13/11/2024

ĐTC Phanxicô mời Tổng thống Mahmoud Abbas và Simon Perez tham dự cuộc gặp gỡ cầu nguyện cho hoà bình tại Vatican

Đức Thánh Cha Phanxicô mời Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và Israel Simon Perez tham dự một cuộc gặp gỡ cầu nguyện cho hoà bình với ngài tại Vatican. Ngài khích lệ hai chính quyền can đảm cương quyết gia tăng các nỗ lực để đem lại hoà bình cho hai dân tộc trong hai quốc gia độc lập, cùng chung sống trong tự do, an ninh, hoà bình, trong tình huynh đệ và tôn trọng các quyền của nhau, cũng như trở thành mô thức sống chung hoà bình cho các vùng bị khủng hoảng trên toàn thế giới.

ĐTC Phanxicô mời Tổng thống Mahmoud Abbas và Simon Perez tham dự cuộc gặp gỡ cầu nguyện cho hoà bình tại Vatican
 
Đức Thánh Cha Phanxicô mời Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và Israel Simon Perez tham dự một cuộc gặp gỡ cầu nguyện cho hoà bình với ngài tại Vatican. Ngài khích lệ hai chính quyền can đảm cương quyết gia tăng các nỗ lực để đem lại hoà bình cho hai dân tộc trong hai quốc gia độc lập, cùng chung sống trong tự do, an ninh, hoà bình, trong tình huynh đệ và tôn trọng các quyền của nhau, cũng như trở thành mô thức sống chung hoà bình cho các vùng bị khủng hoảng trên toàn thế giới.

Đức Thánh Cha đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong Thánh lễ cử hành tại Quảng trường Vương cung Thánh đường Giáng Sinh ở Bếtlêhem sáng Chúa Nhật 25-5-2014.

Chúa Nhật 25-5-2014 Đức Thánh Cha đã viếng thăm vùng đất của người Palestine và đã có 5 sinh hoạt chính: gặp gỡ giới lãnh đạo Palestine, chủ sự Thánh lễ cho tín hữu tại quảng trường trước Vương cung Thánh đường Giáng Sinh ở Bếtlehem và chào thăm các trẻ em tị nạn. Tiếp đến, Đức Thánh Cha đến Tel Aviv và vào ban chiều ngài chủ sự buổi cử hành đại kết trong Vương cung Thánh đường Thánh Mộ. Sau đây là chi tiết các sinh hoạt của Đức Thánh Cha.
 


Lúc 7 giờ 30 sáng Chúa Nhật, Đức Thánh Cha đã rời Toà Sứ thần Toà Thánh để đến phi trường quốc tế Amman lấy trực thăng đi Giêrusalem. Lễ nghi tiễn biệt đã diễn ra tại phi trường. Hoàng hậu Alia, Vua Giordania đã đón Đức Thánh Cha tại cửa vào phi trường. Hai vị đã trao đổi với nhau trước khi có lễ nghi từ biệt theo cung cách quốc khách.

Lúc 8 giờ, ba chiếc trực thăng “Superpuma” đã cất cánh chở Đức Thánh Cha và đoàn tuỳ tùng đến Bếtlêhem, cách đó 75 cây số. Tiếp đón Đức Thánh Cha tại bãi đậu trực thăng ở Bếtlehem có Đức Tổng Giám mục Giuseppe Lazzarotto, Sứ thần Toà Thánh cạnh Israel kiêm Khâm sứ Toà Thánh tại Giêrusalem và Palestine; Đức cha Fouad Twal, Thượng phụ Latinh Giêrusalem, Đức cha Yasser Ayyach, Tổng Giám mục Hylạp Melkít Petra và Filadelphia; Đức cha Sleiman, Tổng Giám mục Baghdad kiêm Giám quản Tông toà Petra và Filadelfia; Đức cha Maroun Laham, Giám quản Giordania; Cha Pierbattista Pizzaballa, Bề trên Dòng Phanxicô, Quản thủ Thánh Địa; và Rabbi Abraham Skorka, Viện trưởng Trường Rabbi châu Mỹ Latinh; và hai Đức ông cố vấn và thư ký Toà Sứ thần.

