10/01/2025

Vũng Tàu có gần 40 dòng sông!

Có nhiều cách để tránh cho học sinh phải nói dối. Chẳng hạn, thầy cô có thể ra đề văn như sau: “Em hãy tả một con chó, con mèo, con gà trống hay một dòng sông nào đó”. Và như vậy, học sinh tha hồ được tự do sáng tác, chứ cần gì cứ phải là con chó, con gà nhà em đang nuôi hay dòng sông nơi em đang sinh sống, vừa ép các em phải nói dối, vừa làm thui chột khả năng tư duy và óc tưởng tượng của các em.

 

Vũng Tàu có gần 40 dòng sông!

Tôi nhớ khi còn học lớp 5, thầy giáo ra một đề văn như sau: “Em hãy tả bà nội của em”. Đến ngày phát bài, thầy đứng trước lớp nói kỳ này lớp có một bài văn được 8 điểm.

 

Khi cả lớp im lặng chuẩn bị nghe thầy đọc bài văn điểm cao thì thầy bỗng mỉm cười: “Bài văn này được điểm cao không phải vì viết hay mà là do tính trung thực. Bạn đó đã viết trong bài văn của mình như sau: Thầy ơi, em không thể làm bài văn này vì bà nội em đã chết hai mươi năm trước khi em ra đời…”.

Cách đây một tháng, khi chở con gái đi học về, cháu bỗng hỏi tôi: “Ba ơi, ở Vũng Tàu có con sông nào không ba?”. Nghe cháu hỏi, tôi lắc đầu: “Vũng Tàu làm gì có con sông nào đâu con?”. Con gái tôi bỗng thở dài: “Thế mà cô giáo con vừa ra đề văn: Em hãy tả một dòng sông nơi em đang sinh sống”.

Tôi bèn kể cho cháu nghe câu chuyện về thầy giáo tôi ngày xưa rồi khuyên cháu: “Hay con cứ viết trong bài văn nộp cho cô là em không thể làm được vì nơi em đang sinh sống không hề có con sông nào”. Con gái tôi lắc đầu: “Không được đâu ba ơi, cô giáo cho 0 điểm liền”.

Thế là sau đó, Vũng Tàu bỗng xuất hiện gần 40 dòng sông, vừa đúng bằng sĩ số của lớp học con gái tôi, đó là những dòng sông được tải từ trên mạng xuống, rồi sau đó lắp ráp vào những bài văn. Những dòng sông này lại hoàn toàn khác nhau, có dòng sông chảy cuồn cuộn đỏ nặng phù sa, có dòng sông trong vắt, chảy lững lờ chậm chạp, có dòng sông tàu ghe tấp nập, nhưng cũng có những dòng sông lắm thác nhiều ghềnh không một bóng người qua lại…

Một người bạn của tôi trước kia là thầy giáo trong những lúc trà dư tửu hậu kể cho tôi nghe một mẩu chuyện vui như sau. Có thời gian anh dạy học ở một quận trung tâm thành phố. Một hôm anh ra đề bài văn cho học sinh: “Em hãy tả một con gà trống mà nhà em đang nuôi”. Đến nửa đêm, đang ngủ giật mình dậy thì anh mới biết mình ra đề bị hố. Nhà các em học sinh ở trung tâm thành phố đất chật người đông, người ở còn không có chỗ thì lấy chỗ đâu mà nuôi gà. Thế nhưng vào sáng hôm sau, anh vẫn thu đủ mấy chục bài văn viết về “con gà trống mà nhà em đang nuôi” của học sinh. Thậm chí có em còn phăng bạo: “Ở xóm em, cứ từ ba giờ sáng trở đi là râm ran tiếng gáy của mấy chục con gà trống đến nỗi không ai ngủ được phải dậy đi uống cà phê”. Thế mới biết cái sự nói dối của học sinh chúng ta giờ đây đã trở nên nhuần nhuyễn đến độ nào…

Các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước gần đây đang nói về những người Việt xấu xí với thói quen thích nói dối. Suy đi nghĩ lại thấy chúng ta đang lấy đá tự ghè vào chân mình. Người lớn cứ dồn học sinh vào cái thế phải nói dối để rồi sau này trở thành một thói quen ăn sâu vào tâm trí không thể bỏ được.

Có nhiều cách để tránh cho học sinh phải nói dối. Chẳng hạn, thầy cô có thể ra đề văn như sau: “Em hãy tả một con chó, con mèo, con gà trống hay một dòng sông nào đó”. Và như vậy, học sinh tha hồ được tự do sáng tác, chứ cần gì cứ phải là con chó, con gà nhà em đang nuôi hay dòng sông nơi em đang sinh sống, vừa ép các em phải nói dối, vừa làm thui chột khả năng tư duy và óc tưởng tượng của các em.

ĐÔNG NGUYỄN