11/01/2025

Rủi ro khi du học mà tiếng Anh chưa đạt

Du học bằng cách sang các nước để tham gia các khóa học tiếng Anh trước khi vào học chương trình chính khiến không ít bạn trẻ gặp cảnh dở khóc dở cười vì không lường trước được những rủi ro.

 

Rủi ro khi du học mà tiếng Anh chưa đạt

Du học bằng cách sang các nước để tham gia các khóa học tiếng Anh trước khi vào học chương trình chính khiến không ít bạn trẻ gặp cảnh dở khóc dở cười vì không lường trước được những rủi ro. 

 Rủi ro khi du học mà tiếng Anh chưa đạt
Để có kết quả tốt khi du học, tiếng Anh là một trong những yếu tố quan trọng – Ảnh: T.D.L

Tốn thời gian, tiền bạc

T.Trang tốt nghiệp ĐH ngành quản trị kinh doanh. Sau một thời gian đi làm, Trang nuôi ý định đi du học lấy bằng thạc sĩ ở Úc. Cô đã dành dụm được một khoản tiền đủ để chi phí theo đúng kế hoạch là một năm học tiếng Anh, 2 năm học thạc sĩ tại Trường ĐH Edith Cowan (ECU).

Trang cho biết: “Trong thư ECU gửi cho em thì yêu cầu đầu vào bậc thạc sĩ của trường này là IELTS 6.5. Em đã thực hiện một bài kiểm tra tiếng Anh đầu vào nhưng trường cho biết em sẽ phải học khoảng 45 tuần nữa mới có thể đạt IELTS 6.5. Khi sang Úc, ECU đã sắp xếp cho em học tiếng Anh tại trung tâm PIBT trực thuộc trường. Theo kế hoạch của em, lẽ ra em đã vào học chính thức chương trình MBA rồi, nhưng giờ vẫn đang phải tiếp tục học Anh văn”.

Theo Trang, đúng ra cô phải được học chương trình IELTS để thi lấy điểm 6.5 như yêu cầu của trường, nhưng PIBT lại sắp xếp tất cả các sinh viên quốc tế vào một chương trình tiếng Anh tổng quát. Trong đó, mỗi người có một mục đích khác nhau, người thì học thạc sĩ, người học cử nhân, người lấy chứng chỉ IELTS, người lấy chứng chỉ TOEFL. Sau khi Trang phản ánh, trường có thay đổi bằng cách mở một lớp dành cho sinh viên có nhu cầu lấy IELTS, nhưng thực chất giáo trình dạy vẫn y chang chương trình trước, không có gì thay đổi.

 

 
 

Yêu cầu tiếng Anh ở các nước

 

Đối với một số nước như Anh, IELTS là yêu cầu bắt buộc khi xin thị thực. Dù IELTS/TOEFL có thể không bắt buộc với một số trường của Mỹ hoặc Canada nhưng nếu không có IELTS/TOEFL cũng là một bất lợi khi xin thị thực. Đặc biệt đối với visa Mỹ, học sinh phải có trình độ Anh ngữ nhất định để đủ khả năng trả lời phỏng vấn lãnh sự.

Ở Úc, một sinh viên khi đăng ký nhập học chỉ được đăng ký tối đa khóa học Anh văn 50 tuần (tương đương 1 năm) dành cho người mới bắt đầu. Nếu sau 50 tuần mà tiếng Anh không đạt thì chỉ được học tiếp tối đa 10 tuần nữa, nếu vẫn không đạt thì bắt buộc phải về nước.

 

 

Cuối cùng, Trang làm hồ sơ chuyển trường khác học tiếng Anh và phải mất thêm 40 tuần nữa. Chi phí cho việc học tiếng Anh vì thế bị đội lên (300 – 400  USD/tuần) so với kế hoạch trước đây.

K. học diploma tại PIBT rồi mới lên ĐH học tại ECU. Vì chưa đạt tiếng Anh nên K. phải sang đây học để lấy chứng chỉ tiếng Anh học nghề. Tuy nhiên, sau khi thi đạt rồi, K. vào học thì theo không kịp vì “nghe giảng mà như vịt nghe sấm”. K. rất nản nên có ý định bỏ về nước sau 2 năm theo học, chấp nhận trắng tay.

Nhiều trường hợp do thời gian học tiếng Anh của người học kéo dài quá quy định, dẫn đến nguy cơ bị về nước là rất cao. 

Khó khăn hòa nhập và tiếp thu kiến thức

Phần lớn tư vấn viên ở các  trung tâm tư vấn du học chủ yếu cam kết về việc chắc chắn sẽ xin được thị thực, chứ không nói về những rủi ro nếu thiếu tiếng Anh. 

Thạc sĩ Bùi Quang Vĩnh, nghiên cứu sinh về khoa giáo dục, nghệ thuật và khoa học xã hội tại Úc, nhận định: “Những trường ĐH có uy tín ở nước ngoài thường tổ chức thi cử nghiêm ngặt về tiếng Anh. Còn những trường nhỏ, kém uy tín thường mang tính thương mại. Họ cứ tiếp nhận người học vô mà không cần biết việc mình theo được hay không. Do đó, những người trước khi đi du học phải hiểu rõ khả năng tài chính của mình có đủ chi trả cho thời gian phát sinh hay không, khả năng học tiếng Anh của mình có thể phát triển đến đâu…”.

Để giảm những rủi ro phát sinh, bà Nguyễn Thị Mỹ, chuyên viên tư vấn của Tổ chức giáo dục IDP Việt Nam, khuyên: “Khi tiếng Anh chưa đạt bạn vẫn có thể đi du học với điều kiện phải nỗ lực thật nhiều. Nếu trình độ tiếng Anh còn kém, sẽ khó khăn trong việc hòa nhập và tiếp thu kiến thức. Nếu vẫn quyết tâm du học thì bạn nên chọn những trường ĐH có uy tín, chất lượng, nghiêm ngặt trong việc học và kiểm tra trình độ của học sinh”.

Mỹ Quyên