Đức Thánh Cha và đoàn tuỳ tùng đã đi xe về Dinh Tổng thống Palestine ở Bếtlehem, cách đó 2 cây số rưỡi. Bếtlehem “Beit Lekhem” trong tiếng Dothái có nghĩa là “Nhà của bánh”, là thành phố có 25.000 dân cư, nằm ở độ cao 765 mét trên mặt biển. Dân chúng sống bằng nghề nông, chăn nuôi và thủ công nghệ chế tượng ảnh và vật dụng bằng gỗ ô liu và xà cừ. Thánh Kinh gọi nó là Bếtlehem vùng Giuđea và là quê sinh của vua Đavít. Bếtlehem nổi tiếng với biến cố Chúa Giêsu Kitô giáng sinh, và từ thời xa xưa đã là nơi thu hút tín hữu hành hương toàn thế giới.

Năm 135, hoàng đế Adriano xây đền thờ kính thần Adone nhằm xoá bỏ ảnh hưởng của Kitô giáo. Nhưng năm 330, hoàng đế Costantino cho xây vương cung thánh đường trên hang đá giáng sinh. Năm 384, thánh Girôlamô đến sống tại đây và dịch Thánh Kinh Dothái ra tiếng Latinh. Đó là bản văn Vulgata. Sau khi Hồi giáo đánh chiếm Thánh Địa năm 638, toàn vùng nằm dưới ảnh hưởng chính trị của Califfo Omar. Năm 1099, khi nghe tin Đạo binh thánh giá tới gần, người Hồi tàn phá thành phố. Năm sau đó, vua Baldovino được phong làm vua Giêrusalem. Nhưng năm 1187, Hồi giáo lại tái chiếm Bếtlehem. Thành phố suy tàn dần và năm 1600 chỉ còn là một làng nhỏ. Vào thế kỷ XIX, thành phố hồi sinh và có đa số dân theo Kitô giáo.

Từ năm 1918, Bếtlehem nằm dưới sự đô hộ của Anh quốc và năm 1948 thuộc vương quốc Hashemít của Giordania. Năm 1967, Bếtlehem, mạn đông Giêrusalem và vùng Cisgiordania bị Israel chiếm đóng. Từ năm 1995, nó thuộc vùng đất của người Palestine. Ông Yasser Arafat, Tổng thống Palesitine, đã xây dinh tổng thống tại đây.

Tín hữu và dân chúng đã đem theo cờ Toà Thánh và cờ Palestine cũng như bong bóng và ca hát chào mừng Đức Thánh Cha trong bầu khí lễ hội rất tươi vui. Trên cửa sổ các dinh thự chung quanh quảng trường Vương cungThánh đường Máng Cỏ treo nhiều hình vẽ cảnh Giáng Sinh, Đức Mẹ, Chúa Hài Đồng và các mục đồng của các hoạ sĩ nổi tiếng thế giới. Cũng có hình Đức Thánh Cha gặp gỡ Tổng thống Mahmopud Abbas tại Vatican, treo tại nhiều nơi trong thành phố.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã tiếp đón Đức Thánh Cha trước dinh theo nghi lễ quốc khách. Rồi hai vị lên văn phòng ở lầu một hội kiến với nhau. Có một vài đại diện của cộng đoàn Kitô Palestine đến từ dải Gazar trao vài sứ điệp cho Đức Thánh Cha. Tiếp đến, Đức Thánh Cha đã gặp hàng lãnh đạo Palestine và Tổng thống Abbas đã đọc diễn văn chào mừng ngài.

