Làm sách giáo khoa, chuyện như đùa: Toàn ngược đời
Nếu không qua lời kể của những người trong cuộc và có trách nhiệm, không thể hình dung được sách giáo khoa viết cho hàng triệu học sinh, là tài liệu học tập chính thống, duy nhất hiện nay, được viết trong những tình huống hết sức lạ lùng, ngược đời.
Làm sách giáo khoa, chuyện như đùa: Toàn ngược đời
Nếu không qua lời kể của những người trong cuộc và có trách nhiệm, không thể hình dung được sách giáo khoa viết cho hàng triệu học sinh, là tài liệu học tập chính thống, duy nhất hiện nay, được viết trong những tình huống hết sức lạ lùng, ngược đời.
|
>> Làm sách giáo khoa, chuyện như đùa (kỳ 1)
Chưa có chương trình chuẩn đã viết SGK
Chương trình chưa ổn định là nguyên nhân khiến việc viết sách giáo khoa (SGK) có nhiều bất cập. Cố GS Phan Trọng Luận, Tổng chủ biên SGK Ngữ văn (chương trình nâng cao), từng cho rằng khi bắt tay viết sách mà vẫn còn nhiều vấn đề của chương trình chưa thống nhất. Ông kể: “Ví dụ có quan điểm cho rằng ở phổ thông chỉ dạy văn bản mà thôi, trái lại có người cho rằng phải dạy tác giả. Tranh luận đến mấy buổi cuối cùng phải biểu quyết: có dạy tác giả hay không? Nhất trí là có dạy nhưng chọn những tác giả nào. Thế là lại biểu quyết. Rồi chọn tác phẩm cũng không đơn giản. Trường hợp tranh luận gay gắt không xong lại tìm đến phương án thỏa hiệp”.
Những người tham gia biên soạn chương trình – SGK còn cho biết thời gian xây dựng chương trình quá ngắn, chỉ vỏn vẹn 3 tháng; số lượng người tham gia biên soạn cũng chỉ bằng khoảng 1/3 so với người viết SGK (3 người/môn).
Hợp thức hóa quy trình
Trong một lần phát biểu về SGK hiện nay, ông Ngô Trần Ái, Tổng giám đốc NXB Giáo dục VN, nhận định: “Ban đầu chỉ mới có chương trình khung, các tác giả SGK đã đắp “xương thịt” cho nó. Sau khi SGK ra đời, những người làm chương trình mới dựa vào đó để xây dựng chương trình chuẩn. Chính vì quy trình ngược này nên thường xuyên có sự bất đồng quan điểm giữa tác giả viết sách với tác giả chương trình”.
|
GS Nguyễn Khắc Phi, nguyên Tổng biên tập NXB Giáo dục VN, giải thích thêm: “Chương trình thí điểm có trước SGK thí điểm nhưng chương trình hoàn thiện rõ ràng là có sau SGK – ít nhất là ở cấp THCS – nên tác giả chương trình lệ thuộc nhiều vào tác giả SGK, trong khi lẽ ra phải ngược lại. Chuẩn chương trình làm sau chương trình… người ta nói Bộ GD-ĐT làm ngược là như vậy”.
Chẳng hạn với môn ngữ văn, theo GS Phi, cái “ngược” còn thể hiện ở chỗ đội ngũ tác giả viết SGK nhìn chung mạnh hơn lực lượng làm chương trình, làm chương trình mạnh hơn viết chuẩn chương trình, viết chuẩn chương trình mạnh hơn viết hướng dẫn thực hiện chuẩn chương trình…
GS Trần Đình Sử, Tổng chủ biên SGK Ngữ văn nâng cao, cũng bức xúc: “Nhờ SGK mà có chương trình chuẩn. Tức chương trình đó không có tác dụng chỉ đạo gì cả mà chỉ có tác dụng hợp thức hóa quy trình làm chương trình – biên soạn SGK”.
“Kêu đâu chữa đó”
Làm chương trình theo kiểu “cắt khúc”, mỗi chương trình ở một thời điểm khác nhau và không có “tổng công trình sư” là nguyên nhân quan trọng khiến chương trình – SGK hiện hành không có tính liên thông giữa từng cấp học.
Đánh giá mới đây nhất về chương trình – SGK hiện hành, Bộ GD-ĐT thừa nhận: “Việc xây dựng chương trình còn làm theo kiểu cắt khúc: cấp tiểu học được tiến hành năm 1996, THCS năm 1998 nhưng đến năm 2000 mới xây dựng đề án tổng thể về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông”.
TS Nguyễn Huy Đoan, chủ biên một số SGK toán, kể: “Sau khi hoàn thiện SGK, đem ra giảng dạy, thậm chí đã giảng dạy đại trà rồi thì Viện Khoa học giáo dục VN mới được Bộ giao nhiệm vụ “xâu lại”… chương trình của 3 cấp với nhau”. TS Đoan nhận định: “Đấy là việc làm đã rồi chứ không phải việc làm khoa học”.
GS Trần Đình Sử cũng cho biết câu chuyện tương tự với môn văn. Ban đầu chương trình của ngữ văn THPT tách rời với chương trình tiểu học và THCS. Do yêu cầu phải hợp nhất nên dù SGK đã dạy rồi mới soạn thảo một chương trình gọi là Chương trình giáo dục ngữ văn từ lớp 1 đến lớp 12. Viện Khoa học giáo dục VN có nhiệm vụ làm chương trình gộp lại đó. “Họ làm rất cơ giới, họ chỉ ghép lại trong một cái khung bao gồm 12 năm. Họ thấy tác giả nào xuất hiện nhiều quá thì bớt đi, đưa tác giả khác vào”, GS Sử nói.
Nhiều ý kiến cho rằng cách làm này của Bộ chỉ mang tính chất đối phó chứ thực tế hơn chục năm thay sách cho thấy học sinh từ tiểu học lên THCS luôn bị sốc vì chương trình không có tính liên thông; còn từ THCS lên THPT lại… nhàm chán vì nhiều kiến thức ở THPT đã được học từ THCS rồi.
Nhìn lại hơn chục năm thay sách, GS Nguyễn Minh Thuyết, tổng chủ biên một số SGK, nhận định: “Bộ thường bị động trước dư luận, xử lý theo cách “kêu đâu chữa đó”, càng làm cho dư luận cảm thấy bất an”.
Nội dung SGK và chương trình chưa thống nhất Sau 3 năm thay SGK bậc THPT, Bộ GD-ĐT đánh giá: Việc chỉ đạo biên soạn chương trình song song với SGK nên có những nội dung trong SGK và trong chương trình chưa thống nhất, đặc biệt là chương trình SGK bậc THCS, do đó triển khai thực hiện còn vướng mắc; xây dựng nội dung và biên soạn SGK theo hướng giảm kiến thức hàn lâm, tăng tính thực hành còn lúng túng, chưa cụ thể ở các môn học. Chưa có một tổ chức khoa học độc lập nào tham gia đánh giá chương trình – SGK một cách nghiêm túc, khoa học.
|
Tuệ Nguyễn – Lê Đăng Ngọc