Viêm xoang không mơ hồ
Với nhiều người, viêm xoang là bệnh gì đó khá nghiêm trọng, thế nhưng khi hỏi kỹ thì cách nhận định về viêm xoang của họ đều khá mơ hồ, đôi khi khá xa thực tế!
Viêm xoang không mơ hồ
BS Phan Quốc Bảo nội soi xoang mũi cho bệnh nhân Ảnh: Thanh Đạm
Một số kiến thức tổng quát sau đây sẽ giúp có cái nhìn xác thực hơn về căn bệnh khiến khoảng 37 triệu người Mỹ, 15-18 triệu người Việt đi khám và điều trị viêm xoang hằng năm.
Viêm xoang là gì?
Xoang là các hốc rỗng nằm trong khối xương sọ – mặt, được lót bởi một lớp mô mềm gọi là niêm mạc, bình thường thì sạch và chứa đầy không khí. Tình trạng các hốc này bị bít tắc và chứa dịch hay mủ thay vì không khí, lớp niêm mạc bị viêm nhiễm gọi là viêm xoang (hay viêm mũi xoang, theo thuật ngữ y học mới).
Tùy theo thời gian mắc phải, viêm xoang được phân loại như sau:
– Viêm xoang cấp: các triệu chứng giống như cảm lạnh (sổ mũi, nghẹt mũi, đau nhức vùng mặt) xuất hiện đột ngột và không khỏi sau 10-14 ngày, nhưng cũng không kéo dài quá bốn tuần.
– Viêm xoang bán cấp: thời gian mắc bệnh từ 4-8 tuần.
– Viêm xoang mãn tính: các triệu chứng viêm xoang tồn tại trên tám tuần.
– Viêm xoang tái diễn: bị nhiều đợt viêm xoang trong cùng một năm.
Ai dễ bị viêm xoang?
Những ai có các tình trạng sau dễ bị hẹp hoặc tắc mũi, do đó nguy cơ bị viêm xoang sẽ cao hơn người bình thường:
– Bất thường về cơ thể học: như vẹo vách ngăn mũi hoặc phì đại cuốn mũi (những khối niêm mạc mềm trong hốc mũi – sưởi ấm và điều tiết không khí ta hít vào).
– Bất lợi từ cuộc sống: khi mang thai (nghẹt mũi do hiện tượng ứ huyết sinh lý), làm việc thường xuyên với số đông trẻ em (dễ bị lây cảm cúm từ các bé), hút thuốc nhiều…
– Nguyên nhân viêm nhiễm: liên quan đến tăng cơ hội nhiễm vi khuẩn, siêu vi, hoặc nhiễm nấm như tình trạng dị ứng và polyp mũi.
– Các rối loạn di truyền như bệnh xơ nang (cystic fibrosis).
– Các khối u trong mũi và xoang: chúng gây tắc nghẽn các đường dẫn lưu tự nhiên của xoang.
Khi nào có nguy cơ viêm xoang?
Viêm xoang không đột nhiên xuất hiện, mà thường sẽ tiến triển sau một đợt bị cảm cúm hoặc viêm mũi dị ứng nặng và kéo dài. Triệu chứng mà nhiều người hay than phiền nhất là đau tức vùng trán và/hoặc gò má kèm theo một số triệu chứng khác như:
– Chảy mũi vàng xanh, đặc.
– Chảy dịch từ mũi xuống họng.
– Ho, hơi thở hôi.
– Nghẹt mũi, giảm khứu giác.
– Đau răng hàm trên.
Ngoài ra, viêm xoang cấp còn có thể kèm theo sốt. Một số trường hợp bệnh nặng nề hơn với triệu chứng sưng tấy đỏ quanh ổ mắt hoặc ở gò má.
Nghi bị viêm xoang, nên làm gì?
Lời khuyên tốt nhất là cần được khám bởi bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng. Họ sẽ hỏi một cách hệ thống về các cảm giác và dấu hiệu mà bạn thấy được, sẽ quan sát cũng như ấn tìm các điểm đau đặc trưng trên mặt hoặc răng để định hướng chẩn đoán, sau đó có thể dùng ống nội soi để quan sát bên trong mũi bạn. Trong một số trường hợp cần thiết, bạn có thể được cho chụp CT scan hoặc cấy dịch mủ trong mũi xoang để xác định chẩn đoán rõ ràng và chi tiết hơn.
Điều trị như thế nào?