Đáp lời Tổng thống Mahmoud Abbas, Đức Thánh Cha đã cám ơn Chúa cho ngài đến viếng thăm nơi Chúa Giêsu, Hoàng Tử Hoà Bình, đã giáng sinh và cám ơn tổng thống và nhân dân Palestine vì sự tiếp đón nồng hậu dành cho ngài. Từ nhiều thập niên qua, vùng Trung Đông đã sống các hậu quả thê thảm của cuộc xung đột kéo dài đã gây ra biết bao nhiêu thương tích cần phải chữa lành và cả khi bạo lực không bùng cháy, thì tình hình bất ổn và sự không hiểu biết giữa các bên cũng tạo ra sử bất ổn, các quyền bị khước từ, sự cô lập và di tản của nhiều cộng đoàn, các chia rẽ, thiếu thốn và khổ đau đủ loại. Đức Thánh Cha bày tỏ sự gần gũi của ngài đối với những ai phải đau khổ vì các hậu quả của xung khắc ấy và ngài đã ra lời kêu gọi như sau:

“Từ cùng thẳm con tim tôi muốn nói rằng: đã đến giờ chấm dứt tình trạng này ngày càng trở nên không thể chấp nhận được, và điều này vì thiện ích của tất cả mọi người. Vì thế, cần gia tăng các cố gắng và sáng kiến nhằm tạo dựng ra các điều kiện của một nền hoà bình ổn định, dựa trên công lý, việc thừa nhân các quyền của từng người và trên sự an ninh của nhau. Đã đến lúc tất cả mọi người hãy có can đảm quảng đại và sáng kiến phục vụ công ích, có can đảm hoà bình, dựa trên việc tất cả mọi người thừa nhận quyền hai quốc gia hiện hữu và được hưởng hoà bình và an ninh trong các biên giới được quốc tế thừa nhận.

Tôi nồng nhiệt cầu chúc rằng vì mục đích này mọi phía tránh các sáng kiến và các cử chỉ chống lại ý muốn tuyên bố đạt đến một thoả hiệp đích thật và không mệt mỏi theo đuổi hoà bình với sự quyết tâm và trung thực. Hoà bình đem theo nó nhiều thiện ích cho các dân tộc của vùng này và cho toàn thế giới. Vì thế, cần phải nhất quyết bước tới hoà bình, cả khi mỗi người phải từ bỏ vài điều đi nữa.

Tôi cầu chúc cho dân tộc Palestine và Israel cũng như các giới lãnh đạo liên hệ dấn thân trên con đường xuất hành hạnh phủc này tiến về hoà bình với lòng can đảm và cương quyết cần thiết cho mọi cuộc xuất hành. Hòa bình trong an ninh và tin tưởng lẫn nhau sẽ trở thành khung cảnh quy chiếu ổn định giúp đương đầu và giải quyết các vấn đề khác và như thế cống hiến một cơ hội phát triển quân bình, để trở thành mô thức cho các vùng khủng hoảng khác.”

Đức Thánh Cha cũng nhắc tới sinh hoạt của cộng đoàn Kitô cống hiến phần đóng góp ý nghĩa cho công ích của xã hội và chia sẻ các vui buồn khổ đau của toàn dân. Các Kitô hữu muốn tiếp tục nắm giữ vai trò của mình như công dân có đầy đủ guyền lợi cùng với các công dân khác được coi như anh chị em của nhau.

Đức Thánh Cha ca ngợi Tổng thống Abbas như là người của hoà bình và tạo dựng hoà bình. Cuộc gặp gỡ mới đây tại Vatican và sự hiện diện của ngài tại Palestine minh chứng cho các tương quan tốt đẹp giữa Toà Thánh và Nước Palestine, mà ngài cầu mong gia tăng cho thiện ích của tất cả mọi người. Đức Thánh Cha đánh giá cao dấn thân chuẩn bị một thoả hiệp giữa các phe liên quan tới các khía cạnh khác nhau của cuộc sống của cộng đoàn Công giáo của quốc gia, với sự chú ý đặc biệt tới tự do tôn giáo. Thật thế, việc tôn trọng quyền nền tảng này của con người, một trong những điều kiện không thể khước từ được của hoà bình, tình huynh đệ và hoà hợp. Nó nói với thế giới rằng phải và có thể tìm ra một thoả hiệp tốt đẹp giữa các nền văn hoá và tôn giáo khác nhau. Nó làm chứng rằng chúng ta có chung với nhau biết bao điều và quan trọng có thể nhận ra một con đường chung sống thanh thản, trật tự và hoà bình, trong việc tiếp nhận các khác biệt và trong niềm vui là anh chị em với nhau vì là con cái của một Thiên Chúa duy nhất. Thưa tổng thống và các bạn tụ tập nhau tại Bếtlêhem này xin Thiên Chúa toàn năng chúc lành, che chở và ban cho quý vị sự khôn ngoan và sức mạnh cần thiết để can đảm tiếp tục con đường hoà bình làm sao để gươm giáo trở thành lưỡi cầy và miền đất này có thể tái nở hoa trong thịnh vượng và hoà hợp.

