10/01/2025

Bất ổn trong giáo dục đạo đức

Gia đình phó mặc cho nhà trường, còn nhà trường lại xếp giáo dục đạo đức, lối sống là môn phụ.

 

Bất ổn trong giáo dục đạo đức

Gia đình phó mặc cho nhà trường, còn nhà trường lại xếp giáo dục đạo đức, lối sống là môn phụ.

 

Ông Chu Văn Yêm, phó chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, phát biểu tại hội thảo – Ảnh: Nguyễn Khánh

 

Đó là khoảng trống được các đại biểu đề cập và thảo luận tại hội thảo giáo dục lối sống học sinh, sinh viên toàn quốc do Bộ GD-ĐT tổ chức sáng 11-4.

Rất nhiều biểu hiện tiêu cực trong lối sống của học sinh, sinh viên, trong đó có những câu chuyện mà Tuổi Trẻ đề cập gần đây như học trò nói xấu thầy cô, cha mẹ trên mạng xã hội, bạo lực học đường… được đề cập tại hội thảo cho thấy ngày càng có nhiều áp lực khiến việc giáo dục đạo đức lối sống trong các nhà trường gặp khó khăn.

Khoán trắng cho nhà trường

 

“Cần thay thế sự trừng phạt, gây tổn thương cho học sinh, sinh viên bằng các hình thức khuyến khích, động viên tích cực, tìm hiểu nguyên do để có những tác động, giúp đỡ, biến sự giáo dục thành quá trình tự nhận thức, thay đổi của các em”

Bà Nguyễn Thị Việt Hà (Viện Khoa học giáo dục VN)

 

Luôn được đặt ra như một nhiệm vụ quan trọng nhưng vấn đề giáo dục đạo đức lối sống học sinh, sinh viên trên thực tế lại chỉ là công việc phụ trong những nhiệm vụ, mục tiêu đang bị quá tải ở các nhà trường. Báo cáo khảo sát nghiên cứu của Văn phòng Chủ tịch nước do bà Nguyễn Thị Doan – phó chủ tịch nước – chủ trì, thực hiện từ tháng 4-2013 đã cho thấy có quá nhiều bất ổn trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống của học sinh, sinh viên.

TS Chu Văn Yêm, phó chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, cho biết trên cơ sở báo cáo của 30 sở GD-ĐT và kết quả khảo sát tại bảy tỉnh, thành, phát phiếu thăm dò đối với gần 300 giáo viên, trên 1.400 học sinh từ lớp 3 đến lớp 12, đoàn công tác đã có báo cáo về thực trạng đội ngũ giáo viên, chương trình, các môn học và hoạt động giáo dục, thái độ tiếp nhận của thầy, trò các nhà trường…, ở khâu nào cũng có bất ổn. Có tới 39% giáo viên cho rằng môn giáo dục công dân là môn phụ, 52% nhận xét môn học này chưa được quan tâm đúng mức. Hầu hết nhà trường, giáo viên dạy đạo đức, giáo dục công dân là kiêm nhiệm. Chương trình – sách giáo khoa môn đạo đức, giáo dục công dân không hấp dẫn, khô cứng, thời lượng dạy chính khóa quá ít, phương pháp dạy học nhìn chung không đổi mới vì không có giáo viên đào tạo bài bản và bị tư tưởng “môn phụ” chi phối. Báo cáo cho biết có 36% giáo viên cho rằng chương trình giáo dục không phù hợp với học sinh, gần 40% ý kiến khác thừa nhận phương pháp dạy học các môn đạo đức, giáo dục công dân không phù hợp.

Trao đổi thêm về kết quả khảo sát, ông Chu Văn Yêm cho biết trong khi giáo dục đạo đức, lối sống trong nhà trường còn nhiều bất cập như thế thì vẫn còn tình trạng cha mẹ “khoán trắng” cho nhà trường trong việc giáo dục con em mình, chưa thật sự cộng đồng trách nhiệm giữa gia đình, xã hội với ngành GD-ĐT. “Kết quả khảo sát cũng cho thấy có sự “suy giảm” về đạo đức, lối sống ở học sinh phổ thông theo cấp học từ thấp lên cao” – ông Yêm nói.

