09/01/2025

Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm Vương quốc Giordani

MMAN – Trưa ngày 24-5-2014, ĐTC Phanxicô đã đến thủ đô Amman của Giordani, chặng đầu tiên trong chuyến viếng thăm Thánh Địa trong vòng 3 ngày cho đến hết thứ hai, 26-5 tới đây, nhân dịp kỷ niệm 50 năm cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Đức Phaolô VI và Đức Thượng phụ Athenagoras của Giáo hội Chính thống Constantinople, là vị đứng đầu trong tất cả các vị Thượng phụ Chính thống giáo.

Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm Vương quốc Giordani
 
AMMAN – Trưa ngày 24-5-2014, ĐTC Phanxicô đã đến thủ đô Amman của Giordani, chặng đầu tiên trong chuyến viếng thăm Thánh Địa trong vòng 3 ngày cho đến hết thứ hai, 26-5 tới đây, nhân dịp kỷ niệm 50 năm cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Đức Phaolô VI và Đức Thượng phụ Athenagoras của Giáo hội Chính thống Constantinople, là vị đứng đầu trong tất cả các vị Thượng phụ Chính thống giáo.

Cuộc viếng thăm được giới báo chí quốc tế mô tả là rất khó khăn, xét vì tình hình địa phương, nhưng ĐTC đã đặt biến cố này dưới sự bảo trợ của Mẹ Maria. Thật vậy, sáng thứ sáu 23-5-2014, ngài đã trở lại Đền thờ Đức Bà Cả lần thứ tám để cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ là Phần Rỗi của dân Roma và phó thác cho Mẹ cuộc viếng thăm này.

Cuộc gặp gỡ cách đây nửa thế kỷ giữa Đức Phaolô VI và Đức Thượng phụ Athenagoras đáng kỷ niệm đặc biệt vì đã mở ra một trang mới trong lịch sử ngàn năm giữa hai khối Giáo Hội và chuyến viếng thăm lần này của ĐTC Phanxicô không những để kỷ niệm biến cố đó, nhưng còn nhắm tăng cường các quan hệ đại kết, và không quên phát triển cuộc đối thoại liên tôn với Hồi giáo.

Cùng đi với ĐTC trên chuyến bay dài 4 tiếng từ Roma có 30 vị thuộc đoàn tuỳ tùng và 70 ký giả quốc tế.

Vương quốc Giordani chỉ rộng gần 89.000 cây số vuông, bằng 1 phần 4 Việt Nam, nhưng lại rộng gấp hơn 4 lần lãnh thổ của Israel và Palestine cộng lại, vì hai nước này chỉ có 20.700 cây số vuông, tuy rằng họ có dân số đông hơn, gần 8 triệu người, so với 6.400.000 dân cư của Giordani. Cũng vậy, về con số tín hữu Công giáo: tại Giordani chỉ có 107.000 tín hữu Công giáo, trong khi tại Israel và Palestine có 266.000 tín hữu Công giáo, tức là gần gấp 3.

Tại Giordani có 3 giáo phận với 4 GM và 69 giáo xứ, 143 LM triều và dòng, 210 nữ tu. Các tín hữu Công giáo Latinh ở Giordani thuộc quyền Toà Thượng phụ Công giáo Latinh ở Jerusalem với Đức Thượng phụ hiện nay là Fouad Twal, người Giordani.

Đón tiếp
 

Từ trên máy bay bước xuống, ĐTC đã được đại diện Quốc vương Abdullah II là Hoàng thân Ghazi bin Muhammed, cố vấn trưởng về tôn giáo và văn hoá của quốc vương, tiếp đón, cùng với đại diện của giáo quyền, trong đó có Đức Thượng phụ Fouad Twal, các GM và Cha Pierbattista Pizzaballa, Bề trên dòng Phanxicô tại Thánh Địa, tiếp đón. Hai em bé, một trai một gái, dâng tặng ĐTC đóa hoa phong lan (orchidea) màu đen là biểu tượng của Vương quốc Giordani. Trong khi 200 trẻ em đón chào ngài bên trong sân bay và 2.000 em khác chờ ngài từ bên ngoài phi trường.

Có 10 người gia nhập phái đoàn chính thức của ĐTC sau khi ngài đặt chân lên đất Giordani, đặc biệt là Rabbi Dothái Abraham Skorka, Viện trưởng Học viện đào tạo Rabbi ở Buenos Aires, và Imam Hồi giáo Omar Abboud, Tổng Thư ký tổ chức đối thoại liên tôn, cả hai đều là bạn của ĐTC từ khi ngài là TGM giáo phận thủ đô của Argentina.

