08/01/2025

Số ca tay chân miệng vượt xa sởi

Hiện số ca mắc bệnh tay chân miệng nhập viện ở TP.HCM đã gấp đôi số ca sởi và cao hơn hẳn so với số ca mắc bệnh tay chân miệng cùng kỳ năm 2013. Dự báo số ca mắc bệnh tay chân miệng tiếp tục tăng trong thời gian tới.

 

Số ca tay chân miệng vượt xa sởi

Hiện số ca mắc bệnh tay chân miệng nhập viện ở TP.HCM đã gấp đôi số ca sởi và cao hơn hẳn so với số ca mắc bệnh tay chân miệng cùng kỳ năm 2013. Dự báo số ca mắc bệnh tay chân miệng tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Bệnh nhi tay chân miệng điều trị tại khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM - Ảnh: H.T.V.

Ngày 13-5, tại hành lang khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM, chị Nguyễn Thị Thu Phương, 34 tuổi, ở Q.7, TP.HCM, vừa cầm bình sữa cho con uống vừa lo lắng nói: “Từ lúc bé bị bệnh tay chân miệng đến giờ rất mệt, ăn uống khó lắm”. Con trai chị tên Bùi Phúc Lâm, 14 tháng tuổi, nhập viện Bệnh viện Nhi Đồng 2 tối 12-5.

Hơn 8.000 trẻ đến khám trong một tháng

 

Theo số liệu của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, từ đầu năm 2014 đến ngày 9-5, TP có 3.373 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm 2013. Số ca mắc bệnh tay chân miệng đã vượt xa số ca mắc bệnh sởi điều trị trong thời gian này (1.599 ca). Bệnh tay chân miệng đang trong đợt cao điểm đầu tiên theo chu kỳ hằng năm. Trung tâm Y tế dự phòng đánh giá so với diễn tiến bệnh/tuần của những năm có dịch lớn tay chân miệng 2011-2012, số ca nhập viện của những tuần đầu năm 2014 có diễn biến tương tự và xấp xỉ năm 2012, cao hơn hẳn năm 2011 và 2013.

 

Trước khi nhập viện một ngày, chị Phương phát hiện con bị “nhiệt miệng”, chỉ qua một đêm con chị bị sốt, đến chiều tối cùng ngày bé quấy khóc, đang ngủ bị giật mình liên tục nên chị đưa con đến bệnh viện và được chỉ định nhập viện ngay. Chị Phương kể chị chăm con ở nhà chứ bé chưa đi nhà trẻ và đến giờ cũng chưa biết con lây bệnh từ ai. Cũng tại hành lang này, chị Võ Thị Kiều Trang, 26 tuổi, đang chăm sóc cháu ruột tên Võ Hoàng Thương, 12 tháng tuổi, ở Bình Dương. Chị Trang kể gia đình chị mới gửi bé Thương tại một nhóm trẻ gia đình ở gần nhà, ba ngày sau bé bị nổi phỏng nước khắp người, sốt cao và được Bệnh viện Nhi Đồng 2 chẩn đoán mắc bệnh tay chân miệng.

Bác sĩ Trịnh Hữu Tùng, trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết số bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng tăng cao từ tháng 4-2014. Tháng 4-2014, bệnh viện đã tiếp nhận 8.688 trẻ mắc bệnh tay chân miệng đến khám và số trẻ nhập viện là 478, tăng gần gấp hai lần so với tháng 3. Chỉ trong 11 ngày đầu tháng 5, số trẻ mắc bệnh tay chân miệng đến khám tại bệnh viện đã là 2.904 và số trẻ nhập viện điều trị là 194. So với cùng kỳ năm 2013, số ca mắc bệnh tay chân miệng đến khám và nhập viện Bệnh viện Nhi Đồng 2 tăng hơn nhiều.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, cũng nhận xét số trẻ bệnh tay chân miệng nằm điều trị tại khoa tăng vào những ngày gần đây với 60-70 trẻ mỗi ngày. Bác sĩ Khanh dự báo số trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhập viện tiếp tục tăng trong thời gian tới. Còn bác sĩ Lê Bích Liên, phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết từ tháng 2-2014 đến nay, số trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhập viện Bệnh viện Nhi Đồng 1 tăng đều. Trong bốn tháng đầu năm tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã có hơn 2.000 trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhập viện điều trị, cao hơn số bệnh nhân sởi nhập viện điều trị tại đây.

Trong một cuộc họp gần đây với các quận huyện, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng – phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM – cũng dự báo dịch bệnh tay chân miệng có thể quay trở lại trong năm nay.

Nguy hiểm hơn sởi

Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế nhận định bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm virút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước, thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết ca bệnh đều có diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não – màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Tại nước ta, bệnh tay chân miệng gặp rải rác quanh năm ở hầu hết các địa phương trong cả nước, số mắc thường tăng từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12.

Bác sĩ Nguyễn Trần Nam, phó khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết phần lớn trẻ bị lây bệnh tay chân miệng từ những nơi tập trung nhiều trẻ như trường học, các khu vui chơi đông đúc, một số bị lây từ những người trong gia đình và một số trường hợp không rõ nguyên nhân. Cho đến nay bệnh tay chân miệng chưa có văcxin nên cách phòng ngừa vẫn là giữ vệ sinh tay, chân cho trẻ, hạn chế những nơi đông người.

Nhiều người cho rằng bệnh tay chân miệng nguy hiểm hơn bệnh sởi do chưa có văcxin phòng ngừa và không ít trẻ mắc bệnh tay chân miệng có diễn tiến bệnh nhanh dẫn đến tử vong, điều này có đúng? Trả lời câu hỏi này, bác sĩ Lê Bích Liên phân tích virút sởi gây bệnh thường ở dạng nhẹ nhưng trong thời gian mắc sởi trẻ dễ bị suy giảm miễn dịch nhiều nên dễ bị viêm phổi, tiêu chảy… Trong khi trẻ mắc bệnh tay chân

miệng nặng do enterovirus 71 thường diễn tiến rất nhanh gây tổn thương phổi, não, tim chỉ trong hai ba ngày đầu mắc bệnh và có thể dẫn đến tử vong. Chính vì chưa có văcxin phòng ngừa và bệnh diễn tiến nhanh nên nhiều người đã cho rằng bệnh tay chân miệng nguy hiểm hơn bệnh sởi.

THÙY DƯƠNG