09/01/2025

Giảng đường số

Sinh viên không cần đến lớp vẫn có thể nghe giảng viên giảng bài, tham gia làm bài tập thi… Điều này đang xảy ra ở nhiều trường đại học (ĐH) tại TP.HCM.

 

Giảng đường số

Sinh viên không cần đến lớp vẫn có thể nghe giảng viên giảng bài, tham gia làm bài tập thi… Điều này đang xảy ra ở nhiều trường đại học (ĐH) tại TP.HCM.

Sinh viên lớp chất lượng cao ngành in và truyền thông Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM được giảng viên hướng dẫn làm bài tập trên lớp. Hiện sinh viên khoa này có thể học qua mạng một số môn học – Ảnh: Tr.Huỳnh

“Hầu như sinh viên nào của trường cũng có máy tính xách tay hay điện thoại thông minh. Đây là điều kiện thuận lợi để nhà trường triển khai đề án ứng dụng phương pháp giảng dạy mới, đào tạo qua mạng. Điều đáng phấn khởi là sinh viên các lớp đang triển khai thí điểm đều phản hồi rất tích cực và tỏ ra thích thú với hình thức học tập mới này” – PGS.TS Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chia sẻ.

Thầy trò cùng online

 

“Phương pháp mới giúp sinh viên có thể xem, nghe lại bài giảng bất kỳ lúc nào và học mọi lúc mọi nơi trên các thiết bị di động, máy tính… kết nối Internet, đồng thời giúp người học kiểm soát tốt kiến thức”

TS NGUYỄN PHƯƠNG

 

Theo ông Dũng, để giúp giảng viên cũng như sinh viên làm quen với phương pháp học tập mới này, trước mắt nhà trường triển khai thí điểm ở một số lớp của khoa đào tạo chất lượng cao. Theo đó, nhiều “lớp học ảo” đã được tạo ra, giảng viên gửi link qua email cho sinh viên truy cập vào học. Phòng đào tạo nhà trường sắp xếp cho sinh viên đăng ký học phần bằng tài khoản của mình. Các giảng viên áp dụng hình thức dạy học kết hợp giữa cách học truyền thống trên lớp và học trực tuyến qua mạng.

Với hình thức học tập cũ, sinh viên phải đến lớp nghe giảng, về nhà làm bài tập. Nhưng với cách học mới thì sinh viên có thể lên mạng mở clip bài giảng để xem, nghe trước ở nhà, sau đó đến lớp thảo luận và giải bài tập. TS Nguyễn Phương – trưởng phòng đào tạo nhà trường – cho biết chương trình đào tạo ĐH trước đây trên 200 tín chỉ nhưng hiện phải giảm còn 150 tín chỉ. Việc cắt giảm chương trình một cách cơ học như vậy nếu không có phương pháp phù hợp sẽ không đảm bảo chất lượng.

Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đã đầu tư phòng thu, phòng dạy học kỹ thuật số với đầy đủ thiết bị quay, dựng phim để hỗ trợ giảng viên đưa bài giảng lên mạng. Nhiều giảng viên cho biết đang tích cực triển khai thực hiện số hóa bài giảng. Thư viện trường đã tải nhiều giáo trình lên mạng để sinh viên tham khảo. Ngoài ra, để thuận lợi cho việc trao đổi với sinh viên, các giảng viên đều tạo Facebook, tham gia diễn đàn…

“Mục tiêu đến năm 2018 nhà trường có 50% môn học giảng dạy online. Chúng tôi đang xây dựng chính sách khuyến khích  giảng viên áp dụng phương pháp dạy mới này. Đồng thời có dự định trong tương lai sẽ không bắt buộc sinh viên đến lớp, mà kiểm soát việc học tập của họ qua mạng” – PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho biết.