Sau cuộc gặp gỡ tổng thống và giới chức chính quyền Palestine, lúc 10 giờ 30, Đức Thánh Cha đã đi xe díp trắng đến quảng trường trước Vương cung Thánh đường Giáng Sinh, cách đó 2 cây số rưỡi, để cử hành thánh lễ cho tín hữu, có sự tham dự của Tổng thống Mahmoud Abbas và các giới chức chính quyền và đông đảo tín hữu, đến từ Galilea và Gaza, cũng như 300 công nhân Á châu làm việc tại Israel.

Trên đường đến Bếtlêhem, Đức Thánh Cha đã dừng lại chỗ có bức tường cao 10 mét ngăn cách biên giới của Israel với vùng đất Palestine để cầu nguyện, trước khi tiếp tục tiến vào Bếtlêhem. Bức tường này đã bắt đầu được chính quyền Israel khởi công xây cất ngày 14 tháng 4 năm 2002 trong thời kỳ “antifada” II giữa các năm 2000 tới 2005, nhằm ngăn chặn các vụ khủng bố phá hoại bằng bom người của người Palestine. Bức Tường được gọi là “bức tường ô nhục” này cao 8-9 mét, dài 450 cây số trên tổng số 708 cây số dự trù, thường xây lấn trên đất của người Palestine, chia cắt đất đai, ruộng vườn của người Palestine và tạo ra biết bao nhiều bất công, khó nhọc vất vả, mất thời giờ cho người Palestine, mỗi khi phải di chuyển, kể cả các trẻ em khi đi học phải đi vòng xa qua các trạm kiểm soát của lính Dothái gác biên giới.

Bà Vera Baboun thị trường thành phố đã chào đón Đức Thánh Cha.

ĐTC cử hành Thánh lễ và đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng tại Bếtlêhemtại

Thánh lễ đã được cử hành bằng tiếng Latinh và Ảrập. Các bài Sách Thánh đã được tuyên đọc bằng tiếng Ảrập và thánh ca là thánh ca Giáng Sinh quốc tế nhưng bằng tiếng Ảrập.

Giảng trong Thánh lễ, Đức Thánh Cha nói: “Đây là dấu chỉ: các ngươi sẽ tìm thấy một trẻ thơ cuốn tã nằm trong máng có.” (Lc 2,12). Trẻ thơ Giêsu sinh ra tại Bếlehem là dấu chỉ Thiên Chúa ban cho người chờ đợi ơn cứu rỗi và luôn mãi là dấu chỉ sự hiền dịu của Thiên Chúa và sự hiện diện của Ngài trong thế giới. Từ hình ảnh của Chúa Hài Nhi Đức Thánh Cha nghĩ tới các trẻ em trên toàn thế giới và nói:

Cả ngày nay nữa các trẻ em cũng là một dấu chỉ, dấu chỉ của niềm hy vọng, dấu chỉ của sự sống, nhưng cũng là dấu chỉ “bắt mạch” giúp hiểu sức khỏe của một gia đình, một xã hội, sức khỏe của toàn thế giới. Khi các trẻ em được tiếp nhận, yêu thương, giữ gìn và che chở, thì gia đình lành mạnh, xã hội tốt đẹp hơn, thế giới nhân bản hơn. Chúng ta hãy nghĩ tới công trình của Học viện Effetà Phaolô VI đối với các trẻ em câm điếc: đó là một dấu chỉ cụ thể lòng lành của Thiên Chúa. Ngày hôm nay, Thiên Chúa cũng lặp lại với chúng ta các người nam nữ của thế kỷ XXI: “Đây là dấu chỉ, các ngươi sẽ tìm thấy một trẻ thơ…”. Trẻ thơ Bếtlêhem giòn mỏng như tất cả các trẻ sơ sinh. Không biết nói tuy Ngôi Lời đã nhập thể, đã đến để thay đổi trái tim và sự sống con người. Trẻ Thơ đó cũng như mọi trẻ thơ, yếu đuối và cần được trợ giúp và che chở. Cả ngày nay nữa các trẻ em cần được tiếp nhận và bảo vệ từ khi còn ở trong lòng mẹ.