Khi đã được xác định bị viêm xoang, dù là cấp hay mãn tính, bạn sẽ được bác sĩ tai mũi họng kê toa thuốc phù hợp với thể trạng và tình trạng bệnh. Bạn cũng có thể được cho làm các thủ thuật để hỗ trợ việc điều trị bằng thuốc hiệu quả hơn như hút rửa mũi xoang và xông mũi. Phẫu thuật xoang chỉ được đề nghị nếu các phương pháp điều trị nói trên không có hiệu quả, và lúc này phẫu thuật có thể là cách tốt nhất để điều trị bệnh viêm xoang. Với sự phát triển của kỹ thuật nội soi mũi xoang, việc phẫu thuật xoang trở nên khá nhẹ nhàng, hiệu quả và ít gây tai biến hơn các kỹ thuật mổ kiểu cũ.
13 nguyên nhân giấu mặt của bệnh viêm xoang 1. Siêu vi: đa số trường hợp viêm xoang xảy ra sau một đợt cảm cúm do nhiễm siêu vi (gây phù nề và tắc các đường dẫn lưu tự nhiên của xoang). 2. Dị ứng: làm niêm mạc mũi viêm nề gây tắc nghẽn và hạn chế dẫn lưu mũi xoang. 3. Vi khuẩn: nếu cảm lạnh không được giải quyết trong 10-15 ngày thì các vi khuẩn sẽ có cơ hội gây bội nhiễm và đưa đến viêm mũi xoang. 4. Polyp: là những khối u mềm và lành tính phát triển trong mũi hoặc xoang, thường gặp ở người bị viêm mũi dị ứng mãn tính. Chúng làm tắc nghẽn và cản trở lưu thông chất nhầy trong xoang, từ đó gây nhức đầu, mất mùi và sau đó là viêm xoang. 5. Ô nhiễm: các tác nhân ô nhiễm và gây dị ứng trong không khí như bụi, khói, các mùi hôi hoặc ngay cả mùi thơm mạnh có thể gây ho, ngứa mũi và do đó sẽ tăng nguy cơ viêm xoang. 6. Hoạt động bơi, lặn: chất sát trùng chlorine trong nước hồ bơi có thể gây kích thích niêm mạc mũi xoang, hoặc áp lực nước sẽ có thể đẩy nước vào trong mũi xoang (nhất là khi lặn) gây kích thích và viêm niêm mạc. 7. Đi máy bay: sự thay đổi áp suất không khí khi máy bay cất – hạ cánh có thể gây tắc nghẽn lưu thông không khí trong xoang (cũng như trong tai). Do vậy, người thường xuyên di chuyển bằng máy bay sẽ có nguy cơ viêm xoang cao hơn. 8. Nấm: không phải là nguyên nhân gây viêm xoang thường gặp, thường chúng xuất hiện ở bệnh nhân có hệ miễn dịch bị suy yếu hoặc tổn thương. 9. Lạm dụng các thuốc xịt chống nghẹt mũi: sử dụng các thuốc này kéo dài sẽ gây tình trạng lệ thuộc thuốc, giảm tác dụng và thậm chí còn phản ứng ngược gây nghẹt nhiều hơn, từ đó gây tăng nguy cơ viêm xoang. Do đó không nên sử dụng các thuốc này quá năm ngày! 10. Hút thuốc: khói thuốc có thể gây kích thích và viêm niêm mạc mũi xoang. 11. Thiếu nước hoặc không khí khô quá: nếu cơ thể thiếu nước kéo dài hoặc không khí quá khô sẽ làm niêm mạc mũi xoang cũng thiếu nước và dày lên, làm hại cho hoạt động bình thường của niêm mạc xoang. 12. Bất thường về cơ thể học: vẹo vách ngăn mũi hoặc quá phát các cuống mũi gây chít hẹp các lỗ thông xoang, cản trở sự dẫn lưu dịch nhầy trong xoang ra ngoài. 13. Các bệnh lý mãn tính khác: bệnh xơ nang (cystic fibrosis) làm các chất nhầy trong mũi xoang keo đặc và khó dẫn lưu ra ngoài hơn (do vậy dễ bị ứ đọng và nhiễm khuẩn), hoặc hệ miễn dịch suy yếu làm cơ thể giảm khả năng tiêu diệt các mầm bệnh có khả năng gây viêm mũi xoang. |
BS PHAN QUỐC BẢO
(Cơ sở 2, BV ĐH Y dược TP.HCM)