Liền đó, ngài cùng với đoàn tuỳ tùng đi xe về Hoàng cung Al-Husseini ở trung tâm thủ đô Amman, cách đó 38 cây số, nơi diễn ra nghi thức đón tiếp chính thức. Quốc vương và hoàng hậu Rania đón tiếp ĐTC ngay tại cổng vào hoàng cung và tiến qua đoàn quân danh dự.

Vua Abdullah II  là cháu đích tôn 43 đời của Tiên tri Muhammad, sáng lập Hồi giáo. Còn hoàng hậu Rania năm nay 44 tuổi là người Palestine sinh trưởng tại Kuwait.

Nghi thức đón tiếp ĐGH Phanxicô tại Hoàng cung Al-Husseini

Diễn văn đầu tiên của ĐTC

Trong lời đáp từ sau lời chào mừng của Vua Abdullah, ĐTC nói bằng tiếng Ý:

“Tôi cảm tạ Thiên Chúa vì được viếng thăm Vương quốc Giordani, theo vết các vị tiền nhiệm của tôi Phaolô VI, Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI, và tôi cám ơn Quốc vương Abdullah II vì những lời chào đón nồng nhiệt, nhớ lại cuộc viếng thăm mới đây của Quốc vương tại Vatican. Tôi cũng chào thăm Hoàng gia, chính phủ và nhân dân Giordani, đất nước có lịch sử phong phú và ý nghĩa lớn về mặt tôn giáo đối với Dothái, Kitô và Hồi giáo.

Đất nước này quảng đại đón tiếp đông đảo người tị nạn Palestine, Irak và những người đến từ các vùng khác bị khủng hoảng, đặc biệt là từ Syria láng giềng, bị đảo lộn vì cuộc xung đột kéo dài đã quá lâu. Sự đón tiếp đó đáng được cộng đồng quốc tế ngưỡng mộ và hỗ trợ. Giáo Hội Công Giáo theo khả năng của mình, muốn dấn thân trong việc trợ giúp người tị nạn và những người sống trong cảnh túng thiếu, đặc biệt là qua trung gian của Caritas Giordani. ”Trong khi tôi đau lòng nhận thấy những căng thẳng cao độ vẫn kéo dài ở vùng Trung Đông, tôi cám ơn chính quyền của Vương quốc Giordani vì những gì đang thực hiện và tôi khích lệ tiếp tục dấn thân trong việc tìm kiếm hòa bình lâu bền mong ước cho toàn vùng; để đạt mục đích ấy, người ta thấy hơn bao giờ hết cần có một giải pháp hoà bình cho cuộc khủng hoảng ở Siria, và giải pháp công chính cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine.

Nhân cơ hội này, tôi tái bày tỏ lòng kính trọng sâu xa và sự quý chuộng của tôi đối với cộng đoàn Hồi giáo, đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Quốc vương trong việc thăng tiến một sự hiểu biết thích hợp hơn về các nhân đức mà Hồi giáo tuyên dạy, cũng như sự sống chung thanh thản giữa tín đồ các tôn giáo khác nhau. Tôi biết ơn đối Giordani vì đã khích lệ các sáng kiến quan trọng cổ vũ cuộc đối thoại liên tôn để thăng tiến sự cảm thông giữa người Dothái, Kitô và Hồi giáo, trong đó có sáng kiến “Sứ điệp liên tôn từ Amman” và vì đã cổ vũ giữa lòng LHQ việc cử hành hằng năm “Tuần lễ hòa hợp giữa các tôn giáo”.

Giờ đây tôi muốn thân ái gửi lời chào thăm các cộng đoàn Kitô hiện diện tại đất nước này từ thời các thánh Tông đồ và đang góp phần xây dựng công ích của xã hội trong đó họ hoàn toàn hội nhập. Tuy ngày nay con số của họ bị giảm bớt, nhưng họ vẫn có cách thi hành một hoạt động có chất lượng cao và được quý chuộng trong lĩnh vực giáo dục và y tế, qua các trường học và nhà thương, và họ có thể yên hàn tuyên xưng đức tin, trong niềm tôn trọng tự do tôn giáo là một quyền cơ bản của con người, và tôi nồng nhiệt cầu mong quyền này được đặc biệt tôn trọng ở mọi nơi tại Trung Đông cũng như trên toàn thế giới. Quyền này bao gồm tự do cá nhân và tập thể được chọn lựa tôn giáo mà mình tin là thật và công khai bày tỏ tín ngưỡng của mình” (Bênêđictô XVI, Tông huấn “Giáo Hội tại Trung Đông”, 26). Các tín hữu Kitô cảm thấy và là những công dân đúng nghĩa và muốn góp phần vào việc xây dựng xã hội cùng với các đồng bào Hồi giáo của họ, đóng góp phần đặc thù của mình.