Rất tiếc trong thế giới mgày nay là thế giới đã phát triển các kỹ thuật tinh vi nhất, vẫn còn có biết bao nhiêu trẻ em sống trong các điều kiện vô nhân, ngoài lề xã hội, trong các vùng ngoại ô các thành phố lớn hay trong các vùng quê. Biết bao nhiêu trẻ em ngày nay còn bị khai thác đối xử tàn tệ, bị làm nô lệ, là đối tượng của bạo lực và các vụ buôn bán bất hợp pháp. Ngày nay có quá nhiều trẻ em tị nạn, di cư đôi khi bị chết chìm trên biển, đặc biệt trong biển vùng Địa Trung Hải. Hôm nay chúng ta xấu hổ vì tất cả những điều đó trước mặt Thiên Chúa, trước Thiên Chùa trở thành Hài Nhi.

Tiếp tục bài giảng, Đức Thánh Cha đã đưa ra một loạt các câu hỏi: Chúng ta là ai trước Hài Nhi Giêsu? Chúng ta là ai trước các trẻ em ngày nay? Chúng ta có giống Mẹ Maria và Cha Thánh Giuse tiếp đón Chúa Giêsu và lo lắng cho Người với tình nẫu tử và phụ tử hay không? Hay chúng ta giống như vua Hêrốt muốn loại trừ Ngài? Chúng ta có giống các mục đồng mau mắn quỳ xuống thờ lạy Người vá dâng cho Người các món quà khiêm tốn hay chúng ta thờ ơ? Có lẽ chúng ta hùng biện và duy đạo đức, là những người khai thác các hình ảnh của trẻ em nghèo nhằm sinh lời? Chúng ta có khả năng ở gần chúng và “mất thời giờ” với chúng không? Chúng ta có biết lắng nghe chúng, gìn giữ chúng cầu nguyện cho chúng và với chúng không? Hay chúng ta bỏ bê chúng để lo lắng cho các lợi lộc của chúng ta?

“Đây là dầu chỉ: các ngươi sẽ tìm thấy một trẻ thơ…”. Có lẽ trẻ thơ ấy khóc. Nó khóc vì đói, vì lạnh, vì muốn được bế bồng trên tay. Đức Thánh Cha áp dụng cho các trẻ em ngày nay và nói:

Cả ngày nay nữa, các trẻ em khóc, khóc rất nhiều và tiếng khóc của các em gọi mời chúng ta. Trong thế giới này, mỗi ngày vứt bỏ hàng tấn thực phẩm và thuốc men, có các trẻ em khóc vô ích vì đói vì bệnh có thể chữa được một cách đễ dàng. Trong một thời đại, tuyên bố bảo vệ các trẻ em vị thành niên, người ta buôn bán vũ khí rốt cuộc rơi vào tay các trẻ em chiến binh; người ta buôn bán các sản phẩm do các trẻ em nhân công nô lệ làm. Tiếng khóc của các em bị bóp nghẹt: các em phải chiến đấu, phải làm việc, các em không thể khóc! Nhưng mẹ của các em, những bà Rachel ngày nay khóc: họ khóc các con họ và không muốn được an ủi (x. Mt 2,18).

“Đây là dầu chỉ…” Hài Nhi Giêsu đã sinh ra tai Bếtlêhem, mọi trẻ em sinh ra và lớn lên tại mọi phần của thế giới là dấu chỉ bắt mạch cho phép kiểm thực tình trạng sức khỏe của gia đình, cộng đoàn và quốc gia của chúng ta. Từ việc bắt mạch thẳng thắn và liêm chính đó có thể nảy sinh ra một kiểu sống mới, trong đó các tương quan không còn là xung khắc đàn áp, duy tiêu thụ nữa, mà là các tương quan của tình huynh đệ, tha thứ, hòa giải, chia sẻ và yêu thương.

