26/11/2024

Gậy thông minh

Sản phẩm do nhóm sinh viên các trường ĐH: Sư phạm, Ngoại thương và Bách khoa TP.HCM chung tay thực hiện, là tín hiệu vui cho những người khiếm thị.

 

Gậy thông minh

Sản phẩm do nhóm sinh viên các trường ĐH: Sư phạm, Ngoại thương và Bách khoa TP.HCM chung tay thực hiện, là tín hiệu vui cho những người khiếm thị.

 

Gậy thông minh 1
Nhóm SV thực hiện sản phẩm gậy thông minh – Ảnh: T.A

 

Theo Huỳnh Hữu Cảnh, cựu sinh viên (SV) Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, sở dĩ gậy thông minh này ra đời vì các công trình công cộng riêng biệt dành cho người khiếm thị hiện nay rất hạn chế, người khiếm thị gặp không ít khó khăn khi lưu thông trên đường. Gậy có nhiều chức năng, giúp những người khiếm thị chủ động và tự tin hơn trong việc di chuyển.

Nhóm SV dựa vào chuyên ngành học để phân công công việc. Nếu như Hữu Cảnh là người khiếm thị, đề xuất những mong muốn của người cùng hoàn cảnh, thì các SV Bách khoa chịu trách nhiệm thiết kế, sản xuất; còn những SV Ngoại thương khảo sát ý kiến, nghiên cứu thị trường để cùng hoàn thiện sản phẩm.

Gậy phù hợp với nhiều đối tượng, nặng chưa đến 1 kg và dài chưa đến mét rưỡi, gồm phần thân và phần điều khiển, tay cầm có gắn nắp pin (gồm hệ thống công tắc, đèn, âm thanh, dây điện, mạch điện…). Gậy có hệ thống âm thanh phát tiếng để khi gặp chướng ngại vật trên đường sẽ ra hiệu cho người dùng biết.

 

 Gậy thông minh 2
Một người khiếm thị sử dụng gậy thông minh

 

Mới đây, khi đem những gậy thông minh đến mái ấm Nhật Hồng (Q.Thủ Đức, TP.HCM) để những người khiếm thị sử dụng thử, tất cả đều vui mừng cho biết đây là lần đầu tiên họ được sử dụng một sản phẩm có tích hợp nhiều chức năng như vậy. Kích cỡ thiết kế phù hợp với sức cầm của từng đối tượng người khiếm thị, tránh được tình trạng rơi tay cầm khi di chuyển. Ngoài ra, gậy còn có nhiều ưu điểm khác như: có gắn con lăn để khi huơ gậy đỡ bị mỏi, thiết kế chia thành ba khúc, được kết nối bằng sợi dây thun nên người khiếm thị có thể tự lắp ráp khi sử dụng hoặc gấp lại khi không dùng đến một cách dễ dàng.

Hữu Cảnh cho rằng đây là một sản phẩm tiến bộ, mới mẻ và rất có ích với người khiếm thị. Anh tin không chỉ bản thân mình vui mà những người cùng cảnh ngộ có chung niềm vui này bởi lẽ sản phẩm này chưa từng được sản xuất tại Việt Nam, từ trước đến nay nếu muốn sử dụng hầu hết phải nhập từ nước ngoài với giá khá cao.

Hiện tại, nhóm SV này đang tích cực tiếp nhận những phản hồi từ người khiếm thị sau khi sử dụng thử gậy thông minh cũng như ý kiến của các chuyên gia khoa học để cho ra đời những gậy thông minh tối ưu. “Không lâu nữa sản phẩm này sẽ xuất hiện trên thị trường với giá chỉ từ 200.000 – 250.000 đồng”, Trúc Uyên, thành viên nhóm thực hiện, chia sẻ.

Trâm Anh – Nhật Hạ