26/11/2024

4 nguyên nhân của “xấu xí”

Cộng đồng nào trên thế giới cũng có những thói hư tật xấu, do vậy dân tộc nào cũng có truyện tiếu lâm tự giễu mình. Nhưng người Việt mình có nhiều tính xấu nổi trội và trong những năm gần đây lại được tô đậm hơn.

4 nguyên nhân của “xấu xí”

Cộng đồng nào trên thế giới cũng có những thói hư tật xấu, do vậy dân tộc nào cũng có truyện tiếu lâm tự giễu mình. Nhưng người Việt mình có nhiều tính xấu nổi trội và trong những năm gần đây lại được tô đậm hơn.

Tinh thần samurai đã được Nhật Bản chuyển giao như một “báu vật” truyền đời. Trong ảnh: người dân Nhật xếp hàng chờ nhận thực phẩm sau cơn sóng thần tháng 3-2011 - Ảnh: Reuters 

Để lý giải thấu đáo điều đó, cần có những công trình nghiên cứu dài hơi. Bài viết của PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, phó chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị TP.HCM, chỉ như một gợi mở cùng bạn đọc.

1. Di sản đạo đức không kết thành một khối từ quá khứ đến hiện tại

 

“Một triều đại mới bắt đầu là một sự thay đổi tận gốc rễ, nhiều “nguyên khí quốc gia”, nhiều tư tưởng lớn bị phế bỏ chỉ vì không cùng “nhóm”, có phải vậy mà giá trị, chuẩn mực đạo đức truyền thống truyền đến hôm nay chỉ còn là những mảnh ghép rời rạc”

 

Đến Nhật Bản mới thấy nhiều điều khác lạ so với ta. Thời đại nào mà chả có xung đột, có chiến tranh, nhưng những gì được coi là giá trị thì họ tìm cách bảo lưu bất kể ai sản sinh ra, cho dù chủ nhân từng là kẻ tử thù của mình. Do vậy nên những công trình kiến trúc từ thời Nara (710-794) vẫn còn được lưu giữ đến hôm nay. Những giá trị về danh dự, lòng tự trọng, lòng trung thành, tôn ti trật tự, ban đầu là tài sản của tầng lớp tinh hoa như shogun, daimyo, samurai, nhưng dần lan tỏa thành tài sản chung của toàn xã hội. Chính bởi vậy mà lịch sử văn hóa, giáo dục, đạo đức và nghệ thuật là một dòng chảy liền mạch không một lần đứt gãy và thấm sâu bền chắc vào tâm thế của mỗi người dân.

Có thấu hiểu điều này mới lý giải được “thần kỳ Nhật Bản” trong cơn sóng thần ngày 1-3-2011 làm hơn 20.000 người chết và mất tích, nhiều thành phố, làng mạc bị tàn phá vậy mà không cướp bóc, không giết người, xã hội tự duy trì trật tự trong rối loạn. Ai cũng cố gắng chịu đựng, tự nguyện giành phần khó về mình, tinh thần của samurai được tỏa sáng trong khốn khó.

Trong khi ở nước ta, các giá trị đạo đức, văn hóa không được chuyển giao như một báu vật truyền đời. Trong diện tích vẻn vẹn chỉ 1,8 ha ở Hoàng thành Thăng Long mà có đến bốn, năm cơ tầng văn hóa của các triều đại chồng lên nhau. Tự hỏi sau khi đoạt quyền, soán ngôi, tại sao các triều đình sau không sử dụng lại hoàng cung đã có hoặc nếu không thích thì xây dựng mới ở một nơi nào đó mà cứ phải đốt, phải phá, phải giết? Triều đại nhà Trần hùng mạnh lắm mới đánh bại kẻ thù khổng lồ đến ba lần, nhưng đến nay các công trình kiến trúc bị triệt phá hết, còn kinh sách, triết thuyết cũng đi đâu hết cả. Một triều đại mới bắt đầu là một sự thay đổi tận gốc rễ, nhiều “nguyên khí quốc gia”, nhiều tư tưởng lớn bị phế bỏ chỉ vì không cùng “nhóm”, có phải vậy mà giá trị, chuẩn mực đạo đức truyền thống truyền đến hôm nay chỉ còn là những mảnh ghép rời rạc, không phải là một khối toàn bích được thử thách qua năm tháng.