Sau cùng, tôi đặc biệt cầu chúc hoà bình và thịnh vượng cho Vương quốc Giordani, cho nhân dân nước này, và tôi cầu mong cuộc viếng thăm này góp phần gia tăng và thăng tiến những quan hệ tốt đẹp và nồng nhiệt giữa các tín hữu Kitô và Hồi giáo.”

Ngài cũng ứng khẩu cám ơn Vua Abdullah đã bảo vệ cộng đồng Kitô tại Giordani và là một người hoà bình, người xây dựng hoà bình.

Cử hành thánh lễ đầu tiên

ĐTC cử hành Thánh lễ tại Amman 

Giã từ Hoàng gia Giordani, ĐTC đã tới sân vận động quốc tế Al-Hussein cách đó 11 cây số để cử hành Thánh lễ lúc gần 3 giờ chiều cho các tín hữu. 

Hiện diện tại Sân Vận động có 30.000 tín hữu, không kể hàng ngàn người khác tham dự thánh lễ từ bên ngoài qua các màn hình khổng lồ. Trong số các tín hữu có nhiều người tị nạn Công giáo đến từ Palestine, Syria và Irak, đặc biệt có 1.400 em được rước lễ lần đầu trong thánh lễ này.

Đồng tế với ĐTC có 5 hồng y thuộc đoàn tuỳ tùng của ngài, 6 HY khác đến từ các Giáo Hội địa phương, đứng đầu là ĐHY Becharai Rai, Giáo chủ Công giáo Maronite từ Liban, ngoài ra có 6 vị Thượng Phụ, 115 LM, 60 phó tế và đan sĩ đến từ các nước Arập.

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng, ĐTC khai triển 3 hoạt động chính của Chúa Thánh Linh là chuẩn bị, thúc giục và sai đi. Ngài nói:

“Trong Tin Mừng chúng ta đã nghe lời Chúa Giêsu hứa với các môn đệ: “Thầy sẽ xin Chúa và Người sẽ ban cho các con Đấng An ủi khác để Ngài ở lại với các con mãi mãi.” (Ga 14,16). Đấng An ủi thứ I là chính Chúa Giêsu; Đấng thứ hai  là Chúa Thánh Linh.

Ở đây chúng ta không xa nơi Chúa Thánh Linh đã ngự xuống trong quyền năng trên Đức Giêsu thành Nazareth, sau khi Gioan đã làm phép rửa cho Đức Giêsu trong sông Giordan (x. Mt 3,16). Vì thế Tin Mừng Chúa Nhật này, và cả nơi mà nhờ ơn Chúa tôi ở đây như người hành hương, mời gọi chúng ta hãy suy tư về Chúa Thánh Linh, về điều mà Chúa thực hiện trong Chúa Kitô và nơi chúng ta, và chúng ta có thể tóm tắt thế này: Chúa Thánh Linh thực hiện 3 hành động: chuẩn bị, thúc đẩy và sai đi.

– Trong lúc Chúa Giêsu chịu phép rửa, Thánh Linh ngự xuống trên Đức Giêsu để chuẩn bị Người thi hành sứ mạng cứu độ; sứ mạng này có đặc tính như của một Đầy tớ khiêm hạ và hiền lành, sẵn sàng chia sẻ lịch sử cứu độ và tận hiến toàn toàn. Nhưng Chúa Thánh Linh, hiện diện ngay từ đầu lịch sử cứu độ, đã hoạt động trong Đức Giêsu khi Người được chịu thai trong lòng đồng trinh của Đức Maria thành Nazareth, thực hiện biến cố lạ lùng là sự nhập thể. Thiên Thần nói với Đức Maria: ”Chúa Thánh Linh đã bao phủ Trinh Nữ, sẽ che bóng cho Trinh Nữ và Trinh Nữ sẽ sinh Con và được đặt tên là Giêsu” (x. Lc 1,35). Tiếp đến Chúa Thánh Linh đã hành động trong ông Simeon và bà Anna, trong ngày dâng Chúa Giêsu vào Đền thờ (Xc Lc 2,22). Cả hai vị chờ đợi Đức Thiên Sai, được Chúa Thánh Linh soi sáng và đến thăm Hài Nhi Giêsu, cả hai trực giác thấy rằng đó chính là Đấng toàn dân mong đợi…

