09/01/2025

Vô tư… mượn tên

Lấy tên của người khác “gắn” vào trường mình, tuyển giảng viên cơ hữu nhưng không kiểm tra kỹ dẫn đến một giảng viên đứng tên ở nhiều trường khác nhau… là chuyện thường thấy ở các trường hiện nay.

Vô tư… mượn tên

Lấy tên của người khác “gắn” vào trường mình, tuyển giảng viên cơ hữu nhưng không kiểm tra kỹ dẫn đến một giảng viên đứng tên ở nhiều trường khác nhau… là chuyện thường thấy ở các trường hiện nay.

Có trường danh sách giảng viên cơ hữu gần 400 người thì hơn 300 giảng viên trùng với tên giảng viên các trường khác. Đây mới là số lượng trùng họ và tên, còn để xác nhận xem có đúng một giảng viên đứng tên nhiều trường, chuyên viên Vụ Giáo dục ĐH sẽ phải kiểm tra thêm về năm sinh, trình độ, chuyên ngành… Phần khoanh tròn trong ảnh là thể hiện số trường có tên giảng viên cơ hữu trùng nhau - Ảnh: Ngọc Hà 

Để đáp ứng điều kiện về đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ theo quy định, nhiều trường ĐH đã lấy tên cả hiệu trưởng của trường ĐH tên tuổi khác vào làm giảng viên cơ hữu của trường mình.

Chỉ vài thao tác nhấp chuột đơn giản trên phần mềm do Vụ Giáo dục ĐH – Bộ GD-ĐT, hàng loạt cái tên giảng viên trùng nhau cùng lúc ở nhiều cơ sở đào tạo đã hiện ra.

“Mượn” tên… người nổi tiếng

 

“Việc mượn tên các giảng viên đã xảy ra từ rất lâu rồi. Khi lập danh sách giảng viên (nhất là tiến sĩ) để lập trường, nhiều trường tư thục đều lấy tên của các tiến sĩ (chủ yếu từ khối công lập), mà có khi chính các tiến sĩ đó cũng không biết. Trong quá trình hoạt động sau này cũng vậy, có khi tên giảng viên dạy môn A là tiến sĩ X, nhưng ông/bà X chỉ dạy vài giờ đầu, vài giờ cuối, hoặc thậm chí không dạy mà người khác dạy”.

PGS.TS NGUYỄN HỘI NGHĨA

 

 Cách mà các trường này thường làm là “nhờ” tiến sĩ ở trường khác tham gia hội đồng khoa học nhà trường và đưa vào danh sách giảng viên cơ hữu nhưng thực chất họ không hề giảng dạy giờ nào.

“Đó là chưa kể trước đây khi báo cáo về đội ngũ giảng viên để hợp thức hóa, các trường thường không nói rõ chuyên ngành gì, tốt nghiệp từ trường nào. Vì thế khi Bộ GD-ĐT xác minh lại thì lòi ra không ít tiến sĩ các chuyên ngành quản lý, trong khi rất nhiều ngành đào tạo không có tiến sĩ đúng chuyên ngành” – vị GS này nói.

Đặc biệt, cơ sở dữ liệu này đã lộ sáng nhiều chiêu trò “làm phép”, biến hóa số lượng giảng viên một cách không bình thường.

Trong hai lần báo cáo cách nhau chỉ vài tháng, một trường ĐH đã khiến chính Bộ GD-ĐT… choáng váng khi báo cáo ban đầu chỉ có chưa đến 40 giảng viên, mà báo cáo sau đó đã bổ sung vội vã để tăng lên đến gần… 200 người.

Giảng viên cơ hữu ở 5 trường

Nhiều TS, PGS, GS lại có tên cùng lúc ở 4-5 trường ĐH khác nhau. TS D. có tên trong danh sách giảng viên cơ hữu của một loạt trường như ĐH Tài chính – marketing, ĐH Phan Thiết (với chức vụ phó trưởng khoa quản trị kinh doanh), ĐH Công nghệ Sài Gòn, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Thủ Dầu Một…

PGS P. có tên trong danh sách các trường ĐH Bình Dương, ĐH Bà Rịa – Vũng Tàu, ĐH Lạc Hồng, ĐH Tài chính – marketing… Cơ sở dữ liệu này còn cho thấy sự thiếu hụt thấy rõ giảng viên có trình độ tiến sĩ ở một số ngành đào tạo, trong đó có sự thiếu hụt nặng nề ở các ngành đào tạo văn hóa – nghệ thuật.

Với trường hợp TS D., theo TS Trần Ái Cầm – phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, TS D. đã cộng tác với trường từ năm 2010 và có ký hợp đồng. Nhưng vừa qua khi trường nộp hồ sơ xin mở ngành quản trị khách sạn, Bộ GD-ĐT phản hồi lại giảng viên này đang là giảng viên cơ hữu của trường khác.

Khi nhà trường mời lên làm việc, bà D. đã xác nhận sự việc trên là đúng. Đến ngày 10-4 bà D. nộp đơn xin nghỉ việc tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành và đã được chấp thuận.

