09/01/2025

“Mắt thần” quan sát khu dân cư

Để tăng cường việc giám sát an ninh trật tự, công an nhiều phường ở TP.HCM đã vận động người dân góp tiền trang bị hệ thống camera theo dõi tại khu vực mình đang sinh sống.

“Mắt thần” quan sát khu dân cư

Để tăng cường việc giám sát an ninh trật tự, công an nhiều phường ở TP.HCM đã vận động người dân góp tiền trang bị hệ thống camera theo dõi tại khu vực mình đang sinh sống.

Hệ thống camera giám sát tại các khu dân cư truyền hình ảnh về khu trung tâm đặt tại Công an P.12, Q.Gò Vấp được lực lượng trực ban tại phường theo dõi - Ảnh: Q.Khải 

Hệ thống camera này được kết nối với “trung tâm chỉ huy” là công an phường. Đây được coi là “mắt thần” giúp phát hiện để xử lý kịp thời từ những vụ gây rối trật tự đến tình trạng trộm, cướp giật xảy ra từ ngoài đường đến các ngõ hẻm. Mô hình này đã được triển khai tại P.12 (Q.Gò Vấp) và P.13 (Q.3).

“Nghe rõ trả lời”, “Nghe rõ”…

 

Camera và bộ đàm

Trên địa bàn P.12 (Q.Gò Vấp) trang bị 90 camera với 25 đầu thu tại 25 khu dân cư và tuyến hẻm, 38 máy bộ đàm trang bị cho 16 tổ dân phố. Tổng chi phí khoảng 350 triệu đồng, trong đó người dân đóng góp 300 triệu đồng. Tại P.13 (Q.3) có ba hẻm được gắn camera với số tiền 130 triệu đồng từ đóng góp của người dân. Tất cả đầu thu của camera đều được kết nối về màn hình giám sát tại công an phường.

Tại các khu dân cư được gắn camera, người dân có thể dùng điện thoại, laptop, tivi cài đặt phần mềm để quan sát, khi phát hiện người khả nghi, trộm, cướp giật thì gọi trực tiếp về phường. Phường sẽ dùng hệ thống bộ đàm, điện thoại cử ngay lực lượng bảo vệ dân phố và công an khu vực gần nhất tới hiện trường hỗ trợ xử lý.

 

“Quang Trung gọi chốt 1, nghe rõ trả lời. Hiện có một đối tượng khả nghi ở hẻm Cây Mai, chốt 1 triển khai kiểm tra” – giọng khẩn trương của trung tá Lê Thành Hưng, trưởng Công an P.12 (Q.Gò Vấp), nói qua bộ đàm. “Chốt 1 nghe rõ”, tiếng từ bộ đàm đáp lại. Quan sát qua màn hình rộng đặt tại trụ sở Công an P.12, chúng tôi thấy một người đeo khẩu trang, đội mũ lưỡi trai đang ngó nghiêng trong hẻm.

Ngay sau đó, xe máy chở hai bảo vệ tổ dân phố đến, một bảo vệ dân phố xuống xe “áp sát” để hỏi chuyện người này. Không có sự chuẩn bị trước nhưng thời gian từ lúc trung tá Hưng gọi bộ đàm đến lúc bảo vệ tổ dân phố xuất hiện tại hiện trường đúng 1 phút 30 giây. Đây là quy trình kiểm tra an ninh trật tự thông qua hệ thống camera giám sát đặt tại khu dân cư được Công an P.12 triển khai từ tháng 8-2013 đến nay.

Trước đây tình hình an ninh trật tự trên địa bàn P.12 phức tạp, có hơn 1.000 hộ cho thuê nhà trọ, tình trạng trộm cắp, gây rối, đánh nhau tại các khu nhà trọ này xảy ra thường xuyên. “Trong khi đó, tại một số công ty, cơ sở có gắn camera giám sát thì tình hình an ninh lại rất tốt. Từ đó, tôi mới nảy ra ý tưởng lắp đặt camera để giám sát tình hình an ninh trật tự tại các khu dân cư phức tạp. Đến nay đã có 24 khu dân cư, phòng trọ, một số tuyến hẻm đã được lắp đặt camera giám sát này, trật tự trên địa bàn phường ổn định thấy rõ. Nhiều khu dân cư khác đang đăng ký gắn mới hệ thống camera này” – trung tá Hưng kể lại ý tưởng gắn “mắt thần” tại địa bàn.

Trung tá Hưng nói từ khi lắp camera tại khu dân cư, lực lượng P.12 đã phá án một vụ trộm cắp và ngăn chặn kịp thời một vụ “dằn mặt” suýt xảy ra ẩu đả của sáu tay anh chị với một hộ dân trên địa bàn…

Công an P.13 (Q.3) cũng đã triển khai gắn camera tại các hẻm “nóng” về tệ nạn trộm, cướp giật như hẻm 339, 351, 359 đường Lê Văn Sỹ. Theo đại úy Trần Hữu Phúc – phó trưởng Công an P.13, thống kê trong thời gian ngắn của năm 2012 tại khu vực các hẻm trên xảy ra bốn vụ trộm cắp, hai vụ cướp giật. Từ khi có hệ thống “mắt thần”, tại khu vực trên không xảy ra trộm cắp nhưng vẫn xảy ra bốn vụ cướp giật, tuy nhiên 3/4 vụ đã được Công an P.13 phá án. Trong đó có những người khi bị bắt dẫn giải về phường vẫn còn ngơ ngác không biết lý do vì sao bị phát hiện, nhưng khi được cho xem lại hệ thống camera thì đã phải nhận tội.

