11/01/2025

Thoát khỏi sự lười biếng

Lười biếng là chuyện chẳng của riêng ai, thậm chí giới trẻ xem đó là “bệnh”. Vậy để chữa được nó cần phải làm gì?

 

Thoát khỏi sự lười biếng

Lười biếng là chuyện chẳng của riêng ai, thậm chí giới trẻ xem đó là “bệnh”. Vậy để chữa được nó cần phải làm gì? 

 

 Thoát khỏi sự lười biếng 1
Diễn giả Huỳnh Minh Thuận hướng dẫn giới trẻ thoát khỏi “bệnh” lười

 

“Để mai tính”

Thanh Châu, sinh viên (SV) Trường ĐH Văn Lang, cho biết đang chạy đua với thời gian giải quyết một đống bài tập, kiến thức gần cả chục môn học để thi học kỳ. “Giá mà đừng có suy nghĩ từ từ rồi học, lo gì thì đã không gặp phải nông nỗi này”, Châu ngậm ngùi.

Nếu như các thành viên là học sinh, SV thở dài: “Trời ơi sắp thi rồi, học sao cho kịp đây?”, thì những người đã đi làm cũng kể khổ: “Cả núi hồ sơ chưa hề lật ra giải quyết mà mai đã đến hạn nộp báo cáo. Biết phải làm sao?”…

Công Trọng, học sinh Trường THPT Bình Phú (Q.6), than thở chẳng hiểu vì sao lười học vô cùng. Có thể ngồi “chém gió” Facebook cả chục giờ đồng hồ được chứ ngồi đọc bài một tí là mỏi lưng, buồn ngủ. Mỗi khi định làm bài tập là xuất hiện suy nghĩ “thôi, để lát làm”, và dành thời gian để xem phim, chơi game.

Huyền Trinh, SV Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, kể có lần được giao đề tài tiểu luận phải hoàn thành trong hai tuần. Nhưng vì lười, bị phân tán bởi tư tưởng chủ quan “để mai tính”, “chơi nốt hôm nay” nên trong suốt gần 2 tháng vẫn chẳng thể thực hiện xong. Trinh khẳng định: “Hầu hết SV mình biết đều mắc phải căn bệnh cố hữu này và đã từng một vài lần lười biếng”.

Chính vì lười, luôn tìm 1001 lý do trì hoãn, tránh né những việc cần làm và để “nước đến chân mới nhảy”, nên “những người trong cuộc” đã phải bù đầu bù cổ làm bài tập, làm việc. Tuy nhiên, khi đó họ lại gặp phải tình cảnh: chẳng biết nên làm bài nào trước, bài nào sau; ưu tiên giải quyết việc gì trước trong ngổn ngang công việc.  

 

Thoát khỏi sự lười biếng 2 
Bạn đã từng lười biếng giống như thế này không? – Ảnh: Facebook 

 

Chớ để ngày mai

Theo diễn giả Huỳnh Minh Thuận, để thoát khỏi sự lười biếng, cần tập trung vào những việc mình thích làm nhất. “Lười làm một việc gì đó không phải do bản thân công việc mà do chính cách thực thi công việc đó. Nếu học tiếng Anh bằng cách hát, học lịch sử bằng cách trải nghiệm, du lịch thay vì ngồi nghe giảng… thì chắc chắn sẽ thấy bản thân rất siêng năng. Vậy nên hãy làm những việc cũ theo cách mới để đạt được những điều mình muốn theo cách mình thích”, ông Thuận chia sẻ.

Chuyên viên tâm lý Nguyễn Ngọc Duy, tham vấn tại Trường THCS – THPT Quang Trung – Nguyễn Huệ (TP.HCM), cho biết người trễ nải công việc được giao thường xuyên viện cớ hay lấy lý do này nọ để từ chối hoặc đổ lỗi cho việc không hoàn thành công việc; thường dành nhiều thời gian cho việc ngủ, xem phim, vui chơi, suy nghĩ vu vơ…

Ông Duy cho rằng “có làm thì mới có ăn”, có chăm chỉ thì tương lai mới xán lạn. Nếu lười biếng thì hậu quả tất yếu là tương lai mù mờ, hoặc là gánh nặng của gia đình, xã hội… Vậy nên, khi phát hiện bản thân có những biểu hiện của “bệnh” này, hoặc đang mắc phải, cần nhanh chóng “chạy chữa”. Và “liều thuốc” quan trọng nhất là mỗi người phải rèn luyện ý chí và nghị lực. Cần chủ động đặt ra cho mình những khó khăn và áp lực trong công việc, học tập để đối diện và vượt qua.

Ngoài ra, ông Duy cũng hướng dẫn những “vị thuốc bổ trợ” khác nhằm giúp bạn trẻ nhanh chóng vượt qua “bệnh” lười biếng, xác lập lại được thói quen siêng năng. Đó là “việc hôm nay chớ để ngày mai”, hãy quyết tâm hoàn thành những việc nhỏ như: gấp chăn gối gọn gàng sau khi ngủ dậy, giặt đồ hằng ngày sau khi tắm… “Nên lập thời gian biểu công việc và quyết tâm hoàn thành. Nên sử dụng các biện pháp thưởng hoặc phạt nếu hoàn thành hoặc không hoàn thành bảng thời gian biểu đó. Mặt khác, một việc làm sẽ góp phần tăng thêm động cơ giúp vượt qua bệnh lười là cần xác định mục tiêu cuộc đời”, ông Duy khuyên.

 

Ý kiến

 

 Đoàn Nguyễn Ái Gia Hy

 

“Dồn nhiều bài học, chẳng chịu lo ôn, rồi tới lúc thi mới vắt chân lên cổ mà chạy nhưng chẳng “nuốt trôi” hết, dẫn đến kết quả không tốt. Chỉ vì lười mà ra”.

Đoàn Nguyễn Ái Gia Hy 
(học sinh lớp 12, Trường THPT Cao Lãnh, Đồng Tháp)

 

 Trần Ngọc Mỹ

 

“Lười biếng là nguyên nhân số một giết chết sự thành công”.

Trần Ngọc Mỹ 
(học sinh lớp 10A2, Trường THPT Trưng Vương TP.HCM)

 

 Bạch Minh Đức

 

“Thoát khỏi sự lười biếng luôn là điều mình mong muốn. Không riêng gì mình, có lẽ nhiều học sinh cũng đang mắc phải”.

Bạch Minh Đức
(học sinh lớp 12 toán 2, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Vũng Tàu).

 

 

Nhật Hạ – Trâm Anh