Khá nhiều ý kiến tại hội thảo cũng cho rằng những hoạt động ngoại khóa, những diễn đàn, sân chơi lành mạnh để học sinh, sinh viên tham gia, chia sẻ, thảo luận về suy nghĩ, thái độ, lối sống, công tác tư vấn học đường nhằm chăm sóc đời sống tinh thần cho giới trẻ hiện nay vẫn là “khoảng trống lớn”. Một phần do hoạt động “dạy chữ”, áp lực thi cử, bằng cấp choán hết thời gian trong các nhà trường hiện nay. Không ít hoạt động cho thanh thiếu niên chỉ mang tính hình thức, phong trào, nhàm chán, không thu hút giới trẻ, hoặc chỉ được đón nhận bằng cách hành động đối phó.

Cha mẹ bắt con buôn lậu, làm hàng giả

Theo TS Nguyễn Đắc Hưng – vụ trưởng Vụ Giáo dục và đào tạo, dạy nghề, Ban Tuyên giáo trung ương, bất luận thời nào giáo dục gia đình vẫn là cốt lõi, là yếu tố quan trọng nhất trong việc hình thành nhân cách, lối sống của học sinh. Trong khi đó cuộc sống hiện đại với nhiều tác động tiêu cực đã và đang khiến nền tảng gia đình có vấn đề bất ổn. Tình trạng cha mẹ mải làm ăn không quan tâm tới con cái, những gia đình khá giả xem việc cung ứng vật chất là cách chăm lo cho con, đời sống tinh thần của thanh thiếu niên ngày càng trở nên nghèo nàn, nhiều đứa trẻ thiếu thốn sự chia sẻ, tư vấn, định hướng cần thiết của cha mẹ.

Chia sẻ quan điểm này, ông Nguyễn Hiệp Thống – phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội – nói: “Việc nêu gương của người lớn nói chung và cha mẹ với con cái nói riêng vô cùng quan trọng. Tuy nhiên chỉ cần tìm hiểu thông tin hằng ngày cũng thấy giật mình khi có những phụ huynh bắt con cùng tham gia làm hàng giả, buôn lậu, cha mẹ không hạnh phúc thể hiện lối sống thiếu lành mạnh, thực hiện nhiều hành vi tiêu cực, không chấp hành pháp luật trước mặt con. Như mưa dầm thấm lâu, những tiêu cực và sự xao nhãng quan tâm tới con cái trong mỗi gia đình đang là cản trở lớn nhất khiến việc giáo dục đạo đức, lối sống học sinh, sinh viên gặp khó khăn”.

Ông Ngũ Duy Anh, vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên – Bộ GD-ĐT, cũng chỉ ra những nguyên nhân cụ thể từ gia đình, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vào khía cạnh bạo lực gia đình, sự thiếu hiểu biết và quan tâm đúng mức của các bậc cha mẹ và hệ lụy của tình trạng cha mẹ ly hôn…

Những thói xấu học được từ người lớn khiến một bộ phận thanh thiếu niên mất niềm tin vào những điều tốt đẹp, tìm đến sự lựa chọn ích kỷ, hưởng thụ, thiếu lý tưởng sống lành mạnh. Đặc biệt là nhu cầu chia sẻ, giải tỏa, tư vấn về tinh thần không được đáp ứng đúng mức. Trong khi đó nhiều tác động khách quan từ xã hội lại càng đẩy giới trẻ theo hướng tiêu cực.

Xã hội cập nhật thông tin với tốc độ ngày càng nhanh nhưng lại thiếu những “bộ lọc” cần thiết giúp giới trẻ hiểu được những giá trị sống đích thực cũng là lý do sinh ra nhiều tiêu cực. Đặc biệt những tiêu cực có tính lây lan nhanh trên diện rộng như tình trạng nói xấu cha mẹ, thầy cô trên Facebook, lan truyền những thông tin, hình ảnh bạo lực, thiếu lành mạnh.

VĨNH HÀ

 

 

Phải xem đạo đức là môn đặc thù

Cần thống nhất nhận thức coi môn đạo đức/giáo dục công dân là môn học đặc thù, quan trọng bởi tính chất đặc biệt của môn học trong việc góp phần giáo dục, đào tạo con người, từ đó có chính sách phù hợp dành cho môn đạo đức/giáo dục công dân cũng như hỗ trợ đời sống giáo viên (giống như chính sách hiện nay dành cho giáo viên dạy chính trị hoặc giáo viên kiêm tổng phụ trách, giáo viên môn giáo dục quốc phòng – an ninh và thể dục).

(trích báo cáo của  Văn phòng Chủ tịch nước)