Sống trong sợ hãi
Công chức, người lao động sống tại một số chung cư bình dân luôn gặp những chuyện bực mình, thậm chí bất an.
Sống trong sợ hãi
Các chung cư bình dân là lựa chọn của hàng trăm ngàn công chức, viên chức, những người lao động có mức thu nhập trung bình. Tuy nhiên ở một số chung cư, nhiều người đang phải sống trong cảnh bất an, từ nạn trộm cướp đến chất lượng công trình xuống cấp, thang máy hư hỏng và cả những yếu kém trong quản lý chung cư…
Chắt chiu từng đồng mua nhà chung cư, nhưng ở một số chung cư vì nhiều lý do khác nhau, không gian sống dần trở nên mất an toàn. Tài sản, sức khỏe, thậm chí tính mạng của cư dân không được đảm bảo, khiến họ phải ngày ngày bấm bụng sống trong cảm giác bất an và sợ hãi.
Cướp rình rập
Chung cư cao cấp cũng “khóc ròng” Người dân chung cư 155 Nguyễn Chí Thanh (Q.5, TP.HCM) nhiều phen hoảng hồn vì báo cháy giả. Để khắc phục, đơn vị quản lý… tắt luôn hệ thống báo cháy. “Chung cư rộng lớn như vậy, ở vị trí hai mặt tiền đường Ngô Quyền và Nguyễn Chí Thanh rất đông người qua lại, không có tường rào chắn nhưng chỉ có bốn bảo vệ là người của công ty cử xuống. Mặt tiền lô A chưa có người thuê, còn để trống. Ban đêm có hàng chục người vào nằm vạ vật, ngủ lại, đại tiểu tiện bừa bãi nhưng không ai dám làm gì. Có lần kẻ trộm còn đột nhập ăn cắp xe, khiêng qua vị trí bảo vệ nằm mà không ai biết” – một cư dân phản ảnh. Sáng 23-4, khi chúng tôi đi tìm hiểu về hệ thống phòng cháy chữa cháy, bảo vệ mới lật đật đi tìm các bình chữa cháy đặt vào vị trí, giải thích “phải cất đi vì sợ bị lấy trộm”. Khoảng 10g, một thanh niên người gầy vêu vao, ngồi vạ vật ở khoảng trống mặt tiền lô A, ngó trước ngó sau rồi quay mặt vào tường, vén quần lên chích kim tiêm vào bắp đùi trước sự chứng kiến của rất nhiều người. “Phía công ty nói đây là chung cư cao cấp, nhưng thật sự chất lượng dịch vụ rất tệ. Rác được vận chuyển chung thang máy dành cho cư dân. Họ vận chuyển lúc 8-9g tối, ai rủi đi chung với rác thì ráng chịu. Cầu thang thoát hiểm thì chỉ chạy xuống tới lầu 1, ở đây có một chiếc thang inox to nặng, phải ba bốn người nhấc lên, hạ xuống đất thì mới chạy xuống được. Chung cư cao cấp mà người ra người vào ngang nhiên không ai hỏi han gì hết” – một cư dân ở đây than. |
“Hễ thấy ai nói chuyện điện thoại di động, sử dụng máy tính trong quán là tôi phải đến nhắc nhở họ cẩn thận, nếu có đi vào nhà vệ sinh phải xách đồ theo, không thì bị cướp ngay” – một chủ quán nước ở lô C, chung cư Sơn Kỳ 1 (P.Sơn Kỳ, Q.Tân Phú, TP.HCM) nói. Chủ quán này cho biết các tuyến đường quanh khu chung cư Sơn Kỳ 1 như CN1, DC9, DC11… cả ngày lẫn đêm thường xuyên có cướp giật lởn vởn và rình rập những người sống trong chung cư này.
