở nhà thì tới lúc thi, bắt buộc cô giáo phải cho vài bài văn mẫu “học tủ” (để dạy chung cả lớp mà) nhằm đạt được “bệnh thành tích” như tôi đã nói ở trên.

Thứ hai, trách nhiệm của phụ huynh là phải phản ảnh, đấu tranh với nhà trường thay đổi cách dạy. Lúc này có thể các bạn đang nhẩm trong bụng là không thay đổi được đâu, tôi đã thử làm rồi và mọi chuyện “vũ như cẩn”, không khéo mình còn bị ghét và con mình bị vạ lây. Tôi cũng từng bị vậy vì ai cũng hiểu bệnh thành tích này được “chỉ đạo” từ trên xuống và các trường không thể “cãi” được. Nhưng vẫn có các thầy cô ở dưới rất linh hoạt trong giảng dạy và nhiệt tâm. Bởi thực tế là khi tôi vào gặp thầy hiệu trưởng phản ảnh vụ “con lớp 2 mà học như tiến sĩ” nói ở trên, hôm sau vào lớp, thầy giáo đã phải thu hồi “đề cương ôn thi” và dù rất bực bội vì có phụ huynh nào đó đã dám lên “méc” thầy hiệu trưởng, nhưng từ đó lớp đã không còn cảnh ôn thi đến 11g đêm nữa.

Lên lớp 3, vì điều kiện gia đình tôi phải chuyển trường cho con và cũng tái diễn tình cảnh như trường cũ. Cô giáo cũng cho bài văn mẫu về học thuộc rào rào. Tuy nhiên những lần đó tôi không đồng ý nên đã gợi ý cho con làm những bài văn khác với bài văn mẫu của cô. Những lúc ấy tôi phải cam đoan với cháu rằng làm thế cô sẽ không la mà còn khen con vì bài văn của con rất hay. Và may quá hôm sau về cháu được cô khen thật.

Thế là từ đó về sau cháu được “đặc cách” làm mọi bài văn theo ý mình, trong khi các bạn khác phải cặm cụi viết bài văn mẫu về học (cô giáo có giải thích với tôi rằng vì các bạn khác không làm được một bài văn ở mức căn bản nên cô phải làm thế!). Và cháu luôn được đọc bài văn của mình trước lớp cho các bạn nghe. Các môn khác cũng tương tự. Cuối năm cháu thi đạt 10 điểm ở tất cả bốn môn đọc, viết (tiếng Việt), toán và tiếng Anh (ở cả phần thi trên máy tính). Và khi cùng cháu lên trường nhận phần thưởng ngày hôm qua, tôi đã rất tự hào với thành tích học tập của con mình mà không thấy cháu là robot bắt chước chuyên nghiệp gì cả.

Đó là những suy nghĩ của cá nhân tôi, mong các bạn có thể góp ý thêm. Xin cảm ơn.

 

NGUYỄN KHÁNH HÙNG (Q.11, TP.HCM)