Ôi lạy Mẹ Maria, Mẹ Chúa Giêsu là Đấng đã tiếp đón, xin dạy chúng con tiếp đón, là Đấng đã thờ lạy, xin dạy chúng con thờ lạy, là Đấng đã đi theo, xin dạy chúng con đi theo. Amen.

Các lời nguyện giáo dân đã được đọc bằng các thứ tiếng Ảrập, Ý, Anh, Tagalog. Mấy chục linh mục đã giúp Đức Thánh Cha cho tín hữu rước Mình Thánh Chúa.

Trước khi Đức Thánh Cha đọc lời nguyện kết lễ, Đức Tổng Giám mục Fouad Twal, Thượng phụ Latinh Giêrusalem, đã đại diện mọi người cám ơn Đức Thánh Cha và nói: 

“Chúng con mong ước chuyến viếng thăm này của Đức Thánh Cha làm sống dậy trong con tim của mọi người sứ điệp Giáng Sinh, hoà bình và hơi ấm của Hang Đá Bếtlêhem. Chúng con cầu mong rằng chuyến hành hương của Đức Thánh Cha giúp mọi người sống sự cao cả của sự khiêm nhường của Bếtlêhem, thừa nhận sự vô ích của xấc xược, vẻ đẹp của tuổi thơ và sự vô tội. Có biết bao trẻ thơ bị các người lớn lãnh đạo thế giới này bắt buộc sống lang thang, thường bị bỏ rơi: trẻ em không nhà cửa, không cha mẹ chạy trên các con dường bụi bặm của các trại tị nạn, vì không còn nhà ở và nơi nương tựa. Có biết bao trẻ em phải nghe lại những lời “không còn chỗ trong quán trọ” đã được nói với Mẹ Maria và Cha Thánh Giuse xưa kia. Không có chỗ cho chúng cả trong các chính sách gia đình, trong luật lệ và trong các cuộc đàm phán cho một nền hoà bình không tìm ra đường đến với chúng con, một nền hoà bình không chọc thủng được các bức tường sợ hãi không tin tưởng bao quanh thành phố này. Các người trẻ của chúng con đã theo gót Chúa Giêsu, sống kinh nghiệm di cư, đói khát, lạnh lẽo và thường khi trông thấy nhà cửa của chúng bị phá huỷ.

Cùng với Đức Thánh Cha, chúng con xin Hài Nhi Giêsu nới rộng hang đá của Người để tiếp đón biềt bao nhiêu trẻ em nạn nhân của bạo lực vô nhân và bất công. Làm sao không nhớ cầu nguyện cho biết bao nhiêu tù nhân chen chúc trong các nhà tù. Đói một miếng bánh, nhưng đói công lý và hoà bình hơn, đói một mái nhà tiếp đón họ. Các Hêrốt thời này chưa hết lo sợ hoà bình hơn chiến tranh, sợ hãi các gia đình lành mạnh và sẵn sàng giết người và tiếp tục giết người… Là con cháu của các mục đồng xưa kia tiếp nhận lời mời của các thiên thần, chúng con cùng với Đức Thánh Cha đến Bếtlêhem để thờ lạy Hài Nhi và chúc mừng cha mẹ Người. Nhân danh các cám mục Công giáo, nhân dân Palestin và biết bao nhiêu khách hành hương đến Bếtlêhem như nhà của họ, chúng con cám ơn sự hiện diệơn của Đức Thánh Cha với chúng con hôm nay cùng với tất cả các trẻ em lành mạnh và tàn tật của nhiều trung tâm ở Bếtlêhem chúng con cầu nguyện cho Đức Thánh Cha và gắn bó vời Đức Thánh Cha.”