Mới đây khoảng 23g ngày 8-5, chị Kha đi từ căn hộ trên tầng 4 lô B xuống. Gần đến tầng 1, chị lấy điện thoại để nói chuyện thì thấy hai thanh niên chạy xe máy đảo qua lại trước mặt, một người nhảy xuống xe móc điện thoại di động và đi lên cầu thang ngang qua chị, cố tình nói lớn tiếng trong điện thoại làm chị tưởng hắn lên chung cư tìm nhà người thân và mất cảnh giác. “Khi tôi không chú ý đến hắn nữa thì bất ngờ hắn từ phía sau chộp vào tay tôi lấy chiếc điện thoại tôi vừa mua trước đó giá hơn 8,6 triệu đồng, rồi nhảy lên xe máy của tên chờ phía dưới chung cư bỏ chạy” – chị Kha ấm ức kể lại.
Ông Đặng Đình Điền – tổ trưởng tổ dân phố 56 kiêm tổ trưởng tổ dân phòng tự quản của khu vực chung cư Sơn Kỳ 1 – cho biết từ khi thành lập tổ dân phòng tự quản, tình hình trộm cướp ở khu chung cư này đã giảm nhiều. Tuy nhiên, vẫn liên tiếp xảy ra nhiều vụ trộm cướp táo tợn khiến người dân rất lo sợ. Ông Điền kể khoảng 3g ngày 16-4, ông đang đi tuần tra cùng tổ dân phòng thì chủ nhà 014, lô D gọi điện thoại báo vừa bị trộm đột nhập lấy đi một máy tính xách tay. Khoảng 20g30 ngày 27-4, nghe người dân báo tại nhà của T. (người ở chung cư) xảy ra cự cãi, ông Điền đến nhà T. thì được biết T. vừa cùng bạn tên là C. cướp được một điện thoại di động trên đường Lê Trọng Tấn. Do ăn chia không đồng đều nên giữa T. và C. xảy ra cự cãi. Thấy ông Điền, T. liền cầm dao nhảy đến chém vào người ông. Vốn là lính đặc công, ông Điền né được rồi nhanh chóng khống chế T. giao Công an P.Sơn Kỳ xử lý.
Một vụ việc “đình đám” khác là vụ bắt kẻ trộm “khét tiếng” Nguyễn Bình An đêm 22 rạng sáng 23-2-2012 tại lô F chung cư Sơn Kỳ 1. Thời điểm trên, An đột nhập từ nóc trần nhà số 417 vào trong nhà. “Thấy An đã vào bên trong nhà, chúng tôi phong tỏa mọi hướng rồi mới vào nhà 417 bắt giữ An khi tên này chuẩn bị ra tay lấy cắp đồ đạc” – ông Điền kể.
Nhà lún 70cm, thang máy rơi tự do
Những người dân sinh sống ở khu chung cư Bắc Đinh Bộ Lĩnh (P.26, Q.Bình Thạnh) bảy năm qua ngày ngày phải sống trong lo sợ bởi nền đất ở khu vực này ngày càng lún sâu tạo ra những lỗ hổng, vết nứt chi chít khắp chung cư.
Ông Phạm Văn Hiệp (ngụ ở căn hộ số 003) cho biết lâu lâu cứ từng mảng bêtông rơi lộp độp xuống đất làm cả nhà ông ăn không ngon, ngủ không yên. Nhà ông Hiệp có hàng chục vết nứt tường, nền nhà và những vết tường ố do nền nhà bị sụp lún gây ra. “Nền đất bị lún, chúng tôi phải tự nâng nền cho cao, hệ thống đường nước cũng bị bể, gãy làm nước thấm vào hệ thống dây điện âm tường. Mới rồi, hệ thống điện âm tường nhà tôi phát nổ. May mà tôi tắt điện kịp thời, sau đó đã phải thay mới hệ thống điện nổi. Mỗi hộ ở đây ít nhất cũng phải bỏ tiền ra sửa chữa nền nhà 3-4 lần” – ông Hiệp bức xúc.
Chị K., sống tại chung cư Bắc Đinh Bộ Lĩnh, cho hay do nền đất cứ liên tục bị lún mà chung cư không có ban quản lý đứng ra sửa nên mạnh ai người nấy làm nền, giờ khắp mặt đường ở khu này cao thấp, lồi lõm trông như những ổ gà, ổ voi… Chị K. cho biết người dân khu này nhiều lần phản ảnh lên UBND P.26 để có biện pháp khắc phục, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thấy phường làm gì. Chị K. kể thêm mỗi lần ống nước ngầm bị vỡ do lún nền đất, người dân ở chung cư “còng lưng” đóng tiền nước gấp đôi so với bình thường nhưng cũng phải chịu vì không biết kêu ai. Chị K. nói từ khi dọn về chung cư này khoảng mười năm nay, nền nhà của chị đã bị lún khoảng 70cm và phải sửa chữa nhiều lần, riêng nền bên trong nhà chị phải đúc bêtông, câu thêm sắt mới tạm yên ổn.
