10/01/2025

Ngày thứ nhất trong tuần, ngày Đấng Phục Sinh gặp các môn đệ của mình

Buổi cử hành Phụng vụ Canh thức Phục Sinh sử dụng hai dấu chỉ hùng hồn. Trước tiên là lửa sẽ trở thành ánh sáng. Khi đoàn kiệu đi qua lòng nhà thờ ngập chìm trong bóng tối của màn đêm, ánh sáng của cây Nến Phục Sinh đã trở nên một làn ánh sáng nói với chúng ta về Đức Kitô như sao mai thực sự không bao giờ lặn mất – Chúa, Đấng Phục Sinh, mà trong Người ánh sáng đã chiến thắng bóng tối tăm.

 Ngày thứ nhất trong tuần, ngày Đấng Phục Sinh gặp các môn đệ của mình

Thánh lễ Vọng Phục Sinh
Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô 
Thứ Bảy Tuần Thánh, 23/4/2011

Anh chị em thân mến!

Buổi cử hành Phụng vụ Canh thức Phục Sinh sử dụng hai dấu chỉ hùng hồn. Trước tiên là lửa sẽ trở thành ánh sáng. Khi đoàn kiệu đi qua lòng nhà thờ ngập chìm trong bóng tối của màn đêm, ánh sáng của cây Nến Phục Sinh đã trở nên một làn ánh sáng nói với chúng ta về Đức Kitô như sao mai thực sự không bao giờ lặn mất – Chúa, Đấng Phục Sinh, mà trong Người ánh sáng đã chiến thắng bóng tối tăm. Dấu chỉ thứ hai là nước. Một mặt, nước gợi lại dòng nước của Biển Đỏ, sự suy tàn và cái chết, mầu nhiệm thập giá. Nhưng giờ đây, nước cũng được trình bày cho chúng ta như nước của một dòng suối, như một yếu tố mang lại sự sống trong nơi khô cằn. Như thế, nước trở thành hình ảnh của Bí tích Thánh Tẩy làm cho chúng ta được tham dự vào cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô.

Tuy nhiên, hai dấu chỉ lớn của công trình sáng tạo, là ánh sáng và nước, không phải là những dấu chỉ duy nhất cấu tạo nên phụng vụ Đêm Vọng Phục Sinh. Một điểm đặc trưng thiết yếu khác của đêm Vọng Phục Sinh, đó là sự kiện đêm Vọng Phục Sinh cho chúng ta nghe nhiều bài đọc Sách Thánh. Trước khi cải tổ phụng vụ có cả thảy 12 bài đọc Cựu Ước và 2 bài Tân Ước. Các bài đọc Tân Ước vẫn được giữ nguyên. Số bài đọc trong Cựu Ước được xác định lại thành 7 bài, nhưng tuỳ tình hình địa phương, cũng có thể giảm còn 3 bài. Qua một cái nhìn toàn cảnh rộng lớn, Giáo Hội muốn dẫn chúng ta vào trong lịch sử ơn cứu độ, từ việc tạo dựng vũ trụ, qua việc Chúa chọn và giải phóng dân Israel, cho đến các chứng tá của các tiên tri, và nhờ các chứng tá này, toàn bộ lịch sử ngày càng hướng về Đức Giêsu Kitô một cách rõ ràng hơn. Theo truyền thống phụng vụ, tất cả những bài đọc này đã được gọi là sấm ngữ. Ngay cả khi những lời sấm này không trực tiếp tiên báo những biến cố tương lai, nhưng những bài đọc này cũng có một đặc tính tiên tri, chúng cho ta thấy nền tảng bên trong và hướng đi của lịch sử. Qua các bài đọc này ta thấy được rõ ràng điểm chính yếu của công trình sáng tạo và lịch sử. Như thế, những bài đọc này cầm tay dẫn chúng ta đến Đức Kitô, chỉ cho chúng ta thấy ánh sáng thật.