Cộng đoàn đã cùng Đức Thánh Cha hát Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng. Trước khi ban phép lành cuối lễ, Đức Thánh Cha đã đưa ra một sáng kiến bất ngờ chưa từng có ngài nói: “Ở nơi Hoàng Tử Hoà Bình đã sinh ra này, tôi ước mong mời Tổng thống Mahmoud Abbas và Tổng thống Simon Perez cùng tôi dâng một lời cầu nguyện mạnh mẽ khẩn nài Thiên Chúa ban cho ơn hoà bình. Tôi cống hiến nhà tôi ở Vatican để tiếp đón cuộc gặp gỡ cầu nguyện này.” Mọi người đều ước mong hoà bình và biết bao nhiêu người xây dựng nó mỗi ngày với các cử chỉ bé nhỏ. Nhiều người đau khổ và kiên nhẫn chịu đựng sự vất vả của biết bao nhiêu nỗ lực để xây dựng hoà bình. Và tất cả đặc biệt những người được đặt để phục vụ các dân tộc của nình – chúng ta có bổn phận trở thành dụng cụ của hoà bình, trước hết bằng lời cầu nguyện. Xây dựng hoà bình khó, nhưng sống không có hoà bình là một đau đớn. Tất cả mọi người nam nữ của vùng Đất này và toàn thế giới xin chúng ta đem tới trước Thiên Chúa khát vọng hòa bình nồng cháy của họ.”

Mọi người đã vỗ tay tán đồng sáng kiến của Đức Thánh Cha.

Tiếp đến, Đức Thánh Cha đã phó thác cho cánh tay chở che hiền mẫu của Mẹ Maria vùng đất này và tất cả những người sống trong đó, để họ có thể sống trong công lý, hoà bình và tình huynh đệ. Đức Thánh Cha xin Mẹ canh thức trên các gia đình, người trẻ và người già, trên những người đã đánh mất đức tin niềm hy vọng, an ủi người đau yếu, tù đày và tất cả những ai đau khổ, nâng đỡ các chủ chăn để các vị là “ánh sáng và muối đất” trong vùng đất được chúc phúc này, nâng đỡ các công trình giáo dục, đặc biệt đại học Bếtlêhem. Khi chiêm ngưỡng Thánh Gia tại Bếtlêhem này, tôi nghĩ tới Nazareth, nơi tôi hy vọng sẽ đến thăm vào một dịp khác, nếu Chúa muốn. Chúng ta hãy phó thác cho Đức Thánh Trinh Nữ số phận của nhân loại, để mở ra trong thế giới các chân trời mới và hứa hẹn của tình huynh đệ, liên đới và hoà bình.

Sau cùng, Đức Thánh Cha ban phép lành cuối lễ cho tín hữu.

Từ giã mọi người, Đức Thánh Cha đã đến nhà khách Casa Nova của các cha Dòng Phanxicô, Quản thủ Thánh Địa, để dùng bữa trưa với 5 gia đình người tị nạn và nghỉ ngơi chốc lát trước khi viếng thăm Vương cung Thánh đường và Hang Đá Giáng Sinh. Nhà dòng bên cạnh Casa Nova hiện có 37 tu sĩ sinh sống. Vương cung Thánh đường dài 54 mét, rộng 36 mét, gồm 5 gian dọc. Hai trong ba cửa vào bị xây kín cửa thứ ba thấp để ngăn chặn binh sĩ đi ngựa vào trong nhà thờ. Năm 326, hoàng đế Costantino cho xây một vương cung thánh đường bao trùm lên Hang đá Giáng sinh. Năm 529, nhà thờ bị hư hỏng vì hoả hoạn và vì cuộc nổi loạn của người Samaria và được tu sửa năm 540. Năm 614, quân của Cosrone II xâm chiếm vùng này nhưng không tàn phá nhà thờ vì có hình của ba vua mang sắc phục Ba Tư. Từ thời đạo binh Thánh Giá nhà thờ được trang hoàng với các bức khảm đá mầu và hình vẽ theo kiểu bisantin. Hang đá Giáng Sinh được lát đá cẩm thạch.

