26/11/2024

Tính xấu người Việt: Cần soi gương…

Đã đến lúc phải như thế, tự soi lại mình để gạn đục khơi trong. Những câu chuyện nhức nhối gần đây về nhiều “người Việt xấu xí” lại càng là một thôi thúc để Tuổi Trẻ mở một diễn đàn mổ xẻ những thói hư tật xấu đang từng ngày làm tổn hại những giá trị tốt đẹp của người Việt và nước Việt.

 

Tính xấu người Việt: Cần soi gương…

Đã đến lúc phải như thế, tự soi lại mình để gạn đục khơi trong. Những câu chuyện nhức nhối gần đây về nhiều “người Việt xấu xí” lại càng là một thôi thúc để Tuổi Trẻ mở một diễn đàn mổ xẻ những thói hư tật xấu đang từng ngày làm tổn hại những giá trị tốt đẹp của người Việt và nước Việt.

 

 

Mời bạn đọc tham gia.

Không ngẫu nhiên, một học giả Tây học ở Việt Nam ngay từ đầu thế kỷ 20 là Nguyễn Văn Vĩnh đã rất sốt sắng chủ trương dùng báo chí chữ quốc ngữ để xét soi tật xấu của người Việt mình, nhằm mục đích thúc đẩy phát triển văn hoá văn minh mới cho người Việt, ngay trong lòng chế độ thuộc địa mà thực dân Pháp thiết lập ở Việt Nam.

Cũng không hề ngẫu nhiên, nhà nghiên cứu văn hoá tiền bối Đào Duy Anh từng trăn trở nghĩ suy về việc giải mã sức mạnh mà ông thấy luôn kề cận với những hạn chế/yếu kém của chủ thể nền văn hoá nông nghiệp Việt Nam, là người nông dân.

1. Đào Duy Anh khẳng định trong sách Việt Nam văn hoá sử cương (NXB Quan Hải Tùng Thư, Huế, năm 1938, được tái bản nhiều lần cho đến nay) rằng: “Cái văn hoá của tổ tiên ta đã gây dựng trong hai nghìn năm để sinh trưởng giữa những điều kiện tự nhiên ác liệt ở xứ này, tất phải có sinh khí mạnh mẽ lắm”. Song, Đào Duy Anh cũng nhận rõ đấy là “sinh khí mạnh” của nền văn hoá nông nghiệp Việt, với văn minh lúa nước cổ truyền, vốn là “xã hội bế tỏa, đến khi xã hội ấy gặp tình thế bắt phải khai thông thì nó lộ ngay ra hết mọi nhược điểm. Cái bi kịch hiện thời của dân tộc ta là sự xung đột của những giá trị cổ truyền của văn hoá cũ ấy với những điều mới lạ của văn hoá Tây phương. Cuộc xung đột sẽ giải quyết thế nào, đó là một vấn đề quan hệ đến cuộc sinh tử tồn vong của dân tộc ta vậy”.

Như thế, ở tình thế bị cưỡng đoạt về văn hoá trong cuộc giao lưu đầu tiên với văn hoá phương Tây, những trí thức Việt Nam tiêu biểu đã không ngừng nghiên cứu, cảnh tỉnh về bi kịch mà người Việt vẫn đang phải trằn mình mà giải quyết trong đầu thế kỷ 21 hôm nay.

Cũng theo cách hiểu của cụ Đào, văn hoá Việt Nam chính là hệ thống ứng xử của người nông dân Việt (là chủ yếu) với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội Việt đặc thù. Theo cụ Đào, Việt Nam muốn phát triển trong quan hệ Đông – Tây phức tạp về văn hoá đầu thế kỷ 20 tại Việt Nam, thì phải giải quyết bi kịch trên bằng cách “nhận rõ chân tướng của bi kịch ấy, tức một mặt phải xét lại cho biết nội dung của văn hoá xưa là thế nào, một mặt phải nghiên cứu cho biết chân giá trị của văn hoá mới”.

Trong lịch sử báo chí Việt Nam, có lẽ Nguyễn Văn Vĩnh là nhà báo đầu tiên thấm thía và sốt sắng với việc giải quyết cái bi kịch này của sự phát triển, ngay trong tình huống ngặt nghèo của Việt Nam thuộc địa, với nền tảng văn hoá nông nghiệp truyền thống, phải đối mặt với rất nhiều thói hư tật xấu xưa cũ của nông dân Việt, đang ngáng trở sự phát triển của “văn hoá mới” theo mô hình phương Tây, khi đã buộc phải hiện diện ở Việt Nam.

