09/01/2025

Mơ xa, làm gần

Ranh giới giữa ước mơ và ảo tưởng đôi khi rất mong manh. Để ước mơ không chỉ là… mơ ước, bạn trẻ cần có kế hoạch và những việc làm cụ thể.

 

Mơ xa, làm gần

Ranh giới giữa ước mơ và ảo tưởng đôi khi rất mong manh. Để ước mơ không chỉ là… mơ ước, bạn trẻ cần có kế hoạch và những việc làm cụ thể.

Có thể mơ xa, nhưng phải thực hiện từ những việc làm cụ thể - Ảnh: Shutterstock
Có thể mơ xa, nhưng phải thực hiện từ những việc làm cụ thể – Ảnh: Shutterstock 

‘Vitamin’ của cuộc sống

Kiến trúc sư trẻ Đoàn Hưng (quê Quảng Ngãi, 24 tuổi) cho hay ngày xưa anh từng mơ làm… chủ tịch nước. Tuy nhiên, theo năm tháng, Hưng nhận ra ước mơ đó xa tầm với của mình. “Đến khi vào đại học, ban đầu tôi nghĩ đơn giản là học kiến trúc thì nhất thiết phải xây nhà. Phải mất đến ba năm, tôi mới xác định hướng đi đúng cho mình, đó là thiết kế những vườn thẳng đứng, phủ xanh bờ tường, mái nhà và những nơi bị bê tông hóa trong thành phố”, Hưng bày tỏ.

Tương tự, sinh viên Nguyễn Thị Ngân Hà, sinh viên Trường ĐH Hoa Sen nhìn nhận hồi nhỏ cũng nuôi nhiều ước vọng, trong đó có cả niềm mong mỏi của ba mẹ là “sau này con sẽ làm kỹ sư/giám đốc”. Ngân Hà bộc bạch: “Bây giờ, mình đã biết điểm mạnh, điểm yếu của bản thân là gì. Mình thuộc týp người xã hội, không thể làm kỹ sư hay một số nghề khác. Vì vậy, mình tự nhủ không nên mất thời gian cho những điều xa vời”.

Chị Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TP.HCM, khẳng định bản thân ước mơ đã hàm chứa sự can đảm. Chị quan niệm: “Tôi ủng hộ những người trẻ dám ước mơ. Ở khía cạnh tích cực, ước mơ tạo ra động lực mạnh mẽ cho chúng ta hành động. Nó giống như một loại vitamin giúp cơ thể khỏe mạnh và tăng sức đề kháng”. Chị Hoàng Phi so sánh: “Ước mơ không đồng nghĩa với ảo tưởng. Khi ước mơ, người ta thường nhắm hai mắt lại hình dung một viễn cảnh tươi hồng, nhưng sau đó can đảm mở mắt nhìn vào thực tế để hoạch định từng bước đi dựa trên năng lực thật và xuất phát điểm. Còn ảo tưởng lại là một trạng thái nhắm cả hai mắt mà đi, nên tai nạn ắt sẽ xảy ra và hủy diệt bản thân”. Chị Hoàng Phi ước lượng có khoảng 40% bạn trẻ chị tiếp xúc đều có những ước mơ đẹp và họ từng bước can đảm chinh phục ước mơ của chính mình. Số bạn trẻ rơi vào trạng thái ảo tưởng chiếm ít hơn – khoảng 20%.

Trong khi đó, thạc sĩ Trần Hữu Đức, huấn luyện viên Trung tâm Betterliving, nhìn nhận: “Tình trạng đặt ra nhiều mơ ước rồi… để đó là rất phổ biến, chiếm đến hơn 90% bạn trẻ tôi từng tiếp xúc. Mơ thì mơ thôi, chứ các bạn không chịu làm, và cũng không biết nó có khả thi hay không”.

Gầy dựng từ cái nhỏ

Chia sẻ trong ngày hội Du học và khởi nghiệp lần thứ nhất tại TP.HCM, doanh nhân thành đạt Johnathan Hạnh Nguyễn từng nhắn gửi: “Các bạn cứ ước mơ đi, vì ước mơ không tốn tiền. Nhưng để biến nó thành hiện thực là con đường dài lắm. Chúng ta không nên bỏ phí bất cứ một giờ nào, ngày nào để học hỏi kinh nghiệm. Khi học thì tập trung học tối đa, khi ra trường thì phải tập đi lên từ những cái nhỏ”.

Sinh viên Nguyễn Thị Ngân Hà cho rằng, mỗi người cần biết “mơ xa nhưng chân phải đạp đất”. Tức là, phải tự mình biến ước mơ của mình thành hiện thực bằng những kế hoạch, việc làm cụ thể.

Dù đã xác định được hướng đi đúng cho mình, chàng trai trẻ Đoàn Hưng vẫn gặp không ít khó khăn khi không tìm được nguồn trợ vốn ban đầu. “Lúc đó, tôi rất chản nản và định bỏ cuộc. Nhưng rồi, tôi bắt tay làm những công trình nho nhỏ, dần dần mới mở rộng ra”. Theo Đoàn Hưng, chỉ nên chia sẻ dự định với một số người mình đặt niềm tin tưởng, hoặc họ có kinh nghiệm. Nếu không, sẽ dễ bị “mất lửa” khi có nhiều ý kiến bàn ra. “Ước mơ rất quan trọng, đó là cảm hứng trong cuộc sống. Nhưng nếu không kiên trì hành động, ước mơ cũng chỉ là mơ ước mà thôi”, Đoàn Hưng nói.

Tâm tình với những bạn trẻ, thạc sĩ Trần Hữu Đức cho rằng, để ước mơ không trở thành ảo tưởng, cần dựa vào những tiêu chí sau: Bạn phải là người sở hữu và thấy thôi thúc với ước mơ đó; ước mơ phải chạm vào thực tế và phải được thực thi dựa vào thực lực, tài sản riêng (tài sản có thể là tài chính, tri thức, đam mê…) của bạn; biết kết nối với người khác để phát triển các thế mạnh.

Ngoài những yếu tố trên, theo thạc sĩ Đức, chúng ta còn phải biết dám thất bại. “Các bạn sinh viên thường được thầy cô và người lớn dạy không được phạm lỗi, làm gì cũng theo ba rem. Tuy nhiên, thất bại là mẹ thành công. Chúng ta cần phải học từ thất bại của bản thân và của người khác, phải xem thất bại cũng là một sự đầu tư, để có thể gặt hái được thành công”, ông Đức lưu ý.

Nguyễn Như