Năm 1187, Saladino chiếm Giêrsusalem nhưng không tàn phá nơi thánh. Năm 1347, các cha Phanxicô được đế quốc Ottoman giao việc trông coi vương cung thánh đường và sở hữu Hang đá Giáng Sinh. Sang thế kỷ XVI là thời gian tranh chấp giữa các tu sĩ Phanxicô và các tu sĩ Chính thống Hylạp và tuỳ theo các người bảo trợ. Sau khi người Venezia bị thua và trục xuất khỏi đảo creta năm 1669, phía Chính thống được phép trông coi Hang đá và Vương cung Thánh đường, trong khi năm 1690, các tu sĩ Phanxicô được trông coi Hang đá Giáng Sinh. Bên cạnh l Vương cung thánh đường Thành nữ Catarina và là giáo xứ Latinh do các cha dòng Phanxicô xây năm 1882 thay thế một nhà thờ thời Trung Cổ.

Lối xuống Hang đá Giáng Sinh nằm bên phải Vương cung Thánh đường. Lối lên dẫn vào trong Nhà thờ Thánh nữ Catarina bên trái. Hang đá Giáng Sinh dài 12 mét, rộng 3 mét rưỡi, nơi có bàn thờ Giáng Sinh bên dưới có ngôi sao bạc ghi dấu nơi Chúa siêsu sinh ra với hàng chữ Latinh: “Hic de Virgine Maria Jesus Christus natus est” (Đây là nơi Đức Giêsu Kitô được sinh ra bởi Trinh Nữ Maria). Hang đá có 53 chiếc đèn trong đó có 9 cái thuộc Giáo hội Latinh. Đàng sau bên phải là máng cỏ nơi Chúa Giêsu nằm trong nôi.

Sau khi viếng thăm và cầu nguyện tại Hang Đá, Đức Thánh Cha đã trở lại nhà Casa Nova để chụp hình lưu niệm với các tu sĩ Phanxicô. 

Tiếp đến, ngài đi xe đến Trung tâm Phoenix, cách đố 5 cây số để gặp gỡ các trẻ em thuộc các trại tị nạn. Đây là trung tâm phục hồi cho người tị nạn của trại Dheisheh đã được Thánh Gioan Phaolô II tài trợ xây cất và viếng thăm năm 2000, nhân kỷ niệm 25 năm ngài làm Giáo hoàng. Trong đại thính đường của trung tâm có mấy trăm trẻ em đến từ các trại Sheisheh, Aida và Beit Jibrin. Một bé trai và một bé gái tặng Đức Thánh Cha vài hình vẽ, các thư và đồ thủ công do các em làm. Các em cầm nhiều mảnh giấy có viết các hàng chữ: “Chúng con muốn tự do thờ phượng”, “Người Hồi và người Kitô sống dưới sự chiếm đóng” vv.. Một bé trai đại diện các em chào mừng Đức Thánh Cha và nói lên ước mong của các em được sống trong hoà bình tự do an bình và tình huynh đệ. Em nói: “Thưa Đức Thánh Cha chúng con đã mở mắt chào đời và trông thấy sự chiếm đóng. Chúng con muốn chết trong tự do.”

ĐTC gặp gỡ các trẻ em tị nạn

Các em cũng hát mừng Đức Thánh Cha và bày tỏ các ước vọng đó. Tiếp đến, hai em bé mặc sắc phục Ảrập tặng quà cho Đức Thánh Cha một bức tranh và một cánh tay bị cột bởi dây xích. Đức Thánh Cha đã chào em bé dại diện và ngài cám ơn các em đã hát rất hay và tặng ngài kỷ niệm rất ý nghĩa.

Ngỏ lời với các em, Đức Thánh Cha nói ngài hiểu các ước vọng sâu xa của các em. Nhưng ngài chỉ xin nói với các em một điều: không được dùng bạo lực để đáp trả lại bạo lực. Trái lại, cần dùng sự thiện, hoà bình và việc làm kiên trì để trả lời bạo lực. Tiếp đến, Đức Thánh đã ban phép lành cho các em.

Lúc 15 giờ 40, Đức Thánh Cha đã đi xe đến bãi đậu trực thăng. Tại đây đã diễn ra lễ nghi từ biệt với sự hiện diện của Tổng thống Mahmoud Abbas và các giới chức chính quyền Palestine. Trực thăng chở Đức Thánh Cha tởi Tel Aviv để bắt đầu chặng thứ ba của chuyến viếng thăm trên đất Israel.

ĐTC chủ sự buổi cử hành đại kết trong Vương cung Thánh đường Thánh Mộ