10/01/2025

Một nửa sinh viên ra trường chất lượng chưa đạt

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Phương – trưởng khoa Động lực Trường CĐ Lý Tự Trọng – cho biết một cuộc khảo sát lấy ý kiến doanh nghiệp đánh giá chất lượng đào tạo của các trường đại học, cao đẳng cho thấy: 50% đánh giá không đạt, 30% đạt mức trung bình, 15% đạt mức khá và chỉ 5% đạt mức tốt.

 

Một nửa sinh viên ra trường chất lượng chưa đạt

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Phương – trưởng khoa Động lực Trường CĐ Lý Tự Trọng – cho biết một cuộc khảo sát lấy ý kiến doanh nghiệp đánh giá chất lượng đào tạo của các trường đại học, cao đẳng cho thấy: 50% đánh giá không đạt, 30% đạt mức trung bình, 15% đạt mức khá và chỉ 5% đạt mức tốt.

Ông Phan Phát Năng (giám đốc Công ty TNHH Phan An): “Có những giáo viên dạy, tôi hỏi sinh viên có hiểu không, các bạn trả lời: “Hiểu chết liền” – Ảnh: Hà Bình

 

Đó là thông tin được ông đưa ra tại hội thảo khoa học “Hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp để đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội” vừa diễn ra tại Trường CĐ kỹ thuật Lý Tự Trọng (TP.HCM).

Học ngành này, làm việc ngành kia

 

“Nhà tuyển dụng muốn thấy ở một sinh viên mới tốt nghiệp điều gì? Chuyên môn giỏi, tiếng Anh giỏi? Chưa hẳn. Nhà tuyển dụng muốn biết bạn làm việc như thế nào, cống hiến bao lâu, khả năng chịu áp lực, kỹ năng làm việc nhóm…”

Kỹ sư BÙI CÔNG CHUNG

 

Kỹ sư Trần Tiến Lực (Công ty Thịnh Hưng Quang) kể ông đã làm việc trong lĩnh vực ôtô đã 30 năm và con trai ông cũng nối nghiệp cha. Do vậy ông trình bày tham luận với “tâm tư, tình cảm của người yêu nghề truyền đạt lại cho con”. Ông trăn trở: “Thực tế cho thấy hiện nguồn nhân lực có bằng cấp cao, có khát khao cống hiến không thiếu nhưng lại không đáp ứng được nhu cầu nhân lực cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài”. Ông cũng cho rằng số người tìm việc làm khá đông, song số người đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng không bao nhiêu.

Còn kỹ sư Huỳnh Tấn Thuyết (Công ty Toyota Biên Hòa, Đồng Nai) nhận định thời gian qua hệ thống giáo dục cung cấp cho thị trường lao động một lực lượng khá lớn lao động có bằng cấp. “Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm đào tạo từ nhà trường vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Việc có bằng cấp ở lĩnh vực này làm việc ở lĩnh vực khác khá phổ biến” – ông Thuyết cho biết.

Kỹ sư Bùi Công Chung (Công ty TNHH Bureau Veristas Consumer Products Service VN) nhìn thấy một thực trạng khác: các bạn trẻ mới ra trường thường nản chí và bỏ nghề, hoặc chuyển ngành nghề sau khi tốt nghiệp. “Điều đó cho thấy ngay từ đầu các bạn không được tư vấn về ngành nghề mình đã học hoặc chưa hiểu rõ ngành mình đang theo”, ông nói.

Về ngoại ngữ của sinh viên, ông Chung đánh giá: “Thứ nhất là rất kém, không thể giao tiếp được. Các bạn không chủ động tự trang bị ngoại ngữ ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Sinh viên chưa hiểu rõ tầm quan trọng của ngoại ngữ sau khi tốt nghiệp…”.

Giáo viên nghề học thạc sĩ để làm gì?

Tại cuộc thảo luận, các doanh nghiệp cùng nhà trường đưa ra những giải pháp để đào tạo gắn với nhu cầu xã hội như lấy ý kiến doanh nghiệp về những ưu điểm, khuyết điểm của sinh viên, tìm hiểu yêu cầu của doanh nghiệp, giảm số tiết giảng dạy lý thuyết chung chung, tăng thời gian xử lý bài tập tình huống, giờ học thực hành, tổ chức các môn học theo báo cáo thu hoạch…

Ông Phan Phát Năng (giám đốc Công ty TNHH Phan An) nhận định: “Tôi thấy nhiều giáo viên có trình độ cao nhưng dạy quá trời mà sinh viên không hiểu gì hết trơn. Hỏi thì sinh viên trả lời: Hiểu chết liền. Như vậy dạy nhiều mà chất lượng không có”. Đó là chưa kể có những môn học không cần thiết mà vẫn có trong chương trình đào tạo, lại quá nhiều.

Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp đã chỉ ra nên xem lại đội ngũ giảng viên ở các trường. Ông Huỳnh Tấn Thuyết cho rằng giáo viên dạy nghề có bằng cấp cao hơn trước đây, nhiều kiến thức hơn nhưng trải nghiệm nghề nghiệp, kỹ năng, quy trình, tác phong, chuẩn mực nghề nghiệp “theo tôi là không bằng giáo viên dạy nghề trước đây”. Ông Thuyết đề xuất: “Việc khuyến khích giáo viên dạy nghề học tiếp lên trình độ thạc sĩ, theo tôi cần xem lại. Thay vì như vậy, cần khuyến khích họ thực tập tại doanh nghiệp để có trải nghiệm tốt hơn…”.

Bên cạnh đó, ông Thuyết cũng đặt hàng thêm: “Không chỉ kiến thức và kỹ năng, giáo dục nghề cần quan tâm đến thái độ và thói quen tốt cho người học để hình thành phong cách chuyên nghiệp, tính kỷ luật trong công việc, đảm bảo hiệu suất và chất lượng trong công việc của lực lượng lao động sau này…”.

Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Liên – khoa điện, điện tử Trường CĐ kỹ thuật Lý Tự Trọng – nêu ý kiến: cần chủ động liên hệ thực tập tốt nghiệp, bàn bạc nội dung hướng dẫn thực tập cho sinh viên học sinh và tổ chức đến tham quan các doanh nghiệp, khu công nghệ cao. Ông cũng nêu: cần có chính sách về sự đóng góp của người sử dụng lao động cho quá trình đào tạo.

HÀ BÌNH

 

 

 

Lủng chỗ nào vá ngay chỗ đó

Thạc sĩ Văn Công Sang – hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng – cho biết có nghịch lý đáng quan tâm là trong khi doanh nghiệp ngày càng khó tuyển lao động, còn lượng sinh viên tốt nghiệp các trường thất nghiệp ngày càng đông. Theo ông Sang, mục đích của buổi hội thảo là để doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình đào tạo với trường. “Sau buổi hội thảo này, chúng tôi sẽ cập nhật ngay ý kiến của doanh nghiệp vào chương trình đào tạo. Lủng chỗ nào vá ngay chỗ đó…” – ông Sang cho hay.