Trong Đêm Vọng Phục Sinh, cuộc hành trình đi theo con đường Sách Thánh bắt đầu bằng trình thuật sáng tạo. Phụng vụ dùng cách này để nói với chúng ta rằng câu chuyện sáng tạo tự nó cũng là một sấm ngôn. Đây không phải là thông tin về diễn tiến bên ngoài mà theo đó vũ trụ và con người được tạo dựng. Các Giáo phụ cũng ý thức được điều đó. Các ngài không chú giải câu chuyện như một bản mô tả diễn tiến về nguồn gốc của mọi sự, mà đúng hơn như một kim chỉ điều chính yếu, chỉ sự bắt đầu thật và kết thúc của hữu thể chúng ta. Giờ đây chúng ta có thể tự hỏi: có thật sự quan trọng để nói về cuộc sáng tạo trong Đêm Vọng Phục Sinh không? Chúng ta không thể bắt đầu bằng những biến cố mà qua đó Thiên Chúa kêu gọi con người, thiết lập cho  Ngài một dân tộc và viết nên lịch sử của Ngài với con người trên mặt đất này sao? Câu trả lời phải là: không. Bỏ đi công trình sáng tạo có nghĩa là hiểu lầm về lịch sử của Thiên Chúa với con người, là giản lược lịch sử đó, là không còn thấy được trật tự cao cả đích thực của nó nữa. Phạm vi của lịch sử do Thiên Chúa thiết lập bắt nguồn từ khởi thuỷ, từ công trình sáng tạo.

Kinh Tin Kính của chúng ta bắt đầu bằng những lời sau đây: «Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất». Nếu chúng ta bỏ đi phần đầu này trong Kinh Credo (Tôi tin kính), thì toàn bộ lịch sử ơn cứu độ sẽ trở nên quá bị giới hạn và quá bé nhỏ. Giáo Hội không phải là một loại đoàn thể lo cho nhu cầu tôn giáo của con người và như thế bị giới hạn vào mục tiêu đó. Không, Giáo Hội làm cho con người tiếp xúc với Thiên Chúa và như thế, với nguyên lý của mọi sự. Chính vì thế, chúng ta gắn liền với Thiên Chúa với tư cách là Đấng Tạo Hoá và do đó chúng ta có trách nhiệm với công trình sáng tạo. Phạm vi trách nhiệm của chúng ta trải dài đến tận công trình sáng tạo, bởi vì trách nhiệm đó đến từ Đấng Tạo Hoá. Chỉ bởi vì Thiên Chúa sáng tạo mọi sự, nên Ngài có thể ban cho chúng ta sự sống và hướng dẫn cuộc đời chúng ta. Đời sống đức tin của Giáo Hội không chỉ bao gồm một loạt những cảm xúc và tình cảm và có thể những bó buộc luân lý. Đời sống đức tin ôm trọn con người trong cái toàn diện của nó, từ khởi thuỷ cho đến định mệnh vĩnh cửu của con người. Chỉ vì công trình sáng tạo thuộc về Thiên Chúa nên chúng ta mới có thể đặt trọn con người mình vào trong bàn tay của Ngài. Và chỉ vì Ngài là Đấng Tạo Hoá nên Ngài mới có thể ban cho chúng ta sự sống vĩnh cửu. Niềm vui vì công trình sáng tạo, lòng biết ơn vì công trình sáng tạo và trách nhiệm đối với công trình sáng tạo đều đi chung với nhau.

