11/01/2025

Chen lấn, đội giá ở lễ hội đền Hùng

Cảnh tượng chen lấn, xô đẩy, dịch vụ “chặt chém” cùng với những hình ảnh phản cảm vẫn tái diễn trong lễ hội đền Hùng năm nay.

 

Chen lấn, đội giá ở lễ hội đền Hùng

Cảnh tượng chen lấn, xô đẩy, dịch vụ “chặt chém” cùng với những hình ảnh phản cảm vẫn tái diễn trong lễ hội đền Hùng năm nay.

 

Chen lấn, đội giá ở lễ hội đền Hùng
Chen lấn, xô đẩy trong dòng người dâng lễ lên đền Hùng – Ảnh: Nguyễn Tuấn

 

Lả người vì chen lấn

Hôm qua (9.4) là ngày cuối trong dịp giỗ Tổ đền Hùng nên lượng du khách rất đông. Ông Hoàng Phú Hòa, Trưởng phòng Tổ chức – hành chính khu di tích đền Hùng, Phú Thọ, cho biết ước tính từ ngày 6.3 âm lịch, đã có khoảng 7 triệu lượt người, trong đó tính riêng trong ngày hôm qua có gần 2 triệu lượt du khách hành hương về đất Tổ.

Do thời tiết thuận lợi nên từ 6 giờ sáng, dòng người đi lễ đã nối dài từ khắp các nẻo đường tới chân núi Nghĩa Lĩnh. Trên tay ai cũng lỉnh kỉnh xôi, gà, hoa tươi dâng lên vua Hùng với tất cả tấm lòng thành kính. Nhiều người ở xa thuê trọ gần đền, thức dậy từ nửa đêm để chuẩn bị lễ vật, tờ mờ sáng đến sân đền chờ đợi tới giờ lên đền làm lễ sớm.

Đúng 8 giờ 30, sau màn rước nghi lễ thắp hương dâng lễ vật tưởng nhớ vua Hùng, ban tổ chức mở hàng rào sắt cho người dân được lên đền hành lễ. Mặc dù lực lượng cảnh sát trật tự, cơ động được bố trí dày đặc theo nhiều vòng nhưng do lượng người quá đông nên đã xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy. Các lối dẫn lên đền Hạ, đền Trung trở nên quá tải, nhiều người đã bám vào cây, bò trên những con dốc trơn trượt để mong leo tới được khu đền Thượng thắp hương. Có thời điểm dòng người nhiều đoạn phải chôn chân tại chỗ không thể đi tiếp. Không chịu nổi sức ép vì quá đông, nhiều người đành bỏ cuộc giữa chừng, số khác đặt chân tới đền Hạ phải quay xuống.

Cụ Lê Thị Nghĩa (73 tuổi, ở P.Đông Sơn, Sầm Sơn, Thanh Hóa) cùng người thân trong gia đình dậy từ 3 giờ rưỡi sáng đi bộ gần 2 km mà phải xếp hàng gần nửa cây số mới tới cổng đền. Vốn bị bệnh tim lại chen chân trong biển người đi lễ hơn 2 tiếng đồng hồ nên cụ bị ngạt thở. May mắn, cụ được lực lượng an ninh, bác sĩ cho uống thuốc kịp thời.

Giống như cụ Nghĩa, nhiều người yếu sức bị lả đi trong biển người đi lễ. Để kịp thời phục vụ người dân khi cần trợ giúp, ban tổ chức đã bố trí trạm y tế di động ngay dưới cổng chính dẫn lên đền.

 

Chen lấn, đội giá ở lễ hội đền Hùng 2
Dịch vụ thuê chiếu nở rộ với giá 20.000 đồng/lượt/giờ – Ảnh: Xuân Bùi

 