– Thứ hai, Thánh Linh thúc đẩy. Ngài đã xức dầu trong nội tâm cho Đức Giêsu và xức dầu cho các môn đệ, để họ có cùng tâm tình của Đức Giêsu và nhờ đó có thể đảm nhận trong đời sống của họ những thái độ tạo điều kiện dễ dàng cho hòa bình và hiệp thông. Với sự xức dầu của Thánh Linh, nhân tính của chúng ta được ghi đậm sự thánh thiện của Đức Giêsu Kitô và làm cho chúng ta có thể yêu thương anh chị em với cùng tình thương mà Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Vì thế, cần có những cử chỉ khiêm tốn, huynh đệ và tha thứ, hòa giải. Những cử chỉ này là tiền đề và điều kiện để có hòa bình chân thực, vững chắc và lâu bền. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Cha xức dầu chúng ta để chúng ta hoàn toàn trở thành những người con của Ngài, luôn phù hợp với Đức Kitô, để chúng ta cảm thấy tất cả là anh chị em và như thế xua đuổi khỏi chúng ta những oán hận và chia rẽ, đồng thời yêu thương nhau như anh chị em. Và đó là điều Đức Giêsu yêu cầu chúng ta trong Phúc Âm: ”Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy tuân giữ giới răn của Thầy, và Thầy sẽ xin Chúa và Ngài sẽ ban cho các con một Đấng An ủi khác, để Người ở lại với các con mãi mãi” (Ga 14,15-16).

– Và sau cùng Chúa Thánh Linh sai đi. Đức Giêsu là Đấng Được Sai Đi, đầy Thánh Linh của Cha. Được xức dầu với cùng Thánh Linh, cả chúng ta cũng được sai đi như sứ giả và chứng nhân hòa bình.

”Hòa bình không thể mua được: đó là một hồng ân cần kiên nhẫn tìm kiếm và xây dựng một cách khéo léo nhờ những cử chỉ lớn nhỏ bao gồm đời sống hằng ngày của chúng ta. Con đường hòa bình được củng cố nếu chúng ta nhìn nhận rằng tất cả chúng ta có cùng máu mủ và là thành phần của nhân loại; nếu chúng ta không quên mình có một người Cha duy nhất trên trời và tất cả đều là con cỉa Ngài được dựng nên theo hình ảnh giống Ngài.

ĐTC thân ái chào thăm Đức Thượng phụ, các anh em GM và linh mục, tu sĩ giáo dân, các em rước lễ lần đầu.. và ngài kết luận:

Các bạn thân mến, Chúa Thánh Linh đã ngự xuống trên Đức Giêsu cạnh sông Giordan, và khởi sự công trình cứu chuộc hầu giải thoát thế gian khỏi tội lỗi và sự chết. Chúng ta hãy xin Chúa chuẩn bị con tim chúng ta để gặp gỡ anh chị em vượt lên trên những khác biệt về tư tưởng,ngôn ngữ, văn hoá, tôn giáo; xin Chúa xức dầu toàn thể con người chúng ta bằng dầu từ bi của Ngài, chữa lành các vết thương sai lầm, thiếu cảm thông, tranh biện, và sai chúng ta đi với lòng khiêm tốn và từ bi trên những nẻo đường khó khăn nhưng phong phú trong công trình tìm kiếm hoà bình.

ĐTC giảng hoàn toàn bằng tiếng Ý, và sau bài giảng, có một Đức Cha dịch sang tiếng Ảrập.

Trong phần hiệp lễ, 118 LM và phó tế đã phân phát Mình Thánh Chúa cho các tín hữu.

Cuối thánh lễ, Đức Thượng phụ Fouad Twal đã đại diện mọi người chào mừng ĐTC và nói đến những thách đố mà Giáo Hội địa phương đang phải đương đầu. Ngài nói: Thánh Địa bị quá nhiều chia rẽ, và Giáo hội Công giáo địa phương, đặc biệt là Toà Thượng phụ Công giáo Latinh Jerusalem hết sức cố gắng hiệp nhất nội bộ, hiệp nhất giữa các Giáo Hội và toàn dân. Chúng con là một Giáo Hội nhỏ bé, nhưng cũng là một Giáo Hội lắng nghe, tháp tùng và cộng tác theo khả năng khiêm hạ của mình, vào hành trình hoán cải, vì chúng ta luôn ở trong tình trạng hoán cải trường kỳ (Evan. Gaudium 25).

ĐTC Phanxicô đến sông Giordan và gặp gỡ những người tị nạn và khuyết tật