Sứ điệp trung tâm của trình thuật sáng tạo lại càng được xác định một cách rõ ràng hơn. Trong phần mở đầu Tin Mừng của mình, Thánh Gioan đã tóm tắt ý nghĩa chính của trình thuật này qua câu nói sau đây: «Từ khởi thuỷ đã có Ngôi Lời». Thật thế, trình thuật sáng tạo mà chúng ta vừa mới nghe được mô tả một cách tiêu biểu qua câu nói vẫn được lặp lại đều đặn sau đây: «Thiên Chúa phán…». Thế giới là một sản phẩm của Lời, của Logos, như Thánh Gioan diễn tả qua một từ khoá của tiếng Hy Lạp. «Logos» có nghĩa là «lý trí», «ý nghĩa», «lời». Logos không phải là lý trí đơn thuần và đơn giản, mà là lý trí sáng tạo đang nói và truyền đạt chính mình. Đó là lý trí vừa là ý nghĩa và sáng tạo ý nghĩa. Như thế, trình thuật sáng tạo nói với chúng ta rằng thế giới này là một sản phẩm của lý trí sáng tạo. Và như thế, trình thuật sáng tạo nói với chúng ta rằng ngay từ khởi thuỷ, không có cái gì mà không có lý trí, mà không có tự do, nhưng rằng nguyên lý của mọi sự là lý trí sáng tạo, là tình yêu, là tự do. Ở đây, chúng ta đang đối diện với thế đôi ngả tối hậu mang tính được thua trong cuộc tranh luận giữa đức tin và sự hoài nghi: tính phi lý, sự vắng bóng tự do và sự tình cờ phải chăng là nguyên lý của mọi sự, hay là lý trí, tự do, tình yêu là nguyên lý của mọi sự? Tối thượng quyền thuộc về tính phi lý hay thuộc về lý trí? Kết cục thì đó chính là câu hỏi mà ta phải đặt ra. Với tư cách là những người có niềm tin, dựa theo trình thuật sáng tạo và dựa theo thánh Gioan, chúng ta trả lời rằng: vào lúc khởi nguyên, đã có lý trí. Vào lúc khởi nguyên đã có tự do. Chính vì thế, được làm người là một điều hết sức tốt đẹp. Thật không đúng khi nói rằng trong vũ trụ đang phát triển, vào một giai đoạn sau đó, trong một xó xỉnh nào đó, đã tiến hoá một cách ngẫu nhiên một số loài hữu thể sống động có khả năng lý luận và cố tìm tính hợp lý trong tạo vật hay mang tính hợp lý đó vào trong tạo vật. Nếu con người chỉ là một sản phẩm ngẫu nhiên của sự tiến hoá ở một địa điểm nào đó bên lề vũ trụ, thì lúc đó, sự sống của con người sẽ không có ý nghĩa gì hay thậm chí chỉ là một sự tình cờ của thiên nhiên. Không, trái lại, lý trí đã có mặt ở đó ngay từ lúc khởi đầu, đó là lý trí sáng tạo, lý trí thần linh. Và bởi vì đó là lý trí, nên lý trí cũng đã sáng tạo ra tự do, và bởi vì người ta có thể lạm dụng tự do, nên cũng có những sức mạnh gây tai hại cho công trình sáng tạo. Chính vì thế, một màn tối dày đặc đã lan tràn, nếu ta có thể nói được như thế, qua kết cấu của vũ trụ và qua bản tính của con người. Nhưng dù cho có mâu thuẫn này, thì công trình sáng tạo theo bản tính của nó vẫn luôn tốt đẹp, sự sống vẫn luôn tốt đẹp, bởi vì ngay từ khởi nguyên đã có lý trí tốt lành, tình yêu sáng tạo của Thiên Chúa. Chính vì thế, thế giới có thể được cứu độ. Chính vì lý do đó mà chúng ta có thể và chúng ta phải đứng về phía lý trí, tự do và tình yêu – về phía Thiên Chúa là Đấng đã yêu thương chúng ta đến độ chịu đau khổ vì chúng ta, để từ cái chết của Ngài vọt lên một sự sống mới, chung cục, và được chữa lành.

Bản văn trong Cựu Ước mô tả công trình sáng tạo mà chúng ta vừa nghe chỉ cho ta thấy rõ ràng thứ tự của các thực tại này. Tuy nhiên, trình thuật này cũng đưa chúng ta tiến thêm một bước về phía trước. Trình thuật này cấu trúc tiến trình sáng tạo trong khung cảnh của một tuần lễ hướng về ngày thứ bảy là ngày hoàn thành công trình sáng tạo. Đối với dân Israel, ngày thứ bảy là ngày mà mọi người có thể được nghỉ ngơi với Thiên Chúa, ngày mà người và thú vật, chủ và tớ, người lớn và trẻ nhỏ được chia sẻ tự do của Thiên Chúa. Như thế ngày thứ bảy biểu lộ giao ước giữa Thiên Chúa, con người và toàn bộ công trình sáng tạo. Hiểu như thế thì sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người không phải là một cái gì phụ thêm, một cái gì được thêm vào sau đó cho một thế giới đã được hoàn thành. Giao ước, sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người đã được gắn liền vào tận chiều sâu thẳm nhất của công trình sáng tạo. Phải, giao ước là lý do nội tại của công trình sáng tạo, cũng như công trình sáng tạo là điều giả định ngoại tại trước của giao ước. Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ để có một chỗ cho Ngài có thể thông truyền tình yêu của Ngài và từ đó lời đáp trả tình yêu có thể đến với Ngài. Trong viễn tượng của Thiên Chúa thì quả tim con người đáp lại tình yêu Thiên Chúa thì lớn lao hơn và quan trọng hơn toàn thể vũ trụ vật chất bao la, và dĩ nhiên toàn thể vũ trụ này cho ta thoáng thấy một cái gì đó về sự cao cả của Thiên Chúa.