Thi qua mạng

Đầu tháng 4-2014, lần đầu tiên sinh viên lớp AUF35 và CLC35 Trường ĐH Luật TP.HCM được tham gia thi hết môn qua mạng trực tuyến môn xây dựng văn bản pháp luật trên trang elearning – học trực tuyến – của trường. Buổi thi trực tuyến này diễn ra tại phòng máy tính của nhà trường do Trung tâm công nghệ thông tin trường phối hợp với bộ môn luật hành chính thí điểm tổ chức. “Hình thức thi này các nước áp dụng rất nhiều. Chúng tôi sử dụng phần mềm mã nguồn mở moodle để xây dựng hệ thống học trực tuyến chứ không riêng việc thi qua mạng” – ông Nguyễn Hữu Khoa, giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin Trường ĐH Luật TP.HCM, nói.

Th.S Thái Thị Tuyết Dung – trưởng bộ môn luật hành chính – nhận xét: “Hình thức thi này có nhiều ưu điểm, sau khi sinh viên nộp bài thi trên mạng, giảng viên vào xem và chấm điểm trên bài thi đó nên việc lưu trữ bài thi thuận tiện. Việc chấm điểm chính xác, công bằng (chương trình tự động chấm điểm khi hết thời gian làm bài), tránh tiêu cực, gian lận; giáo viên chấm bài nhẹ nhàng hơn rất nhiều…”.

Cũng theo bà Dung, trong quá trình thi sinh viên được đem toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật vào để làm bài. Trung tâm Công nghệ thông tin chỉ cho sử dụng mạng nội bộ, khóa và không cho cắm USB vào máy nên không xảy ra vi phạm nào. Do đã được thực hành tại phòng máy hai buổi, có giảng viên và chuyên viên Trung tâm công nghệ thông tin hướng dẫn trước khi thi về kỹ năng, cách học tập trên trang elearning nên sinh viên không gặp trục trặc nào.

Bà Dung cho biết: “Nhà trường đang đánh giá để áp dụng hình thức thi này, đổi mới việc giảng dạy và đánh giá kết quả học tập của sinh viên. Cái được nhất khi áp dụng hình thức mới này là thúc đẩy sinh viên tự học, tự rèn luyện nhiều hơn và có cơ hội luyện tập kỹ năng soạn thảo văn bản trên máy tính”.

 

 

Chấm trắc nghiệm bằng webcam

Sinh viên Trường ĐH Y dược TP.HCM đã tiếp cận hình thức thi trắc nghiệm trực tuyến môn tin học từ mấy năm nay. Hiện nhà trường vừa triển khai rộng rãi hình thức thi này cho các môn học khác như sản, niệu, giải phẫu bệnh… Th.S Vĩnh Sơn, trưởng bộ môn tin học Trung tâm công nghệ thông tin – truyền thông nhà trường, cho biết nhà trường cũng sử dụng phần mềm mã nguồn mở để viết lại phần mềm thi trực tuyến.

Bên cạnh việc đó, trường  cũng vừa thiết kế và thử nghiệm thành công hệ thống chấm trắc nghiệm bằng webcam. Theo đó, người chấm chỉ việc thả phiếu trắc nghiệm vào, máy sẽ tự động nhận diện phiếu trắc nghiệm, phân tích và đưa kết quả lên màn hình với tốc độ ít nhất 20 bài/phút. Quy trình của hệ thống chấm trắc nghiệm này đơn giản, dễ sử dụng và còn dễ sửa lỗi, lưu lại được tất cả điều chỉnh lỗi.

Ngoài ra, hệ thống cũng giải quyết được vấn đề rất quan trọng của chấm trắc nghiệm là phân tích câu và phân tích đề thi. Thực tế để làm toàn bộ quy trình chấm cho 500 bài (chụp các phiếu: khoảng 30 phút, sửa lỗi chủ yếu do thí sinh tô sai số báo danh và mã đề 20-45 phút), lập thang điểm riêng… giảng viên chỉ mất tối đa hai giờ.

Ông Sơn cho biết thêm với các ưu điểm đó, đây là giải pháp tốt để giảng viên không mất quá nhiều thời gian chấm bài bằng cách dùng phiếu đục lỗ vẫn đang được sử dụng phổ biến. Ngoài ra với hệ thống này, giảng viên cũng có thể sử dụng làm máy chiếu vật thể, máy scan… khi giảng dạy trên lớp.

 

 

TRẦN HUỲNH