Dịch vụ chặt chém

Du khách thập phương hành hương về đất Tổ năm nay vẫn không tránh khỏi tình trạng bị ép giá dịch vụ. Ngoài những bãi giữ xe Mui Rùa, bãi gửi ô tô ở sân trung tâm thuộc sự quản lý của Công an tỉnh Phú Thọ và các bãi xe số 1, 2, 5 của Ban quản lý khu di tích có niêm yết công khai giá, các bãi giữ xe tự phát được dịp đội giá, “chặt chém” du khách. Các hộ dân xung quanh khu di tích đền Hùng tận dụng diện tích ít ỏi, trưng biển trông giữ xe với giá 20.000 đồng/xe máy; 100.000 đồng/ô tô. Tại khu vực cổng đền chính, lúc nào cũng có đội quân chụp ảnh thuê, chèo kéo du khách chụp hình với mức giá 30.000 đồng/ảnh. Nhiều người không thỏa thuận giá trước khi trả tiền bị ép phải trả 40.000 đồng/ảnh và phải trả tiền thêm nhiều tấm hình khác. Dịch vụ cho thuê chiếu ngồi ở khuôn viên khu di tích đền Hùng cũng nở rộ với mức giá 20.000 đồng/lượt/tiếng.

Trong sân đền, hàng quán mọc lên chi chít, xả rác bừa bãi và đua nhau “chém đẹp” du khách với mức giá phổ biến 10.000 đồng/chai nước lọc; 15.000 đồng/chai C2… Thậm chí, trong khuôn viên khu di tích xuất hiện cả “sới bạc” sát phạt nhau núp bóng dưới trò chơi giải cờ thế ăn tiền “một ăn gấp đôi”.

Trại văn hóa biến thành “sàn nhảy”

Trong khuôn viên khu di tích lịch sử đền Hùng có 13 trại văn hóa của các huyện, thành thị trên địa bàn tỉnh Phú Thọ dựng lên. Mỗi trại thể hiện nét văn hóa nổi bật của từng địa phương như kiến trúc nhà ở, nét đẹp trong đời sống sinh hoạt của người dân… Tuy nhiên, vào tối 8.4, trại văn hóa của H.Hạ Hòa đã biến thành sàn nhảy với dàn âm thanh cỡ lớn. Nhìn cảnh đông đảo thanh niên quay cuồng trong điệu nhảy bốc lửa, nhiều du khách tỏ ra bức xúc vì đã làm mất đi vẻ tôn kính, trang nghiêm vốn có của khu di tích lịch sử.

Liên quan đến thông tin này, cuối giờ chiều qua, trao đổi qua điện thoại với PV Thanh Niên, ông Hoàng Trung Kiên, Chánh văn phòng Sở VH-TT-DL tỉnh Phú Thọ, cho biết: “Mới nghe thông tin phản ánh, chưa xem hình ảnh báo chí cung cấp nên chưa đưa ra bình luận gì”. Vẫn theo ông Kiên, trong chiều qua, Sở đã gặp lãnh đạo phụ trách trại Hạ Hòa và chỉ đạo phòng, ban kiểm tra vụ việc.

 

Khắp nơi tưởng nhớ các Vua Hùng

Ngày 9.4 (tức 10.3 âm lịch), tại điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, thuộc khu di tích lịch sử đặc biệt quốc gia đền Hùng, tỉnh Phú Thọ đã tổ chức trọng thể lễ giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tưởng nhớ, tri ân công đức tổ tiên đã có công dựng nước, lập nên nhà nước Văn Lang – quốc gia đầu tiên trong lịch sử dân tộc VN. Dự lễ giỗ Tổ có ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam; cùng lãnh đạo ban, bộ, ngành T.Ư, các tỉnh, TP; đông đảo kiều bào, bà con nhân dân.

Cùng ngày, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ VN TP.HCM tổ chức khánh thành văn bia và lễ giỗ Tổ Hùng Vương theo nghi thức cổ truyền tại khu tưởng niệm các vua Hùng, công viên lịch sử – văn hóa dân tộc (P.Long Bình, Q.9), với sự tham dự của bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó chủ tịch nước; ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành, đông đảo người dân. Tại đền thờ các vua Hùng ở Thảo Cầm Viên và công viên Tao Đàn (Q.1) cũng diễn ra lễ dâng hương. Tại khu du lịch văn hóa Suối Tiên (Q.9), ngoài chương trình lễ dâng hương, lễ dâng cúng 4.000 chiếc bánh chưng – bánh dày, lễ rước kiệu “Quốc Tổ Hùng Vương vi hành miền đất tứ linh”, còn diễn ra liên tục nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc khác.

Cũng trong hôm qua, hàng triệu người con đất Việt tại các tỉnh, thành trong cả nước đã thành kính dâng hương tưởng nhớ các vua Hùng.

Đình Phú -  Gia Bình – TTXVN

 

Nguyễn Tuấn – Xuân Bùi