“Né” văcxin, có nguy cơ xuất hiện dịch bệnh
Ông Nguyễn Trần Hiển, chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, cho rằng có nguy cơ bùng phát nhiều loại bệnh truyền nhiễm tương tự dịch sởi vừa qua, do có nhiều “vùng trũng tiêm chủng”.
“Né” văcxin, có nguy cơ xuất hiện dịch bệnh
Tiêm văcxin giúp trẻ tránh nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm - Ảnh: T.T.D.
Ông Hiển nói với Tuổi Trẻ:
– Năm 2013, tỉ lệ tiêm ngừa văcxin viêm gan B mũi sơ sinh giảm rất thấp, thấp hơn năm 2012. Vụ tai biến sau tiêm nghi là do văcxin viêm gan B ở Quảng Trị tháng 7-2013 làm ba trẻ sơ sinh tử vong khiến tỉ lệ tiêm ngừa giảm mạnh, cán bộ y tế cũng lo ngại nên tỉ lệ tiêm mũi viêm gan B sơ sinh chỉ đạt 56% (năm 2012 75%, 2011 55%). Văcxin Quinvaxem thì năm 2013 có đến năm tháng ngừng tiêm (từ tháng 5 đến tháng 10) nên tỉ lệ tiêm ngừa đầy đủ chỉ còn 59,4%, trong khi năm 2011 và 2012 đều đạt 95-96%. Văcxin sởi thì cả ba năm 2011-2013, tỉ lệ tiêm mũi 1 đều đạt 95-97%, nhưng mũi 2 chỉ còn 86%…
* Tỉ lệ tiêm ngừa thấp như ông nói có dẫn đến hệ quả gì đáng ngại?
“Dựa trên căn cứ khoa học thì đến nay chưa có bằng chứng kết luận tử vong sau tiêm văcxin là liên quan đến văcxin” Ông NGUYỄN TRẦN HIỂN |
– Điều lo ngại nhất của chúng tôi là tỉ lệ tiêm văcxin 5 trong 1 Quinvaxem ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, Hib đạt thấp. Năm 2013 vừa qua tạm dừng tiêm văcxin này từ tháng 5-10, nếu tính theo số trẻ được sinh ra trong năm thì còn đến gần 700.000 trẻ chưa được tiêm Quinvaxem, nhưng ba tháng đầu năm 2014 thì tỉ lệ tiêm ngừa Quinvaxem đạt 28% kế hoạch năm, trong đó bao gồm cả số trẻ cần tiêm từ năm 2013. Tỉ lệ này vẫn thấp vì số trẻ cần tiêm bổ sung lên tới gần 700.000 cháu, mà quý 1-2014 thì cả số đến tuổi tiêm chủng, số cần tiêm bổ sung mới có trên 450.000 trẻ được tiêm ngừa.
Nếu tỉ lệ tiêm chủng thấp, trẻ không có miễn dịch bảo vệ thì sẽ có nguy cơ xuất hiện dịch nếu có nguồn lây. Kinh nghiệm các nước cũng như vậy, Nhật Bản từng có thời gian bùng phát dịch ho gà trở lại sau khi nước này tạm dừng sử dụng văcxin ho gà toàn tế bào để chờ văcxin ho gà vô bào. Hiện VN đã thanh toán bệnh bại liệt, nhưng nếu tỉ lệ uống văcxin ngừa bại liệt thấp và có virút bại liệt hoang dại xâm nhập thì vẫn có nguy cơ bùng thành dịch. Năm 2010 đã có vụ dịch như vậy ở Trung Quốc. Đó là bệnh bại liệt đã được thanh toán, còn ho gà vẫn rải rác trong cộng đồng.
* Gần đây khi nói về tỉ lệ tiêm chủng thấp, nhiều nhà khoa học đã nêu ý kiến do người dân lo ngại tính minh bạch của chất lượng tiêm chủng và các tai biến sau tiêm. Đứng đầu chương trình tiêm chủng, ông có thể nói gì về lo ngại này?
