“Mắt thần” của người khiếm thị
Sau nhiều năm được nghiên cứu và đến phiên bản thứ chín, từ hình dạng như chiếc mũ bảo hiểm, đến nay “mắt thần” là chiếc kính mát gọn nhẹ với người khiếm thị.
“Mắt thần” của người khiếm thị
Bà Dương Thị Thanh Loan (giữa) với chiếc “mắt thần” phiên bản mới nhất vừa được tặng - Ảnh: Q.L.
Đấy là dự án của tình yêu thương mà TS Nguyễn Bá Hải và nhiều cộng sự trẻ ở Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đã dày công nghiên cứu với mong muốn “làm điều gì đó cho người khiếm thị”.
Cảm ơn “mắt thần”
Là một trong những người sử dụng “mắt thần” từ phiên bản đầu tiên khi còn hình dạng như chiếc mũ, bà Dương Thị Thanh Loan (Chi hội Người mù Q.Thủ Đức, TP.HCM) thật thà: “Cả cái túi sau lưng nặng lắm chứ, nhưng từ hồi có nó không còn bị chui gầm xe tải nữa”. Hơn 20 năm rong ruổi bán vé số khắp nơi, không ít lần bà Loan bị u đầu sứt trán, chui cả vào gầm xe tải chở cát đang đậu bên đường. Bà nói cây gậy trong tay chỉ có thể giúp dò được vật cản, vũng nước dưới chân để tránh chứ vật cản trên cao thì chịu, sao tránh được.
Mỗi ngày đi bán trở về đầu u chỗ này, đụng chỗ kia đã là chuyện quá bình thường với bà Loan. Nhưng từ khi được tặng và đeo thử “mắt thần”, bà đã tự tin hơn trên mỗi bước đi. “Vật cản cách mấy mét là thiết bị đã nhận diện được rồi, thiết bị rung gắn trên kính sẽ rung liên hồi vậy là mình dò đường để tránh. Kết hợp với chiếc gậy nên từ hơn hai năm qua tôi không còn bị va đập nữa” – bà Loan chia sẻ.
Đọc được thông tin trên báo, mẹ cô bé Đỗ Nguyễn Anh Thư đã chủ động gọi điện cho TS Nguyễn Bá Hải. Cô bé Anh Thư được mẹ đưa đến và được anh Hải cho đeo thử thiết bị nhận diện vật cản. Và sau gần hai năm sử dụng, “mắt thần” giờ đã là bạn đồng hành không thể rời xa được của cô bé. Anh Thư vốn là học sinh Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM), hiện đang học hòa nhập với người bình thường tại Trường THCS Hoàng Văn Thụ (Q.10). “Đi lại ở trường em quen rồi, nhưng ra sân chơi với các bạn thì phải nhờ đến “mắt thần” mới tự tin, thiệt là cảm ơn “mắt thần” nhiều lắm” – Thư nói.
Trong khi đó, chàng sinh viên khiếm thị khoa ngữ văn ĐH Sư phạm TP.HCM Lê Minh Tân mong ước có được “mắt thần” để “việc đi lại ở trường đỡ vất vả hơn, đỡ làm phiền các bạn, cũng như việc đi lại khi ở trọ một mình dễ dàng hơn”. Còn thầy giáo dạy nhạc Nguyễn Văn Thanh (Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu) hào hứng: “Mình có được dùng thử “mắt thần” ít phút và thấy nó bổ sung cho khiếm khuyết của chiếc gậy, vì gậy không thể phát hiện được vật cản trên cao. “Mắt thần” đúng là rất hữu dụng với người mù chúng tôi”.
Khi yêu thương được sẻ chia
Có thể nói “mắt thần” là kết tinh của bao tấm lòng yêu thương, của suy nghĩ sống vì người khác. Ngay khi TS Nguyễn Bá Hải đặt vấn đề nghiên cứu sản phẩm này, lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đã ủng hộ hết mình. PGS.TS Đỗ Văn Dũng – hiệu trưởng nhà trường – bộc bạch: “Nhà trường luôn cổ vũ và tạo mọi điều kiện cho nhà khoa học trẻ nghiên cứu, đặc biệt cổ xúy cho tính nhân văn trong nghiên cứu khoa học, tạo ra những sản phẩm, thiết bị phục vụ cộng đồng. Phòng thí nghiệm mà thầy Hải đang làm việc đã được trang bị những thiết bị hiện đại và thậm chí còn tốt hơn khi thầy đi học tiến sĩ tại Hàn Quốc”.
Nhưng phải kể đến nhân duyên gặp gỡ giữa ông Nguyễn Hữu Quí (Công ty TNHH Kiến Bình Minh) với thầy Hải thì “mắt thần” mới có cơ hội đi xa hơn. Chính mối nhân duyên này mà đến nay “mắt thần” sau nhiều cải tiến đã gọn nhẹ như mắt kính thông thường. “Mẹ tôi từng bị mù, tôi cũng từng thử nhắm mắt để cảm nhận xem người không còn thấy ánh sáng sẽ sống như thế nào, và tôi biết tôi phải ủng hộ cho nghiên cứu này để không giúp được hết thì ít ra cũng giúp được cho một số người mù bớt bị động trong sinh hoạt hằng ngày” – ông Quí bộc bạch.
“Cha đẻ” của “mắt thần” – TS Nguyễn Bá Hải – tâm sự từng có ý định bỏ cuộc vì làm hoài vẫn chưa ra sản phẩm ưng ý. Những lúc ấy sự cổ vũ của nhà trường, các thầy cô không cho phép anh dừng lại. “Hũ dưa cà mà một cô giáo ghé vội ngang phòng trọ đưa cho tôi, hay chú Quí sẵn sàng chi kinh phí cho tôi nghiên cứu cải tiến và rất nhiều tình cảm khác. Những điều ấy giúp tôi tự tin và dốc công nghiên cứu để mỗi người mù cảm thấy cuộc sống tốt đẹp hơn nhờ có thiết bị này” – anh Hải bày tỏ.
2,3 tỉ đồng và… không bán! Ông Nguyễn Hữu Quí tiết lộ từng có đơn vị ra giá mua bản quyền nghiên cứu “mắt thần” 2,3 tỉ đồng để sản xuất sản phẩm bán ra thị trường nhưng TS Nguyễn Bá Hải không bán, mặc dù vợ chồng anh Hải vẫn ở nhà trọ suốt trong thời gian anh vừa giảng dạy vừa nghiên cứu. Tiết kiệm tối đa chi phí thì giá thành của “mắt thần” hiện nay có hai loại với giá 2,2 triệu đồng và 3,5 triệu đồng/chiếc. Ông Quí cho biết mới làm được 100 chiếc để gửi tặng, nếu so với hơn 1,2 triệu người mù cả nước thì con số này như muối bỏ bể. “Kiến Bình Minh được lập ra để theo đuổi chương trình này và hoàn toàn phi lợi nhuận. Chúng tôi đã nhận được nhiều đóng góp của các nhà hảo tâm và rất mong chờ có thêm nhiều tấm lòng mở ra để có thêm nhiều “mắt thần” cho những người mù khác” – ông Quí nói. |
QUỐC LINH