Tuy nhiên, lễ Phục Sinh và cảm nghiệm Phục Sinh của các Kitô hữu lại đòi chúng ta  bước thêm một bước nữa. Ngày Sabbath là ngày thứ bảy trong tuần. Sau sáu ngày là những ngày mà theo một ý nghĩa nào đó con người tham dự vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa, thì ngày Sabbath là ngày nghỉ ngơi. Nhưng một cái gì đó phi thường đã xảy ra trong thời Giáo Hội sơ khai: chỗ đứng của ngày Sabbath, ngày thứ bảy trong tuần, đã được thay thế bằng ngày thứ nhất. Là ngày của cộng đoàn phụng vụ, nên ngày thứ nhất trong tuần là ngày gặp gỡ Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô, Đấng Phục Sinh, Đấng đã gặp các môn đệ của mình vào ngày thứ nhất, ngày Chúa Nhật, sau khi họ thấy mồ trống. Cơ cấu của tuần lễ giờ đây đã bị đảo lộn. Nó không còn hướng về ngày thứ bảy  để cùng được nghỉ ngơi với Thiên Chúa trong ngày đó nữa. Nó bắt đầu bằng ngày thứ nhất được xem là ngày gặp gỡ Đấng Phục Sinh.

Cuộc gặp này lại được bắt đầu qua mỗi buổi cử hành Thánh Thể, khi Chúa lại đến giữa gia nhân của mình và tự hiến cho họ, và ta có thể nói được là để cho họ chạm đến Người, cùng ngồi ăn với họ. Sự thay đổi này thật kỳ diệu, nếu ta xem ngày Sabbath, ngày thứ bảy trong tuần là ngày gặp gỡ Thiên Chúa đã được ăn sâu vào trong Cựu Ước. Nếu chúng ta nhớ lại rằng chặng đường từ lao động đến ngày nghỉ cũng tương ứng biết bao nhịp điệu tự nhiên, thì đặc tính đầy kịch tính của khúc quanh này lại càng trở nên hiển nhiên hơn. Sự khai triển mang tính cách mạng này đã xảy ra ngay từ đầu của lịch sử Giáo Hội chỉ có thể được cắt nghĩa được bằng sự kiện là một cái gì đó hoàn toàn mới mẻ đã xảy ra trong ngày đó. Ngày thứ nhất trong tuần là ngày thứ ba sau cái chết của Đức Giêsu. Đó là ngày Người đã hiện ra cho các môn đệ của mình với tư cách là Đấng Phục Sinh. Quả thật, sự gặp gỡ này tự nó có một cái gì đó làm đảo lộn cuộc đời chúng ta. Thế giới đã thay đổi. Con người đã chết này nay đang sống một cuộc sống mà không một cái chết nào có thể đe doạ được nữa. Một hình thức sự sống mới, một chiều kích sáng tạo mới đã được khai mở.

Ngày thứ nhất, theo trình thuật của sách Sáng Thế, là ngày bắt đầu công trình sáng tạo. Giờ đây, theo một cách thế mới, nó đã trở thành ngày sáng tạo, trở thành ngày sáng tạo mới. Chúng ta cử hành ngày thứ nhất. Và khi làm như thế, chúng ta cử hành mừng Thiên Chúa, Đấng Tạo Hoá và mừng công trình sáng tạo của Ngài. Phải, tôi tin kính Thiên Chúa, Đấng tạo thành trời đất. Và chúng ta cử hành mừng Thiên Chúa là Đấng hoá thân làm người, chịu đau khổ, chịu chết, được táng xác và sống lại. Chúng ta cử hành mừng cuộc chiến thắng sau cùng của Đấng Tạo Hoá và của công trình sáng tạo của Ngài. Chúng ta cử hành ngày hôm nay như khởi nguyên và đồng thời như cùng đích của cuộc đời chúng ta. Chúng ta cử hành mừng ngày hôm nay, bởi vì giờ đây, nhờ Đấng Phục Sinh, ta đã thấy được một cách dứt khoát rằng lý trí mạnh hơn tính phi lý, chân lý mạnh hơn sự dối gian, tình yêu mạnh hơn cái chết. Chúng ta cử hành ngày thứ nhất trong tuần, bởi vì chúng ta biết rằng vệt tối xuyên qua công trình sáng tạo sẽ không còn hiện diện nữa. Chúng ta cử hành ngày thứ nhất trong tuần, bởi vì chúng ta biết rằng những chữ trong phần kết của trình thuật sáng tạo đã hoàn toàn được ứng nghiệm: «Thiên Chúa thấy tất cả những gì Ngài đã làm đều hết sức tốt đẹp» (St 1,31). Amen.