2. Không trải qua những hình thái lịch sử hình thành nên tính cách cộng đồng

VN là một trong số không nhiều các quốc gia có sự phát triển không bình thường về hình thái kinh tế – xã hội. Kỷ luật roi vọt của chiếm hữu nô lệ và kỷ luật đói rét của lao động công nghiệp tư bản buộc các quốc gia – dân tộc phải trở thành một dân tộc có một kỷ luật. Do không trải qua hai hình thái này mà chúng ta không có thói quen tôn trọng và thực thi pháp luật, là những người lề mề, thất tín, hời hợt, đại khái, ngẫu hứng, kém kỷ luật, trung thành thấp…

VN cũng không trải qua một phương thức sản xuất nào trọn vẹn từ đầu đến cuối, do vậy mà các chủ thể xã hội không đạt đến độ chín muồi về đạo đức, tư tưởng và triết học. Những giá trị tinh thần được coi là tài sản riêng của dân tộc chưa đủ độ định hình đông đặc đến mức không thể đập tan, không bào mòn và chưa tự động số hóa vào mỗi cá nhân và văn hóa cộng đồng. Chính vì thế mà nhóm bè phái, dòng họ mạnh hơn liên kết của cộng đồng xã hội, biểu hiện là người VN khó làm việc nhóm, khó đoàn kết toàn xã hội.

3. Không được chuẩn bị cho kinh tế thị trường

Sau gần 20 năm đói khát bởi cấm vận, khủng hoảng kinh tế, cuộc sống khốn khó đến mức làm bất cứ cái gì để tồn tại, khi xã hội chuyển từ nền kinh tế bao cấp (cũng là một trạng thái bất bình thường) sang kinh tế thị trường thì xã hội phải đối mặt với trạng thái phát triển quá đột ngột, không ai từ lãnh đạo đến người dân được chuẩn bị về tâm thế nên rơi ngay vào trạng thái bất bình thường khác. Tăng trưởng GDP lên hai con số thành mục tiêu quan trọng nhất, người dân giẫm đạp lên mọi đạo lý để kiếm tiền. Sự hoang dại của thời đói kém cộng với thứ kinh tế thị trường non yếu đã làm đậm hơn lên những tính cách xù xì, méo mó vốn có, và được bổ sung thêm những cái gớm ghiếc từ bên ngoài tràn vào. Phàm cái gì nôn nóng thì dễ hỏng, bằng chứng cho thấy tiền của nhiều hơn nhưng đạo đức suy thoái, đời sống tinh thần bị chao đảo khủng khiếp. Không ở đâu có chuyện thay vì cứu người bị nạn thì lại lao vào hôi của, nhặt tiền với một tinh thần man dại.

4. Hệ thống quản trị quốc gia chưa phải là tấm gương

Muốn hay không cũng phải nhìn nhận rằng dân tình trong một quốc gia có ra sao thì người đóng vai trò quản lý, dẫn dắt phải chịu trách nhiệm. Có một sự thật là bên cạnh những thành tựu nhất định, bộ máy quản lý nhà nước hoạt động ở một số nơi còn kém hiệu quả, vận hành làm sao mà khoảng cách giàu nghèo ngày một lớn, tham nhũng, quan quyền hưởng lợi trên sự thiệt của dân, oan sai còn nhiều, gây bất bình… Niềm tin đạo đức, công bằng, đạo lý sa sút. Phản ứng xã hội chuyển sang thành những tiêu cực như trộm cắp, tham nhũng vặt, lập băng đảng, bóp cổ khách du lịch, chích hút ma túy…

“Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, hiển nhiên là như vậy, bởi thiết chế xã hội như khuôn đúc nên con người. Nhưng hình như cái khuôn của chúng ta có vấn đề cho nên nhiều sản phẩm không dài, không tròn mà lại dị dạng.

NGUYỄN MINH HÒA