Tháng 10-2013, Vũ Xuân Trường sau khi giật dây chuyền của một phụ nữ trên đường Lê Văn Sỹ nhanh chóng chạy vào hẻm 339 tẩu thoát ra đường Trường Sa. Tuy nhiên hình dáng, biển số xe của Trường bị camera ghi lại và Công an P.13 đã phối hợp cùng Cảnh sát hình sự Q.3 bắt được Trường.

 

Dân đóng góp

Bà Tô Thị Mỹ Dung – chủ gần 20 phòng trọ tại đường Phan Huy Ích, P.12, Q.Gò Vấp – nhìn nhận trước đây tình trạng mất cắp laptop, điện thoại ở khu vực nhà trọ của bà xảy ra như cơm bữa. “Bởi vậy khi công an phường đến vận động gắn camera, tôi đồng ý cái rụp” – bà Dung chia sẻ. Từ khi gắn camera đến nay, tình hình trộm cắp tại khu vực nhà trọ của bà không còn xảy ra nữa.

Cả bốn góc hành lang của dãy nhà trọ đều được gia đình bà quan sát qua màn hình tivi đặt trong nhà mà không cần phải chạy tới chạy lui. Những hình ảnh này cũng được kết nối về Công an P.12, Q.Gò Vấp, nhất cử nhất động tại dãy phòng trọ đều được quan sát. Tiếp xúc những người ở trọ tại đây, họ cho biết chẳng những không phiền lòng mà ngược lại còn có cảm giác an toàn hơn.

Trung tá Lê Thành Hưng cho rằng camera giám sát không chỉ mang lại an ninh trật tự trên địa bàn được ổn định hơn mà nếp sống văn minh đô thị tại các khu dân cư, phòng trọ cũng tốt hơn. Hiện các khu vực nhà trọ, khu dân cư có gắn camera đều trưng biển thông báo: “Khu vực có gắn camera an ninh quan sát từ xa”. Chính việc công khai này như một lời nhắc nhở người dân sinh sống trong khu vực tự điều chỉnh hành vi của mình. “Người nào hay quăng rác ra đường, cho súc vật phóng uế bừa bãi phải dè chừng. Ngay cả những người hay vào khu vực này để “hành sự” cũng tìm cách tránh đi” – trung tá Hưng chia sẻ.

Ông Hòa – người dân có phòng trọ cho thuê tại tổ 50, khu phố 7 – cho biết khu vực hẻm ông đang ở là hẻm cụt, lâu lâu có một số người đến hút chích ma túy nên nhiều người dân rất lo ngại. Khi được khu phố thông báo, giải thích việc sẽ lắp camera giám sát an ninh thì ông đồng ý ngay.

Ông Nguyễn Ngọc Tùng, tổ trưởng tổ 50, cho biết nguyên tắc việc lắp đặt camera ở đây dựa trên sự đồng thuận và đóng góp của người dân. “Khu phố chỉ vận động đóng góp những hộ hưởng lợi từ việc gắn camera, nếu hộ nghèo thì không vận động, hộ nào có điều kiện và hưởng lợi nhiều hơn thì mức đóng góp cao hơn. Gắn hệ thống camera gần 10 triệu đồng, giám sát khu vực cho hơn 30 hộ, tính bình quân mỗi hộ hơn 300.000 đồng” – ông Tùng cho biết.

 

 

Sẽ nhân rộng

Đại tá Hồ Văn Hiệp, trưởng Công an Q.3, cho biết mô hình gắn camera tại một số con hẻm trên địa bàn P.13 đang được Công an TP.HCM quan tâm và đánh giá cao. Công an TP.HCM yêu cầu công an quận sơ kết báo cáo hiệu quả của mô hình này sau một thời gian thực hiện. Quận ủy, UBND Q.3 đã đề xuất với UBND các phường nhân rộng, xã hội hóa mô hình trên cho tất cả các phường còn lại trên địa bàn quận, trước tiên ở các tuyến đường giao thông.

Đại tá Huỳnh Trí Thạnh, trưởng Công an Q.Gò Vấp, cho biết công an quận đã chỉ đạo Công an P.12 báo cáo sơ kết kết quả giai đoạn 1 về mô hình gắn camera quan sát tình hình an ninh trật tự tại địa bàn. Công an quận đang khảo sát, báo cáo với Quận ủy, UBND quận để chỉ đạo UBND các phường học hỏi, rút kinh nghiệm mô hình của P.12, sau đó sẽ nhân rộng mô hình này ở 15 phường còn lại trên địa bàn quận.

ĐỨC THANH

 

 

QUANG KHẢI