Có hay không tỉ lệ tiêm ngừa trên giấy? Theo ông Nguyễn Trần Hiển, tỉ lệ tiêm ngừa là thông số được điều tra độc lập 5 năm/lần, bên cạnh thống kê hằng năm của Bộ Y tế. Tại VN, điều tra độc lập về tỉ lệ tiêm ngừa gần nhất tiến hành năm 2009, có sự tham gia của JICA Nhật Bản, Tổ chức Path, Tổ chức Y tế thế giới… Họ có điều tra điểm ở từng khu vực và đánh giá về tỉ lệ tiêm chủng gần tương đương với thống kê của VN. Ông Hiển cũng cho biết từ năm 1960 đến nay VN sử dụng văcxin bại liệt uống. Đây là sản phẩm giá thành rẻ, nhưng có nguy cơ biến chủng của virút gây bệnh và làm lây bệnh do virút ngoài môi trường. Theo ông Hiển, hiện Liên minh văcxin và tiêm chủng toàn cầu đã có kế hoạch hỗ trợ VN văcxin bại liệt tiêm từ tháng 10-2015 để đảm bảo an toàn hơn cho người dân. |
– Dựa trên căn cứ khoa học thì đến nay chưa có bằng chứng kết luận tử vong sau tiêm văcxin là liên quan đến văcxin. Làm nhiệm vụ tiêm chủng, chúng tôi có trách nhiệm tăng cường giám sát không chỉ thời gian sau tiêm mà cả diễn biến, sức khỏe của trẻ, để có bằng chứng đầy đủ hơn với mỗi trường hợp nếu có biến chứng sau tiêm. Kinh nghiệm của các nước như Sri Lanka cũng từng có thời gian tạm ngừng tiêm Quinvaxem do lo ngại tai biến, thì sau một năm tỉ lệ tai biến sau tiêm không giảm.
* Thưa ông, chưa có căn cứ khoa học kết luận tai biến tiêm chủng là liên quan đến văcxin, nhưng việc tiêm chủng, xuất nhập khẩu, sản xuất văcxin… đều do ngành y tế triển khai. Vậy có hay không yếu tố vừa đá bóng vừa thổi còi dẫn đến không minh bạch thông tin?
– Gần đây khi đi kiểm tra các cơ sở tiêm chủng, chúng tôi thấy họ có đầy đủ phiếu khảo sát, xem trẻ có sốt không, có tiền sử dị ứng không, có mắc bệnh có chống chỉ định với tiêm ngừa không. Cơ sở tiêm ngừa mũi viêm gan B sơ sinh được yêu cầu có phòng tiêm riêng và tủ lạnh riêng, hiện cơ sở tiêm chủng có đủ. Trường hợp ở Quảng Trị năm 2013 để chung văcxin và thuốc gây mê, thuốc giãn cơ dẫn đến tiêm nhầm làm ba trẻ tử vong (Tuổi Trẻ ngày 3-4) thì trong tuần này hoặc tuần tới đây Quảng Trị sẽ họp báo công bố đầy đủ. Tôi đề nghị minh bạch thông tin chứ không chỉ báo cho Bộ Y tế mà phải báo cho toàn dân về sự cố này.
Vừa qua, điều tra các trường hợp có tai biến văcxin thì Bộ Y tế tiến hành nhanh hơn, hội đồng xem xét tai biến sau tiêm là hội đồng độc lập, tôi không tham gia, không ai liên quan trực tiếp đến tiêm chủng tham gia vào đó.
* Vậy tỉ lệ tiêm ngừa như thế nào sẽ đảm bảo phòng dịch, tránh bùng phát như vụ dịch sởi vừa qua?
– Tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ năm 2013 chỉ đạt 91,4% là thấp nhất trong ba năm vừa qua, chúng tôi mong muốn đạt cao hơn, duy trì tiêm chủng đầy đủ và công bằng trong tiêm chủng, tỉ lệ tiêm ngừa đầy đủ phải trên 95%. Muốn làm được điều này, chương trình tiêm chủng, các địa phương phải cố gắng, ví dụ trẻ có chỉ định hoãn tiêm thì danh sách phải cập nhật ngay trẻ đó chưa tiêm, trong 15 ngày sau phải mời gia đình đưa trẻ đến khám sàng lọc lại và tiêm bổ sung ngay trong tháng. Thứ hai là rà soát đối tượng, không phải chỉ tiêm ngừa các trẻ có hộ khẩu mà cần tiêm ngừa cho trẻ trong độ tuổi sống ở khu vực đó.
LAN ANH thực hiện
TP.HCM: 91,2% trẻ dưới 1 tuổi tiêm đủ 8 loại văcxin Theo báo cáo tổng kết của Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia trong tháng 4-2014 về tình hình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em ở TP.HCM năm 2013 cho thấy tỉ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ tám loại văcxin đạt 91,2%. Trong đó, tiêm ngừa lao đạt 91,4%, tiêm ngừa viêm gan siêu vi B (trong vòng 24 giờ đầu sau sinh) đạt 71%, tiêm ngừa sởi đạt 96,6%, tiêm ngừa Quinvaxem đạt 31,4%, uống văcxin ngừa bại liệt đạt 48,7%. Sở dĩ tỉ lệ tiêm ngừa Quinvaxem ở TP.HCM đạt thấp là do Bộ Y tế tạm ngưng cho tiêm ngừa trong một thời gian. Việc tạm ngưng Quinvaxem cũng kéo theo tỉ lệ trẻ được uống văcxin ngừa bệnh bại liệt giảm thấp theo do phụ huynh không đưa trẻ đến trạm y tế chích ngừa. L.TH.H. |