Cư dân sống ở chung cư cao tầng nhiều phen dựng tóc gáy vì thang máy hư hỏng. Thang máy hư, chủ đầu tư không chịu sửa khiến hàng trăm hộ dân phải cuốc bộ lên lầu cao chính là nguyên nhân trực tiếp thổi bùng lên bức xúc của người dân chung cư 584 Phú Thọ Hòa (Q.Tân Phú) thời gian qua. Bốn lô chung cư 17 tầng, tám thang máy hư hỏng gần hết, mấy thang còn lại liên tục “nhảy bậc”, thi thoảng… rơi tự do khiến người dân khiếp vía, phải đi thang bộ. Trong đó có cả những người đang mang thai, người vừa tháo bột băng bó chân như chị Hương, nhà ở lầu 14. Xuống tới sảnh, chị Hương nước mắt giàn giụa vì “vừa đau vừa tức giận, tủi thân, thấy người dân như mình sao khổ quá”.
Ở chung cư Tuệ Tĩnh (P.12, Q.11) có tám lầu, 134 hộ dân với bốn thang máy nhưng chỉ còn một thang máy hoạt động. Thang quá tải, lại thường xuyên gặp sự cố. Anh K. (lầu 6) vừa dẫn con đi xuống sảnh vừa nói: “Thang đóng cửa, chạy mà nghe cả tiếng kẽo kẹt, mỗi lần đi là nín thở”.
Sống chung với bực mình
Sống ở chung cư, nhiều người nói một cách chua chát là sống chung với những nỗi bực mình. Những hộ dân ở lô L, lô K chung cư Bàu Cát 2 (P.10, Q.Tân Bình) hằng ngày bị “tra tấn” bởi tiếng nhạc ầm ĩ khủng khiếp từ hai quán cà phê dưới tầng trệt vọng lên. Cứ chiều chiều quán bắt đầu đông khách, nhạc sàn mở hết công suất là các hộ dân phía trên đóng kín hết cửa. “Căng thẳng lắm, ức chế lắm, cả mấy năm nay rồi. Trẻ con học bài không nổi, người già không ngủ được. Đêm nào mà có bóng đá, cả trăm người ngồi dưới gào lên như xé cả màn đêm, con tôi lại giật mình khóc thét” – một hộ dân trên lầu 1 lô L tức giận nói.
Chung cư Bắc Đinh Bộ Lĩnh thì nhiều hộ dân nuôi thả gà, chó tại khu vực khuôn viên của chung cư, thậm chí đã có người bị chó rượt cắn. Ở chung cư Nguyễn Ngọc Phương (P.19, Q.Bình Thạnh), cư dân nhiều lần phát hoảng khi mấy cục nóng máy lạnh mà chủ đầu tư lắp ở giếng trời, hầm giữ xe… bốc cháy. Phía trên lầu 17, tiếng chó sủa inh ỏi. Khi bị ban quản trị nhắc nhở, chủ nhà thản nhiên nói “tại có người đi qua nên nó mới sủa chứ”. Cũng tại chung cư này, do mâu thuẫn giữa các đơn vị quản lý, quản trị cũ – mới nên người dân bỗng dưng trở thành nạn nhân khi thường xuyên bị cắt nước. “Tiền nước nộp cho bên này thì bên kia kêu mình sai, nộp cho bên kia thì bên này cắt nước. Đi làm về cả ngày đã mệt mỏi lắm rồi, mở nước thì không có. Chúng tôi chẳng muốn gì cả, chỉ muốn được sống yên mà sao khó vậy?” – một người dân trên lầu 16 chung cư Nguyễn Ngọc Phương thở dài.
ĐỨC THANH – MAI HOA