Cho đến cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, nhiều nhà nghiên cứu văn hoá Việt Nam vẫn tha thiết tiếp nối nghiên cứu vấn đề này, đặc biệt là đặt vấn đề này trở lại trên báo chí truyền thông, khi muốn nhận diện lần nữa một cách thẳng thắn về ưu, nhược điểm, nhất là những tật xấu của chính người Việt mình, nhằm loại bỏ chúng càng nhanh, càng sớm càng tốt cho xã hội Việt Nam hiện đại phát triển. Hai cố giáo sư Trần Quốc Vượng và Cao Xuân Hạo từng bày tỏ sự tha thiết nghiên cứu, cũng trên tinh thần tự soi gương, xem xét cái “xấu xí” của người Việt nhằm gạn đục khơi trong, nhằm bỏ lại thói xấu của người Việt trên đường phát triển. Tiếc rằng hai giáo sư đã mất trước khi các cuốn sách trên tinh thần phản tỉnh ấy ra đời…

2. Nhìn từ ứng xử văn hoá của người Việt hôm nay, phải thấy rõ và xót xa về một sự thật: ứng xử văn hoá với môi trường tự nhiên trong cái ăn, cái mặc, cái đi lại, cái ở (bốn khu vực căn cơ, tạo lập giá trị văn hoá vật chất cho sự phát triển của người Việt hôm nay) đã và đang hiện diện nhiều thách thức về thói xấu cần từ bỏ. Rồi cách ứng xử văn hoá với môi trường xã hội Việt hiện đại – bắt đầu từ ứng xử nội bộ gia đình đến quan hệ xã hội, từ xã hội trong nước Việt mình đến xã hội của nước người (Việt Nam có vài triệu người gốc Việt định cư ở nước ngoài) đều nảy sinh vấn đề phải cấp bách rút kinh nghiệm sửa đổi, chí ít là điều chỉnh.

Như thế, mật độ lỗi văn hoá trong ứng xử của người Việt hôm nay đang thành vấn nạn, bởi sự dày đặc đáng lo ngại của nó đang được thông tin hằng ngày trên báo chí truyền thông. Lẽ nào truyền thông thế kỷ 21 lại bó tay, không góp phần phê phán chủ yếu để đẩy lùi những tật xấu ấy ra khỏi đời sống hiện đại của người Việt? Vẻ đẹp thông tin có giá trị nhất của tác phẩm báo chí truyền thông hôm nay phải chăng chính là vẻ đẹp của tinh thần phản biện xã hội, nhằm giúp công chúng truyền thông phản tỉnh với thói hư tật xấu, khơi thông dòng chảy lành mạnh cho sự phát triển xã hội Việt? Nếu không có vẻ đẹp tích cực ấy từ báo chí truyền thông, công chúng truyền thông Việt biết trông cậy vào đâu để “soi gương”?

Cuối bài viết, tôi bỗng nhớ câu thơ tình Nguyễn Đình Thi đã đậu yên trong ký ức, nay trỗi dậy: Đôi ta yêu nhau như hai tấm gương soi vào trong nhau. Mỗi vết bùn ta mang trên mặt, trong mắt người yêu biến thành nước mắt… Có khi việc từ bỏ thói hư tật xấu của người Việt lại phải/được tiếp tục bằng chính tình yêu đối với cái đẹp trong tính cách người Việt, vốn là dân tộc phát triển trên căn tính nông dân của chính mình, với mạnh yếu đặc trưng.

NGUYỄN THỊ MINH THÁI

Xét tật mình

Cũng với tên gọi này, cũng dùng đúng cách mà học giả Nguyễn Văn Vĩnh đã soi xét từ đầu thế kỷ 20, năm 1999 Tuổi Trẻ đã có một bàn tròn “Xét tật mình” với sự tham gia của nhiều nhà văn hoá, nhà giáo dục.

Như một sự tự vấn trước thềm thế kỷ mới, trước thiên niên kỷ mới, nhiều thói hư tật xấu, nhiều khuyết nhược trong tính cách của người Việt mình đã được mổ xẻ với không ít lo âu.

Nhà văn Sơn Nam, năm 1999 ấy, nói về sự thất tín, tính tham vặt. Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh nói về thói đạo đức giả, thói vô trách nhiệm.

Giáo sư, tiến sĩ Dương Thiệu Tống đau đáu với vấn nạn của sự thiếu hợp tác.

Giáo sư Nguyễn Chung Tú lại lo lắng về sự thiếu hụt đạo đức: “Người VN thừa trí tuệ. Người VN cũng rất khéo tay. Nhưng nhiều người VN ngày nay không coi đạo đức là điều kiện tiên quyết của cuộc sống. Tham nhũng bắt nguồn từ đó”…

15 năm đã trôi qua, trên cái bàn tròn ngày ấy đã người còn người mất, chỉ những thói tật cũ – mới thì vẫn còn nguyên ở đó, trầm trọng hơn và gây hậu quả nhiều hơn. Những tổn thất, những trì trệ, những “tiếng dữ đồn xa” cũng lan truyền mạnh mẽ hơn.

Vậy thì, một lần nữa chúng ta lại phải cùng ngồi lại, thử nhìn ra xung quanh, nhìn vào chính bản thân mình, làm một cuộc tự vấn vì chính dân tộc mình, hôm nay và ngày mai. Lại “xét tật mình” chân thành và nghiêm khắc…

T.N.