Hàn Quốc mong Sejong
Khi thủ đô Seoul đã trở nên chật chội và quá tập trung, Hàn Quốc đã lên kế hoạch xây một thành phố hành chính mới, là biểu tượng thiết kế và công nghệ đang trỗi dậy của đất nước.
Hàn Quốc mong Sejong
Một góc Sejong với nhiều mảng xanh - Ảnh: Tomoon
Mười năm trước, thành phố Sejong đã được lên kế hoạch là tâm điểm của dự án di dời cơ quan nhà nước đầy tham vọng của Hàn Quốc, giảm áp lực cho thủ đô Seoul.
Quy hoạch của tương lai
“Năm ngoái, hầu như tôi ở Seoul nhưng bây giờ chúng tôi có nhiều cuộc họp ở Sejong hơn. Tôi nghĩ nó sẽ sớm trở thành một thành phố ổn định” Choo Kyung ho |
Thành phố Sejong được bắt đầu xây dựng vào năm 2006, cách Seoul 120km về hướng đông nam. Các cư dân thành phố bắt đầu chuyển đến từ năm 2011. Theo Straits Times, hiện 40% thành phố đã được hoàn thiện với khoảng 30.000 người sinh sống. Trong số này có khoảng 11.000 công chức.
Báo Washington Post cho biết dự kiến đến năm 2015, Sejong sẽ có một sân vận động và các khách sạn. Năm 2020, thành phố này sẽ có trung tâm mua sắm, một khu kinh doanh và dân số đạt khoảng 200.000 người. Đến năm 2030, Hàn Quốc kỳ vọng Sejong sẽ có nửa triệu dân.
Người đứng sau kỳ quan mới này là ông Lee Cheong Jae – chủ tịch Cơ quan xây dựng thành phố hành chính đa năng (Macca) – khẳng định: “Đây không chỉ là một thành phố mới. Đây là một “thành phố quy hoạch tương lai”. Người ta đến đây để làm việc hoặc đơn giản chỉ để ngắm nhìn các chuẩn mực về kiến trúc”.
Các quận của Sejong bao gồm quận hành chính, quận thương mại, quận giáo dục, quận công nghiệp, quận dân cư… nở rộng ra ngoài như những cánh hoa từ lõi trung tâm màu “xanh lam và xanh lục”. Lõi này là một hồ nước lớn với những ngọn đồi thấp phủ đầy cỏ xanh xung quanh.
Ngoài ra, bãi cỏ và những con đường đi bộ bêtông – bao gồm cả 400km đường dành cho xe đạp và 160km đường đi bộ khi hoàn thành – sẽ bao quanh hồ nước kể trên. “Chúng tôi để công viên trung tâm này là một không gian mở để tất cả cư dân thành phố có thể sử dụng” – ông Lee giải thích.
Là nơi hội tụ nhiều nét đặc trưng về thiết kế đô thị sáng tạo, Sejong có cả một khu vườn treo trải dài 2,6km, kết nối 18 cơ quan nhà nước trong khu tòa nhà chính phủ nằm bên dưới. Nếu nhìn từ trên máy bay xuống, khu vườn treo tựa như một con rồng đang uốn lượn. Khu vườn treo này cũng sẽ là một không gian mở cho cư dân Sejong.
Chú trọng không gian xanh
Sejong rất chú trọng về môi trường. Kế bên công viên là một vùng nông thôn được coi là lá phổi xanh của thành phố. Ở Hàn Quốc, các thành phố mới phải có từ 20-30% không gian xanh. “Nhưng ở đây chúng tôi có đến 52% không gian xanh” – ông Lee khoe.
Về giao thông, Sejong có đường xe buýt chạy trên cao, không vướng chút gì giao thông bên dưới. Bất cứ khu vực nào của thành phố, kể cả ga xe lửa ngoài thành phố, đều có thể đến được trong vòng 20 phút. Thành phố còn đang tính thử nghiệm cả xe điện, xe buýt điện và xe buýt không người lái. Ông Lee kỳ vọng 70% cư dân Sejong sẽ dựa chủ yếu vào phương tiện công cộng.
Rác thải được phân loại thành rác thực phẩm và rác phi thực phẩm. Rác được đưa bằng các máng trượt trong ống chạy dưới các làn xe buýt đến một khu phức hợp phân loại chất thải tự động, sau đó tái chế thành năng lượng cung cấp cho các nhà máy điện sinh học.
Ngoài ra, khoảng 4km đường xe đạp được gắn các tấm pin năng lượng mặt trời, cung cấp điện đủ cho 1.800 hộ gia đình. Các cư dân cũng có thể đến thẳng những ngọn đồi để lấy nước ở các trạm cung cấp nước suối thiên nhiên.
Hấp dẫn như vậy nhưng Sejong có một việc chưa làm được: thuyết phục thêm dân đến sinh sống. Quận thương mại của Sejong vẫn đìu hiu, đặc biệt là khi so sánh với Seoul. “Ở Seoul người ta có thể đi la cà và chè chén. Nhưng chúng tôi thiên về gia đình và thiên nhiên hơn. Các bà nội trợ sẽ thích điều này” – ông Lee nói.
Tuy nhiên, đối với những ai đã có gia đình, lựa chọn đến Sejong là một quyết định khó khăn. Ai chưa có gia đình thì lo ngại đến Sejong sẽ khó kiếm bạn đời. Thật ra nhiều người vẫn bị cảm giác “lưu vong” khi đến Sejong vì bị cắt đứt với thông tin và các mối liên hệ ở Seoul. Do đó, nhiều cơ quan vẫn duy trì một “văn phòng liên lạc” ở thủ đô. Nhà nghiên cứu Kim Ji Yoon thuộc Viện Asan giải thích thêm: “Không phải ai cũng muốn đến Sejong. Các quan chức chính phủ gặp nhiều vấn đề như việc phải đến Seoul họp rồi chạy về”.
Theo Straits Times, bị gọi đùa là “Cộng hòa Seoul”, thủ đô Hàn Quốc và vùng phụ cận là nơi sinh sống của một nửa dân số 50 triệu người của nước này và là nơi có phần lớn tài sản quốc gia. Seoul từng là nơi đặt 346 trong tổng số 410 cơ quan chính phủ. Nhưng hiện các cơ quan này đang tản mác khắp đất nước. Chỉ 175 cơ quan còn duy trì tại thủ đô và chưa có kế hoạch nào đặt ra cho việc di dời các cơ quan này. |
VIỆT PHƯƠNG