Xin đừng khen con tôi!
Thấy anh trai tôi đi họp phụ huynh cho cô con gái cưng đang học lớp 4 về với vẻ mặt bực bội, tôi dò hỏi: “Ai làm anh khó chịu ghê thế? Chắc là con bé làm điều gì khiến cô giáo phật ý rồi phê bình trước cuộc họp nên anh xấu hổ chứ gì?”.
Xin đừng khen con tôi
Thấy anh trai tôi đi họp phụ huynh cho cô con gái cưng đang học lớp 4 về với vẻ mặt bực bội, tôi dò hỏi: “Ai làm anh khó chịu ghê thế? Chắc là con bé làm điều gì khiến cô giáo phật ý rồi phê bình trước cuộc họp nên anh xấu hổ chứ gì?”.
Anh tôi dấm dẳng: “Cô khen mới chết chứ! Có chê mới biết cháu yếu mặt gì mà khắc phục, lo sửa chữa. Đằng này… anh biết con học còn lơ mơ, hôm anh kiểm tra bài cháu cứ ngơ ngác như chim chích lạc đồng mà khen cái nỗi gì”.
Chợt anh quay sang tôi trút giận: “Mà không biết các cô dạy dỗ kiểu gì chỉ toàn khen là khen. Khen đúng chẳng nói làm gì, ngay việc không có gì tốt cũng khen thì tôi chịu. Học sinh còn bé chẳng biết gì, còn phụ huynh cứ ăn bánh vẽ kiểu này thì có mà trúng thực. Anh ngán khen lắm rồi!”. Tôi chưa kịp phân trần anh đã quay sang kể lể: “Em còn nhớ thằng anh nó năm rồi không? Tất cả mọi người thân và bạn bè đều khen nó học tốt, đi đâu anh cũng nghe mọi người nói tốt về nó. Thế là yên tâm chẳng nhắc bảo, kèm cặp gì. Đi học chỉ nghe toàn những lời có cánh. Vậy mà khi thi khảo sát, cả nhà mới té ngửa: những kiến thức căn bản nó lúng túng như gà mắc tóc. Mà cũng đúng thôi, về nhà có thấy nó học hành gì đâu mà giỏi. Có mà… thần đồng! Anh không muốn con bé đi theo vết xe đổ của anh nó. Sau này còn ra đời làm việc nữa chứ. Không có kiến thức rồi thì khổ thân”.
Chao ôi! Anh tôi nói đúng quá rồi còn gì. Song nghĩ đến sự việc năm rồi tôi còn thấy xót xa, chỉ vì mình “chê quá đúng” làm phật lòng phụ huynh. Năm đó, tôi được phân công chủ nhiệm một lớp khó khăn nhất trường: học sinh phải lội qua hai con sông mới tới trường được. Mùa mưa lũ nước dâng trắng đồng. Thầy cô ở đây phải bám trường bám lớp để kịp thời động viên các em không bỏ lớp. Trong lớp, tôi phát hiện một em học sinh hay chép bài của bạn mà chẳng hiểu gì. Họp phụ huynh đầu năm lần đó, tôi ý tứ gặp riêng chị phụ huynh nhắc nhở chị về nhà nhắc bảo cháu phải tự lực học mới mong theo kịp lớp. Chỉ vậy thôi mà chị ấy đã tự ái nổi nóng: “Những năm trước ai cũng khen con tôi giỏi giang cơ mà! Thôi đúng rồi, chắc là tại cô nên nó mới thế, cô xếp nó ngồi bên cạnh đứa học chẳng ra gì nên nó học dở là phải rồi!”. Tôi phải phân tích mãi cuối cùng chị ấy cũng hiểu ra và nhờ tôi hướng dẫn cách học ở nhà như thế nào. Nhờ vậy cháu tiến bộ trông thấy. Sau sự việc đó, tôi thấy thương chị ấy quá! Cũng giống như anh tôi trước đây, chị đã đặt hết hi vọng vào đứa con của mình nên rất thích được nghe khen.
Tôi còn nhớ như in hồi còn bé đã vui mừng khôn xiết khi thấy tên mình trên bảng danh dự vì những cố gắng vượt khó học giỏi. Từ đó tôi hiểu được rằng học sinh cần lắm những lời khen. Những lời khen đúng thật sự là một động lực tiếp thêm năng lượng cho học sinh trên bước đường khám phá kho tàng tri thức, những lời khen chưa đúng thật sự tai hại vô cùng. Rất may là cả chị và anh tôi cuối cùng cũng nhận ra một điều: “Những lời khen tặng chỉ là những phỉnh nịnh vô nghĩa nếu không phản ánh đúng năng lực của mình”.
NGÔ CÔNG THÀNH (Tây Hòa, Phú Yên)