Trong khi đó khi chúng tôi xác minh tại Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn, ThS Lê Thị Ngọc Phượng, trưởng phòng đào tạo, cho hay nhà trường ra quyết định tuyển dụng TS D. vào tháng 11-2013.

Sau hai tháng nhà trường ký hợp đồng chính thức, khi đóng bảo hiểm thì phát hiện bà D. có một sổ bảo hiểm khác nữa. “Mới đây bà D. đã làm đơn xin rút không tham gia làm giảng viên cơ hữu nữa” – bà Phượng cho biết.

Một lãnh đạo Trường ĐH Tài chính – marketing cho hay ngay sau khi nhận được thông tin từ Bộ GD-ĐT về việc giảng viên – là TS D. – đang có tên trong danh sách giảng viên cơ hữu của nhiều trường, nhà trường đã yêu cầu giảng viên này giải trình.

Theo đó, TS D. cho biết trước đây có làm giảng viên thỉnh giảng với các trường trên và hiện chỉ công tác chính thức tại Trường ĐH Tài chính – marketing. Lãnh đạo nhà trường đã đưa cho chúng tôi xem giấy xác nhận bà D. không còn là giảng viên cơ hữu của các trường trên (do chính các trường cấp).

Trong khi đó với trường hợp PGS P., đại diện lãnh đạo Trường ĐH Lạc Hồng cho biết thực tế PGS P. trước đây từng “cộng tác” nhiều năm làm giảng viên với trường này.

“Dù là giảng viên cơ hữu của trường nhưng cô P. không đòi hỏi lương và nhà trường chỉ trả thù lao đứng lớp (?)” – một cán bộ nhà trường nói.

Trong khi đó báo cáo về đội ngũ giảng viên cơ hữu của Trường ĐH Lạc Hồng gửi Bộ GD-ĐT hồi tháng 6-2013 vẫn có tên PGS P.. Nhưng sau đó vì lý do cá nhân nên PGS P. không tham gia giảng dạy ở trường nữa.

Tiến sĩ đào tạo từ nước ngoài: không kiểm định

PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa – phó giám đốc ĐHQG TP.HCM – cho rằng việc đào tạo tiến sĩ trong nước hiện không theo kịp nhu cầu của xã hội. Nhiều nguyên nhân dẫn đến việc số lượng nghiên cứu sinh trong nước không đủ nhiều, do chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ theo quy định có tính cào bằng.

Nhiều PGS, GS không nghiên cứu, không có đề tài nên không đăng ký nhận nghiên cứu sinh. Hiện nay khá nhiều nghiên cứu sinh là quan chức làm xong tiến sĩ không ở lại trường mà ra ngoài hệ thống giáo dục.

Số tiến sĩ ngoài ngành giáo dục rất đông. Nhiều tiến sĩ bỏ trường ra ngoài kiếm sống và cũng có nhiều tiến sĩ ra nước ngoài sinh sống.

Ông Nghĩa cho rằng: “Các trường cũng không mặn mà tuyển nghiên cứu sinh lắm, vì học phí không cao nếu thu đúng quy định, quản lý phức tạp, nhiều yếu tố cần theo dõi…”.

Vì thế các trường hiện tập trung săn tìm những tiến sĩ sắp đến tuổi nghỉ hưu để tuyển dụng làm giảng viên cơ hữu.

Theo lãnh đạo nhiều trường ĐH ngoài công lập, đây là nguồn tuyển dồi dào nhất và các trường đang cạnh tranh nhau để “lôi kéo” người về trường mình.

Thậm chí có những người chưa đến tuổi nghỉ hưu đã nhận được lời mời gọi hấp dẫn từ nhiều trường, trong khi họ chưa trả lời đã thấy tên xuất hiện trong danh sách giảng viên cơ hữu ở một vài trường.

Bên cạnh đó cũng có không ít trường tuyển tiến sĩ tốt nghiệp từ nước ngoài về, trong đó có cả những trường chưa được kiểm định, các chương trình liên kết đào tạo do nước ngoài cấp bằng nhưng được thực hiện bằng tiếng Việt hoặc thông qua phiên dịch.

Phó hiệu trưởng một trường ĐH ở TP.HCM cho hay trong đợt tuyển dụng giảng viên gần đây của trường, ông đã loại hàng loạt hồ sơ của các tiến sĩ ngành quản trị kinh doanh tốt nghiệp từ một trường ở Philippines do nghi ngờ chất lượng.

“Chúng tôi đã liên hệ với Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT để thẩm tra nhưng không có kết quả. Theo quy định hiện nay, muốn thẩm tra bằng của trường hợp nào thì cá nhân được cấp bằng phải nộp hồ sơ, đóng lệ phí…” – vị phó hiệu trưởng này cho biết.

Tuy nhiên, cũng theo ông, dù bị trường ông từ chối tuyển dụng nhưng các tiến sĩ này sẽ không mấy khó khăn để tìm được chỗ dạy ở trường khác. Vì trên thực tế không ít trường chỉ cần người có bằng tiến sĩ là nhận, không cần quan tâm đến việc người đó tốt nghiệp từ đâu…

NGỌC HÀ – TRẦN HUỲNH